Thu giữ hàng nghìn hộp mỹ phẩm, thực phẩm chức năng "mập mờ" nguồn gốc
Tiến hành kiểm tra một kho hàng nằm trên đường 30, phường Tân Phong (quận 7) lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn mỹ phẩm và hơn 10.000 đơn vị sản phẩm các loại của hàng chục thương hiệu khác nhau “mập mờ” về nguồn gốc.
Ngày 14/1, Đội CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 7 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã ập vào kiểm tra kho hàng nằm trên đường 30, phường Tân Phong. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng nhiều hàng hóa là thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm không rõ nguồn gốc. Đại diện lô hàng không đưa ra được hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Thống kê ban đầu cho thấy, cảnh sát kinh tế đã giữ hơn 10.000 đơn vị sản phẩm các loại của hàng chục thương hiệu khác nhau, có nguồn gốc không rõ ràng. Được biết, đường dây buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng này hoạt động khoảng 5 tháng nay. Thời điểm kiểm tra, chủ hàng không có mặt nên lực lượng chức năng chưa thể tiến hành làm việc.
Hiện toàn bộ số hàng “mập mờ” về nguồn gốc này đã bị cảnh sát kinh tế niêm phong, tạm giữ chờ làm rõ.
-------------------------
Đã tháo gỡ được tình trạng ùn tắc xe chở gỗ tại cửa khẩu Lao Bảo
Ngày 15/1, ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo cho biết, tình trạng ách tắc xe chở gỗ nhập khẩu từ Lào về Việt Nam, qua cửa khẩu này đã được giảm thiểu.
Ông Dũng cho hay, sau khi nhận được Công văn số 357 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn các thủ tục Hải quan, nhằm giải quyết một số nội dung vướng mắc trong công văn 19128 đã ban hành trước đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại đây đã nhanh chóng thực hiện thông quan đối với nhiều xe gỗ bị dồn ứ. Do vậy, đã hạn chế được tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Lao Bảo trong những ngày qua.
Theo công văn số 357, thì việc kiểm tra 100% đối với lô gỗ được thực hiện trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại, hay buôn lậu
Theo nội dung công văn số 357, Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện việc chuyển luồng để kiểm tra thực tế 100% hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại, buôn lậu đối với lô hàng nhập khẩu. Đối với các lô hàng gỗ theo loại hình nhập kinh doanh, việc phân luồng tờ khai nhập khẩu thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro như quy định hiện hành.
Trường hợp doanh nghiệp tái xuất hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu sang nước thứ ba thì cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế 100% các lô hàng gỗ để thực hiện việc đối chiếu mô tả hàng hóa trên tờ khai nhập khẩu với thực tế hàng hóa tái xuất.
Trước đó, do vấn đề thủ tục còn vướng mắc nên xảy ra tình trạng các xe chở gỗ nhập khẩu vào Việt Nam bị ùn tắc trong những ngày qua tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) và Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, Quảng Trị).
Theo ông Dũng, dù “vướng mắc” về mặt thủ tục đã được tháo gỡ nhưng các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc sang tải, hạ tải theo quy định trước khi được thông quan.
-------------------------
Đình chỉ vụ án ông Nguyễn Hữu Khai
Ngày 15/1, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã đình chỉ vụ án của ông Nguyễn Hữu Khai (SN 1952) - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (Bảo Long - Sơn Tây, Hà Nội).
Lý do đình chỉ vụ án vì ông Khai đã rút đơn kháng cáo. Như vậy bản án sơ thẩm ngày 22.4.2014, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Khai 3 năm tù về tội Sử dụng trái phép tài sản có hiệu lực pháp luật.
Bản án sơ thẩm cho rằng: Vào tháng 3 và 4/2011, ông Nguyễn Hữu Khai với tư cách là đại diện của Bảo Long đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Bảo Sơn) nhận số tiền 10 tỷ đồng từ Bảo Sơn để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất trong thời hạn 1 năm. Sau đó, ông Khai không sử dụng số tiền này để mua nguyên vật liệu mà lại dùng để trả các khoản nợ cũ, và không trả lãi cho Bảo Sơn từ tháng 6.2011. Khi hết thời hạn hợp đồng, ông Khai không trả được cả tiền gốc và lãi cho Bảo Sơn, tổng cộng lên tới hơn 12,5 tỷ đồng.
Ông Khai bị bắt tạm giam từ tháng 6.2013, đến nay đã được hơn một năm rưỡi.