“Với Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng trăm văn bản chỉ đạo. Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết…” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại bài học về hiệu quả, hiệu lực hoạt động điều hành của Chính phủ.
Sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo về nhiệm vụ tham mưu tổng hợp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm, văn phòng đã tiếp tục cải tiến, đổi mới công tác, tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách (trọng tâm là các dự án luật, pháp lệnh thực thi Hiến pháp).
Năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, tham mưu tổng hợp trình 29 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án lớn, phức tạp; ban hành 42/48 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đạt 88%. Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản (năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17 và năm 2014 chỉ còn nợ 6 văn bản, trong đó không có văn bản nào thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng phải nợ lại).
Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận, xử lý hơn 95.000 văn bản trong năm, tổng hợp trình lãnh đạo Chính phủ hơn 14.600 công việc cần giải quyết; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 24.300 văn bản. Hầu hết các ý kiến đề xuất độc lập của Văn phòng đã được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận.
Tuy vậy, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ vẫn xác nhận nhiều hạn chế trong năm 2014. Một số đề án trong chương trình công tác được chỉ rõ là chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn còn chậm. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tham mưu xử lý, chỉ đạo giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm đôi khi chưa kịp thời; chưa có nhiều thông tin phân tích sâu sắc để chủ động định hướng dư luận hoặc phản bác thông tin sai trái.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế tồn tại đó là do chủ quan, ý thức trách nhiệm của một sốc án bộ, đảng viên, công chức chưa cao. Một số cấp uỷ Đảng chưa có biện pháp hữu hiệu nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên, chưa coi trọng công tác giám sát.
Việc đôn đốc, giám sát thực hiện chương trình công tác trong một số trường hợp cũng còn thiếu quyết liệt. Chia sẻ thông tin trong phối hợp thẩm tra các đề án còn hạn chế chưa phát huy được trí tuệ tập thể.
Góp ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Vũ Thiện Vương trả lời câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra 1 năm trước: ai là người giúp Thủ tướng tổng hợp, theo dõi, đốc thúc, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Ông Vương khẳng định, Văn phòng Chính phủ đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn hẳn, trong năm 2014.
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã giao cho một Phó Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách, đốc thúc triển khai các văn bản, chỉ đạo xuống từng đơn vị, theo dõi và báo cáo, cập nhật việc thực hiện hàng tuần.
“Năm ngoái Thủ tướng hỏi, chúng tôi còn băn khoăn nhưng giờ, nếu được yêu cầu, sau 5 phút, chúng tôi có thể báo cáo ngay là bộ nào, cơ quan nào còn “nợ” thực hiện bao nhiêu văn bản, nợ quá hạn bao nhiêu ngày. Hàng tuần chúng tôi đều tổng hợp lại số liệu để thúc xuống, các bộ ngành còn nợ không thể “cãi” được” – ông Vương khẳng định.
Đối chiếu với việc thực hiện nhiệm vụ này thời gian trước, ông Vương so sánh, vụ Vinashin xảy ra, rà soát lại mới thấy trong 1 năm trước đó, Chính phủ đã có 187 văn bản, quyết định nhắc nhở, chỉ đạo đối với tập đoàn này mà không có hồi âm, báo cáo kết quả thực hiện. Nếu chỉ 1/3 số văn bản này được thực hiện thì đã không có hệ quả đáng tiếc như đã xảy ra.
Vụ trưởng Vụ pháp luật Phạm Tuấn Khải cũng nhắc một trăn trở của Thủ tướng về vấn đề nhân sự, con người trong bộ máy của Văn phòng Chính phủ khi ý kiến, hoạt động tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng vẫn có nhiều e dè, chưa phát huy được hết tinh thần chủ động, sáng tạo. Ông Khải cho rằng, đây là một nghịch lý khi các chuyên viên của Văn phòng đều được tuyển chọn từ các bộ, ngành đưa về, đáng ra việc nắm thông tin, tình hình và tham mưu trong mỗi lĩnh vực theo dõi đều phải rất tốt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ băn khoăn của các các bộ. Nhắc lại việc hàng trăm văn bản chỉ đạo Vinashin trước đây “mất hút” như đá ném ao bèo, Thủ tướng chỉ rõ: “Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết, làm trái cũng không có đề xuất xử lý gì. Cuối cùng, là Thủ tướng, tôi đành chịu, phải nhận trách nhiệm… Cần rút kinh nghiệm từ việc này, chúng ta ban hành văn bản rồi thì phải nắm được chỉ đạo đó được thực hiện đến đâu”. Thủ tướng nêu yêu cầu, mỗi chuyên viên của Văn phòng Chính phủ soạn, trình văn bản nào phải theo dõi, đôn đốc luôn việc thực hiện yêu cầu, chỉ đạo. Chính việc này thể hiện hiệu lực, hiệu quả của công tác điều hành.
Thủ tướng nhắc ngay việc hiện tại, vừa qua làm việc, Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan đã cam kết giảm thủ tục, cắt giảm giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan xuống hơn 200 giờ nhưng đó mới chỉ là kết quả giảm trên giấy, thực tế triển khai như nào, Văn phòng Chính phủ phải kiểm soát, nắm thông tin thay cho Thủ tướng xem doanh nghiệp phải mất bao nhiêu ngày làm việc này.
Thủ tướng cũng ghi nhận hướng tiến bộ tích cực của Văn phòng trong năm 2014 qua nhiều việc chủ động tham mưu như vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng khiến 12 công nhân mắc kẹt, những vướng mắc trong quản lý người nghiện… để Chính phủ có hướng chỉ đạo kịp thời.
Thủ tướng lưu ý thời gian chuẩn bị có các sự kiện lớn của đất nước tới đây, những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Văn phòng Chính phủ phải chủ động nắm bắt, phải tổng hợp, tham mưu để để xuất Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ phận thông tin phản hồi. Thủ tướng nhắc chủ động nắm bắt dư luận trên các mạng xã hội, triển khai tuyên truyền, đấu tranh bằng lý lẽ ngay trên “mặt trận” này để người dân thấy nhà nước vẫn luôn hiện diện, song hành.
----------------------------
Phi công “nhầm” mã báo động khủng bố: Phạt 3 triệu đồng
Liên quan đến chuyến bay VN 1266 của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn nguy ở Nội Bài tối 16/12/2014, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng đối với phi công người CH Sec do đặt “nhầm” mã báo động khủng bố.
Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Thắng, cơ trưởng Pechanec Marek (45 tuổi) điều hành chuyến bay VN 1266 đã không thực hiện đúng quy trình nhiệm vụ công việc nên đã làm ảnh hưởng đế hoạt động hàng không dân dụng.
Cụ thể, chiều tối ngày 16/12/2014, chuyến bay VN 1266 đang hành trình từ TPHCM đi Vinh thì xuất hiện “cảnh báo áp suất cabin”. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tình huống, cơ trưởng Pechanec Marek (quốc tịch CH Séc) đã 2 lần để chuyến bay xuất hiện "cảnh báo tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp (HIJ)" do đặt nhầm mã A7500.
“Thời gian xuất hiện cảnh báo bị can thiệp bất hợp pháp lần 1 là khoảng 16 giây và lần thứ 2 là 55 giây” - ông Nguyễn Trọng Thắng cho biết.
Kết quả phân tích hộp đen và giải mãi ghi âm buồng lái không phát hiện yếu tố khủng bố mà là sự cố kỹ thuật do áp suất trong khoang máy bay giảm đột ngột và mặt nạ dưỡng khí tự động bung ra. Với tình huống này, theo quy trình phi công phải bấm mã sự cố kỹ thuật khẩn nguy thì lại đặt nhầm mã báo động khẩn nguy khủng bố. Hệ thống đã ghi nhận mã báo động này được cài đặt trong hơn 1 phút.
Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, hành vi vi phạm của cơ trưởng Pechanec Marek được quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 15 trong Nghị định 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, do phi công Pechanec Marek đã tự nguyện báo cáo sự cố, vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ấn nhầm mã trong quá trình xử lý tình huống khẩn nguy nên Thanh tra Cục Hàng không đã xem xét tình tiết giảm nhẹ cho viên phi công này.
Ngày 14/1, Chánh Tranh tra Cục Hàng không Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Thắng - đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phi công Pechanec Marek là 3 triệu đồng và không áp dụng hình thức phạt bổ sung.
Như Dân trí đã thông tin, chuyến bay VN1266 của Vietnam Airlines tối 16/12 cất cánh từ TPHCM đi Vinh nhưng đã phải xin chuyển hướng hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tại sân bay Nội Bài, khi máy bay hạ cánh, tất cả các phương án khẩn nguy đã được triển khai, công tác an ninh được thắt chặt. Tổ lái VN1266 đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai phương án khẩn nguy an ninh trong trường hợp có báo động khủng bố và được phát đi từ một chuyến bay cụ thể trên vùng trời đang khai thác.
Trong hàng không, bất kỳ sự việc hay sự cố nào xảy ra cũng có thể uy hiếp đến an ninh an toàn, vì vậy việc xử lý tình huống của phi công là vô cùng quan trọng. Với chuyến bay VN 1266, sự cố kỹ thuật được xem là nghiêm trọng nhưng việc xử lý tình huống của phi công lại xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.
Được biết, hiện Cục Hàng không đã có kết luận điều tra về sự cố nhưng những thông tin cụ thể chưa được tiết lộ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hồ sơ và kết luận điều tra đã được chuyển sang Bộ Công an.
------------------------
Lắp đặt thành công cột thu phát sóng BTS trên “nóc nhà Việt Nam”
Sau một thời gian thi công trong điều kiện mưa tuyết lạnh dưới âm độ C, ngày 14/1, Công ty viễn thông tỉnh Lào Cai (thuộc Tập đoàn Viễn thông Việt Nam) đã lắp đặt thành công trạm thu phát sóng BTS trên độ cao 3.045 mét.
Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ Mai Lương Thuấn, Giám đốc Công ty viễn thông tỉnh Lào Cai, cho biết, vị trí lắp đặt trạm gần đỉnh Fansipan - “nóc nhà Việt Nam” - cao 3.143 mét.
Đây là trạm thu phát sóng BTS được xây dựng ở độ cao cao nhất của ngành bưu chính - viễn thông Việt Nam.
Hiện nay các cán bộ kỹ thuật của Công ty viễn thông tỉnh Lào Cai đang tiếp tục theo dõi các thông số kỹ thuật của trạm, qua đó điều chỉnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa chính thức vào hoạt động.
Trạm BTS này khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ cho nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc của khách du lịch trong và ngoài nước khi tham gia chinh phục, tham quan đỉnh Fansipan; đồng thời thiết thực phục vụ công tác bảo vệ rừng địa phương, nhất là công tác chỉ đạo phòng chống cháy rừng tự nhiên trong vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa).
------------------------
Chủ tịch nước thăm các mô hình nông nghiệp hiện đại ở Hà Nam
Ngày 14/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại ở tỉnh Hà Nam.
Chủ tịch nước đã tới thăm cánh đồng an toàn xuất khẩu theo công nghệ Nhật Bản tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý; thăm mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân; dự án ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao với quy mô 100ha tại xã Nhân Khang, Lý Nhân, do Công ty cổ phần An Phú Nhân và Công ty HBC International (Nhật Bản) phối hợp thực hiện.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương liên kết sản xuất trồng trọt chăn nuôi, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, nhiều địa phương tại Hà Nam đã đạt tổng thu từ 168 triệu đồng/ha rau màu. Các sản phẩm khoai lang, đậu tương rau, bí đỏ... của Hà Nam xuất khẩu thử nghiệm sang Nhật Bản được thị trường tiếp nhận.
Năm 2015, tỉnh Hà Nam phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,2%; sản lượng lương thực đạt 433.000 tấn; lợn hơi đạt 75.275 tấn; đẩy mạnh đề án phát triển cây trồng hàng hóa, đặc biệt là các mô hình liên kết, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông có giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến cuối năm 2015, tổng đàn bò sữa trên địa bàn đạt 3.000 con.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Chủ tịch nước đánh giá cao những bước triển khai thực tế tại địa phương, cụ thể hóa các chương trình hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Nhật Bản và Việt Nam theo thỏa thuận cấp cao; bước đầu mang lại thu nhập khá cho nông dân; nâng giá trị trên diện tích canh tác, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ vệ sinh môi trường, thay đổi diện mạo nông thôn.
Chủ tịch nước lưu ý chỉ trong một vài năm nữa, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết với khu vực ASEAN và thế giới về thương mại tự do, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và riêng với ngành nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhưng thách thức cạnh tranh cũng không nhỏ. Bởi vậy, Hà Nam và một số địa phương trên cả nước cần có chính sách nông nghiệp hiệu quả hơn nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân.
Ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch nước đề nghị Hà Nam tiếp tục phát huy những lợi thế về tiềm năng thổ nhưỡng, khí hậu, vị trí cận kề thị trường Thủ đô để phát huy thế mạnh nông nghiệp sạch, năng suất cao; khuyến khích các mô hình mở rộng quy mô và diện tích; hỗ trợ các địa phương khác có điều kiện tương tự học hỏi, tham khảo kinh nghiệm.
-------------------------