Để tôm sú đông lạnh có màu tươi như còn sống, các cơ sở kinh doanh thủy sản ngấm ngầm bơm tạp chất Agar (bột rau câu) vào mình tôm để tăng trọng lượng, đẹp mẫu mã.
Khuya 24/1, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường… kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh thủy sản trong tổ 68 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, bắt quả tang các nhân viên làm việc tại đây có hành vi bơm tạp chất Agar (bột rau câu) vào thân tôm sú đông lạnh, nhằm tăng trọng lượng, làm tôm tươi, đẹp hơn.
Tại cơ ở kinh doanh thủy sản trong ngách 2, tổ 68 phường Tương Mai, do Nguyễn Văn Cửu (33 tuổi, quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ, nhà chức trách phát hiện 4 nhân viên đang dùng kim tiêm bơm bột Agar vào thân con tôm đông lạnh.
Cũng trong con ngách này, ở cơ sở do Nguyễn Văn Liệu (43 tuổi, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) làm chủ, lực lượng công an bắt quả tang 2 nhân viên đang bơm tạp chất cùng loại vào thâm tôm sú.
Theo lực lượng chức năng, việc bơm tạp chất bột rau câu vào tôm có thể giúp các cơ sở này "ăn gian" trọng lượng từ 15%-20% so với mỗi kg tôm thông thường. Họ có thể thu lãi thêm khoảng 80.000 đồng/kg tôm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 160 kg tôm sú đông lạnh đã được bơm bột Agar chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Cảnh sát thu giữ nhiều bột Agar đưa đi phân tích nhằm xác định mức độ nguy hại của sản phẩm với người tiêu dùng, từ đó có căn cứ xử lý.
Cuộc chiến chống nạn buôn bán phụ nữ ở miền Tây Nghệ An ngày càng khó khăn, cam go. Trong khi các nạn nhân nhẹ dạ, cả tin thì các đối tượng buôn người lại thừa mưu mẹo và thủ đoạn. Đau lòng hơn là nhiều kẻ buôn người đã từng là nạn nhân của chính nạn buôn người.
Phang Thị Chiếng (SN 1990, trú tại xã Xiêng My, Tương Dương, Nghệ An) bị lừa bán sang Trung Quốc khi chưa đầy 20 tuổi. Tại đây, Chiếng được gả bán làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc. Khi biết người chồng hiện tại đã mua mình với một số tiền lớn, Chiếng đã kịp hình thành một cách làm giàu mới – bằng chính những cô gái đồng hương nơi quê nhà.
Năm 2013, Chiếng được người chồng cho phép về thăm nhà. Đặt chân về quê hương sau mấy năm lưu lạc, Phang Thị Chiếng bàn với 2 người chị của mình tìm cách dụ dỗ các cô gái để bán sang Trung Quốc. Cứ mỗi người đồng ý đi, Chiếng sẽ trả công cho 2 chị mỗi người 5 triệu đồng.
Được 2 người chị của mình giúp sức, Chiếng đã dụ dỗ được 3 cô gái ở xã Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An) đồng ý sang Trung Quốc. Thực ra, Chiếng cũng chẳng mất mấy công sức khi đã vẽ ra một tương lai xán lạn với công việc nhẹ nhàng nhưng có mức lương mơ ước lên tới vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng cũng thật may mắn cho 3 nạn nhân, khi được các đối tượng đưa đến địa phận phường Quán Bàu (TP Vinh, Nghệ An) thì bị lực lượng chức năng tỉnh này bắt giữ.
Cũng giống như Chiếng, Lô Thị Hợi (SN 1995, trú tại xã Yên Hòa, Tương Dương, Nghệ An) và Vi Thị Pồn (SN 1988, trú tại xã Xiêng My, Tương Dương) cũng là nạn nhân của một vụ án buôn người. Năm 2014, Vi Thị Pồn bị một người phụ nữ trú tại xã Yên Hòa (Tương Dương) lừa bán sang Trung Quốc. Cũng trong năm này, Lô Thị Hội cũng bị lừa bán làm vợ một người đàn ông bên này.
Trong thời gian ở Trung Quốc, cả Hợi và Pồn đã học được nhiều mánh khóe cũng như quen biết với một số đối tượng hành nghề buôn bán phụ nữ. Sau khi trốn thoát khỏi nhà chồng, cả hai tìm đường về quê. Thay vì vui mừng với niềm vui tự do thì Hợi và Pồn lại “hợp tác” với nhau để lừa bán những người nhẹ dạ, cả tin khác.
Thủ đoạn của cặp đôi này cũng không phải là quá mới mẻ nhưng vẫn đánh lừa được nhiều phụ nữ nơi miền quê heo hút này. Khi Lô Thị Hợi và Vi Thị Pồn đang đón xe đưa 4 cô gái Bùi Thị T. (SN 1979), Lang Thị H. (SN 1988), Hà Thị Y. (SN 1994) và Lô Thị N. (SN 1986), đều trú huyện Tương Dương đi ra Bắc để bán sang Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An bắt giữ.
Cơ quan điều tra làm rõ, Pồn và Hợi đã đưa nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán. Cứ mỗi nạn nhân đưa được sang Trung Quốc, Pồn và Hợi sẽ được trả từ 180 – 240 triệu đồng. Các nạn nhân của Pồn và Hợi sau khi sang Trung Quốc sẽ được bán làm vợ hoặc vào các động mai dâm.
Vi Thị Viên (SN 1966, trú xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) cũng không chiến thắng nổi lòng tham nên từ một nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ đã lừa bán 5 người khác sang Trung Quốc. Năm 2002, khi đã gần 40 tuổi, Viên bị một người phụ nữ dụ dỗ và bán vào một động mại dâm ở Trung Quốc. Cuộc sống cay đắng, tủi cực nơi địa ngục trần thế và cuộc đấu tranh sinh tồn đã biến một người phụ nữ nhẹ dạ thành một kẻ thủ đoạn và hám tiền.
Sau 6 năm làm nô lệ tình dục, Vi Thị Viên tìm cách bỏ trốn thành công. 6 năm trời đằng đẵng, người chồng của Viên đã không đủ kiên nhẫn của đi tìm vợ. Chán nản, nghèo khổ, chồng Viên tìm đến rượu để giải sầu và “chìm” trong hơi men suốt ngày. Trong cơn túng quẫn, Viên đã tìm cách liên lạc với một số người quen bên Trung Quốc, thiết lập một đường dây mua bán phụ nữ.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ năm 2009 đến năm 2014, Vi Thị Viên đã lừa bán 5 phụ nữ cùng quê sang Trung Quốc. Các nạn nhân của Viên đều bị bán vào các động mại dâm và phải chịu sự đọa đày về thể xác cũng như tinh thần. Với việc bán trót lọt 5 nạn nhân này, Vi Thị Viên đã bỏ túi gần nửa tỷ đồng.
Với hành vi buôn bán phụ nữ, Phang Thị Chiếng phải trả giá bằng 7 năm tù vì tội mua bán người. Còn Vi Thị Pồn, Lô Thị Hợi hay Vi Thị Viên vẫn đang bị tạm giam chờ ngày phán xét của pháp luật.
--------------------------
Tự xưng thương binh để chở hàng nhập lậu
Trong gần 10 tiếng đồng hồ từ 23h30 ngày 24/1 đến 8h ngày 25/1, lực lượng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cùng Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Việt Yên… mới đưa được chiếc xe khách chở số lượng lớn hàng nhập lậu về trụ sở Công an huyện Việt Yên do có sự chống đối quyết liệt của lái xe và những người liên quan tự xưng là thương binh.
Trên QL1A, đoạn chạy qua khu công nghiệp Đình Trám, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chiếc xe khách BKS 29B- 02390 do lái xe Trịnh Văn Thái, SN 1984, ở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội điều khiển đi từ Lạng Sơn về Hà Nội bị tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Phòng CSGT - Công an tỉnh Bắc Giang do Đại úy Nguyễn Quang Luận làm Tổ trưởng cùng hai tổ viên là Đại úy Nguyễn Văn Hải và Đại úy Vũ Trí Đạt, trong quá trình TTKS giao thông đã phát hiện trên xe chở hàng hóa là đồ chơi trẻ em và nhiều hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tổ tuần tra đã yêu cầu lái xe và những người có mặt trên xe đưa xe và hàng hóa về trụ sở Công an huyện Việt Yên để làm việc. Tuy nhiên, số người này đã chống đối quyết liệt. Họ tự xưng là thương binh và có những lời lẽ xúc phạm CSGT, cản trở, ngồi, nằm dưới đầu xe và trước bánh xe ôtô. Lái xe bỏ đi và không hợp tác với lực lượng Công an.
Không dừng lại ở đó, khoảng vài tiếng sau, hai chiếc xe taxi chở gần chục người tự xưng là thương binh từ khu vực Hà Nội đến và tiếp tục gây cản trở cho lực lượng chức năng. Vụ việc đã làm tắc nghẽn giao thông trên QL1A - nơi xảy ra vụ việc nên Công an tỉnh Bắc Giang đã phải huy động nhiều lực lượng để phân luồng giao thông và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ…
Đến 8h sáng 25/1, lực lượng Công an đã phải dùng xe cứu hộ giao thông để đưa chiếc xe chở hàng trên về trụ sở Công an huyện Việt Yên làm việc. Hiện, vụ việc đang được lực lượng Công an điều tra làm rõ.
-----------------------------