Cuộc sống của người dân khu dân cư (KDC) ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM bị đảo lộn vì sự xuất hiện dày đặc của muỗi mà nguyên nhân từ dự án ngăn lũ sông Sài Gòn đang thi công.
Báo Dân trí vừa nhận được phản ánh của nhiều người dân trong khu dân cư, chung cư xung quanh rạch Môn, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức về việc khu vực này đang bị muỗi tấn công khiến nguy cơ dịch bệnh đe dọa.
Chiều tối 24/1, PV đã có mặt tại khu dân cư này và ghi nhận cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Mới chập tối, nhà nhà đã đóng kín cửa, trẻ em phải mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Nhiều người lớn tay cầm vợt điện, bình xịt…liên tục diệt muỗi nhưng muỗi chết lớp này lại xuất hiện lớp khác.
Người bảo vệ trường mầm non Hiệp Bình Chánh 2 mới 18 giờ đã giăng mùng để chui vào tránh muỗi. Ông cho biết, hơn một tháng nay muỗi càng ngày xuất hiện càng nhiều nhất là vào thời điểm chập tối.
Chị L., một phụ huynh có con học tại trường mầm non nói trên vô cùng lo lắng chia sẻ: “Ngày nào đi học về trên người con tôi cũng đầy vết muỗi đốt. Cả trường hơn 200 cháu bé học sát con rạch đầy muỗi nên phụ huynh vô cùng lo lắng con em mình nguy cơ bị sốt xuất huyết”.
Người dân phải giăng mùng từ sớm và dùng mọi cách như xịt thuốc, dùng vợt điện...để bắt muỗi.
Trường mầm non Hiệp Bình Chánh 2, nơi có hơn 200 cháu nhỏ theo học nằm sát con rạch Môn bị ứ đọng lục bình đầy muỗi. Phụ huynh vô cùng lo sợ cho sức khỏe con em mình.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ quán cà phê cạnh cầu Rạch Môn thì than: Nhiều ngày qua ông buôn bán vô cùng ế ẩm khi suốt cả ngày, khách vừa ngồi xuống ghế chưa kịp gọi nước thì phải “bỏ chạy” vì bị muỗi tấn công. Trong khi đó nhiều gia đình đã phải gởi con em đến các nhà bà con ở nơi khác để tránh muỗi.
Theo quan sát của PV, con rạch Môn (dài gần 1km thông với sông Sài Gòn) đầy rẫy lục bình và chỉ cần vứt cục đá là muỗi bay ra dày đặc. Tuy nhiên ngay trên đường số 10, KDC Hiệp Bình Chánh, một công trình đang thi công đã chặn dòng chảy khiến nước tù đọng không thông dòng ra sông lớn.
Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết công trình này là dự án ngăn lũ sông Sài Gòn và đó cũng là nguyên nhân gây ứ đọng dòng chảy làm phát sinh muỗi ở KDC.
“Dự án này được khởi công từ cuối năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Ất Mùi (khoảng giữa tháng 2/2015), tuy nhiên chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công để sớm khơi thông dòng nước không để phát sinh muỗi nữa”, ông Tú cho biết.
Được biết Trung tâm y tế dự phòng quận Thủ Đức cũng thường xuyên phun xịt hóa chất để diệt muỗi. Tuy nhiên do tuyến kênh bị tù đọng lâu ngày nên việc phun xịt hóa chất cũng không thấm vào đâu, vì số lượng muỗi quá lớn.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, 80% các doanh nghiệp vừa qua đã chi thưởng Tết dương lịch cho người lao động với mức trung bình 1,5 triệu đồng/người. Tết âm lịch tới đây, doanh nghiệp nào quá khó khăn về việc chi thưởng có thể báo cáo địa phương để được hỗ trợ.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 25/1 trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi về những vấn đề liên quan đến tiền thưởng Tết cho người lao động khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc.
Sốt ruột vì Tết đã cận kề mà đến cuối tháng 1 vẫn chưa nhận được thông tin gì về thưởng Tết từ phía công ty, một nhóm công nhân ở Bình Dương băn khoăn, cơ quan chức năng giám sát như thế nào đối với việc đảm bảo mức lương, thưởng thoả đáng cho người lao động sau 1 năm làm việc.
Nữ Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tiền lương, đến thời điểm này, phía Bộ chỉ đến được các đơn vị ở các khu công nghiệp. Qua kiểm tra giám sát cũng như báo cáo các địa phương thì trên 80% các doanh nghiệp đã có thưởng Tết dương lịch cho người lao động ở mức khoảng 1,5 triệu cho một người.
Dịp Tết cổ truyền tới đây, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch thưởng Tết.
“Trong năm 2014 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều có phương án thưởng Tết, đây là một sự cố gắng của các doanh nghiệp và chúng ta cũng phải ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có thể có một bộ phận doanh nghiệp nào đó còn khó khăn và chưa có thưởng Tết thì chúng tôi tiếp tục rà soát và trên tinh thần đó nếu doanh nghiệp mà không hỗ trợ được Tết thì trong chỉ đạo của ngành là đề nghị báo cáo với địa phương để hỗ trợ cho người lao động” – Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Nữ Bộ trưởng cũng phân tích thêm, thưởng Tết không phải là một khoản chi bắt buộc trong luật mà là khoản chế độ khuyến khích. Dù vậy, tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp khi làm ăn được đều có phương án cụ thể ghi trong hợp đồng với người lao động là có phương án thưởng. Trong đó người lao động có quyền giám sát việc thực hiện phương án đó và phương án đó được công khai tại nơi sản xuất.
Đi vào thắc mắc của nhóm công nhân ở Bình Dương, Bộ trưởng Hải Chuyền chỉ rõ, nếu thấy đến thời điểm này người lao động vẫn chưa có thông tin về thưởng Tết thì trước tiên cần kiểm tra lại hợp đồng lao động đã ký xem doanh nghiệp có khoản thưởng với người lao động không, khoản thưởng đó có công khai ở nơi làm việc không. Nếu hợp đồng có quy định đó mà chủ doanh nghiệp chưa thực hiện, người lao động cần phản ảnh với công đoàn để công đoàn đôn đốc với chủ doanh nghiệp thực hiện.
Trường hợp chủ doanh nghiệp đã đưa vấn đề lương thưởng trong quy chế từ đầu năm mà không thực hiện thì công đoàn báo cáo với Sở Lao động hoặc Phòng Lao động ở địa phương doanh nghiệp đóng đó để có điều kiện can thiệp để thực hiện đúng quy chế của doanh nghiệp về vấn đề lương thưởng trong hợp đồng với người lao động.
Chuyển sang vấn đề khác, chuyện người xuất khẩu lao động bị chủ sử dụng lao động ngược đãi, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhận được phản ánh về việc một số phụ nữ đi làm giúp việc ở các nước Trung Đông đã phải chấp nhận nộp tiền phạt để phá hợp đồng, về nước khi không chịu nổi việc bị ngược đãi.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền xác nhận đã nhận được thông tin này, đã cho đi kiểm tra. Theo nữ Bộ trưởng, với doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài, có quy định nói rõ về trách nhiệm của các đơn vị này là phải hướng dẫn về phong tục, tập quán và những quy định cứng trong hợp đồng lao động giữa người lao động và chủ lao động. Các nước khu vực Trung Đông có một đặc thù riêng, tiếng Ảrập Xê-út cũng là một đòi hỏi khó. Vừa qua có những doanh nghiệp đưa người sang đây đã chuẩn bị không kỹ cho người lao động về tình hình, yêu cầu của nơi đến làm việc, phong tục tập quán, điều kiện sinh hoạt. Chính vì vậy có một số chị em sang đến nơi không hòa nhập được, đã tự bỏ về.
Người đứng đầu ngành lao động cho biết: “Theo quy định thì người lao động sang thị trường Trung Đông lao động, nhất là người giúp việc gia đình thì người chủ sử dụng lao động sẽ mua vé cho mình. Nhưng trong vòng 3 tháng mà tự bỏ hợp đồng không có lí do chính đáng thì người lao động phải tự mua vé máy bay về. Như vậy thì người lao động hết sức khó khăn, không thể làm được. Trên cơ sở phản ảnh đó, chúng tôi đi kiểm tra thì có hiện tượng đó và chúng tôi đã cùng với đại sứ ở Ảrập Xê-út xử lý vấn đề này”.
Qua chuyện này, Bộ trưởng Hải Chuyền nhấn mạnh một yêu cầu với các doanh nghiệp trong việc đưa lao động nữ sang Trung Đông là thị trường này rất khác thị trường Đài Loan, Hàn Quốc nên phải hướng dẫn thật kỹ về điều kiện, tập quán và những văn hóa của người dân ở Ảrập Xê-út để người lao động hiểu thật chắc.
Nữ Bộ trưởng thông tin thêm, cùng với việc cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có kiểm tra, những doanh nghiệp nào thực hiện không đúng hợp đồng sẽ không cho phép thực hiện nhiệm vụ này. Qua hoạt động thanh kiểm tra, ghi nhận phản ánh hàng năm cho thấy một số doanh nghiệp làm chưa đúng theo các quy định. Các “lỗi” vi phạm phổ biến là không hướng dẫn kỹ cho người lao động; lấy số lượng đưa người lao động mà không đặt vấn đề là chất lượng, yêu cầu hiệu quả công việc. Bộ LĐ,TB&XH đã xem xét, đình chỉ một số doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định.
Về vấn đề chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chủ tịch nước quyết định tặng quà Tết với 2 mức - 400.000 đồng và 200.000 đồng tùy từng đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ đã có hướng dẫn tới các địa phương và các địa phương có kế hoạch kinh phí đã bố trí ngay từ đầu năm. Trong tháng 1/2015, nhiều đơn vị đã bắt đầu triển khai để tặng quà đến các địa chỉ sớm. Cùng với ngân sách nhà nước, Bộ Lao động đã huy động, vận động các nguồn lực như Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ, các tổ chức quốc tế cũng dành những nguồn lực nhất định để chăm sóc cho đối tượng người có công. Một số địa phương đến nay đã có phương án, có mức tặng quà, như Hà Nội, kế hoạch của thành phố là dành trên 200 tỷ đồng dành để lo Tết cho người có công.
Đối với người nghèo, trước mắt, Chính phủ chỉ đạo giao cho các địa phương rà soát nắm các đối tượng, phân loại và đảm bảo cho tất cả các người dân phải có Tết. Có 2 mức hỗ trợ là hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng gạo. Ngành lao động đã chỉ đạo các địa phương rà soát, phân loại đối tượng, lập danh sách và báo cáo với lãnh đạo địa phương để quyết định mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, cũng huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng tham gia chương trình hỗ trợ.
Vấn đề chính sách với người có công, năm 2015, cả nước sẽ triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách về vấn đề việc làm, vấn đề dạy nghề, vấn đề bảo hiểm xã hội và vấn đề an toàn lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và thực hiện việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng người có công nói chung.
Trên cơ sở đó, các đối tượng được hưởng chính sách thì sẽ tăng cả về mức, tăng cả về số lượng thì cũng được thực hiện đầy đủ, đúng theo đối tượng. Bộ LĐ,TB&XH đã có chỉ đạo việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với đối tượng người có công, giải quyết những tồn đọng để làm thế nào tới cuối năm 2015 các trường hợp cơ bản phải được giải quyết.
------------------------