Ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã đề nghị như vậy tại hội nghị lần thứ 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN (khóa VIII), diễn ra ngày 24-1 tại TP.HCM.
Ông Lê Hồng Anh đánh giá cao những kết quả MTTQ VN đạt được trong năm qua như: tổ chức được nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”...
Ðồng thời cho rằng những cuộc vận động này đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, góp phần cùng với Ðảng, Nhà nước làm tốt hơn công tác chăm lo người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội...
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Anh cho rằng còn có những hạn chế cần khắc phục. Ðó là nội dung, phương thức vận động của MTTQ VN chưa đổi mới mạnh mẽ; việc tổ chức thông tin, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân chưa đầy đủ; công tác tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, nhất là công tác giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí có kết quả bước đầu nhưng chưa thật sự nề nếp và hiệu quả chưa cao.
Ông Lê Hồng Anh đề nghị MTTQ VN cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các giai cấp, đặc biệt cần coi trọng công tác tập hợp, phản ánh tâm tư nguyện vọng nhân dân và định kỳ hằng quý phải phản ánh lại với Ðảng.
Năm 2015 diễn ra đại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc, MTTQ VN cần vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để xây dựng đất nước, tham gia góp ý kiến cho dự thảo văn kiện cũng như đề xuất nhân sự cho Ðảng.
Trước đó, trong ngày thứ hai tổ chức góp ý cho báo cáo về ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân năm 2014, hội nghị tiếp tục nhận được nhiều góp ý của các đại biểu.
Hôm nay (25-1), hội nghị tiếp tục nghe các ý kiến thảo luận, góp ý trước khi thông qua một số chương trình, nghị quyết, báo cáo.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, cơ quan được Bộ GTVT giao chủ trì thực hiện chủ trương kiểm soát giá cước vận tải, cho biết, các đơn vị không kê khai giá sẽ bị xử phạt, bị “bêu” tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Phan Thị Thu Hiền nói: Mục tiêu Tết Âm lịch tới, khi nhu cầu vận chuyển tăng cao là kiểm soát, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp; đảm bảo quyền lợi của hành khách, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác.
Với những thông tin thu thập được, bà đánh giá thế nào về mức độ giảm giá cước so với biến động của giá xăng?
Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-40% giá thành vận tải; 60-75% còn lại là các chi phí khác (như khấu hao, sửa chữa, chi phí nhân công, quản lý…). Việc tính toán giá cước vận tải sẽ tùy thuộc vào mức biến động của từng yếu tố chi phí đầu vào của mỗi đơn vị vận tải. Vì vậy, mỗi đơn vị vận tải sẽ phải tính toán, rà soát và có tỷ lệ điều chỉnh giá cước phù hợp với tỷ lệ giảm giá nhiên liệu, cũng như mức biến động của các chi phí đầu vào khác trong hoạt động vận tải.
Như vậy, giá cước phụ thuộc chủ yếu vào “lòng tốt” của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước có biện pháp nào để xử lý các doanh nghiệp không chịu giảm giá?
Ngày 21/1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô. Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Bộ Tài chính gần đây.
Công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu các đơn vị căn cứ phương án tổ chức vận tải và xu hướng giảm giá nhiên liệu để tính toán lại giá thành, kê khai với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định.
Biện pháp thứ hai là yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính và cơ quan thuế tiếp tục chú trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn theo quy định. Với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định, xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Cảm ơn bà.
Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vào cuộc
Ngày 23/1, Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT thành lập các đoàn kiểm tra giá cước vận tải với người đứng đầu đến từ Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Vụ Vận tải.
Đứng đầu các đoàn kiểm tra cước vận tải bằng ô tô là: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Trưởng đoàn phía Nam), Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính (Trưởng đoàn phía Bắc) và Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT (Trưởng đoàn miền Trung).
Đoàn còn lại do Bộ GTVT chủ trì phối hợp Bộ Tài chính để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải nói chung tại một số địa phương trọng điểm, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM, Cần Thơ.
Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi, vận tải hành khách chưa thực hiện kê khai giá cước hoặc kê khai giảm giá cước chưa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Trả lời Tiền Phong cách đây ít ngày, lãnh đạo Bộ Tài chính nói rằng, dùng đến thanh tra tài chính, cơ quan thuế là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp quản lý giá chưa hiệu quả.
-------------------------
Tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh biên giới các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận
Chiều 25/1, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp “Tăng cường chỉ đạo và triển khai hoạt động trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận” giai đoạn 2015-2020.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì lễ ký kết.
Theo chương trình ký kết, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thống nhất một số nội dung phối hợp, trong đó trọng tâm là chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành, các lực lượng hoạt động ở khu vực biên giới bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một số huyện miền núi giáp Tây Nguyên có biên giới đất liền, gồm huyện Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; công tác đối ngoại; công tác dân tộc, tôn giáo; công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương, phối hợp với lực lượng chức năng của các nước Campuchia và Lào đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững ổn định chính trị xã hội vùng Tây Nguyên và phụ cận. Hai cơ quan cũng phối hợp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù phát triển vùng biên giới; đôn đốc các địa phương rà soát, điều chỉnh, bố trí dân cư ra khu vực biên giới; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các huyện biên giới thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tiếp tục có hành động chống phá nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn Tây Nguyên để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhưng với nhiều nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trên địa bàn, tình hình Tây Nguyên tiếp tục được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng ổn định, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng được cải thiện.
Với bản quy chế phối hợp này, mong rằng chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ đạo các lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn quán triệt nội dung của bản quy chế nhằm giúp lực lượng bộ đội biên phòng triển khai có hiệu quả nhất, phát huy hơn nữa vai trò của Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.
Nhân chuyến công tác tại Tây Nguyên, chiều cùng ngày, tại trụ sở Cục An ninh Tây Nguyên - Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang đã gặp mặt thân mật và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho 70 đồng chí nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những đóng góp to lớn của các đồng chí trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Tây Nguyên nói chung, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nói riêng. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, bằng sức lực của mình, các đồng chí đóng góp nhiều hơn nữa để Tây Nguyên ngày một phát triển.
-------------------------