Tại Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, 2 kiểm soát viên không lưu đã thực hiện sai quy trình khiến cho máy bay chở hàng của Cathay và chở khách của Vietnam Airlines suýt gặp nguy.
Chánh thanh tra Hàng không Nguyễn Trọng Thắng vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 kiểm soát viên không lưu (KSVKL) của Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM). Nguyên nhân vì 2 nhân viên không lưu này đã thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình dẫn đến để xảy ra sự cố vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu của 2 chuyến bay.
Cụ thể, ngày 19/12/2014, KSVKL Nguyễn Hoàng Tín (31 tuổi) và Phạm Ngọc Lâm (47 tuổi) được phân công trực tại Phân khu I. KSVKL Tín trực điều hành và Lâm trực hiệp đồng. Trong thời điểm Phân khu I điều hành chuyến bay CPA705 - máy bay chở hàng của hãng hàng không Cathay Pacific Cargo (Hongkong) và máy bay chở khách HVN231 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP.HCM ngày 19/12/2014.
Tình huống nguy hiểm xảy ra tại Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh), cụ thể là trách nhiệm điều hành của KSVKL Phân khu I. Trong đó, KSVKL Nguyễn Hoàng Tín trực điều hành và KSVKL Phạm Ngọc Lâm trực hiệp đồng, cả 2 nhân viên đều thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình dẫn đến để xảy ra sự cố vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa 2 máy bay.
Cả hai nhân viên đều bị phạt tiền 7,5 triệu đồng/người. Riêng KSVKL Nguyễn Hoàng Tín bị tước quyền sử dụng giấp phép nhân viên hàng không.
Rạng sáng 16/1, chỉ trong 45 phút hai vụ tai nạn đã liên tiếp đã xảy ra tại giao lộ Gò Dầu – Nguyễn Súy (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM).
Hiện trường hai vụ tai nạn chỉ nằm cách nhau 40 m.
Khoảng 0h30 ngày 16/1, ông Hồ Ngọc Phước (32 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) điều khiển xe máy hiệu Yamaha Sirius lưu thông trên đường Gò Dầu hướng từ đường Tân Sơn Nhì ra đường Tân Quý. Khi đến ngã ba Gò Dầu – Nguyễn Súy thì xe tông mạnh vào một chiếc xe hiệu Honda Airblade do một người đàn ông điều khiển lưu thông cùng chiều.
Hậu quả, hai người đàn ông bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, trong đó ông Phước lâm vào tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu.
Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát giao thông quận Tân Phú đã có mặt xử lý vụ việc.
Trong khi lực lượng chức năng đang làm việc thì Đỗ Phú Hoài Thảo (27 tuổi, ngụ quận Bình Tân) chạy xe máy với tốc độ cao trên đường Gò Dầu rẽ trái vào đường Nguyễn Súy. Khi vừa qua giao lộ Gò Dầu – Nguyễn Súy khoảng 40 m thì lao mạnh vào cột điện ven đường trước nhà số 195 Nguyễn Súy.
Hậu quả, nạn nhân bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện quận Tân Phú. Chiếc xe máy bị biến dạng, vỡ nát toàn bộ, gãy rời bánh trước. Thân nhân của Thảo đã đến hiện trường để làm việc với cơ quan chức năng.
-------------------------
Rắn lục đuôi đỏ bị cắt rời đầu vẫn có thể phóng nọc độc
Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp cho rằng, khi rắn lục đuôi đỏ mới chết hoặc với phần đầu rắn bị cắt rời rắn vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ.
Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường tại một số tỉnh miền Trung, đe dọa sức khỏe của người dân, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng, ngày 15/1 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên.
Theo Bộ Nông nghiệp, việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều tại một số địa phương trong thời gian qua có thể do điều kiện của thời tiết ấm áp hơn.
Các trận lũ lớn trước đây đã mang theo một số cá thể rắn lục từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển nhanh hơn, gia tăng về số lượng.
Đặc biệt, loài rắn này khi cắn chỉ tiêm một phần nọc độc vì vậy nó vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương sau khi đã cắn lần đầu tiên. Khi rắn mới chết hoặc với phần đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ.
Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố hướng dẫn người dân tổ chức các đợt phát quang bụi rậm, dây leo quanh nhà, gần đường đi, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xua đuổi và tiêu diệt khi phát hiện rắn lục đuôi đỏ.
Cơ quan chức năng địa phương tích cực hỗ trợ người dân phòng tránh, tiêu diệt rắn lục đuôi đỏ, kiên quyết không để lan rộng, phát triển trong thời gian tới. Người dân khi bị rắn cắn phải đến ngay các trung tâm y tế để chữa trị kịp thời.
Các địa phương trên cũng phải kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại địa phương.
Bộ Nông nghiệp khuyến cáo người đân khi bị rắn cắn cần:
Hạn chế vận động tối đa vì sẽ làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể. Khi bị cắn nên đưa bệnh nhận đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiêm huyết thanh chống độc.
Đối với rắn lục cắn, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Nếu có thể, bắt cá thể rắn vừa cắn đem theo đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng.
--------------------------