Điều khiển xe gắn máy với tốc độ cao, cô gái sinh năm 1990 thiệt mạng sau khi tông vào xe tải của Bộ Quốc phòng đang đậu ven đường.
Khoảng 20h ngày 22/1, chị Nguyễn Thị Tường Linh (sinh 1990, trú tại xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai) điều khiển xe gắn máy BKS 81R1- 5237, theo hướng ngã tư Biển Hồ - xã Ia Sao, đã tông vào đuôi xe tải BKS TT 10-35 của Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng đang đậu bên đường.
Vụ tai nạn khiến chị Linh bị chấn thương sọ não nặng và mất nhiều máu, đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Tại hiện trường, chiếc xe máy bị gãy nát, xe tải chỉ hư hỏng nhẹ phía sau. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT TP Pleiku đã có mặt tại hiện trường điều tra rõ nguyên nhân.
Hơn 70 học viên VN tại Trung tâm huấn luyện phi công Ahart (California) lâm cảnh “đi cũng dở, ở không xong” khi Trung tâm này bị Cục Hàng không Liên bang Mỹ đình chỉ hoạt động.
Trước sự việc này, chiều 22/1, trong buổi làm việc với các gia đình có con em học tập tại Ahart chiều 22/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị Vietnam Airlines nếu có nhu cầu phi công có thể hỗ trợ các học viên tiếp tục học tập tại một cơ sở uy tín khác.
Mất oan tiền tỷ
Năm 2013, anh Lê Huy Hoàng (24 tuổi, ở TP HCM) nộp đơn đi học tại Trung tâm huấn luyện phi công Ahart theo chương xã hội hoá đào tạo phi công cơ bản (học viên tự chi trả cho quá trình học cũng như sinh hoạt tại các trường được Cục Hàng không VN phê chuẩn).
Giấc mơ trở thành phi công những tưởng sắp thành hiện thực thì đến tháng 9/2014, Ahart bất ngờ bị đóng cửa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc học tập của anh Hoàng và các học viên Việt Nam khác tại Ahart hoàn toàn chấm dứt.
Trong số 79 học viên Việt Nam đang theo học tại Ahart, có 21 học viên là do Hãng hàng không Vietjet gửi sang học. Sau khi Trung tâm Ahart đóng cửa, hãng này đã cử bốn đoàn công tác sang tận nơi để giải quyết vụ việc.
Hiện, các học viên đã được giải tỏa rời khỏi trường. Hãng hàng không Vietjet cũng đã hỗ trợ 10.000 USD cho mỗi học viên
Đáng nói hơn, chủ trường là ông Nguyễn Đức Minh, cũng là người ký hợp đồng trực tiếp với các học viên đã bỏ trốn. Anh Hoàng cùng rất nhiều học viên khác bị bỏ rơi tại Mỹ, bị đuổi ra khỏi nơi cư trú do nhà trường không đóng tiền nhà nhiều tháng.
“Hiện nay tôi và các học viên khác đang rất lo lắng cho việc tiếp tục theo học các trường theo sự phê chuẩn của Cục Hàng không VN nhưng có rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi chương trình học và học phí”, anh Hoàng nói.
Bày tỏ mong muốn được Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cứu trợ, ông Lê Đình Thi, đại diện các gia đình có con em đang học tại Ahart cho biết đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Minh (người đã bỏ trốn) đã thu hết tiền học phí và tiền thuê nhà, tiền ăn của học viên với số tiền lên tới 85.000 USD mỗi người.
“Rất nhiều gia đình trong chúng tôi không đủ điều kiện để chuyển các cháu sang trường khác để học tiếp”, ông Thi nói.
Theo Cục trưởng Hàng không VN Lại Xuân Thanh, đến thời điểm bị dừng hoạt động, số học viên Việt Nam đang theo học tại Ahart lên tới 79 học viên, trong đó có 21 học viên do Hãng hàng không Vietjet gửi sang, còn lại là các học viên học dưới dạng tự túc.
“Trong số này, mới chỉ có 6 học viên đã tốt nghiệp, có bằng phi công thương mại (CPL) bao gồm cả bằng phi công tư nhân (PPL) và năng định bay bằng thiết bị/máy bay nhiều động cơ (IR/ME). Đa phần các học viên chưa kết thúc phần học kiến thức PPL và IR/ME, hoặc gần kết thúc nhưng chưa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ kiểm tra và cấp bằng, năng định”, ông Thanh cho biết.
“Đối với 6 học viên của Ahart đã tốt nghiệp, có bằng lái phi công thương mại, Cục Hàng không VN đã thành lập Hội đồng kiểm tra chất lượng và đánh giá trình độ học viên. Tuy nhiên, chỉ có một học viên Hồ Anh Tuấn tham gia buổi kiểm tra, đánh giá của Hội đồng. Các học viên khác do đang tham gia các khoá học chuyển loại tàu bay tại nước ngoài nên sẽ được Hội đồng đánh giá khi về nước”, ông Thanh bổ sung.
Vietnam Airlines nhận hỗ trợ
Vụ việc xảy ra không liên quan đến Cục Hàng không VN và Bộ GTVT. Tuy nhiên, để tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình bị hại sau vụ lừa đảo, trong bối cảnh nhu cầu phi công trong nước đang lớn, để đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực phi công, trong buổi làm việc với các gia đình có con em đang học tập tại Ahart chiều qua, 22/1/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị Vietnam Airlines nếu có nhu cầu phi công có thể hỗ trợ các học viên tiếp tục học tập tại một cơ sở uy tín khác.
“Vietnam Airlines có thể ứng trước 50% kinh phí cho các học viên tiếp tục học tập, không lấy lãi và cam kết tiếp nhận các cháu nếu đảm bảo các điều kiện. Phía gia đình các học viên phải có đơn đề nghị cũng như có giấy ngân hàng bảo lãnh về vấn đề này. Nếu kết quả học tập của các học viên không đáp ứng yêu cầu, gia đình phải hoàn trả số tiền mà Vietnam Airlines ứng trước này. Chậm nhất trong tháng 2, hoàn thành toàn bộ thủ tục để các cháu yên tâm học hành”, Bộ trưởng gợi ý.
Khẳng định Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ tất cả các học viên Việt Nam tại Ahart tiếp tục học tập và nhận về làm việc tại Vietnam Airlines sau khi các em có đủ các bằng cấp chứng chỉ theo yêu cầu. Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho biết, mỗi năm, DN này cần thêm khoảng 100 phi công.
“Vietnam Airlines sẵn sàng ứng trước 50% tiền học cho các học viên có nhu cầu và trừ dần vào lương sau khi các học viên này tốt nghiệp và về làm việc cho Vietnam Airlines”, ông Đức khẳng định.
Với kinh nghiệm của mình, Vietnam Airlines cũng sẽ hỗ trợ các gia đình tìm một cơ sở đào tạo uy tín để các học viên có thể tiếp tục hoàn thiện nốt phần kiến thức, chứng chỉ, bằng cấp còn thiếu.
Cục Hàng không VN cho biết, cơ quan này đã liên hệ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và được biết Giấy chứng nhận tổ chức huấn luyện của Ahart đã bị chấm dứt hiệu lực từ 6/7/2013 do không báo cáo thay đổi về cơ sở vật chất căn cứ nên từ đó Ahart không được phép thực hiện đào tạo phi công.
Ahart cũng đã hai lần tiến hành thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận phê chuẩn nhưng bị FAA từ chối cấp lại do không báo cáo việc thay đổi chủ sở hữu và thay đổi về cơ sở vật chất đồng thời không đáp ứng được một số quy định tại Quy chế An toàn hàng không Liên bang Mỹ (FAR). Từ 6/10/2014, FAA đã đình chỉ hoạt động của Ahart.
“Việc không tuân thủ các quy định pháp luật của nước sở tại và Việt Nam của Ahart do ông Nguyễn Đức Minh sở hữu đã đẩy số học viên đang theo học tại Ahart vào tình trạng hết sức khó khăn và dở dang”, đại diện Cục Hàng không VN nhận định.
-----------------------------
Em bất lực nhìn anh trai bị ôtô tông văng xa 5 mét
Đang ngồi đào hố trồng cây ở giữa đường, Thành thấy chiếc ôtô chạy với tốc độ rất cao tông thẳng vào anh trai ngay trước mặt. Nạn nhân văng xa hàng mét, tử vong tại chỗ.
Vụ việc xảy ra khoảng 17h ngày 22/1 tại đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Nạn nhân tử vong là anh Hồ Văn Sơn (40 tuổi, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai).
Vào thời điểm trên, anh Sơn cùng em trai là anh Hồ Văn Thành (35 tuổi) đang đào đất trồng cây ở dải phân cách đường Nguyễn Văn Linh thì bị ôtô BKS 47A (chưa rõ người điều khiển) chạy với tốc độ rất nhanh tông trực diện khiến nạn nhân văng ra xa 5 m, chết tại chỗ.
Theo người dân chứng kiến, đoạn đường này quanh co, tài xế chạy với tốc độ cao không làm chủ tay lái nên lao thẳng đến vị trí anh Sơn đang ngồi đào hố trồng cây.
Sau khi tông nạn nhân chết, chiếc xe chạy thêm khoảng 10 m thì quay ngược đầu lại, tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường.
"Tôi và anh trai cách nhau khoảng 10 m. Lúc ấy, anh tôi đang đào đất thì thấy chiếc xe chạy với tốc độ rất cao. Tôi không kịp kêu tránh thì ôtô tông thẳng vào, hất anh trai tôi ra xa”, anh Hồ Văn Thành vừa khóc vừa kể.
Nhận được tin báo, công an huyện Đức Cơ có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc.
------------------------