Mỹ tăng áp lực lên Trung Quốc về biểu tình Hồng Kông
Một ngày sau khi Mỹ lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi đòi được tự chọn lãnh đạo của hàng ngàn người biểu tình Hồng Kông, các quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ thảo luận về vấn đề này với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi cả 2 gặp nhau ở Washington vào ngày 1.10.
“Tôi cho rằng vấn đề này sẽ được nêu ra. Chuyện này đã được phát đi trong các bản tin. Đây là một vấn đề mà chúng tôi quan ngại và đang tập trung theo dõi”, Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay.
Người biểu tình Hồng Kông, phần lớn là sinh viên, đang lên tiếng kêu gọi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức sau khi Bắc Kinh ra phán quyết sẽ lựa chọn ra các ứng viên cho chức Đặc khu trưởng Hồng Kông trong năm 2017.
Người biểu tình đã đe dọa sẽ gia tăng hành động trong những ngày sắp tới, theo Reuters.
Bà Psaki cho biết Ngoại trưởng Mỹ Kerry dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố rằng tính hợp pháp của chức danh đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được củng cố nếu người dân thực sự được phép chọn lựa ứng viên.
Reuters cho biết Mỹ đang rất cẩn trọng khi đưa ra phản ứng về cuộc biểu tình tại Hồng Kông. Nước này đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ với những cuộc biểu tình ôn hòa, đồng thời tỏ dấu hiệu cho thấy rất ít quan tâm đến khả năng các cuộc biểu tình sẽ lan rộng và sẽ bị chính quyền Trung Quốc thẳng tay trấn áp.
Trong thư gửi Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh vào hôm 30.9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez đã tố cáo Bắc Kinh “bội ước với người dân Hồng Kông”.
“Hôm nay tôi viết thư để bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình hiện tại ở Hồng Kông”, Thượng nghị sĩ Menendez viết trong thư.
Ông cũng thúc giục ông Lương Chấn Anh “dùng quyền lãnh đạo của mình để đảm bảo rằng người dân của chính ông, người Hồng Kông, sẽ có được các quyền dân chủ toàn diện và tự do mà họ đã được hứa và là những điều mà họ đáng được hưởng”.
-----------------------
Một thanh tra Hong Kong không xử lý biểu tình, nổ súng tự sát
Tờ Bưu điện Hoa Nam hôm 1/10 cho hay, một thanh tra người nước ngoài vừa được phát hiện đã nổ súng tự sát trong phòng làm việc ở khu North Point, Hong Kong.
Theo Bưu điện Hoa Nam, trưởng thanh tra Andrew Paul Philips 50 tuổi mang quốc tịch nước ngoài đã được tìm thấy đã chết trong văn phòng làm việc của ông thuộc sở cảnh sát khu North Point, một trong những khu sầm uất nhất Hong Kong.
Cảnh sát khu North Point cho biết, họ đã nghe thấy tiếng súng nổ lúc 3h sáng 1/10 giờ địa phương. Chánh thanh tra hình sự Andrew Paul Philips được tìm thấy trong tình trạng nằm bất động trong phòng làm việc, bên cạnh còn có một khẩu súng lục và một bức thư tuyệt mệnh. Tuy nhiên, cảnh sát không tiết lộ nội dung bức thư.
Theo lời cảnh sát North Point, ông Andrew Paul Philips là chánh thanh tra hình sự, ông đã công tác trong nghề được 27 năm và không có biều hiện vê khó khăn tài chính hay sức khỏe.
Gần đây, ông Andrew Paul Philips không tham gia xử lý bất cứ hoạt động biểu tình 'Chiếm trung tâm' nào ở Hong Kong, cảnh sát cho biết thêm.
Cảnh sát North Point nói họ đang điều tra nguyên nhân khiến thanh tra Andrew Paul Philips tự sát. Trong khi đó, cuộc biều tình của phong trào 'Chiếm trung tâm' ở Hong Kong vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi một trong những thủ lĩnh biểu tình tuyên bố họ sẵn sàng đối đầu với cảnh sát hôm 30/9.
----------------------
Tập Cận Bình lên tiếng về Hồng Kông
Trong tuyên bố được cho là đầu tiên về các cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của đặc khu này.
Phát biểu trước các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày trước ngày Quốc khánh 1/10, ông Tập Cận Bình cho biết chính phủ của ông sẽ “kiên định áp dụng nguyên tắc chỉ đạo của “một quốc gia, hai chế độ”” và sẽ “bảo vệ” sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông.
Trong các cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, người biểu tình yêu cầu trưởng đặc khu hiện nay, ông Lương Chấn Anh, từ chức và muốn lãnh đạo ở Bắc Kinh cho phép bầu cử tự do đối với đặc khu này, rút lại kế hoạch bầu cử, theo đó giới hạn việc đề cử ứng viên cho vị trí trưởng đặc khu Hồng Kông.
Ông Tập cũng kêu gọi sự đoàn kết trong mọi hàng ngũ đảng tại hội nghị có sự tham gia của gần như mọi lãnh đạo hiện tại cũng như đã về hưu của Trung Quốc.
Sự xuất hiện hiếm có cùng nhau của các nhà lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo diễn ra vào thời điểm ông Tập đang triển khai cuộc chiến chống tham nhũng với nhiều quan chức cấp cao, kể cả đã về hưu bị nhắm tới.
Trong số những người tham dự có cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Lí Bằng, Ôn Gia Bảo...và hầu hết các cựu lãnh đạo của Thường vụ Bộ Chính trị. Ngồi giữa ông Tập là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, trong khi các thành viên hiện tại của Thường vụ Bộ chính trị ngồi gần ông.
Trong bài phát biểu, ông Tập cam kết sẽ thúc đẩy khả năng lãnh đạo của đảng. Ông kêu gọi đảng vượt qua mọi khiếm khuyết và yếu kém.
“Chúng ta sẽ nỗ lực vượt qua mọi vấn đề có thể làm xói mòn sự đoàn kết, sáng tạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng”, ông nói.
Xigen Li, thuộc trường Đại học Thành phố của Hồng Kông, cho rằng sự kiện ngày hôm qua mang tính biểu tượng, thể hiện “sự đoàn kết và ổn định”. Ông cho rằng bài phát biểu của ông Tập cũng nhằm xoa dịu công chúng trong tương lai khi “hổ lớn” hơn bị sa lưới. Trước đây, ông Tập đã tuyên bố sẽ diệt “hổ” ở hàng ngũ cấp cao và “ruồi” ở hàng ngũ cấp thấp hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng của mình.
-----------------------
Người đại lục ở Hong Kong bối rối trước biểu tình
Những người dân đại lục đang sinh sống hay du lịch ở Hong Kong vừa ủng hộ, vừa chỉ trích lại vừa lo lắng cho tương lai của đặc khu này lẫn Trung Quốc nói chung, khi chứng kiến phong trào biểu tình đang lan rộng.
"Cảm xúc của tôi lúc này thật lẫn lộn", SCMP dẫn lời Lee, một sinh viên đại lục đang theo học đại học Baptist, nói. "Tôi rất ủng hộ người dân Hong Kong bày tỏ sự lo ngại của họ. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tỵ vì họ có khả năng làm điều đó, nhưng mặt khác, tôi cũng rất bi quan về kết quả của cuộc biểu tình".
Giống như nhiều người đại lục đến Hong Kong sinh sống gần đây, Lee chia sẻ tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi vừa thông cảm cho yêu cầu cải cách chính trị của người biểu tình, vừa lo lắng về những tác động của phong trào này đối với quan điểm của Bắc Kinh và tương lai chính trị của Hong Kong.
Hàng chục nghìn người bắt đầu đổ về trung tâm của đặc khu hành chính cách đây một tuần, chặn các con đường và tổ chức biểu tình với các biểu ngữ đòi Bắc Kinh rút các quy định mới về bầu cử lãnh đạo Hong Kong năm 2017. Họ cũng kêu gọi chính quyền đặc khu từ chức.
Lin, sống ở thành phố Thâm Quyến và đang thăm Hong Kong, chỉ trích rằng việc người biểu tình đưa ra những yêu cầu đó là "thiếu tôn trọng đối với đại lục".
"Chính phủ đã mang đến nhiều sự phát triển cho Hong Kong, nhưng họ không công nhận điều đó", Reuters dẫn lời Lin nói.
Trong khi đó, một du khách tên Yu ở Bắc Kinh lại tỏ ra hào hứng với Occupy Central. "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy gần gũi với chính trị thế này", Yu nói. "Đây là một thời khắc lịch sử với Hong Kong. Tôi tin một ngày nào đó, điều tương tự thế này cũng sẽ xảy ra ở Trung Quốc".
Sự quan tâm đến chiến dịch ủng hộ dân chủ cho Hong Kong vẫn lan truyền khắp đại lục, bất chấp nỗ lực kiểm soát thông tin của giới chức. Nhiều người chia sẻ về phong trào biểu tình trên mạng, thậm chí còn kêu gọi cải cách chính trị rộng khắp ở Trung Quốc. Ít nhất ba người đã bị bắt vào chiều qua vì đăng tải những thông điệp như trên.
Hong Kong có một lượng lớn người nhập cư từ đại lục và con số này vẫn đang tăng đều. Khoảng 19.000 thị thực du học đã được cấp cho các cư dân đại lục vào 2013, theo số liệu của Sở Di trú Hong Kong, tăng 16,3% so với năm 2012, chiếm hai phần ba số du học sinh ở đây.
Khoảng 8.000 thị thực mới cũng được cấp cho cư dân đại lục theo chương trình "tài năng và chuyên gia đại lục". Ngày càng có nhiều người đến Hong Kong làm việc bằng visa làm việc thông thường.
Năm ngoái, có hơn 40 triệu người đại lục đến thăm Hong Kong, góp phần đẩy mạnh ngành du lịch và bán lẻ của đặc khu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người cảm thấy khó xử khi quan điểm của họ khác với người Hong Kong.
Alexis Huang, người cũng tham gia cuộc biểu tình đường phố, cho rằng dù có nhiều người chia sẻ thông tin về phong trào này, người đại lục cũng sẽ không tham gia tích cực.
"Việc chính quyền trung ương thay đổi suy nghĩ của họ là không thể. Nhưng mọi người nên nói ra và chiến đấu cho quyền cơ bản của họ", cô nói.
Sinh viên Lee thì phản đối cuộc biểu tình dù cô đồng cảm với mục tiêu của nó, bởi theo cô, phong trào chắc chắn sẽ thất bại. "Nó có thể khiến Bắc Kinh giận dữ, đó là điều chúng tôi lo lắng nhất".