Mỹ có thể đáp trả Nga, Trung Quốc bằng phương pháp quân sự
Trung Quốc và Nga muốn xem xét lại trật tự thế giới vốn được thiết lập kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Theo RT, trong bài phát biểu trước Ủy ban đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Bob Work tuyên bố rằng nước này sẵn sàng đáp trả Nga và Trung Quốc bằng hành động quân sự.
Theo lời ông Bob Work, Trung Quốc và Nga muốn xem xét lại trật tự thế giới vốn được thiết lập kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Họ (Nga và Trung Quốc) cần phải biết rằng Mỹ có thể đáp trả bằng phương pháp quân sự đối với các nguy cơ đe dọa đồng minh của mình
-----------------------
Rơi trực thăng, 3 quan chức quân đội Ấn Độ tử nạn
Tai nạn xảy ra sáng nay 1-10. Một quan chức cảnh sát cấp cao cho Tân Hoa Xã biết chiếc trực thăng Cheetah bị rơi ngay sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân ở Bareilly.
“Cả ba người trên trực thăng thiệt mạng tại chỗ”, quan chức này nói.
Các nhân chứng nói với truyền hình địa phương rằng chiếc trực thăng có vẻ gặp trục trặc ngay sau khi cất cánh. Ngay sau đó nó bốc cháy và bị rơi.
Nguyên nhân tai nạn đang được điều tra.
* Trong một diễn biến khác, một quan chức cảnh sát cấp cao Ấn Độ thông báo số người chết trong vụ tai nạn tàu cao tốc cũng ở bang Uttar Pradesh đã tăng lên 12 người và hơn 45 người khác bị thương.
Ông này cũng cảnh báo số người chết có thể sẽ còn tăng lên do nhiều người bị thương hiện trong tình trạng nguy kịch.
Hiện lái tàu có liên quan đến vụ tai nạn đã bị tạm giữ để điều tra.
---------------------
EU giữ nguyên các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga
Đại diện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/9 thống nhất vẫn giữ nguyên gói trừng phạt đang áp đặt đối với Nga do liên quan tới tình hình ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu sau một cuộc họp thảo luận về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai, một quan chức giấu tên tuyên bố: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng (các biện pháp trừng phạt)”.
Trong khi đó, một quan chức khác khẳng định: “Thậm chí không ai bàn tới khả năng dỡ bỏ trừng phạt hiện nay”.
Trước đó cùng ngày, đại diện 28 nước Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp tại Brussels (Bỉ) để đánh giá việc thực hiện kế hoạch hòa bình tại Ukraine và xem xét hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vào tháng 10-2014.
EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào tháng 3-2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước EU phản đối trừng phạt Moscow vì điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế của các nước này sẽ bị ngưng trệ do không xuất khẩu được hàng hóa sang Nga.
----------------------
Mỹ cho xe tăng tới Baltic đối phó với Nga
Ngày 1-10, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ triển khai xe tăng và binh sĩ tới ba nước Baltic và Ba Lan trong vòng hai tuần tới để gây sức ép lên Nga.
Theo Reuters, quân đội Mỹ sẽ điều động 700 binh sĩ, 20 xe tăng chiến đấu M1A1 Abrams cùng các loại xe bọc thép Bradley, Stryker và trực thăng tới Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan. Đây là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất Mỹ từng triển khai ở Đông Âu.
Các quan chức Mỹ cho biết đây là động thái để gửi một thông điệp cụ thể tới Nga. Đó là không giống như những gì xảy ra với Ukraine, bất cứ sự can thiệp nào của Nga tại Baltic và Ba Lan sẽ phải đối mặt với phản ứng từ phía NATO.
“Mục tiêu là sự thể hiện quyết tâm và cam kết của chúng tôi với các nước đồng minh. Nếu muốn khẳng định quyết tâm thì không gì hiệu quả bằng xe tăng” - đại úy John Farmer thuộc đội chiến đấu lữ đoàn 1 của quân đội Mỹ cho biết.
Tại Ba Lan và Baltic, lực lượng Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tập trận luân phiên, một phần trong Chiến dịch Quyết tâm Thái Bình Dương của NATO, nhằm “đảm bảo an ninh của các đồng minh châu Âu trước việc Nga gây hấn ở Ukraine”.
Người phát ngôn quân đội Ba Lan cũng cho biết lực lượng Mỹ đào tạo cho binh sĩ Ba Lan. Trong thời gian qua, Ba Lan là một trong những quốc gia chỉ trích Nga dữ dội nhất vì cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tăng cường xe tăng và xe bọc thép tới châu Âu kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Lực lượng này sẽ thay thế các lính dù Mỹ có vũ trang nhẹ hơn, được điều động tới Baltic sau khi Nga giành Crimea.
Trước đó NATO và Mỹ đã thảo luận kế hoạch liên tục luân chuyển binh sĩ và khí tài ở các nước Baltic và Ba Lan để đề phòng Nga. Một lực lượng phản ứng nhanh cũng sẽ được thành lập, đóng tại Ba Lan và sẵn sàng triển khai tới bất cứ đâu ở châu Âu trong 48 giờ.
“Chúng tôi sẽ có đủ lực lượng và khí tài ở đúng vị trí, đúng thời điểm” - tướng Đan Mạch Knud Bartels, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, khẳng định.
-----------------------
Báo Nhật: Trung Quốc nhăm nhe các căn cứ hải quân tại Ấn Độ Dương
Sau khi một tàu ngầm và các tàu chiến Trung Quốc thăm Sri Lanka, Iran và Pakistan, báo chí Nhật đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các cảng hải quân tại Ấn Độ Dương để giám sát các động thái của hải quân Ấn Độ.
Trong thời gian từ 7-14/9, một tàu ngầm diesel điện Type 039 lớp Song đã cập cảng Colombo tại Sri Lanka. Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Trung Quốc công khai ghé thăm một cảng gần Ấn Độ Dương.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Sri Lanka vào cùng thời điểm dường như cũng chứng tỏ rằng Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ đối tác với Sri Lanka. Sau khi neo đậu tại Colombo, tàu ngầm Trung Quốc đã tới Vịnh Aden.
Changchun, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052C, và Changzhou, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 054A, cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với hải quân Iran và Pakistan trong các chuyến thăm tới các thành phố Bandar Abbas và Karachi. Các cuộc tập trận này cho thấy Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sự ảnh hưởng vào khu vực thông qua việc đưa hải quân Trung Quốc thành một lực lượng hải quân viễn dương thực sự.
Tờ Yomiuri Shimbun tại Tokyo cho hay Trung Quốc đang thảo luận hợp tác hải quân với Seychelles, Mauritius, Maldives, Sri Lanka, Bangladesh và Campuchia.
Đô đốc Robin K Dhowan, người đứng đầu hải quân Ấn Độ, nhận định rằng Trung Quốc dường như đang tìm kiếm các đồng minh để cô lập Ấn Độ.
Ông Dhowan cho biết, hải quân Ấn Độ sẽ theo dõi sít sao sự mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Nếu Bắc Kinh bắt đầu gia tăng các hoạt động hải quân tại Ấn Độ Dương, đó sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với Ấn Độ, ông Dhowan nói.
----------------------
Nga - Ukraine điều tra hình sự lẫn nhau
Moscow hôm qua mở cuộc điều tra hình sự về cái gọi là tội diệt chủng của Kiev ở miền đông Ukraine, trong khi đó Ukraine cũng có hành động tương tự đối với các cơ quan hành pháp Nga với cáo buộc hỗ trợ phe ly khai ở nước này.
Ủy ban Điều tra đã mở cuộc điều tra hình sự đối với tội ác diệt chủng nhằm vào cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền đông nam Ukraine", Reuters dẫn thông báo từ Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết. Đây là cơ quan chỉ phải giải trình với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Moscow cáo buộc những đại diện chưa xác định thuộc giới lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao của Ukraine, Vệ binh Quốc gia và Cánh Hữu (tổ chức dân tộc chủ nghĩa) đã ra mệnh lệnh cố ý thủ tiêu công dân nói tiếng Nga. Theo đó, lực lượng Kiev sử dụng vũ khí hạng nặng sát hại hơn 2.500 công dân ở hai nhà nước tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.
Trong động thái đáp trả, Văn phòng Tổng công tố Ukraine hôm nay tuyên bố mở cuộc điều tra đối với các quan chức Hội đồng Điều tra Liên bang Nga. Thông báo từ cơ quan trên tố cáo quan chức Nga "can thiệp trái phép" vào hoạt động của các cơ quan hành pháp và lực lượng vũ trang Ukraine.
"Hành động can thiệp này nhằm hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Luhansk' trong các hoạt động tội phạm, đồng thời cản trở việc thực thi nhiệm vụ của chính phủ Ukraine", thông báo có đoạn.
Động thái điều tra lẫn nhau được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với Ukraine. Moscow từ lâu đã cáo buộc Kiev sử dụng bạo lực đối phó với người dân miền đông. Trong khi đó, phương Tây và Ukraine nói có những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy Nga viện trợ vũ khí và binh sĩ giúp phe ly khai, nhưng Moscow phủ nhận điều này.