Hong Kong: đe dọa bao vây nơi biểu tình
Một nhóm người ủng hộ chính quyền đặc khu Hong Kong tuyên bố sẽ bao vây các khu vực biểu tình trên đường phố nếu chính quyền "bất lực". Theo AFP, phong trào Blue Ribbon yêu cầu các nhà chức trách phải giải tán 3 địa điểm mà những người biểu tình chống chính quyền đang chiếm đóng trong 2 tuần qua để giải tỏa ách tắc giao thông trước tối 14-10. “Nếu chính quyền Hong Kong không giải quyết được vấn đề đó, chúng tôi có kế hoạch bao vây những người chiếm Mong Kok, Vịnh Causeway và Admiralty”, phó chủ tịch phong trào Blue Ribbon Tsoi Hak Kin tuyên bố. “Người dân Hong Kong đã phải chịu đựng quá nhiều”, ông Tsoi chia sẻ thêm với AFP. Tuy nhiên ông Tsoi không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian cụ thể và cách thức nhóm này sẽ bao vây các địa điểm biểu tình. Nếu ruy-băng vàng (yellow ribbon) là biểu tượng của phong trào của nhóm ủng hộ dân chủ tại Hong Kong thì các nhóm đối lập sử dụng dải ruy-băng xanh giống màu đồng phục của cảnh sát đặc khu. Trước đó, ngày 9-10 chính quyền Hong Kong do Bắc Kinh hậu thuẫn bất ngờ hủy bỏ kế hoạch đàm phán giữa các lãnh đạo đặc khu và người biểu tình ủng hộ dân chủ dự kiến trong ngày 10-10. Theo ghi nhận của AFP, hơn 1.000 người biểu tình cùng nhau dựng lên khoảng 100 lều bạt nhiều màu sắc tại khu Admiralty của Hong Kong chiều ngày 11-10. Khoảng 15.000 người tham gia biểu tình một ngày trước đó. -----------------------
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đứng đằng sau biểu tình Hong Kong Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc bất ngờ cáo buộc Mỹ đứng đằng sau cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Tuyên bố này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong một bài bình luận đăng trên trang nhất của ấn bản nước ngoài, tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington có vai trò trong các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Sự can dự của NED là một phần trong chiến lược của Mỹ hòng làm suy yếu chính phủ nước khác dưới mác thúc đẩy dân chủ. Dẫn nguồn từ một vài phương tiện truyền thông chưa xác định, Nhân dân Nhật báo cho hay, Giám đốc NED, Louisa Greve đã gặp lãnh đạo người biểu tình cách đây nhiều tháng để cùng thảo luận về phong trào. Hiện NED vẫn chưa có bất kì phản ứng nào trước cáo buộc của Nhân dân Nhật báo. Trong khi đó, trả lời phóng viên hôm thứ 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho biết các quan chức Mỹ “dứt khỏa bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Washington đang điều khiển các hoạt động của bất kỳ cá nhân, nhóm hay đảng phái chính trị nào ở Hong Kong”. “Những gì đang xảy ra ở Hong Kong thuộc về người dân ở đó, và bất kỳ sự khẳng định nào khác là một nỗ lực đánh lạc hướng nguồn gốc của vấn đề”, bà Harf nói tiếp. -------------------------
Trưởng Đặc khu Hong Kong: Vạn bất đắc dĩ mới giải tán biểu tình Theo Reuters, khi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Cable TV sáng 12/10, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh cho biết ông không muốn tiến hành giải tán biểu tình "Chiếm Trung tâm" trừ trường hợp vạn bất đắc dĩ. Theo ông Lương Chấn Anh, nếu cuối cùng phải giải tán biểu tình, phía cảnh sát sẽ sử dụng vũ lực ở mức độ thấp nhất và không muốn các sinh viên bị thương. Bên cạnh đó, ông Lương Chấn Anh cho rằng "Chiếm Trung tâm" là “phong trào quần chúng mất kiểm soát”, không phải là “cách mạng”. Trưởng đặc khu Hong Kong còn nói ông biết rõ yêu cầu đối với dân chủ của những người "Chiếm Trung tâm" và các sinh viên trẻ song họ không nên hy sinh và xâm phạm quyền lợi của người khác. Ông Lương Chấn Anh khẳng định sẽ không từ nhiệm và cho hay chính quyền có thành ý đối thoại với Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS). Ông bày tỏ hy vọng đối thoại giữa HKFS với chính quyền sẽ hướng tới việc thực hiện tổng tuyển cử bầu Trưởng Đặc khu vào năm 2017 và tiền đề đối thoại là Luật Cơ bản cũng như các Quyết định liên quan của Thường vụ Quốc hội Trung Quốc -------------------------
Thủ tướng Trung Quốc lần đầu lên tiếng về tình hình Hong Kong Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa bày tỏ tin tưởng ổn định xã hội ở Hong Kong có thể được đảm bảo, khi cuộc biểu tình của người dân ở đặc khu này bước sang tuần thứ ba. Ông Lý nêu quan điểm về tình hình Hong Kong sau khi gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin, theo BBC. "Việc duy trì sự ổn định và thịnh vượng lâu dài của Hong Kong không chỉ là lợi ích của Trung Quốc mà còn chủ yếu là vì lợi ích của người dân Hong Kong. Tôi chắc rằng người dân và chính quyền đặc khu có thể bảo đảm sự giàu sang và ổn định xã hội, đồng thời bảo vệ người dân không bị thương và hư hại tài sản", ông Lý nói trong cuộc họp báo chung với bà Merkel. Thủ tướng Trung Quốc cho biết sẽ không có thay đổi trong "quyền tự trị ở mức độ cao" hiện nay ở Hong Kong và các vấn đề ở Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Bà Merkel cho rằng cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và bà hy vọng điều đó có thể duy trì. Trong việc tự do thể hiện quan điểm, các giải pháp cần đáp ứng nguyện vọng của người dân ở Hong Kong, theo Thủ tướng Đức. Hôm qua, hàng nghìn người Hong Kong lại tiếp tục nhóm họp tại trung tâm đặc khu hành chính Hong Kong nhằm thúc đẩy yêu cầu dân chủ, một ngày sau khi chính quyền hủy đàm phán với sinh viên. Cuộc biểu tình khiến nhiều khu vực tê liệt. Thủ lĩnh các phong trào của sinh viên kêu gọi mọi người trở lại đường phố, nói rằng sẽ tăng cường chiến dịch nếu chính quyền không đối thoại. Benny Tai, một lãnh đạo chủ chốt của nhóm Chiếm Trung tâm nói rằng chính quyền cần đưa ra một lộ trình về bầu cử dân chủ trọn vẹn ở Hong Kong. Truyền thông Trung Quốc lên án mạnh mẽ cuộc biểu tình, cho rằng là phong trào phi pháp. -------------------------
Biểu tình Hong Kong không thể thay đổi lập trường của Bắc Kinh Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TVB, ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh rằng các biểu tình đòi dân chủ gần như không thể tạo ra cơ hội để thay đổi lập trường của Bắc Kinh và đảm bảo cho cuộc bỏ phiếu phổ thông. Theo ông Lương, chính quyền Hong Kong sẽ cố gắng đàm phán với lãnh đạo sinh viên và xem xét các yêu cầu của họ trên cơ sở hợp pháp, nhưng không loại trừ khả năng cảnh sát sẽ điều một lượng nhỏ để dẹp các khu vực biểu tình. Hoạt động phong tỏa nhiều nơi quan trọng tại trung tâm tài chính lớn của châu Á, vốn đã bước sang tuần thứ ba, không thể kéo dài thêm nữa. "Những gì diễn ra trong nhiều tuần qua đã chứng minh được rằng phong trào quần chúng dễ dàng bắt đầu nhưng rất khó để kết thúc. Không ai có thể chỉ đạo hướng đi cũng như tốc độ của phong trào biểu tình. Hiện giờ, nó đã là một phong trào mất kiểm soát", Reuters dẫn lời trưởng đặc khu Hong Kong nói. Những bình luận trên của ông Lương được đưa ra không lâu sau khi hàng nghìn người tiếp tục nhóm họp tại trung tâm đặc khu hành chính Hong Kong nhằm thúc đẩy yêu cầu dân chủ. Họ mang theo lều bạt, chăn chiếu, đồ dùng, thức ăn, nước uống, chứng minh quyết tâm cắm chốt trên đường phố, bất chấp việc cảnh sát kêu gọi giải tán để tránh ùn tắc giao thông và hỗn loạn. Trước đó, chính quyền Hong Kong hôm 9/10 tuyên bố hoãn cuộc đàm phán về cải cách chính trị mà hội sinh viên chờ đợi, sau khi người biểu tình dọa mở rộng hoạt động đòi dân chủ để gia tăng sức ép lên giới chức. Người biểu tình yêu cầu cải cách dân chủ thực sự với cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của Hong Kong vào năm 2017, để chọn ra lãnh đạo thành phố. Làn sóng biểu tình hơn hai tuần qua ở Hong Kong đang tạo ra thách thức mạnh mẽ nhất với chính phủ Trung Quốc, kể từ khi nước này kiểm soát đặc khu năm 1997. -------------------------