Mỹ “bắn” OPEC
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 31-12-2014 lặng lẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại ở nước này suốt 40 năm qua, động thái được ví như phát súng bắn vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo báo Telegraph (Anh), Washington bật đèn xanh cho các công ty xuất khẩu loại dầu thô cao cấp mà không cần thông qua thủ tục xin phép chính thức thường lệ. Đây được xem là tín hiệu chính quyền ông Obama sắp tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu dầu thô có từ những năm 1970. Ngay sau thông tin này, giá dầu Brent tại thị trường London - Anh giảm còn 56,85 USD/thùng. Cùng thời gian trên, giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York - Mỹ cũng giảm còn 53,2 USD/thùng. Như vậy, giá dầu Brent đã giảm một nửa so với mức cao nhất hồi tháng 6-2014.
Thực tế là trong mấy năm gần đây, Mỹ đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới và sự dao động giá các nguồn năng lượng phụ thuộc nhiều vào số lượng phía Mỹ bán ra thị trường. Việc chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ, nếu diễn ra, sẽ đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến giá dầu với OPEC. Ả Rập Saudi không hề giấu giếm rằng nước này không muốn cắt giảm sản lượng, bất chấp giá dầu giảm, để bảo vệ thị phần. Thực ra, OPEC hiện chỉ còn chiếm khoảng 1/3 nguồn cung trên toàn thế giới, so với tỉ lệ 1/2 cách đây 20 năm.
-------------------------
Thế giới ưu tiên thúc đẩy kinh tế
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố xây dựng “nước Nhật Bản mới” trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc vẫn căng thẳng vì tranh cãi chủ quyền lãnh thổ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao với Hàn Quốc trong thông điệp năm mới được truyền thông nhà nước phát hôm 1-1. “Nếu nhà chức trách Hàn Quốc chân thành muốn cải thiện quan hệ, chúng tôi có thể nối lại các cuộc gặp cấp cao đang bị đình trệ. Nếu bầu không khí và môi trường tích cực cho đối thoại thì không có lý do gì để Triều Tiên không đàm phán cấp cao với Hàn Quốc” - ông Kim Jong-un nhấn mạnh trong bài phát biểu dài 30 phút. Ông cũng công bố ý định lập thêm một loạt vùng kinh tế và du lịch đặc biệt để thúc đẩy kinh tế.
Phản ứng lại, chính phủ Hàn Quốc cho rằng nếu Triều Tiên thật lòng muốn cải thiện quan hệ, nước này nên chấp nhận đề nghị đối thoại “càng sớm càng tốt”. Vài ngày trước, Seoul đề nghị Bình Nhưỡng nối lại đàm phán liên Triều trong tháng 1-2015 để bàn một loạt vấn đề, trong đó có việc đoàn tụ những gia đình ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cùng ngày 1-1, theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kêu gọi quân đội duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu và nói một nền an ninh mạnh mẽ là cần thiết cho “sự thống nhất có thể có với Triều Tiên”.
Tại nước láng giềng Nhật Bản, thông điệp năm mới của Thủ tướng Shinzo Abe chứa đựng cam kết cải cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong năm 2015 nhằm thúc đẩy kinh tế. “Năm nay, chúng ta một lần nữa xem kinh tế là ưu tiên quan trọng nhất... Chúng ta sẽ sớm tiến hành chiến lược tăng trưởng và các biện pháp (kích thích) kinh tế” - ông Abe nói, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ bắt đầu xây dựng một “nước Nhật Bản mới”. Dù không nói rõ “nước Nhật Bản mới” có diện mạo ra sao nhưng nhà lãnh đạo này cam kết theo đuổi chủ nghĩa hòa bình ngay cả khi đang tìm cách chỉnh sửa hiến pháp và mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đang căng thẳng vì tranh cãi chủ quyền lãnh thổ.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi 2014 là năm “không thể nào quên” trong cuộc chiến chống tham nhũng, song song đó, cam kết thực thi cải cách tư pháp để mang lại công lý cho người dân. Trong thông điệp năm mới, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực cải cách nền pháp trị trong năm 2015. Đối mặt sự sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng cần phải thích ứng với tốc độ tăng trưởng mới cũng như tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện cuộc sống người dân.
Thông điệp năm mới của Tổng thống Vladimir Putin cũng thu hút nhiều chú ý sau khi Nga vừa trải qua một năm 2014 nhiều biến động. Ông chủ Điện Kremlin gọi việc Crimea “về với đất mẹ Nga” sẽ mãi là một chương quan trọng trong lịch sử đất nước. Đề cập nhiệm vụ trong năm nay, Tổng thống Putin chỉ nói chung chung rằng: “Chúng ta phải thực thi mọi điều đã được hoạch định vì bản thân, vì con cái chúng ta và vì nước Nga”. Theo Reuters, dù không nói rõ nhưng ai cũng biết ông Putin đang đối mặt thách thức lớn nhất trong 15 năm cầm quyền khi kinh tế rơi vào suy thoái do giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
-------------------------
Nga: 26 thành phố bị đe dọa đánh bom nhà ga
Tối 30-12 (giờ địa phương), nhà chức trách Nga thông báo một kẻ nặc danh đã điện thoại tới cơ quan đường sắt tại 26 thành phố trên cả nước và đe dọa đánh bom.
Các thành phố Moscow, St. Petersburg, Samara, Omsk, Orenburg và Novosibirsk nằm trong danh sách bị “kẻ khủng bố” đe dọa.
Trạm xe lửa Leningradski ở thủ đô Moscow đã được sơ tán ngay trong đêm 30-12 cùng các trạm xe lửa mục tiêu khác. Tuy nhiên, dịch vụ báo chí đường sắt Nga cho biết lịch trình các chuyến tàu không bị thay đổi.
Nguồn tin cho biết các cuộc gọi chủ yếu xuất phát từ Ukraine.
Hồi năm ngoái, một vụ đánh bom tự sát vào một nhà ga xe lửa ở TP Volgograd giết chết 18 người và làm bị thương 44 người khác. Nghi phạm thực hiện vụ tấn công vào thời điểm ngày lễ năm mới sắp cận kề, 29-12.
-------------------------
Hải quân Indonesia đánh chìm 2 tàu đánh cá lậu của Thái Lan
Hải quân Indonesia ngày 27.12 đã đánh đắm 2 tàu của Thái Lan sau khi tòa án xác nhận những tàu này đánh bắt cá trái phép ngoài khơi đảo Anambas, phía bắc nước này.
Hải quân Indonesia đánh chìm 2 tàu đánh cá lậu của Thái Lan - ảnh 1Trang web của nhật báo Jakarta Post đăng tải hình ảnh tàu Thái Lan đánh bắt cá lậu ở Indonesia bị đánh chìm tại Indonesia
Nhật báo Jakarta Post (Indonesia) ngày 29.12 đưa tin cho biết lực lượng đặc nhiệm Hải quân Indonesia đã đặt bom bên trong 2 chiếc tàu đậu ngoài khơi Anambas rồi cho nổ. Hai chiếc tàu chìm ngay sau khoảng 5 phút.
Chiếc MV Kour Son 77, với 6 thuyền viên, của Thái Lan đã bị tàu chiến Indonesia KRI Sutedi Senoputra bắt giữ hồi hôm 14.11. Chiếc tàu Thái còn lại, KM G. Chawat 5, bị khống chế trước đó 3 ngày do không xuất trình giấy tờ hợp pháp cho phép hoạt động trong vùng biển của Indonesia, theo Jakarta Post.
“Theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Hải quân đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của mình trong việc đánh chìm những tàu thuyền đánh bắt cá trái phép”, Phó đô đốc Widodo cho hay.
-------------------------