Nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy khoảng cách giữa mối quan hệ Bắc Kinh- Bình Nhưỡng đang ngày càng xa nhau.
Ngày hôm nay (17/12) Triều Tiên kỷ niệm lần thứ 3 ngày mất của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Điều đặc biệt trong lễ kỷ niệm lần này là không có một đại diện nào của Trung Quốc đến tham dự lễ kỷ niệm.
Trước đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết, Tiều Tiên đã không gửi lời mời chính thức đến Chính phủ Trung Quốc và do vậy, Bắc Kinh cũng không có ý định gửi đoàn đại diện đến tham dự buổi lễ này.
Ngày 15/12, theo Yonhap, phía Trung Quốc đã xác nhận không nhận được lời mời tham dự lễ kỷ niệm 3 năm ngày mất của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Trung Quốc khẳng định vẫn sẽ "tôn trọng" quyết định của Bình Nhưỡng.
Sự vắng mặt của giới chức Trung Quốc trong ngày lễ kỉ niệm khiến các phương tiện truyền thông đều đặt câu hỏi, liệu quan hệ Trung - Triều có “vấn đề” hay không?
Yonhap dẫn lời một nguồn tin ngoại giao về mối quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc cho rằng sự vắng mặt của phái đoàn Trung Quốc đã phản ánh mối quan hệ chính trị đang “đóng băng” giữa hai nước.
Triều Tiên thờ ơ, Trung Quốc lạnh nhạt
Tạp chí điện tử The Diplomat (Nhật Bản) nhận định, từ đầu năm đến giờ đã xuất hiện nhiều thông tin cho thấy khẩu hiệu chống Trung Quốc đang phổ biển ở Triều Tiên. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng đang tìm cách mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia khác như Nhật Bản, Nga, Indonesia và Mỹ càng làm cho khoảng cách giữa Trung Quốc- Triều Tiên xa hơn.
Gần đây nhất, trong ngày kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với đồng minh truyền thống Trung Quốc (ngày 6/10), truyền thông của CHDCND Triều Tiên cũng không đăng tin bài về sự kiện này.
Mặt khác, ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi lên nhậm chức cũng chỉ duy trò mối quan hệ ở mức rất “bình thường” đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cho đến giờ, ông Tập Cận Bình vẫn chưa hề đến thăm Triều Tiên với tư cách người đứng đầu nhà nước.
Theo thông tin do The Diplomat cung cấp, những gì mà ông Tập thể hiện sự quan tâm của mình đối với Triều Tiên chỉ là gửi điện mừng vào ngày Quốc khánh của nước này mỗi năm.
Thờ ơ với Bình Nhưỡng nhưng Bắc Kinh lại ngày càng gần gũi hơn với Seoul. Trung Quốc đã dần chuyển sang phát triển các mối quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ thương mại với Hàn Quốc, AFP nhận định. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye trong khi vẫn giữ khoảng cách với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Sở dĩ, mối quan hệ này ngày càng dần lạnh lẽo là bởi Bắc Kinh tỏ ra khá bực bội về những tham vọng hạt nhân, các vụ thử tên lửa đạn đạo… của Bình Nhưỡng. Và Triều Tiên cũng không còn tin tưởng vào người hàng xóm khổng lồ. Theo quan sát của tờ báo Le Monde (Pháp), Triều Tiên đang tìm cách thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc.
Trong bài viết đăng ngày 2/12 trên Thời báo Hoàn cầu, Tướng Vương Hồng Quang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, nhận định Bắc Kinh sẽ không phản ứng nếu Triều Tiên tham gia một cuộc chiến hay bị sụp đổ.
“Trung Quốc không phải là vị cứu tinh. Nếu Triều Tiên sụp đổ, thì ngay cả Trung Quốc cũng không thể cứu họ”, tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Vương Hồng Quang khẳng định.
AFP bình luận phát biểu này nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với đồng minh của mình.
Tướng Vương Hồng Quang cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới. Ngoài ra, Tướng Vương Hồng Quang cũng chỉ trích chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng “đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng ở biên giới với Trung Quốc.
Tướng Vương Hồng Quang không còn tại chức nên tuyên bố này có thể không được coi là quan điểm chính thức của Bắc Kinh. Thế nhưng, việc nó được đăng tải trên một tờ báo cấp tiến cho thấy Trung Quốc đã phát đi một thông điệp cảnh báo úp mở đối với nước đồng minh láng giềng.
AFP bình luận, phát biểu này nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với đồng minh của mình.
Triều Tiên đang xích lại gần Nga
Hãng Thông tấn Nhà nước của Triều Tiên KCNA đưa tin, ông Choe Ryong Hae, Bí thư trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) với tư cách là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm Nga ngày 17/11.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại Khu vực Viễn Đông, Yuri Trutnev cũng có chuyến công du Triều Tiên hồi cuối tháng 4 năm nay. Những chuyến thăm cấp cao qua lại giữa đại diện 2 nước được đánh giá là thể hiện xu thế Triều Tiên đang phát triển quan hệ nồng ấm với Nga.
Trong diễn biến mới nhất, tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 17/2 cho biết, Moscow chính thức gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự lễ kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2 tại Nga vào tháng 5 năm tới.
Asahi Shimbun cho hay, nếu nhận lời mời, đây có thể sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo của quốc gia bí ẩn nhất thế giới năm 2011. Nếu sang tham dự lễ kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2, nhà lãnh đạo Triều Tiên chắc chắn sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Trước đó, theo Asahi Shimbun Triều Tiên đã công khai ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và cũng cần sự ủng hộ của Moscow trong bối cảnh nước này không ngừng bị chỉ trích về tham vọng hạt nhân và quan hệ với đồng minh lâu năm Trung Quốc đang trở nên lạnh nhạt. Ngược lại, Moscow cần sự hợp tác của Bình Nhưỡng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Hàn Quốc.
Tờ Le Monde (Pháp) trong số ra ngày 5/12 nhận định, Trung Quốc chưa hẳn là đồng minh duy nhất của Triều Tiên. Từ một năm nay, quan hệ Moscow với Mỹ và phương Tây dần xuống cấp (do vấn đề Ukraine) thì quan hệ Nga- Triều đang được hâm nóng một cách nhanh chóng.
Tờ báo Le Monde cũng lưu ý rằng vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết theo đề xuất của EU và Nhật Bản đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra Tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại, Ngoại trưởng Triều Tiên - ông Choe Ryong-hae đang công du tại Nga và đã hội kiến Tổng thống Nga.
Ngay sau buổi hội kiến, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đánh giá Nghị quyết của Liên Hợp Quốc là “phản tác dụng”. Ông còn cho rằng các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc không nên trở thành một “công cụ pháp lý”.
Giáo sư Park Byung-in, trường đại học Kyungnam tại Seoul nói, điện Kremin đã bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Triều Tiên.
Le Monde cho biết, Nga đang tập trung vào chính sách hướng Đông và có thể sẽ sử dụng Triều Tiên như là một con át chủ bài làm đối trọng với Washington. Trong những tháng gần đây, Nga và Triều Tiên đã dồn dập ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong lúc Mỹ và EU đưa ra những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Vào tháng 4/2014, Nga tuyên bố xóa 90% nợ cho Triều Tiên (tương đương với 10,9 tỷ USD được vay từ thời Xô viết). Cả hai bên cũng quyết định sử dụng đồng ruble trong trao đổi mậu dịch nhằm giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, mức trao đổi mậu dịch giữa hai bên cũng khá khiêm tốn (100 triệu USD trong năm 2013). Ước tính mức trao đổi có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.
Trung - Triều khó “buông tay” nhau
Dù Triều Tiên tha thiết muốn làm nóng quan hệ với Nga, nhưng giả thiết nước này sẽ nhanh chóng từ bỏ Trung Quốc, ngồi với Nga khó có thể thành hiện thực.
Được biết, 80% trao đổi mậu dịch của Bình Nhưỡng đều lệ thuộc vào anh láng giềng khổng lồ nên Triều Tiên không thể ngày một ngày hai thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau nhưng theo nhận xét của ông Andrei Lankov, đại học Kookmin tại Seoul cho rằng, Nga chưa vẫn thể hiện rõ thiện chí cũng như là có đủ mọi phương tiện để thay thế Trung Quốc làm người bảo hộ Triều Tiên. Nga cũng nhận thức được nhiều khó khăn trong mối quan hệ, hợp tác với Triều Tiên.
Mặt khác, dẫu cho lạnh nhạt với Triều Tiên trong thời gian gần đây nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ không “bỏ rơi” Bình Nhưỡng. Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng đặt giả thuyết, nếu Trung Quốc thực sự “bỏ rơi” Triều Tiên, có thể dẫn đến 3 khả năng.
Thứ nhất, Triều Tiên cũng sẽ từ bỏ Trung Quốc để “ngả vào vòng tay của kẻ thứ ba”.
Thứ hai, Triều Tiên sẽ không chống đỡ nổi trước sự bao vây về chính trị, kinh tế, quân sự của các nước đối địch.
Khả năng thứ ba là động thái của Trung Quốc sẽ đẩy Triều Tiên đến đường cùng và có thể dẫn đến chiến tranh bùng phát trở lại trên bán đảo Triều Tiên.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, dù là hậu quả nào trong 3 khả năng trên cũng đều bất lợi cho Trung Quốc, chưa tính tới khả năng các thế lực khác sẽ nhúng tay kiểm soát cả bán đảo Triều Tiên.
Bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu kết luận, “từ bỏ Triều Tiên” đồng nghĩa với việc Trung Quốc trao cho Mỹ “lợi ích chiến lược”– điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tờ báo điện tử China Daily bình luận, dù quan hệ Trung - Triều bị rạn nứt, nhưng Bắc Kinh sẽ vẫn nỗ lực duy trì quan hệ truyền thống với Bình Nhưỡng, đồng thời cũng sẽ tăng cường hợp tác với Hàn Quốc.
Tờ báo này cũng nhắc lại động thái mới đây nhất của Trung Quốc nhằm ủng hộ Triều Tiên, đó là Bắc Kinh đã tự nguyện bỏ phiếu phủ quyết các phương án khởi tố Triều Tiên của tòa án hình sự quốc tế.
China Daily khẳng định, quan hệ giữa hai nước này vẫn tốt đẹp, vì nếu Bắc Kinh muốn loại bỏ Bình Nhưỡng thì sẽ không bỏ phiếu phủ quyết việc khởi tố Triều Tiên ra tòa án hình sự quốc tế.
Trước đây, Bắc Kinh thường bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Liên Hợp Quốc, từng đồng ý trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng vì vụ nước này thử hạt nhân.
Truyền thông Trung Quốc cũng cảnh cáo giới quan sát bên ngoài đừng cố làm rõ khoảng cách lớn trong mối quan hệ Trung-Triều.
---------------------------
Thế giới hoan nghênh thỏa thuận lịch sử Mỹ - Cuba
Quyết định lịch sử của Mỹ và Cuba trong việc bình thường hóa quan hệ sau hơn nửa thế kỷ sóng gió đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, từ các chính phủ tới các tổ chức đa phương quốc tế.
Trong phản ứng tức thời sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba công bố việc bình thường hóa quan hệ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi đây là một bước đi quan trọng và là một tin tức tốt lành.
"Đây là một thông tin vô cùng tốt lành. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro về bước đi quan trọng này trong việc hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương", TTK Ban Ki-moon phát biểu tại phiên họp báo tổng kết một năm hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới.
Ông Ban khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng giúp đỡ hai nước láng giềng Mỹ và Cuba có những bước tiến tích cực hơn nữa trong quan hệ song phương và vun trồng quan hệ tốt đẹp trong thời gian tới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng ca ngợi thỏa thuận đột phá giữa Mỹ và Cuba, coi đây là một "bước ngoặt lịch sử".
"Thỏa thuận trên là một thắng lợi của đối thoại trước đối đầu. Hôm nay, một bức tường nữa đã bắt đầu bị kéo đổ", đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Federica Mogherini nhận định.
Nhà ngoại giao này bày tỏ hy vọng EU sẽ có thể "mở rộng quan hệ với tất cả các thành phần trong xã hội Cuba nhằm thúc đẩy các tiến bộ kinh tế - xã hội và đảm bảo các quyền cơ bản của con người". Cuba là nước duy nhất ở Mỹ Latinh không có đối thoại chính trị với EU nhưng từ đầu năm nay, hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán sau hơn 11 năm bị gián đoạn.
Với tư cách Chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhận định việc Washington và La Habana bình thường hóa quan hệ là quyết định mang tính then chốt và là bước tiến phi thường hướng tới việc đối thoại thay vì đối đầu.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
"Đây là tin rất tốt vào thời điểm có quá nhiều xung đột như hiện nay", người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nói.
Là bên trung gian chính cho các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cuba trong hơn 9 tháng qua, Tòa thánh Vatican cũng đã ra tuyên bố chúc mừng chính phủ hai nước trong việc vượt qua mọi khó khăn để đưa ra quyết định lịch sử.
Thủ tướng Canada Stephen Harper bày tỏ vui mừng trước những thành quả đạt được nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Ottawa. Canada là nước đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán bí mật cho Mỹ và Cuba, từ đó kéo hai nước láng giềng xích lại gần nhau. Tuy nhiên theo ông Harper, sự nồng ấm này vẫn tới quá chậm nếu như nhìn lại chặng đường hơn 50 năm quan hệ băng giá thời gian qua.
Từ Mátxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Điện Kremlin ủng hộ mạnh mẽ việc Tổng thống Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba. Nhà ngoại giao Nga khẳng định đây là bước đi ngoại giao đúng hướng vì hành động áp đặt trừng phạt đối với một quốc gia không phù hợp với nền tảng pháp lý quốc tế.
Chính phủ các nước khác ở Mỹ Latinh cũng đã hoan ngênh việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba là "sự khởi đầu cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latinh".
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đánh giá cao quyết định lịch sử của ông Obama, khẳng định nhà lãnh đạo Mỹ đã thực hiện bước đi quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người đồng cấp Argentina Cristina Fernandez coi đây là quyết định bất ngờ và bày tỏ hy vọng về tương lai quan hệ Mỹ-Cuba.
Có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) ở Argentina, các nhà lãnh đạo Paraguay, Uruguay và Bolivia cũng hoan nghênh việc Cuba và Mỹ thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao, coi đây là một sự kiện lịch sử.
Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Jose Miguel Insulza tuyên bố quyết định của Tổng thống Mỹ Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Ông Insulza kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa thương mại mà Washington đã áp đặt lên Cuba hơn nửa thế kỷ qua.
Ngày 17/12/2014 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng tuyên bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong chặng đường dài phía trước bởi giữa hai bên còn rất nhiều điểm khác biệt trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại.
-------------------------
Người Cuba hân hoan sau bình thường hóa quan hệ với Mỹ
Nhiều người Cuba ngày 17/12 đã xuống đường ăn mừng, bày tỏ hy vọng lớn về những đổi thay tích cực sau khi thông tin bình thường hóa quan hệ với Mỹ được công bố.
Tại thủ đô Havana, nhiều nhóm người vui mừng đã tụ tập lại trên đường phố trong khi tin tức được truyền đí. Cụm từ “ngày lịch sử” được nhiều người lặp lại, sau khi quan hệ Cuba-Mỹ được nối lại sau hơn 50 năm.
“Tôi nổi da gà khắp người”, Ernesto Perez, 52 tuổi, nhân viên tại một nhà hàng tại Havana cho biết. Trước đó, ông biết được thông tin thông qua điện thoại di động, một thiết bị mới được hợp pháp hóa tại Cuba từ năm 2006.
“Đó là tin tức rất quan trọng sẽ thay đổi toàn bộ cuộc đời chúng tôi. Tôi nghĩ mọi thứ giờ đang thay đổi. Rất nhiều thứ có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn”, ông Perez nói.
Nhiều người Cuba đang đi làm hoặc ở trường học khi họ hay tin chính phủ Mỹ đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao và nới lỏng các lệnh cậm vận đã kéo dài 5 thập niên. Không ít người tỏ ra ngạc nhiên trước diễn biến này, dù đã có những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Cuba – Mỹ thời gian gần đây.
Amelia Gutierrez, một nhân viên ngân hàng đang mang thai tháng thứ 7 cho biết, chị thấy nghẹn ngào khi nhận ra rằng con mình sẽ lớn lên trong một kỷ nguyên mới của quan hệ Mỹ Cuba.
“Nó sẽ không phải sống trong bầu không khí căng thẳng đã diễn ra trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba suốt 50 năm qua”, Gutierrez, 28 tuổi, hân hoan nói.
“Đây là một tin tuyệt vời. Một ngày lịch sử. Cuba và Mỹ là hai nước láng giềng. Không có lý do gì mà quan hệ lại tệ đến thế”, Gutierrez phát biểu với hãng tin AFP. “Chỉ có Chúa mới biết liệu mọi thứ sẽ được cải thiện nhanh hay chậm. Nhưng đây là bước đi đầu tiên khổng lồ”.
Hy vọng kinh tế hồi sinh
Marlon Torrez, một học sinh 16 tuổi, cho biết em hi vọng tất cả những thay đổi đó sẽ giúp ích cho kinh tế Cuba.
“Việc này sẽ mở ra rất nhiều cánh cửa, đặc biệt về thương mại giữa hai nước, vốn là láng giềng rất gần”, Torrez nói. Em là một trong số 7,7 triệu người dân trên quốc đảo 11,1 triệu người từ lúc sinh ra đã phải sống dưới lệnh cấm vận của Mỹ.
Nhiều người Cuba cũng vui mừng với sự trở về của 3 tù nhân đã bị Mỹ giam giữ hơn 15 năm với cáo buộc làm gián điệp. 3 người này đã được chính phủ Cuba tuyên bố là “Anh hùng của nền cộng hòa”, vì chiến đấu chống lại các nhóm lưu vong chống đảng Cộng Sản.
“Tôi hạnh phúc khó tả khi 3 người này có thể trở về đoàn tụ với gia đình tại Cuba. Nó thật đúng lúc”, Bertha Perez, một nhân viên thư viện 58 tuổi tại Nhà Simon Bolivar nói.
Hugo Cansio, chủ một tạp chí có tên On Cuba khẳng định tin tức này được chờ đợi từ rất lâu.
“Một vài người trong số chúng tôi đã nỗ lực vất vả trong nhiều năm để đem đến thay đổi trong chính sách giữa Cuba và Mỹ”, doanh nhân 50 tuổi khẳng định. “Hôm nay là một ngày tuyệt vời, ngày lịch sử, sự khởi đầu của một giấc mơ mới và một cơ hội mới đang mời gọi toàn thể người dân Cuba”.
------------------------
Mỹ: Cậu bé da đen bị tử hình được minh oan sau 70 năm
Phải mất 70 năm, thiếu niên 14 tuổi người Mỹ gốc Phi George Stinney Jr ở bang Nam Carolina mới được minh oan tội giết người. Vào năm 1944, Stinney đã lĩnh bản án tử hình vì tội giết 2 cô bé người da trắng.
Hôm qua 17/12, kênh truyền hình WIS đưa tin Thẩm phán hạt Clarendon, bà Carmen Mullen, đã tuyên bố trả lại trong sạch cho George Stinney bởi theo bà, vào năm 1944 thiếu niên da đen này đã không có quyền được tham gia một phiên tòa công bằng như hiến pháp quy định.
Năm 1944, Stinney đã bị kết tội đánh chết 2 cô bé người da trắng Betty June Binnicker (11 tuổi) và Mary Emma Thames (8 tuổi) bằng cây gậy nhọn lấy ở đường ray xe lửa.
Khi bị tử hình bằng ghế điện, Stinney còn quá bé và phải ngồi lên danh bạ điện thoại để đủ cao. Cậu cũng thường được nhắc đến là người Mỹ trẻ nhất từng bị chính quyền tử hình trong thế kỷ 20.
Kênh WIS cho hay trong phiên xét xử năm 1944 luật sư da trắng bào chữa cho cậu bé Stinney đã không hề đưa nhân chứng hay kiểm tra chéo các nhân chứng mà bên khởi tố đưa ra.
Gia đình cậu bé và những người ủng hộ phản đối rằng Stinney bị ép buộc phải nhận tội và các chứng cứ trên tòa bao gồm cả cây gậy nhọn cũng không còn được lưu giữ.
Sau 3 giờ xét xử, một bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên da trắng đã đưa ra phán quyết tử hình Stinney chỉ trong 10 phút.
Đến năm 2009, em gái của Stinney cho biết trong một bản khai rằng anh cô không phải là thủ phạm giết hại hai cô gái da trắng bởi tại thời điểm xảy ra án mạng Stinney đang ở với cô.
Chưởng lý bên biện hộ McKenzie đã nhận định: “Phiên tòa năm 1944 đã không đưa vụ việc ra xem xét, không kiểm tra chéo các nhân chứng, không đưa ra các bào chữa cho cậu bé và cũng không có tóm tắt kết thúc, Stinney đã không được Hội đồng xét xử một cách nghiêm minh. Quyền được xét xử công bằng của cậu bé theo Hiến pháp Mỹ đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng”.
Trang Huffington Post dẫn lời chưởng lý Miller Shealy cho rằng: “Chính quyền, như một thực thể, cũng có những góc tối của nó.”
Một người có liên quan đến phiên toà năm 1944 đã phân trần rằng bởi luật pháp Mỹ năm 1944 và hiện nay có nhiều điểm khác nhau nên việc Stinney bị kết án là hoàn toàn phù hợp với luật năm 1944 và cho rằng quyết định này cần phải được bảo lưu.
Cố vấn pháp luật Chip Finney cũng lên tiếng biện hộ cho bản án chính quyền đã tuyên trong quá khứ: “Bổi thẩm đoàn đã không kết tội vội vàng tất cả những người da đen liên quan đến vụ việc ở Alcolu, họ đã ra quyết định giam giữ Stinney dựa trên những bằng chứng mà ngày nay chúng ta không biết đầy đủ”.
Thẩm phán Mullen không đồng tình, bà cho rằng ở trong trường hợp cụ thể của Stinney, dựa trên những bằng chứng đã có, quyền được biện hộ của cậu bé đã bị vi phạm nghiêm trọng.
--------------------------