Không quân những nước nào mạnh nhất thế giới năm 2014?
Bảng xếp hạng của tạp chí Mỹ National Interest vừa công bố về các lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới hiện nay. Theo đó, Mỹ dĩ nhiên chiếm thứ hạng đầu, nhưng Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ 4, trong lúc Nhật Bản chỉ xếp hạng 5.
Điểm độc đáo trong bảng xếp hạng do chuyên gia quốc phòng Kyle Mizokami thực hiện, là không lực Mỹ chiếm hai thứ hạng đầu với Lực lượng Không quân Mỹ USAir Force đứng nhất, theo sau là Lực lượng không quân của hai binh chủng Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ gộp lại. Đứng thứ ba là Nga, theo sau là Trung Quốc, và ở vị trí cuối trong Top 5 là Nhật Bản, báo mạng Đài Loan Want China Times hôm qua (20.12) trích dẫn lại cho hay.
Theo tác giả bài viết, với 5.600 phi cơ trong tay, Lực lượng Không quân Mỹ xứng đáng với vị trí số một trên thế giới, đã đưa hai loại chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35 vào hoạt động. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ còn dự định mua thêm 1.763 chiến đấu cơ F-35 và có khả năng mua đến 100 oanh tạc cơ Long-Range Strike Bomber.
Ngay sau Lực lượng Không quân Mỹ USAF, Mizokami xếp không lực của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ gộp lại thành lực lượng không quân hùng hậu thứ hai trên thế giới, theo sau là Nga với khoảng 1.500 chiến đấu cơ, và 400 trực thăng quân sự. Tuy nhiên, đội máy bay của Nga đa phần là loại phi cơ đời cũ như Mig 29, Mig 31, Su 27, sản xuất từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Điểm đáng chú ý trong bảng xếp hạng trên tờ National Interest là vị trí thứ tư của Trung Quốc, gộp chung lực lượng không quân của cả hai binh chủng Không quân và Hải quân, với tổng cộng 1.321 chiến đấu cơ các loại, 134 oanh tạc cơ hạng nặng, 700 trực thăng chiến đấu...
Trung Quốc cũng là nước hiếm hoi, tương tự Mỹ, sở hữu và chế tạo ra hai kiểu phi cơ tàng hình J-20 và J-31. Loại J-31 được cho là bản copy của F-35 của Mỹ, được thiết kế dựa theo một số tài liệu mà tin tặc đánh cắp được từ một số nhà thầu cung cấp cho Không quân Mỹ.
Sự mô phỏng Mỹ sẽ còn đi xa hơn nữa vì loại chiến đấu cơ tàng hình J-31, từng được cho bay thử nhân Triển lãm Hàng không Châu Hải ở Trung Quốc tháng 11 vừa qua, sẽ được cải tiến để dùng trên tàu sân bay Trung Quốc tương tự như loại F-35C của Hải quân Mỹ hiện nay.
Đứng thứ năm trong danh sách là Nhật Bản, đối thủ trực tiếp của Trung Quốc trên vùng Biển Hoa Đông. Không quân Nhật có hơn 300 máy bay chiến đấu tối tân và đa chức năng. Vị trí khiêm tốn của Nhật Bản so với Mỹ, Nga hay Trung Quốc có thể được giải thích bằng sự kiện là cho đến nay, vai trò chủ yếu của không quân Nhật là phòng thủ chứ không phải là tấn công.
-------------------------
Trung Quốc điều tra "quan lớn" hô hào chống tham nhũng
Một quan chức cấp cao Trung Quốc từng lớn tiếng hô hào chống tham nhũng đang bị điều tra tội tham nhũng, theo truyền thông nước này.
Người đang bị điều tra là ông Wang Min (58 tuổi), bí thư Thành ủy TP Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông.
Tân Hoa xã đưa tin trong thông báo ngày 18-12, Ủy ban kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết ông Wang bị điều tra do bị nghi ngờ "vi phạm pháp luật và kỷ luật nghiêm trọng" - cụm từ thường để chỉ tội tham nhũng.
Theo báo chí địa phương, thông tin ông Wang bị điều tra được đưa ra chỉ một tuần sau khi ông này có bài phát biểu "mạnh miệng" về sự cần thiết phải làm trong sạch chính phủ. Ông cũng từng dẫn đầu một đoàn thanh tra chống tham nhũng ở các sở ngành tại Tế Nam.
Press TV ngày 19-12 cho hay ông Wang là quan chức cấp cao nhất tỉnh Sơn Đông bị điều tra tham nhũng. Tỉnh này là nơi đặt nhiều công ty và nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài.
-------------------------
Mỹ: 2 cảnh sát New York bị bắn chết trong xe tuần tra
Ngày 20/12, một tay súng đã bắn chết hai cảnh sát New York đang ngồi trong xe tuần, trong vụ việc được truyền thông địa phương khẳng định là một cuộc phục kích, nhằm trả đũa việc cảnh sát bắn chết một số người da màu gần đây.
Vụ nổ súng xảy ra giữa lúc dư luận New York đang tức giận sau khi một người đàn ông da màu thiệt mạng vì bị một cảnh sát da trắng khóa cổ. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn sau đó lại không khởi tố viên cảnh sát.
Truyền thông địa phương cho biết kẻ nổ súng cũng đã tự sát.
“Những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho những anh em cảnh sát New York, đã bị hành quyết khi đang làm nhiệm vụ tại Brooklyn”, trang Twitter của sở cảnh sát New York viết.
Nghi phạm được xác định là Ismaaiyl Brinsley, một người da màu, đã đăng tải trên trang Twitter lời lẽ đe dọa sẽ thực hiện một vụ tấn công để trả thù cho cái chết của hai người da màu bị cảnh sát bắn chết gần đây là Eric Garner và Michael Brown.
“Hôm nay tôi sẽ cho lũ lợn thăng thiên. Chúng hạ một người của chúng ta…vậy hãy hạ hai người của chúng”, Brinsley, 28 tuổi, viết trên mạng bên cạnh bức ảnh của một khẩu súng lục màu bạc.
Trước đó, người phát ngôn của cơ quan này, trung sỹ Lee Jones khẳng định với AFP rằng: “Chúng tôi có thể xác nhận 2 cảnh sát đã bị bắn vào lúc 14 giờ 50 phút (19 giờ 50 phút GMT) tại góc đường Myrtle và Tompkins, thuộc phân khu 79”.
Tờ The New York Post cho biết các sỹ quan bị bắn khi họ đang mặc sắc phục và ngồi trong xe tuần tra. Họ làm thêm giờ để tham gia một cuộc diễn tập chống khủng bố. Họ bị bắn ở cự ly gần bởi một tay súng duy nhất sau khi kẻ này áp sát chiếc xe.
Kẻ tấn công sau đó chạy bộ tới một nhà ga tàu điện ngầm và tự sát tại đây.
Thời gian qua, dư luận Mỹ đã nhiều lần “dậy sóng” khi một bồi thẩm đoàn đã không khởi tố một cảnh sát da trắng trong vụ bắn chết một thanh niên da màu không có vũ khí, tại thị trấn Ferguson, bang Missouri. Vụ việc đã làm bùng phát biểu tình và bạo loạn khắp nước Mỹ.
Tháng trước, một sỹ quan cảnh sát mới vào nghề đã bắn chết Akai Gurley, một thanh niên da màu 28 tuổi tại cầu thang của một chung cư ở Brooklyn.
Các vụ việc này, cùng với cái chết của một cậu bé da màu 12 tuổi, bị cảnh sát bắn chết khi đang mang súng đồ chơi tại bang Ohio đã làm bùng lên sự giận dữ âm ỉ bấy lâu giữa cảnh sát và cộng đồng người da màu.
--------------------
Mỹ đang gây nguy cơ chiến tranh với Nga thế nào?
Việc Washington đẩy mạnh các cuộc xung đột công khai với Moskva đi ngược lại tất cả những lợi ích của Mỹ.
Theo Philip Giraldi, một cựu sĩ quan CIA và hiện là giám đốc điều hành của Hội đồng về Lợi ích Quốc gia Mỹ, quay trở lại những ngày cao trào của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã làm bất cứ điều gì có thể để làm mất uy tín của Liên Xô, ví dụ như sử dụng các bài viết xuyên tạc về những vi phạm nhân quyền của Liên Xô, sắp xếp cho các công ty của họ mua những công nghệ giả mạo mà khi hoạt động sẽ gây thiệt hại cho dây chuyền lắp ráp, hoặc đổ tiền và xuất bản những ấn phẩm bị cấm cho các nhóm như “Đoàn kết” để phản đối những người cộng sản.
Ngày nay, hơn 20 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đang rơi vào một cuộc đối đầu mới và hoàn toàn không cần thiết với Moskva, chỉ khác là lần này nó không hoàn toàn được thực hiện bởi CIA. Phần lớn cuộc xung đột mới đang được tiến hành công khai, với các chế tài và các nghị quyết của Quốc hội Mỹ, xuất hiện thường xuyên liên quan đến các khu vực bất ổn ở nước ngoài, được thể hiện bởi các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và các chính trị gia, và tổ chức phương tiện truyền thông chính trị mới được tài trợ bởi các tổ chức có vẻ là phi chính phủ như Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED).
Kinh phí và đào tạo dành cho các nhóm đối lập tại một quốc gia được Mỹ xác định là mục tiêu - các bên liên quan và các nguồn thu nhập của họ - được giữ bí mật một cách cận thận. Và các hoạt động thường không để lại bất kỳ dấu vết nào trên giấy tờ. Đó chính là cách thức mà 5 tỷ USD tiền nộp thuế của người dân Mỹ đã bị lãng phí vào việc phát triển những gì được coi dân chủ đa nguyên, hay có thể được mô tả đúng hơn là "sự thay đổi chế độ” ở Ukraine. Việc can thiệp công khai như vậy vào công việc chính trị nội bộ của các nước khác cũng giải thích lý do tại sao các chính phủ ở Cairo, Moskva và một số nơi khác đã trục xuất một số chuyên gia tư vấn nước ngoài của NED.
Việc “đúng và sai” trong chính sách đối ngoại của Nga về vấn đề Ukraine đã được các phương tiện truyền thông, các diễn đàn về chính sách và an ninh mổ xẻ nhiều trong thời gian qua. Nhưng phải nói rằng Moskva có mối quan tâm an ninh nhất định liên quan đến việc liên tục mở rộng của NATO, đặc biệt là những nỗ lực vụng về gần đây nhất nhằm lôi kéo Kiev đi theo quỹ đạo của phương Tây. Nga có mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ và một lịch sử dân tộc liên quan đến Crimea. Thậm chí có người còn cho rằng Tổng thống Nga Putin là người “khác thường" và đang tìm cách giành lại Đông Âu, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những tranh luận như vậy về những gì đang diễn ra cũng không thay đổi được lịch sử của Crimea liên quan đến Nga. Thật không may đó chính xác là những gì mà Quốc hội Mỹ và ở một cấp độ thấp hơn là Nhà Trắng đang tìm cách để làm.
Cựu nghị sĩ Ron Paul của bang Texas đã lưu ý về việc một số người công khai ủng hộ việc gia tăng căng thẳng với Moskva. Ông đặc biệt gay gắt về Nghị quyết 758 của Hạ viện Mỹ với tiêu đề "Mạnh mẽ lên án các hành động của Liên bang Nga, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, đã thực hiện một chính sách xâm lược chống lại các nước láng giềng nhằm thống trị về chính trị và kinh tế", được thông qua ngày 4/12 ngay trước khi Quốc hội Mỹ nghỉ lễ Giáng sinh.
Ông Paul mô tả bản nghị quyết trên như là "16 trang tuyên truyền chiến tranh” và nhận xét rằng điều này có thể kích động "một cuộc chiến tranh với Nga mà có thể dẫn đến một sự hủy hoại hoàn toàn”. Nghị quyết HR 758 lên án Nga xâm lược Ukraine mà không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào để chứng minh, đổ lỗi cho Moskva bắn hạ chiếc máy bay MH-17, lên án việc bán vũ khí cho chính phủ Syria, cáo buộc Nga xâm lược Gruzia năm 2008, và tuyên bố Moskva "lấy thông tin một cách bất hợp pháp” về chính phủ Mỹ thông qua các hacker máy tính... Nghị quyết này cũng kêu gọi Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko giải giới quân ly khai tại miền đông nước này và yêu cầu Tổng thống Barack Obama cung cấp vũ khí, đào tạo cho Ukraine thực hiện mục đích trên, có nghĩa là những người lính Mỹ cũng có thể luôn ở tuyến đầu của những gì thường được coi là một cuộc nội chiến.
Để đối phó với những câu hỏi tại sao Mỹ lại tham gia vào cuộc khủng hoảng này, nghị quyết trên khẳng định rằng đó là vì sự can dự của Nga ở Ukraine "đặt ra một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế". Như Ron Paul đã chỉ ra, hiếm khi có nhiều sự dối trá được đưa ra như vậy, một nửa sự thật và những sự xuyên tạc đã tạo thành nghị quyết trên của Hạ viện Mỹ.
Ngoài cuộc chiến công khai, Mỹ còn có một cuộc chiến bí mật chống lại Moskva, còn được gọi là “cuộc chiến lén lút”. Nó là “một cuộc tấn công vào thị trường quốc tế của các công ty Nga, vào lĩnh vực tiền tệ và các hệ thống cho phép sử dụng thông tin bí mật mà thị trường trên phụ thuộc”. Có một số báo cáo cho thấy rằng Bộ Tài chính Mỹ đã bí mật gây áp lực lên những nhà cho vay lớn của châu Âu để ép họ tránh mua cổ phần hoặc nợ của Nga vì các giao dịch như vậy hiện là hợp pháp, nhưng có thể trở thành bất hợp pháp nếu vòng trừng phạt mới của các biện pháp trừng phạt được thắt chặt. Cụ thể, Tập đoàn Lloyds Banking rút một khoản tái tài trợ liên quan đến tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga vào tháng 5 vừa qua được cho là do áp lực của Mỹ.
Nga sẽ "ăn miếng trả miếng"?
Nền kinh tế Nga thực sự đang gặp khó khăn, một phần do các lệnh trừng phạt, nhưng chủ yếu là do sự sụt giảm của giá dầu. Nga luôn coi lệnh trừng phạt hiện nay là bất hợp pháp nhưng đến nay đã thất bại trong việc đưa ra các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, nếu các lệnh trừng phạt được tăng cường sẽ dẫn đến những vụ kiện tụng về vi phạm hợp đồng, điều sẽ làm tổn thương tất cả các bên liên quan và chỉ có lợi cho một số ít các công ty luật quốc tế.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt sẽ không làm thay đổi chính sách của Nga, bởi vì đối với Moskva, Ukraine đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó việc sử dụng các lệnh trừng phạt để đe dọa chỉ khiến cho bầu không khí thêm căng thẳng và việc tái lập mối quan hệ trong tương lai sẽ càng khó khăn hơn. Mỹ sẽ thiệt hại lớn nếu Nga lựa chọn các biện pháp ăn miếng trả miếng cả công khai và bí mật đối với nền kinh tế Mỹ. Moskva đã hợp tác với cả Washington và châu Âu liên quan đến việc theo dõi các nguồn tài chính của các nhóm khủng bố, phổ biến vũ khí và băng đảng ma túy. Nga có thể không tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực này nếu nhận thấy phương Tây sẵn sàng hành động chống lại các tổ chức tài chính và nền kinh tế của họ.
Moskva cũng đã hợp tác tích cực về mặt chính trị trong việc làm thế nào để giải quyết tình hình ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên. Trước sức ép của phương Tây, Nga có thể đơn phương phá vỡ lệnh cấm vận mua dầu từ Iran và bắt đầu bán vũ khí cho Damascus, trong đó có các hệ thống phòng không tiên tiến có thể bắn hạ máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ. Moskva cũng có thể giảm bớt các hạn chế về thương mại với Triều Tiên. Tại Liên Hợp Quốc, Nga có thể sử dụng quyền phủ quyết có chọn lọc của mình để cản trở các sáng kiến do Mỹ hậu thuẫn.
Sử dụng các sáng kiến cả công khai lẫn bí mật để dồn Nga vào chân tường không phải là chính sách tốt. Như Ron Paul đã chỉ ra, làm như vậy là khơi mào chiến tranh. Và có những bằng chứng trong lịch sử chứng tỏ rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến. Việc cấm vận thương mại và hạn chế doanh thu bán dầu cho Nhật Bản trong giai đoạn 1940-1941 đã khiến Tokyo tăng cường sự mở rộng ở châu Á nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên thay thế và cuối cùng dẫn đến trận Trân Châu Cảng. Sẽ là không khôn ngoan khi khiêu khích một đối thủ rất mạnh như Nga, trừ khi lợi ích quốc gia quan trọng đang bị đe dọa, và rõ ràng vấn đề Ukraine và Crimea không phải là trường hợp như vậy.
Tóm lại, sự chỉ trích nhắm vào Nga từ cả Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng, vốn được hỗ trợ đắc lực bởi các phương tiện truyền thông chính thống, là vô lý và Washington nên chính thức xem xét lại các cách tiếp cận sai lầm của mình và quay trở lại trước khi gây ra một tình huống mà sẽ là thảm họa cho tất cả các bên liên quan.
-----------------------