Chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm 2014, đã nhìn thấy năm 2015 phía trước. Và Tết, cũng chỉ hai tháng nữa, Tết Nguyên đán Ất Mùi cũng sẽ đến.
Cùng với niềm vui xuân đến là những khoản chi tiêu, không trốn được, đè lên đôi vai người lao động. Về quê ăn Tết với cha mẹ, làng xóm, những món quà cho cha mẹ và manh áo mới cho các em và nhiều khoản chi cho những ngày Tết…, bao nhiêu mong đợi khoản tiền thưởng Tết sau cả một năm đằng đẵng lao động.
Còn đến những hai tháng nữa, nhưng nhiều công nhân đã xao xác hỏi nhau thông tin về khoản tiền thưởng Tết. Các nhà báo cũng đã bám sát các doanh nghiệp, cố gắng tìm kiếm những tín hiệu vui. Tiếc thay các nhà báo đã thất vọng.
Một chủ doanh nghiệp may ở TP Hồ Chí Minh đã trả lời một cách lạnh lùng: Xin các anh đừng hỏi gì về Tết cũng như thưởng Tết. Chúng tôi đang mất ăn mất ngủ không phải vì thưởng Tết mà mất ăn mất ngủ để lo lương tháng 1-2015. Các anh nhớ cho, tháng sau đã tăng mức lương tối thiểu… Đang không có thêm gần một tỷ đồng cho vụ đó, nói gì đến Tết. Một chủ doanh nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng đã nửa đùa nửa thật: Liệu thưởng Tết cho công nhân mỗi người mấy trăm viên gạch có mà tha hồ ăn Tết? Chúng tôi còn tồn kho khối ra đấy.
Dĩ nhiên sau đó ông này vội thanh minh là nói đùa và đề nghị các nhà báo đừng đưa câu nói đùa ấy. Thế nhưng dư vị cay đắng của câu nói đùa làm cho chúng tôi thêm thương cảm với người lao động khi mùa xuân đến, bởi thực tế đã có không ít doanh nghiệp thưởng Tết bằng… hiện vật tương tự kiểu như thưởng giấy vệ sinh, thưởng quần đùi… đã từng xảy ra ở những mùa Tết trước.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân nhận định: “Mức thưởng Tết năm 2015 do điều kiện khó khăn, nên khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp có mức thưởng khiêm tốn. Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội đã có văn bản yêu cầu các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và doanh nghiệp chuẩn bị phương án về lương, thưởng Tết năm 2015 cụ thể và báo cáo về Bộ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp có tình hình khó khăn càng cần có phương án hỗ trợ người lao động trong Tết Nguyên đán chu đáo”. Nhận định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân có nhiều cơ sở khi các số liệu cũng chứng minh cho thấy tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã có tới 60.340 doanh nghiệp phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm 8.661 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 10.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 41.532 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Tuy nhiên, cũng không quá thất vọng, theo dò hỏi từ nhiều doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp sẽ vẫn có mức thưởng tương đương năm 2014, tuy nhiên với các doanh nghiệp may, da giày… mức thưởng chỉ là ví dụ, khoảng 300.000-400.000 đồng, chưa đủ một lượt vé tàu, xe.
Thật ra, nghĩ về thưởng Tết, những thương cảm không chỉ dành cho người lao động mà còn tới các chủ doanh nghiệp. Năm ngoái, gần đến giao thừa, người dân thấy một người ăn mặc tử tế, uống rượu đế với mấy bà gánh đồ nhậu dọc bờ biển Đà Nẵng. Anh ta vừa uống rượu vừa khóc.
Sau một hồi tâm sự, người ta mới biết rằng anh ta là chủ một doanh nghiệp xây dựng. Năm hết, Tết đến, không lo nổi lương thưởng cho công nhân, anh ta bỏ nhà ra đi… Vào Đà Nẵng vay tiền một ông bạn, cũng là chủ doanh nghiệp.
Tiếc là anh ấy cũng không lo được tiền thưởng Tết cho công nhân. Trong khi đó, trước cửa nhà vẫn có vài chục công nhân bám trụ, chờ ông chủ về, lấy tiền về quê ăn Tết.
Thế đấy. Thảm cảnh thưởng Tết bằng gạch hay cá tươi có lẽ khó xảy ra như những năm trước, khi mỗi lần phát thưởng Tết, những chợ cóc lại được mở ngay trước nhà máy xí nghiệp để bán đồ thưởng Tết với giá rẻ. Tuy nhiên, không nói khác được.
Người lao động cũng phải gắn số phận mình, mức sống của mình với doanh nghiệp mà mình làm việc. Khoản trông đợi có thể hy vọng nhất với người lao động tại các doanh nghiệp đang bê bết vì nợ và hàng tồn kho là những khoản trợ giúp từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Xin có những điều tốt đẹp nhất đến với người lao động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Để chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Ất Mùi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ.
Bảo đảm cung ứng hàng hóa, tránh neo giá
Theo chỉ đạo của Thủ tướng , Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt.
Bộ Công Thương tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai trong dịp Tết; gắn kết việc triển khai chương trình bình ổn thị trường giả cả với các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu nhằm hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết; chủ động kiểm tra giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trước và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt của hệ thống máy rút tiền ATM và các biện pháp trả lương kịp thời vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Tăng phương tiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, kiên quyết không để hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo; có biện pháp khắc phục tình trạng ùn tắc tại các vị trí giao thông trọng điểm, thành phố lớn; cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Đồng thời kiểm tra, rà soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; kiên quyết không cho phép các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật lưu thông trên đường; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tầu, vé xe và đảm bảo vé tầu, vé xe đến đúng đối tượng có nhu cầu đi lại trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tầu, vé xe theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các bến xe, bến tàu..; tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, tệ nạn xã hội,… bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; tăng cường kiểm tra, thanh tra bảo đảm an toàn cháy, nổ nhất là các địa bàn trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà chung cư cao tầng và khu dân cư đông người; chủ động công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống phức tạp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành thực hiện kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều no đủ, vui xuân đón Tết; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai bão lũ.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động bố trí kế hoạch trực tết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả...đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; chủ động có biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng, bảo vệ phát triển sản xuất một cách hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.
------------------------
Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo: Nhiều vấn đề phải xem xét
Hầm thủy điện không có cửa thông gió, gia cố bê-tông không liên tục lại để lao động nữ hợp đồng thời vụ, chưa có bảo hiểm vào bên trong làm việc.
Sáng 20-12, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm hiện trường để tìm nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Công an cũng đã thu thập tài liệu từ ông Phạm Đình Hiểu, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Xây dựng Sông Đà 505.
Kiểm tra bằng... mắt thường
Theo ông Hiểu, đường hầm này do Công ty Vinavico thi công trước đó rất lâu. Công ty CP Sông Đà 505 chỉ bắt đầu thi công công trình từ đầu năm nay nhưng chủ yếu làm các hạng mục nhà máy, đường ống áp lực, kênh dẫn nước; riêng đường hầm mới thi công hơn 1 tháng. Sáng 16-12, nhóm công nhân vào trong hầm dọn dẹp, láng xi-măng dưới đường hầm để chuẩn bị đổ bê-tông kết cấu thì bị sập. Ông Hiểu cho rằng trước khi làm đã vào kiểm tra bằng mắt thường nhưng không thấy có vấn đề gì cả nên yên tâm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về phương pháp thi công, ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty CP Sông Đà 505, thừa nhận: “Nếu là một đơn vị thi công đào hầm rồi gia cố bê-tông cố định sẽ tốt nhưng đây lại là một đơn vị trước đào và gia cố tạm bê-tông rồi sau đó lại một đơn vị gia cố cố định thì tính liên tục của việc thi công không được thống nhất. Tôi thì chỉ mới nhận việc đổ bê-tông cố định vỏ hầm thôi”.
Đặt vấn đề về thi công hầm thủy điện nhưng không có cửa thông gió để cung cấp dưỡng khí cho công nhân cũng như thoát hiểm khi xảy ra sự cố, ông Đạt chống chế rằng đã có đường ống bơm khí. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thời gian lắp đặt đường ống này thì ông Đạt thừa nhận nó chỉ mới được lắp sau khi xảy ra sự cố nhằm cung cấp ôxy cho những người mắc kẹt bên trong.
Trong số 12 nạn nhân có chị Đặng Thị Hồng Ngọc là nữ lại chỉ mới hợp đồng thời vụ, chưa có bảo hiểm nhưng vẫn được đưa vào bên trong hầm thủy điện để làm việc. Về vấn đề này, ông Đạt cho rằng vì nghĩ hầm ngắn và không nguy hiểm. “Chứ nguy hiểm thì đưa anh em vào làm gì. Ngọc vào để phục vụ ăn ca, nước nôi thôi” - ông Đạt phân bua.
Trong khi đó, theo đại tá Đặng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Cứu hộ Cứu nạn Cảnh sát PCCC TPHCM, mặc dù đường hầm đã đào từ lâu, nhiều vị trí không được chống đỡ bằng sắt thép nhưng khi thi công lại không có biện pháp gì để bảo đảm an toàn. “Làm như vậy là cực kỳ nguy hiểm, không nghĩ đến an toàn cho người lao động” - ông Dũng nhận xét.
Sẽ kiểm tra các công trình tương tự
Đề cập đến trách nhiệm để xảy ra sập hầm, ông Huỳnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng với công trình thủy điện thì ngành công thương chỉ quản lý về mặt nhà nước. “Trách nhiệm của chúng tôi chỉ tính toán lượng nước như thế có đủ áp lực để chạy máy phát điện hay không, lưu lượng nước về hồ có bảo đảm công suất phát điện không... Còn biện pháp thi công, thiết kế có đúng hay không là của ngành xây dựng” - ông Hải nói.
Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng vấn đề an toàn lao động là phải xem xét kỹ. “Sẽ có đánh giá nguyên nhân và chất lượng của công trình. Xem tổng thể từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ địa chất đến đơn vị thi công, biện pháp thi công, kể cả thi công đào hầm và thi công vỏ hầm” - ông Hùng khẳng định.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lưu ý các cơ quan chức năng xem chị Ngọc vào công trình để làm gì, có phải làm những công việc nặng nhọc nguy hiểm hay vào chỉ hỗ trợ hậu cần và từ đó xem xét trách nhiệm đơn vị thi công. “Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đặc biệt là an toàn lao động đối với những công trình rủi ro rất cao như thế này” - bà Mai đề nghị.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, sau khi các cơ quan chức năng có báo cáo về kết quả khám nghiệm hiện trường, tỉnh này sẽ đưa ra hướng xử lý. “Trên cơ sở đó sẽ kiểm tra, giám sát lại các công trình có liên quan hoặc tương tự” - ông Việt nói thêm.
----------------------
Thủ tướng: Cần sự chân thành, thực tâm hợp tác trong tiểu vùng Mekong
Tối 20/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5) với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trước đó, sau Lễ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận của các nhà lãnh đạo GMS.
Với chủ đề “Cam kết tăng trưởng bền vững và bao trùm tiểu vùng Mekong mở rộng”, Hội nghị đã thảo luận các nội dung về tình hình triển khai hợp tác GMS kể từ sau HNTĐ GMS 4 (Myanmar, tháng 12/2011), những thách thức mà tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt cũng như phương hướng thúc đẩy hợp tác thời gian tới nhằm phát triển bền vững và bao trùm khu vực Mekong.
Phát biểu thảo luận, lãnh đạo các nước cho rằng GMS đang đứng trước những thách thức lớn như khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, mức độ hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Để giải quyết các thách thức này, các nhà lãnh đạo nhất trí 6 nội dung lớn bao gồm: Thực hiện Khung Đầu tư (RIF) giai đoạn 2014 -2018; Gắn kết hợp tác GMS với chiến lược phát triển quốc gia mỗi nước; Thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động về các hành lang kinh tế GMS; Xây dựng Chương trình hoạt động tổng thể về tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại; Thúc đẩy sự phát triển của khu vực, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; và Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Các nhà Lãnh đạo GMS cũng đã trao đổi về khả năng hợp tác giữa GMS với các sáng kiến tiểu vùng khác và việc huy động nguồn lực cho các dự án trong Khung Đầu tư khu vực (RIF).
“Triển khai mạnh các dự án kết nối khu vực, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển các hành lang kinh tế, thực hiện các Hiệp định song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho di chuyển của người và hàng hoá. Tăng cường đối thoại thực chất giữa các nước thành viên để cùng xác định cơ hội hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những khó khăn, thách thức chung và thu hẹp khoảng cách phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng đồng thời đề xuất 4 định hướng cho hợp tác GMS trong thời gian tới bao gồm: Đảm bảo sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS; Cần sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS; Tiến tới hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS; và Khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, thế hệ trẻ tham gia tích cực vào hợp tác GMS.
Hướng tới phát triển bền vững và bao trùm của tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác GMS hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với con người, hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực. Thủ tướng kêu gọi các nước GMS hợp tác chặt chẽ trong quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong. Các đề xuất của Việt Nam đã được Hội nghị đánh giá cao.
Kết thúc phiên thảo luận, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và công bố các tài liệu sau: (i) Kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư khu vực GMS (RIF) giai đoạn 2014-2018; (ii) Tài liệu về thành lập Trung tâm Điều phối điện khu vực (RPCC); (iii) Tài liệu về thành lập Hiệp hội đường sắt GMS; (iv) Báo cáo rà soát Chiến lược giao thông GMS (2006-2015).
Trong Tuyên bố chung 30 điểm, điểm 25 đã nêu rõ: “Chúng tôi đều hiểu rõ khu vực GMS và người dân rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai ngày càng tồi tệ hơn, chúng tôi cũng sẽ theo đuổi những nỗ lực chung nhằm xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai khác và thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 tại Việt Nam vào năm 2017.
-----------------------
Siết điều kiện thi công, chống tai nạn, ùn tắc khi sửa đường Pháp Vân – Cầu Giẽ
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức thi công dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ bảo đảm chất lượng, tiến độ, vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Sáng 20/7/2014, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo Hợp đồng thì thời gian xây dựng giai đoạn 1 hoàn thành quý IV/2015, nhưng, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo và nhà đầu tư cam kết xây dựng giai đoạn 1 hoàn thành dự kiến trước 30/6/2015, rút ngắn tiến độ so với Hợp đồng khoảng 6 tháng.
Thời gian vừa qua, dư luận phản ánh tình trạng thi công gây mất an toàn, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường của dự án này. Đây là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông cao. Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án và vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
----------------------