Nhập siêu từ Trung Quốc, Việt Nam khó hiện đại hóa
VN nhập siêu lớn từ Trung Quốc và đang nhập rất nhiều máy móc thiết bị. Chỉ trong vòng một thập kỷ, nhập siêu tăng gần 200 lần và chưa có xu hướng giảm.
Phát biểu tại tọa đàm về nhập siêu từ Trung Quốc do Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội tổ chức ngày 19-12, diễn giả chính - ThS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng VN nhập siêu lớn từ Trung Quốc và đang nhập rất nhiều máy móc thiết bị. Điều này khiến VN không có công nghệ nguồn, khó thay đổi cơ cấu theo hướng hiện đại...
Theo bà Ngọc, VN đã lệ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc khi bán hàng sơ chế, nhập hàng tinh chế, cả máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng một thập kỷ, nhập siêu tăng gần 200 lần và chưa có xu hướng giảm, điều này thể hiện sự yếu kém của nền kinh tế.
Trong thương mại với Trung Quốc, còn có những hiện tượng như mua đỉa, bà Ngọc nêu câu hỏi đây có phải sự phá hoại hay không, tại sao nhiều như vậy mà không có biện pháp giải quyết?
Trong khi đó, chính sách VN còn có ưu đãi, như cho cư dân biên giới VN hoặc cư dân biên giới người Trung Quốc sang nếu xuất trình chứng minh thư hoặc giấy thông hành sẽ được mua hàng miễn thuế 2 triệu đồng/ngày.
Mục đích cơ bản của chính sách này là đảm bảo nhu cầu tối thiểu. Nhưng như vậy mỗi tháng một cư dân biên giới cần tới 60 triệu đồng cho hàng hóa. Theo bà Ngọc, đây là điều không thực tế bởi có nghiên cứu cho thấy cư dân biên giới Việt - Trung thực tế chỉ cần sang mua sắm của nhau mỗi tuần một lần.
Thực tế, việc cho phép mua 2 triệu đồng/ngày khiến nhiều đầu nậu có cơ hội tập kết hàng, thậm chí có trường hợp nhập cả container rồi nói do nhiều người mua...
Cho rằng nhập siêu Trung Quốc cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế VN, bà Phạm Bích Ngọc nêu ba nguyên nhân VN nhập siêu Trung Quốc là do mô hình tăng trưởng, thể chế pháp lý, và phương pháp quản lý.
Theo bà Ngọc, việc nhập hàng không phải khu vực có trình độ công nghệ nguồn nên không thể làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế VN theo hướng hiện đại. Vì thế có ý kiến "VN đang bán hàng Trung Quốc sang Mỹ" vì VN chủ yếu nhập nguyên vật liệu Trung Quốc, chỉ gia công rồi xuất khẩu sang EU, Mỹ.
Về giải pháp, bà Phạm Minh Ngọc đề nghị Chính phủ cần chú trọng nhập khẩu cạnh tranh, xây dựng bảng mặt hàng ưu tiên nhập khẩu, tiêu chuẩn về hàng nhập khẩu, quản lý chặt tiểu ngạch, hạn chế nhập máy móc thiết bị cũ từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần xem xét tăng thuế các mặt hàng nguyên phụ liệu trong nước đã sản xuất được...
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Đồng rúp mất giá: Lo khách Nga giảm và thủy sản gặp khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số công ty lữ hành chuyên đón khách Nga đến VN bằng các chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter flight) cho biết việc đồng rúp mất giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách Nga đến VN trong thời gian tới.
Khách Nga sụt giảm
Bà Hoàng Thị Phong Thu, chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Ánh Dương, cho biết theo kế hoạch đến ngày 30-4-2015, mỗi tuần Ánh Dương sẽ đưa một chuyến bay thẳng chở 200-300 du khách Nga từ các thành phố Ekaterinburg, Matxcơva, Irkusk, Krasnoyarsk đến TP.HCM.
Trước đó, công ty này cũng khai thác chuyến bay charter đến Phú Quốc và Khánh Hòa với tần suất ít nhất 1 chuyến/tuần. Tuy nhiên, lượng khách mua tour đến VN tại
Nga hiện đã giảm nhiều, làm thay đổi lịch bay đến VN. Đến thời điểm hiện tại, công ty chỉ gom đủ khách Nga bay tới TP.HCM và Phú Quốc đến ngày 15-1 với tần suất 1 chuyến/tuần. Sau ngày 15-1, Ánh Dương sẽ tạm ngưng khai thác các chuyến charter từ Nga đến Phú Quốc và TP.HCM.
Đại diện Công ty Anex Tour cho biết từ tháng 10-2014, hãng đã tăng các chuyến bay charter từ 23 thành phố Nga từ 12 chuyến/tháng lên 50 chuyến/tháng để đáp ứng lượng khách Nga sang VN du lịch.
Theo ông Nguyễn Đức Tấn - giám đốc điều hành Công ty Anex Tour VN, chỉ tính riêng khách đến từ Matxcơva mỗi tuần công ty gửi cố định 200 khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines đến Cam Ranh.
Theo kế hoạch, các tháng tiếp theo của mùa cao điểm (từ tháng 12-2014 trở đi), Anex Tour sẽ đưa vào Cam Ranh 12.000 khách/tháng. Nhưng do tình hình khách mua tour giảm, công ty này sẽ giảm từ 40-42 chuyến/tháng, nếu khủng hoảng kéo dài thì số lượng chuyến bay charter đến VN sẽ còn giảm nhiều.
Lượng khách đặt mua tour của Anex trong tháng 12 đã giảm hơn 50% so với tháng 10 và tháng 11. Ông Tấn cho biết nếu trước đây một ngày công ty có khoảng 200 lượt đặt phòng, tương đương 400 khách thì con số này hiện chỉ còn 70-80 khách, giảm trên 60%.
Theo các công ty lữ hành chuyên đón khách Nga, tỉ giá giữa đồng rúp Nga và đồng USD tăng cao đã làm người dân Nga lo ngại đi du lịch. Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, hoạt động kinh doanh của hơn 15 công ty du lịch lớn ở Nga bị ảnh hưởng nặng, thậm chí phá sản và biến mất khỏi thị trường du lịch.
Hiện tour sang VN đang được các công ty du lịch chào bán giảm giá 50% so với cách đây vài tháng nhưng không có khách đặt mua tour. Ông Tấn cho biết vé máy bay trên các chuyến bay thuê chuyến từ Nga về VN hiện giảm còn 300 USD/khách (khứ hồi), giảm 50% so với trước đây nhưng cũng không có khách mua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận - cho biết tính đến thời điểm này, lượng khách Nga đến nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn bình thường, nhưng dự báo từ tháng 1-2015 trở đi lượng khách Nga đến sẽ giảm ít nhất 50%.
Trong một cuộc họp mới đây giữa 16 resort và khách sạn với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đề nghị các cơ sở lưu trú nghiên cứu phương án giảm ít nhất 10% giá phòng, tùy theo từng doanh nghiệp có thể thỏa thuận với các đối tác của mình để đưa các chương trình khuyến mãi, giá cả hấp dẫn hơn nữa nhằm thu hút thêm du khách Nga đến địa bàn tỉnh.
Giá thủy sản vào Nga sẽ giảm?
Dù chưa chịu tác động nhiều, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản VN vào thị trường Nga đều bày tỏ lo lắng trước việc đồng rúp mất giá liên tục trong thời gian qua bởi các đối tác của họ gặp khó khăn khi mua USD để trả các đơn hàng.
Dù tác động chưa tức thời nhưng các doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch để ứng phó với việc thị trường Nga có thể giảm lượng mua hàng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Quang Đấu, tổng giám đốc Công ty Antesco (An Giang) - đơn vị đã xuất khẩu các loại nông sản chế biến vào Nga trên 10 năm qua, cho biết đã có hiện tượng khách Nga chậm nhận hàng và giảm đặt các đơn hàng mới do đồng rúp mất giá so với đồng USD.
“Hiện các đối tác tại Nga chưa đề nghị giảm giá nhưng chúng tôi đã tính đến trường hợp này. Nga là thị trường quan trọng đối với Antesco nên nếu khách hàng quá khó khăn, chúng tôi có thể chủ động giảm một phần giá để chia sẻ với khách hàng, giữ thị trường” - ông Đấu nói.
Ngoài phương án giảm giá, ông Đấu cho biết thêm công ty cũng tính đến phương án chuyển một phần sản lượng hàng hóa đã lên kế hoạch sản xuất cho thị trường Nga để chuyển sang các thị trường khác.
“Do các mặt hàng của công ty đều xuất khẩu theo một tiêu chuẩn cao cấp nên việc chuyển đổi từ thị trường này sang thị trường khác không có gì khó khăn” - ông Đấu cho biết.
Trong khi đó, ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương - cho biết về nguyên tắc, khi đồng rúp mất giá các khách hàng Nga sẽ gặp khó khăn trong thanh toán nhưng tác động lên các mặt hàng họ mua khác nhau.
Trong đó, những mặt hàng cao cấp, hàng giá trị cao sẽ bị khách hàng hạn chế mua. Nhưng các mặt hàng thiết yếu lại có giá thấp như nông sản, cá tra từ VN sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Theo ông Minh, Nga vẫn phải nhập khẩu hàng hóa cho tiêu dùng trong nước. Nhưng trong khó khăn họ sẽ thay đổi cách mua, đó là chọn những mặt hàng thiết yếu và các nhà cung cấp có giá cạnh tranh nhất để ưu tiên mua hàng. Với yêu cầu này, hàng nông sản của VN sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên thay vì mua từ các nước có giá bán cao hơn.
“Hiện tại Hùng Vương vẫn xuất khẩu cá tra sang Nga bình thường” - ông Minh cho biết.
(Tuổi Trẻ)
-----------------------
Thổ Nhĩ Kỳ lại kiện thép của Việt Nam
Ngày 19-12, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) vừa điều tra chống bán phá giá mặt hàng ống thép hàn không gỉ cán nguội nhập từ VN và Malaysia.
Theo đó, nguyên đơn khởi kiện M/s Jindal Stainless Limited cáo buộc các công ty của Trung Quốc và Đài Loan đã nhập các sản phẩm này vào VN và Malaysia, rồi xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh thuế chống bán phá giá.
Theo VCA, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ xác định sau khi thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng này của Trung Quốc và Đài Loan có hiệu lực vào năm 2013, lượng ống thép nhập khẩu từ những nhà sản xuất này giảm trong khi từ VN và Malaysia lại tăng đáng kể.
-------------------------