Nước nghèo mất 1.000 tỉ USD/năm vì tham nhũng
Tổ chức Chống đói nghèo ONE (Mỹ) ngày 3-9 công bố báo cáo “The Trillion Dollar Scandal” (Xì-căng-đan ngàn tỉ USD), khẳng định tham nhũng tước đoạt của các quốc gia nghèo nhất thế giới ít nhất 1.000 tỉ USD/năm.
Theo báo cáo, tham nhũng góp phần hạn chế đầu tư tư nhân, tăng trưởng kinh tế trong lúc làm tăng chi phí kinh doanh và dẫn đến bất ổn chính trị.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng tham nhũng gây ra cái chết của 3,6 triệu người/năm tại các quốc gia đang phát triển. “Ở những nước này, tham nhũng là kẻ sát nhân. Nguồn vốn đầu tư vào y tế, an ninh thực phẩm hoặc cơ sở hạ tầng bị rút ruột khiến hàng triệu sinh mạng mất đi, trong đó phần lớn là trẻ em” - báo cáo nhận định.
Báo cáo nêu ví dụ nếu diệt trừ tận gốc tham nhũng ở khu vực châu Phi Hạ Sahara, sẽ có thêm 10 triệu trẻ em được đi học mỗi năm và đủ tiền để trả lương cho thêm 500.000 giáo viên tiểu học; đồng thời, hơn 11 triệu người nhiễm HIV/AIDS được cung cấp thuốc điều trị. Từ đó, ONE hối thúc các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn (G20) áp dụng nhiều biện pháp chống tham nhũng khi họp tại Brisbane - Úc vào tháng 11.
---------------------------
Úc 'nghỉ chơi' gấu Nga, bán uranium cho Ấn Độ
Thủ thướng Úc, Tony Abbott, trước những diễn biến tại Ukraine, đang hoãn xuất khẩu uranium với Nga. Thay vào đó, Úc sắp ký một hợp đồng bán uranium cho ngành điện hạt nhân Ấn Độ.
Với hơn 1 tỷ dân, Ấn Độ đang thiếu điện trầm trọng. Hơn ¼ dân số nước này phải sống trong ‘bóng tối’.
Trong khi đó, chính phủ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào than đá, nguyên liệu cung cấp 2/3 sản lượng điện của Ấn Độ. Ngành điện hạt nhân của nước này hiện chỉ chiếm 2% tổng sản lượng điện quốc gia.
Được biết, chính quyền tân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có kế hoạch đầu tư xây mới thêm 30 nhà máy điện hạt nhân, tổng trị giá 85 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Úc chiếm giữ 40% trữ lượng uranium thế giới. Sau một thời gian dài cấm vận, Úc đã dỡ lệnh cấm buôn bán uranium với Ấn Độ vào năm 2012.
Chính quyền Canberra (Úc) từng từ chối bán uranium với Ấn Độ vì nước này có sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu này vì mục đích hòa bình “đang được hai bên xây dựng”, theo Bộ trưởng Thương mại Úc, Andrew Robb.
Ngoài ra, 2 ngày sau khi ông Abbott tuyên bố cấm vận Nga, Úc đã áp đặt lệnh cấm bán uranium cho cường quốc này.
Tuy nhiên, Úc cũng không phải là một nhà cung cấp uranium lớn của Nga. Từ khi ký kết hợp tác năm 2007 đến nay, chưa đến 100 tấn uranium được Úc bán đối tác.
Có thể thấy, Úc quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán uranium cho Ấn Độ sau khi chính quyền Washington đồng ý ‘bật đèn xanh’ cho ngành điện dân dụng của quốc gia Nam Á này.
Hồi năm 2008, Mỹ cũng chấp thuận bán nguyên liệu và kỹ thuật hạt nhân cho Ấn Độ mà không đòi quốc gia này giải giáp kho vũ khí hạt nhân của mình. Hiện nay, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang tiến đến những cam kết tương tự.
---------------------------
Nội các Nhật có bộ trưởng Quốc phòng mới
Báo Japan Times (Nhật) đưa tin ngày 3-9, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công bố nội các mới.
Đây là lần đầu tiên ông tiến hành cải cách nội các từ khi nhậm chức vào tháng 12-2012.
Trong nội các 18 người có 12 gương mặt mới và năm nữ. Trong sáu vị trí được giữ lại có Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Ngoại trưởng Fumio Kishida. Bộ trưởng Quốc phòng mới là nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Akinori Eto 58 tuổi. Ông sẽ xem xét các dự luật an ninh liên quan đến cách diễn giải hiến pháp hòa bình của Nhật nhằm tiến tới mở rộng quyền phòng vệ tập thể của Nhật.
Theo báo Huffington Post (Mỹ), năm gương mặt nữ mới trong nội các đều là các nghị sĩ. Họ sẽ giữ các vị trí bộ trưởng Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp, bộ trưởng Tư pháp, bộ trưởng Truyền thông và Nội vụ, bộ trưởng phụ trách vấn đề công dân Nhật bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc, bộ trưởng phụ trách thúc đẩy phát triển phụ nữ và vấn đề sụt giảm dân số-tiêu dùng.
Sự kiện nội các có tới năm phụ nữ là điều rất hiếm tại Nhật và tương đương với kỷ lục năm 2001. Động thái này nằm trong kế hoạch đến năm 2020 nâng tỉ lệ phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo lên 30%.
---------------------------
Pháp ngưng bàn giao tàu chiến cho Nga
Lo ngại trước các hành động leo thang căng thẳng của Nga tại miền Đông Ukraine, Pháp hôm 4-9 quyết định ngừng cung cấp tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga.
Văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Tình hình rất nghiêm trọng. Hành động gần đây của Nga tại miền Đông Ukraina trái với các nguyên tắc an ninh cơ bản của châu Âu. Do thỏa thuận ngừng bắn chính thức chưa được xác nhận nên Pháp nhận thấy cung cấp chiếc tàu sân bay trực thăng đầu tiên cho Nga là không phù hợp”.
Lẽ ra chiếc Mistral đầu tiên với tên gọi Vladivostok sẽ được bàn giao ngày 1-11 tới. Còn chiếc thứ hai tên Sevastopol dự kiến bàn giao vào năm 2015. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp đã quyết định hủy bỏ hợp đồng cung cấp chiếc Vladivostok, ít nhất cho tới tháng 10, nếu “không có gì thay đổi” mà không đề cập đến chiếc thứ hai.
Khi tình hình tại Ukraine ngày càng biến động, các quan chức Nga nhiều lần đánh tiếng họ chấp nhận để chính phủ Pháp hủy bỏ kế hoạch cung cấp tàu Mistral – trị giá 1,6 tỉ USD - nhưng phải chịu tiền phạt vi phạm hợp đồng, có khả năng vượt quá chi phí đóng 2 con tàu.
“Đây không phải điều gì to tát dù tin tức này hơi khó chịu. Nó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch trang bị vũ khí của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy chế của hợp đồng” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov trả lời về quyết định của ông Hollande.
Hành động kể trên của Paris không nằm trong các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng trong tuần này, lệnh trừng phạt mới của EU có thể trì hoãn việc Pháp phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đối với Nga.
Sau khi hay tin, Washington tỏ ý hoan ngênh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố: “Chúng tôi chắc chắn ủng hộ quyết định của họ”.
Cũng trong ngày 4-9, Thủ tướng Úc Tony Abbott hạ lệnh cấm bán uranium cho Nga, đồng thời thông báo lập một đại sứ quán ở Kiev và có thể viện trợ quân sự phi sát thương cho Ukraine. “Úc không có ý định bán uranium sang một quốc gia mà rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế như Nga” – ông Abbott nhấn mạnh.
Động thái cứng rắn của Canberra đến sau vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị nghi bắn hạ tại miền Đông Ukraine bởi phiến quân ly khai thân Nga.
---------------------------
Thủ tướng Ukraine gọi Nga là "nhà nước khủng bố"
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk hôm 3-9 gọi Nga là “nhà nước khủng bố” vì những hành động Moscow đã gây ra ở miền Đông Ukraine và khẳng định Kiev muốn trở thành một thành viên của NATO.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cùng ngày đã bác bỏ đề xuất 7 điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho rằng đó là một âm mưu nhằm lừa gạt phương Tây trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO và tránh các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow.
Trước đó, Tổng thống Putin cho rằng Kiev phải rút quân ra khỏi miền Đông Ukraine và phe ly khai ngừng tấn công để ngăn chặn cuộc chiến đổ máu. Ông Putin cho biết đã đề ra kế hoạch 7 điểm nhằm ổn định tình hình tại khu vực bất ổn miền Đông Ukraine. Ông nói: “Trên đường đi từ thành phố Blagoveschensk đến thủ đô Ulan-Bator (Mông Cổ), tôi đã đề xuất ra một số ý tưởng và kế hoạch hành động. Nó ở ngay đây và được viết tay”.
Theo kế hoạch 7 điểm của ông Putin, điều đầu tiên là các tay súng phải ngừng các hoạt động quân sự ở khu vực Donetsk và Lugansk. Lực lượng ủng hộ Kiev nên giữ một khoảng cách nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư ở miền Đông. Thực hiện đầy đủ và khách quan các hoạt động kiểm soát quốc tế về giám sát việc ngừng bắn. Ngăn việc sử dụng các máy bay chiến đấu nhằm vào dân thường và các ngôi làng. Trao đổi tù binh theo công thức “đổi tất” không có điều kiện. Mở ra hành lang nhân đạo cho người tị nạn và vận chuyển hàng viện trợ đến Donetsk và Lugansk. Tạo điều kiện cho các nhóm tái thiết trực tiếp tiện cận các cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Ông Putin bày tỏ hy vọng các thỏa thuận cuối cùng giữa Kiev và phe ly khai miền Đông Ukraine có thể đạt được và được đảm bảo tại cuộc họp sắp tới vào ngày 5-9. Tổng thống Putin nói: “Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ hỗ trợ tiến trình dự kiến trên trong quan hệ song phương”. Tổng thống Putin cũng đã thảo luận với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko về tiến trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
Ngay sau tuyên bố của thủ tướng Yatseniuk, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết “cánh của gia nhập vào NATO vẫn để mở” cho những thành viên mới, đồng thời kêu gọi khối này giúp tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine. Bên cạnh đó, Đức cũng cam kết sẽ hỗ trợ phi sát thương như áo chống đạn và các thiết bị y tế cho Ukraine.
---------------------------
Al-Qaeda “hướng Đông” đến Ấn Độ
Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri vừa tuyên bố thành lập chi nhánh tại Ấn Độ để “giương cao ngọn cờ thánh chiến” khắp Nam Á.
Trong đoạn video dài 55 phút được tải lên mạng ngày 3-9, Zawahari công bố sự ra đời của “Al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ”.
Sử dụng lẫn lộn tiếng Ả Rập mẹ đẻ và tiếng Urdu được dùng nhiều ở Pakistan, Zawahiri tỏ ra hứng khởi khi giành lại được phần nào sự chú ý, theo các nhà báo quốc tế.
“Al-Qaeda là một thực thể được thành lập để truyền bá lời kêu gọi của lãnh tụ Osama bin Laden” – Zawahiri nói, đồng thời thúc giục các quốc gia Hồi giáo “đẩy mạnh con đường thánh chiến đối với kẻ thù để giải phóng đất đai, khôi phục chủ quyền và hồi sinh vương quốc Hồi giáo”.
Zawahiri cho rằng chi nhánh mới là “tin vui cho người Hồi giáo” ở Myanmar, Bangladesh và các bang Assam, Gujarat, Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Ngoài ra, ông trùm hiện tại của Al-Qaeda cũng cam kết trung thành với thủ lĩnh Taliban ở Afghanistan là Mullah Omar.
Theo báo Washington Post, Al-Qaeda hiện có chi nhánh tại Bắc Phi (al-Qaeda vùng Maghreb – gồm các nước Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia), tại Yemen (al-Qaeda Bán đảo Ả Rập) và một mạng lưới các nhóm vũ trang Hồi giáo có liên quan từ Somalia đến Syria và Pakistan.
Đài BBC cho rằng thông điệp này dường như nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), kẻ đàn em sinh sau đẻ muộn nhưng đang ra mặt thách thức vị trí dẫn đầu các nhóm vũ trang Hồi giáo khắp thế giới.
Bằng chứng là Zawahri kêu gọi sự đoàn kết và hòa hợp giữa các nhóm vũ trang (trong khi IS xung đột không ngừng với các nhóm đối địch ở Syria), đồng thời cảnh báo Al-Qaeda không đàn áp cư dân địa phương (khác với những gì IS làm ở Iraq và Syria).
Các chuyên gia chống khủng bố tin là Al-Qaeda đang cạnh tranh với IS để thu hút thành viên, nhất là sau khi IS gây ấn tượng mạnh với những tín đồ trẻ tuổi khắp thế giới nhờ những bước tiến quân sự ở Iraq và Syria. Kể từ khi tách khỏi Al-Qaeda vào năm 2013, IS mở rộng địa bàn sang Syria và nay làm cả thế giới phải lo lắng vì mức độ tàn bạo của mình.
Tuyên bố này của Al-Qaeda sẽ khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lo lắng. Là người theo đạo Hindu, ông Modi vốn gặp nhiều chỉ trích vì giữ im lặng trước các vụ việc chống Hồi giáo trong nước. Tuy chỉ chiếm 15% dân số Ấn Độ song người Hồi giáo ở nước này là cộng đồng người Hồi giáo đông thứ ba trên thế giới với 175 triệu người.
---------------------------
Chiến binh Hồi giáo người Trung Quốc đầu tiên bị bắt giữ?
Tờ IBTimes (Mỹ) dẫn nguồn tin chưa được xác minh chính thức từ mạng xã hội Bộ Quốc phòng Iraq cho biết quân đội Iraq đang bắt giữ một chiến binh Hồi giáo, được cho là người Trung Quốc. Nếu như tuyên bố này được xác thực, đây sẽ là người Trung Quốc đầu tiên được phát hiện trong hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS).
Tờ Iraqi News đã đăng tải lại 2 bức ảnh về chiến binh hồi giáo này. Bức đầu tiên cho thấy một người châu Á, với hình lá cờ của IS được săm trên tay, trong quân phục đang bị bắt giữ bởi một quân nhân Iraq. Bức ảnh thứ hai chụp người đàn ông này lúc bất tỉnh với dòng chú thích “quân IS người Trung Quốc”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Iraq đang từ chối bình luận về những bức ảnh này. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chính quyền Iraq cũng đã từ đề nghị phỏng vấn của tờ South China Morning Post về vấn đề trên.
Tính xác thực của hai bức hình này vẫn chưa đươc làm rõ. Được biết, cả hai bức ảnh đều được đặc tải bởi một địa chỉ Facebook được cho là của Bộ Quốc phòng Iraq. Tuy nhiên, trang Web chính thức của Bộ Quốc phòng nước này lại có đường dẫn đến một Facebook khác. Theo Channel News Asia, cả hai địa chỉ facebook trên đều có giao diện giống nhau.
Theo ông Wu Sike, chuyên viên cấp cao của Trung Quốc tai Trung Đông, dự đoán hiện có hơn 100 người Trung Quốc đang chiến đấu cho IS. Có thể phần đông họ là những người Hồi giáo từ Tân Cương, Trung Quốc.
Nếu như tính xác thực của hai bức hình trên được chứng minh, đây sẽ là bằng chứng đầu tiên về công dân Trung Quốc tham chiến tại Iraq và Syria dưới lá cờ của IS. Mối lo ngại khủng bố Hồi giáo cực đoan của Bắc Kinh sẽ ngày càng tăng cao.