TPHCM: 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Thông tin từ UBND TPHCM cho biết, hiện còn tồn tại 54 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Trong đó có 13 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và nhiều cơ sở vi phạm nhiều lần...
Theo đó, 13 đơn vị bị liệt vào danh sách có mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Bệnh viện Tai Mũi Họng, Công ty TNHH Công nghiệp Thương mại Gò Sao, Công ty sản xuất giấy Á Châu, Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú - Nhà máy thời trang Phong Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi, Công ty TNHH Việt Nam Samho, Công ty TNHH Thực phẩm Việt Tường, Cơ sở Giết mổ gia súc - Trung tâm quận 12, Công ty TNHH Giấy Đồng Lợi, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty TNHH Nahal Vina, Công ty TNHH Altamode Việt Nam.
Trong số này, có những đơn vị vi phạm với hàm lượng gây ô nhiễm môi trường cao gấp hàng chục lần so với quy định. Cụ thể, Bệnh viện Tai Mũi Họng (số 155B Trần Quốc Thảo, phường 9, quận 3) không vận hành hệ thống xử lý nước thải, nước thải đo được có nồng độ COD vượt gần 48 lần; BOD vượt gần 54 lần; TSS vượt hơn 25 lần… so với quy định.
Công ty TNHH Nahal Vina (99 Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, quận 9) khí thải lò hơi CO vượt gần 13 lần; Công ty TNHH thực phẩm Việt Tường (tổ 12 ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) nước thải có hàm lượng COD vượt gần 5 lần; BOD vượt gần 8 lần; CO vượt 4,5 lần…; hay như cơ sở giết mổ gia súc trung tâm quận 12 (khu phố 2A, phường Tân Thới Hiệp) nước thải có hàm lượng COD vượt gần 6 lần; BOD vượt 9,5 lần…
Điều đáng nói, có không ít cơ sở tái phạm nhiều lần, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và đã xử phạt, gia hạn khắc phục... Nhưng sau đó, mọi việc "đâu lại vào đấy", các doanh nghiệp lại vô tư, tiếp tục vi phạm. Cụ thể: Công ty Mỹ Việt (km9 đường Song Hành, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) chuyên giặt ủi, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú đã bị xử phạt 90 triệu đồng (vào tháng 9/2013). Cơ quan chức năng yêu cầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 30 ngày. Song, cập nhật đến thời điểm hiện tại, hàm lượng CO trong khí thải của công ty này vẫn vượt hơn chuẩn cho phép.
Hay công ty CP giấy Xuân Đức (54B Nam Hòa, phường Phước Long A, quận 9) chuyên sản xuất bao bì cao cấp các loại, tập học sinh, giấy in văn phòng đã bị xử phạt 65 triệu đồng (tháng 9.2013) và cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục trong 30 ngày. Nhưng đến nay, nước thải sau khi xử lý của công ty này có hàm lượng BOD5 vượt gần 3 lần; COD vượt gần 1,5 lần; TSS vượt gần 1,5 lần; khí thải lò hơi CO vượt 1,5 lần so với quy định…
Khi bình luận về thực tế này, không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các cơ sở vi phạm “nhờn thuốc” là là do các quy định về chế tài xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước còn quá thấp.
Được biết, trước tình trạng này, thêm một lần nữa UBND TPHCM vừa có công văn yêu cầu các Sở ngành, quận, huyện liên quan chỉ đạo các cơ sở khắc phục triệt để về cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải… một cách rốt ráo, hiệu quả và sớm nhất. Theo đó, với 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thời gian để khác phục được thành phố “nới lỏng” hơn, nhưng cũng phải hoàn thành dứt điểm trong giai đoạn 2014-2015.
Riêng với 4 đơn vị y tế thuộc danh sách “báo động đỏ”, gây ô nhiễm môi trường (hệ thống xử lý nước thải y tế chưa đạt chuẩn yêu cầu), gồm bệnh viện Truyền máu Huyết học, Công ty TNHH Bệnh viện Đức Khang, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Bệnh viện Cao Thắng, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phải khắc phục ngay lập tức, thời hạn cuối cùng là tháng 12/2014.
-----------------------
Bắt giữ gần 100 tấn hàng nhập lậu
Ngày 1.9, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết, Đội chống buôn lậu khu vực phía bắc thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và lực lượng công an tiến hành bắt giữ 8 xe tải, vận chuyển gần 100 tấn hàng nhập lậu về Hà Nội để tiêu thụ.
Được biết, ngày 31.8, trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, lực lượng hải quan thuộc Đội chống buôn lậu khu vực phía bắc đã phối hợp với lực lượng C47 - Bộ Công an (CA); Phòng Cảnh sát kinh tế, CA tỉnh Hưng Yên và Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên tiến hành kiểm tra và bắt giữ 4 xe tải chạy hướng Lạng Sơn - Hà Nội và 4 xe tải chạy tuyến Móng Cái - Quảng Ninh về nội địa.
Quá trình kiểm tra, lái xe và chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ của lô hàng. Qua kiểm tra sơ bộ ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện, 8 xe ôtô chở một lượng lớn hàng hóa gồm: Vải, quần áo, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, máy tính cũ, phụ tùng ôtô, hàng điện tử và nhiều loại hàng bách hóa khác... tổng số hàng hóa trên có trọng lượng gần 100 tấn, trị giá hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt, trong số hàng này có một lượng lớn trứng gà và đồ chơi trẻ em, thậm chí có cả những loại súng đồ chơi đã được cảnh báo có thể gây sát thương nguy hiểm cho trẻ em.
Hiện toàn bộ phương tiện và hàng hóa vi phạm đã được di lý về trụ sở CA tỉnh Hưng Yên để lực lượng chức năng tiến hành phân loại, kiểm đếm và hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389, với số hàng lậu có giá trị lớn bị phát hiện chỉ trong một đêm, chứng tỏ các địa phương biên giới chưa phối hợp tốt với các lực lượng có chức năng tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu... đã để một lượng lớn hàng lậu lọt vào sâu trong nội địa mới bị phát hiện chặn bắt.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia - tại thông báo số 341/TB-VPCP ngày 26.8.2014 đã nêu rất rõ: “Người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu trên địa bàn phụ trách phải bị xem xét, xử lý và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước”.
-----------------------
Tăng cường quản lý lao động nước ngoài
Theo thông tin từ Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 21.8.2014 có 33.952 lao động, trong đó có 30.438 lao động Việt Nam, 3.514 lao động nước ngoài (trong 3.514 lao động nước ngoài có 1.913 lao động người Trung Quốc, còn lại đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ) làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Chỉ tiêu tuyển dụng theo tiến độ công trình
Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, về thông tin các nhà thầu tại dự án Formosa sẽ được tuyển và sử dụng trên 10.000 lao động Trung Quốc thực tế đây là con số kế hoạch dự kiến đề nghị xin tuyển của 29 nhà thầu theo tiến độ xây lắp công trình. Việc này sẽ được xem xét quyết định đối với từng nhà thầu theo tiến độ và từng thời điểm.
Đến ngày 27.8.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới chính thức chấp thuận 2.063 chỉ tiêu theo đúng quy trình quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Các nhà thầu đang đề xuất thêm khoảng 2.700 chỉ tiêu mới trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận. Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, dự báo vào thời kỳ cao điểm thực hiện tiến độ xây dựng các công trình của dự án (quý IV năm 2014 và quý I năm 2015), các nhà thầu cần khoảng 4,5 - 5 vạn lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài.
Linh hoạt nhưng nghiêm túc.
Hiện, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng được ủy quyền thực hiện việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại các dự án của Fomosa Hà Tĩnh. Đối với lao động làm việc ngắn hạn tại các nhà thầu trong giai đoạn xây lắp, sau khi Chính phủ cho phép Hà Tĩnh áp dụng cơ chế, tiêu chuẩn đặc thù, linh hoạt, công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại dự án đã có những chuyển biến tích cực.
Theo đó, từng bước kiểm soát được lao động nước ngoài ra/vào làm việc tại các nhà thầu. Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý, cấp phép đã ký được thỏa thuận cam kết phân định rõ trách nhiệm quản lý lao động nước ngoài, chia sẻ thông tin và báo cáo cập nhật tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các nhà thầu.
Lao động nước ngoài trong đó có lao động Trung Quốc được bố trí ăn nghỉ tập trung tại 4 khu ký túc xá, tạo thuận lợi hơn trong công tác kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và một số công tác liên quan khác. Về một số tồn tại, hiện ở dự án Formosa, tỉ lệ lao động nước ngoài/lao động Việt Nam là 1/8, thời kỳ cao điểm là 1/4; việc tuyển dụng lao động Việt Nam thay thế lao động nước ngoài đạt tỉ lệ thấp (5 - 10% nhu cầu cần tuyển).
Nguyên nhân được chỉ ra là do lao động tại địa phương và các địa phương lân cận chưa đáp ứng yêu cầu; phía nhà thầu còn sử dụng rào cản ngoại ngữ trong tuyển dụng để né tránh tuyển dụng lao động Việt Nam; lao động Việt Nam muốn có việc làm ổn định, lâu dài trong khi các vị trí của doanh nghiệp và nhà thầu cần tuyển chỉ trong ngắn hạn. Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để loại bỏ dần hạn chế trong đội ngũ lao động địa phương, nâng cao tỉ lệ lao động Việt Nam tại các công trình.
-----------------------
Trung Quốc mở tuyến du lịch mới tới Hoàng Sa của Việt Nam
Truyền thông Trung Quốc hôm nay đưa tin Bắc Kinh đang mở tuyến du lịch theo lộ trình mới tới quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo.
Tàu du lịch Coconut Princess hôm nay khởi hành từ Tam Á, thành phố phía nam đảo Hải Nam, tới quần đảo Hoàng Sa, Xinhua đưa tin. Trong chuyến đi dài 4 ngày, du khách sẽ tham quan ba đảo nhỏ, nơi họ có thể chơi "bóng chuyền bãi biển, lặn, câu cá và chụp ảnh cưới".
Ye Wei, Phó tổng giám đốc Hainan Strait Shipping Co., công ty vận hành tàu Coconut Princess, cho biết có khoảng 200 du khách tham gia chuyến đi và sẽ mất khoảng 12 giờ để tới quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tuyến du lịch này hồi tháng 4/2013, khởi hành từ thành phố Hải Khẩu. Tuy nhiên, lộ trình này bị hủy bỏ do đường đi dài hơn so với xuất phát từ Tam Á.
Đây là một trong những hoạt động xâm phạm chủ quyền mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, vùng biển được cho là có nguồn tài nguyên phong phú, chồng lấn với 4 quốc gia ASEAN là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Biển Đông còn có vị trí chiến lược trong lĩnh vực hàng hải với giá trị hàng hóa thông thương qua khu vực này ước đạt khoảng 5.000 tỷ USD một năm.
-----------------------
Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhỏ
Bắc Kinh đã biến một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành các đảo nhỏ, thông qua việc khai hoang phi pháp trong 6 tháng qua
Theo Want China Times, Trung Quốc từ tháng 2 liên tục điều đội xây dựng tới các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi một số nước gồm Malaysia, Philippines, Brunei đang tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Các nguồn tin cho biết 6 bãi đá ngầm gồm Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa và Én Đất đã bị biến thành các đảo nhỏ. Ngoài Én Đất, tất cả bãi đá trên đều được giới chức Trung Quốc ấn định "ngày sinh" cụ thể vào tháng 7.
Các bức ảnh vệ tinh chụp bãi Gạc Ma hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc đã thiết lập một bến tàu mới và trồng các hàng dừa dọc theo cơ sở hạ tầng như đường xá và tòa nhà. Điều này làm cho bãi Gạc Ma vốn nhiều đá và cát trở thành một hòn đảo trắng có hình dạng như quả táo. Các bức ảnh từ Google Earth hồi cuối 6 cho thấy có nhiều thiết bị xây dựng trên đảo.
Các nhà phân tích nhận định rằng nguồn lực dồi dào và khả năng xây dựng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến hành khai hoang nhanh chóng ở Biển Đông. Sự gia tăng cơ sở hạ tầng cũng khiến Trung Quốc có thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền trắng trợn hơn.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuần trước xác nhận Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động khai hoang trên Biển Đông và một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh giảm căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp.
Ông Aquino cũng cho hay Philippines sẽ tiếp tục kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật biển và thúc đẩy quá trình thành lập bộ quy tắc ứng xử (COC) để kiểm soát hành vi của các bên trong khu vực.
----------------------
Giám định điều tra vụ vỡ đường ống nước sông Đà
Bộ Xây dựng vừa có quyết định giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thực hiện giám định về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng giao viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng thực hiện việc giám định nguyên nhân vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà thuộc dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông. Thời gian hoàn thành trước 15-10.
Trước đó, trong tháng 8, cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu giám định để phục vụ quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Vinaconex.
Đường ống nước Sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư đã bị vỡ 9 lần kể từ khi đưa vào sử dụng. Việc này ảnh hưởng đến đời sống của 70.000 hộ dân ở TP Hà Nội. Cuối tháng 7, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
-----------------------
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ và Công an tỉnh Lào Cai khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục, ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự.
Theo báo cáo của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, lúc 18g55 ngày 1/9/2014 tại Km 122+800 quốc lộ 4D, xe chở khách của nhà xe Sao Việt biển kiểm soát 29B 08582 chở 53 người (cả 2 lái xe, 1 phụ lái) từ Sa Pa về Lào Cai đã va chạm với xe ô tô 5 chỗ đi ngược chiều và mất lái lao xuống vực sâu.
Đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường đèo dốc trong điều kiện thời tiết xấu. Hậu quả tai nạn tính đến 22h00 đêm 1 - 9 đã có 12 người chết và 41 người bị thương.
Các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã khẩn trương chuyển người bị thương cấp cứu đến bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Lào Cai và các bệnh viện gần nhất. Công tác cứu hộ vẫn đang được các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai khẩn trương triển khai thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ xin gửi lời chia buồn tới nạn nhân của vụ tai nạn các gia đình có người bị tử vong; đồng thời biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai, Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát, Bảo Thắng và nhân dân địa phương đã kịp thời huy động các lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại của vụ tai nạn.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu, Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai phối hợp với cơ quan chức năng địa phương huy động tối đa lực lượng y bác sỹ, thuốc men, phương tiện, thiết bị y tế của các bệnh viện tổ chức cứu chữa các nạn nhân vụ tai nạn để giảm thiệt hại về người; chỉ đạo lực lượng tại chỗ tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân; tổ chức thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình có người bị nạn.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chiếc xe biển kiểm soát 29B – 08582 rơi xuống vực là xe tăng cường phục vụ vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội – Lào Cai. Theo quy định, xe chỉ được chạy đến TP. Lào Cai, nhưng đã đã cố chở khách lên đến Sa Pa, cách địa điểm theo giấy phép 40 km.
Sau đó chiếc xe trên đã tiếp tục chở khách, khi chở khách đến Sa Pa về Lào Cai thì bị tai nạn làm 12 người chết và hàng chục người bị thương. Qua tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn, trong sáng ngày 2- 9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, Lào Cai thu hồi có thời giạn giấy phép kinh doanh vận tải đối với Công ty Minh Thành Phát – đơn vị quản lý xe Sao Việt để phục vụ điều tra làm rõ nguyên nhân gây tai nạn. Từ chỉ đạo này, Sở GTVT Hà Nội đã lập tức ra quyết định thu hồi giấy phép đơn vị trên vì đã để xe “chạy chui” từ Lào Cai lên Sa Pa.
Về việc cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn, ông Hoàng Văn Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Lào Cai cho biết, hiện đơn vị cùng với các bác sỹ tăng cường từ Hà Nội lên vẫn đang tích cực điều trị cho 41 người bị thương trong vụ tai nạn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các y bác sĩ khám sàng lọc, cố gắng hồi sức tại chỗ, ưu tiên điều trị cho bệnh nhân nặng, phẫu thuật cho những bệnh nhân trong trường hợp điều kiện trang thiết bị của BV có thể thực hiện được, tránh các tổn thương thêm khi vận chuyển bệnh nhân về tuyến trên...