Nhật, Mỹ xúc tiến lập đơn vị điều phối quân sự vĩnh viễn
Tokyo và Washington có kế hoạch lập một đơn vị chung vĩnh viễn nhằm tăng cường việc điều phối chính sách giữa Lực lượng phòng vệ Nhật và lực lượng Mỹ đóng tại nước đồng minh Đông Á.
Thông tin trên được một quan chức cấp cao của Nhật tiết lộ với Kyodo News vào hôm nay 6.9.
Vị quan chức này nói rõ rằng đơn vị mới, còn được gọi là “trung tâm điều phối chung”, sẽ giúp việc đưa ra cảnh báo và giám sát tốt hơn, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động trên các vùng biển trong khu vực.
Kế hoạch trên sẽ được đưa vào báo cáo tạm thời về việc xem xét các hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương. Báo cáo tạm thời này có thể sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 9 và báo cáo chính thức sẽ được đưa ra vào cuối năm 2014.
Đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo và Washington xem xét lại các hướng dẫn hợp tác quốc phòng 2 bên kể từ năm 1997. Các hướng dẫn làm rõ việc chia sẻ vai trò giữa Lực lượng phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ trong trường hợp có biến cố theo hiệp ước an ninh song phương.
---------------------------
Triều Tiên phóng 3 tên lửa, Hàn Quốc báo động
CHDCND Triều Tiên, hôm nay (6/9), bắn thử 3 tên lửa tầm ngắn ở ngoài khơi bờ biển phía đông nước này, khiến quân đội Hàn Quốc báo động.
Báo chí dẫn lời quan chức quân đội Hàn Quốc cho hay, các tên lửa Triều Tiên được phóng đi từ một địa điểm gần cảng Wonsan ở phía đông nam lúc sáng sớm, bay được 210km rồi rơi xuống Biển Nhật Bản. Chúng được tin là loại tên lửa chiến thuật mới mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm trong thời gian gần đây.
"Về tầm bắn và đường đạn thì các tên lửa được phóng hôm nay cùng loại" với các tên lửa bắn ngày 14/8 và 1/9", hãng tin Yonhap dẫn lời một nguồn tin quân sự Hàn Quốc.
"Các vụ phóng dường như nhằm phát triển loại tên lửa mới có tầm bắn xa hơn so với loại KN-02 hiện nay" (vốn có tầm bắn 170km) – quan chức này bình luận thêm.
Cũng theo ông, quân đội Hàn Quốc đã theo dõi sát sao Triều Tiên trước thềm kỳ lễ Chuseok bắt đầu từ thứ Hai đến thứ Tư tuần sau. Trong dịp lễ truyền thống nổi tiếng này, người Hàn Quốc sẽ thăm hỏi người thân và tỏ lòng tôn kính tổ tiên.
Yonhap thống kê, Triều Tiên đã bắn tổng cộng 111 tên lửa, cả tầm ngắn và tầm trung, trong 19 vụ phóng kể từ đầu năm đến nay.
---------------------------
Quân đội Philippines hướng sức mạnh ra biển
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 5-9 đưa tin hôm trước đó, trong cuộc trò chuyện với phóng viên của Bloomberg tại Manila.
Tham mưu trưởng quân đội Philippines tướng Gregorio Pio Catapang nhấn mạnh Philippines sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia cho dù Philippines ở trong tình thế võ sĩ hạng gà đối chọi với võ sĩ hạng nặng (ám chỉ Trung Quốc).
Tướng Gregorio Pio Catapang nói trước đây, nhiệm vụ ưu tiên của quân đội Philippines là bình ổn khu vực miền Nam Philippines, nơi nhiều nhóm phiến quân thường xuyên gây rối. Trước tình hình Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các đảo nhân đạo và tăng cường hiện diện hải quân ở biển Đông, nhiệm vụ trọng tâm và sức mạnh của quân đội Philippines đang hướng ra biển.
Tướng Gregorio Pio Catapang nói quân đội sẽ củng cố sức mạnh phòng vệ ở vịnh Ulugan thuộc tỉnh đảo Palawan, phía tây Philippines.
Ông cho biết quân đội cần ít nhất 4 tỉ peso (1.940 tỉ đồng VN) để xây dựng một căn cứ hải quân, một đường băng và nâng lực lượng binh sĩ ở vịnh Ulugan lên 1.000 người.
Ông cũng đang vận động Quốc hội phê chuẩn kế hoạch chi tiêu 10 tỉ USD để xây dựng quân đội Philippines trở thành lực lượng vũ trang đạt tầm cỡ thế giới vào năm 2028.
Tướng Gregorio Pio Catapang cho biết trong giai đoạn thứ nhất của kế hoạch hiện đại hóa quân đội, Philippines sẽ mua thêm ba tàu chiến, nâng tổng số tàu chiến của hải quân lên sáu tàu. Philippines sẽ nâng số phi đội máy bay chiến đấu từ một phi đội lên ba phi đội. Philippines cũng sẽ lắp đặt hệ thống radar cảnh báo sớm và pháo phòng không trên toàn quốc.
---------------------------
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc bị đe doạ hành quyết
Hôm nay 5-9, cảnh sát và các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết sẽ điều tra sau khi có lá thư đe dọa hành quyết được gởi đến Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Lá thư và một con dao đã được tìm thấy tuần trước bởi một người giao hàng khi ông đang đóng gói lại những bưu kiện bị rách gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Bộ Quốc phòng cũng cho biết, bức thư đề người gửi là “Quân đoàn hành động hòa bình quốc tế” có nội dung đe dọa sẽ trừng phạt Bộ trưởng Han cùng gia đình ông, đồng thời lên án lập trường cứng rắn chống lại Triều Tiên của ông.
Bức thư cũng cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã “gieo rắc đám mây hạt nhân” lên bán đảo Triều Tiên. Trên hai mặt của con dao có ghi dòng chữ màu đỏ là “Han Min-koo” và “hành quyết”.
“Qua cuộc điều tra, chúng tôi đang cố gắng để xác định xem Bắc Triều Tiên có dính líu đến vụ việc hay không”, AFP dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng.
---------------------------
Bài học phân định tranh chấp biển Ấn Độ-Bangladesh
Cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo Philippines đã đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông thông qua tòa án quốc tế như cách Ấn Độ và Bangladesh áp dụng để giải quyết tranh chấp trên vịnh Bengal.
Trước đó, chuyên gia Sam Bateman, cố vấn chương trình an ninh hàng hải của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cũng nhận định tương tự trên trang web Mạng lưới An ninh và quốc tế của Thụy Sĩ.
Ấn Độ đề nghị phân định biên giới trên vịnh Bengal dựa theo nguyên tắc trung tuyến. Bangladesh lại muốn phân chia công bằng, như vậy Bangladesh sẽ có diện tích tranh chấp khá lớn chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của Ấn Độ. Ấn Độ đệ trình tranh chấp ra tòa án trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan).
Ngày 7-7, tòa án đưa ra phán quyết. Tòa nhận định biên giới thềm lục địa của Bangladesh đã vượt ra khỏi ranh giới 200 hải lý của nước này và chồng lấn khu vực 200 hải lý của Ấn Độ. Do đó, tòa phán quyết Bangladesh nhận được 19,467 km trong 25,602 km vùng biển, tức 4/5 khu vực tranh chấp.
Ấn Độ lẫn Bangladesh đều xem phán quyết của tòa là chiến thắng. Bộ Ngoại giao Bangladesh gọi phán quyết là chiến thắng của tình hữu nghị Ấn Độ-Bangladesh. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hoan nghênh phán quyết sẽ thúc đẩy tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước láng giềng.
Chuyên gia Sam Bateman cho rằng nếu không nhận được phán quyết có lợi từ tòa án trọng tài thường trực ở La Haye, Bangladesh chỉ được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhỏ hơn bởi Bangladesh nằm ở vị trí “vùng khóa”, tức bị kẹt giữa vùng biển của Ấn Độ và Myanmar. Phán quyết của tòa đã công nhận khu vực lõm của vịnh Bengal tạo ra các yếu tố không công bằng đối với Bangladesh, vì thế tòa đã điều chỉnh đường trung tuyến hướng về phía Tây dành khu vực lớn hơn cho Bangladesh.
Tóm lại, dù tranh chấp biên giới hàng hải tại vịnh Bengal giữa bốn nước Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka vẫn còn một số gút mắc chưa được giải quyết, phán quyết về biên giới hàng hải giữa Ấn Độ và Bangladesh rất có ý nghĩa.
Chuyên gia Sam Bateman khẳng định phán quyết ấy đã trở thành nền tảng vững chắc cho công tác quản lý mang tính chất hợp tác trên vịnh Bengal. Phán quyết ấy cũng bảo đảm an ninh hàng hải khu vực, giải quyết được căng thẳng lớn trên vịnh Bengal và mở đường cho quá trình hợp tác hiệu quả hơn của các nước trong khu vực.
Thái độ sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đã thúc đẩy uy tín đạo đức của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc ở Nam Á. Vì lẽ đó, chuyên gia Sam Bateman khuyên đây là mô hình mà Trung Quốc có thể xem xét trong quá trình giải quyết tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Chuyên gia Sam Bateman kết luận: Nếu có đủ ý chí chính trị, vấn đề tranh chấp hàng hải vẫn có thể được giải quyết trong hòa bình.
---------------------------
Diễn đàn Nhật Bản - ASEAN thảo luận về vấn đề Biển Đông
Theo Kyodo, các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí đảm bảo thành công cho một hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới tại Myanmar.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tại cuộc họp Diễn đàn Nhật Bản-ASEAN diễn ra ở thủ đô Tokyo, hai bên đã trao đổi quan điểm về những căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN liên quan tới những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Ngoài ra, hai bên đã khẳng định tiến bộ trong hợp tác về an ninh hàng hải, ngăn ngừa thảm họa và tăng cường kết nối kinh tế nội khối cùng nhiều vấn đề khác.
Phát biểu tại diễn đàn, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy nói rằng ASEAN "đánh giá cao vai trò quan trọng cũng như đóng góp đáng kể của Nhật Bản trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN," ám chỉ các nỗ lực của ASEAN nhằm tạo ra một cộng đồng kinh tế hội nhập hơn vào trước cuối năm 2015.