Thủ tướng Thái Lan rút khỏi quân đội
Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã rút khỏi quân đội để tập trung điều hành chính phủ mới, theo Bangkok Post.
Tối 8.9, quân đội nước này đã công bố danh sách hơn 1.000 tướng lĩnh mới được phong chức do đức vua chuẩn y.
Theo đó tướng Prayuth Chan-ocha sẽ không còn nắm giữ chức Tư lệnh bộ binh Hoàng gia Thái Lan. Tướng Udomdej Sitabutr sẽ đảm nhận chức vụ này.
Ông Udomdej từng là phó của ông Prayuth trong quân đội và hiện nay giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong nội các của Thủ tướng Prayuth.
Ngày 11.9, Thủ tướng Prayuth sẽ xuất hiện trước Quốc hội Thái Lan để công bố kế hoạch điều hành chính phủ và lộ trình cải cách đất nước trước khi chuyển sang chính quyền dân sự.
Quân đội hiện nay vẫn đang nắm giữ toàn bộ quyền lực tại Thái Lan và thiết quân luật vẫn được áp dụng ở đất nước này. Nhiều ý kiến đề nghị Thủ tướng Prayuth bãi bỏ thiết quân luật ở những địa điểm du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành này.
Thủ tướng Prayuth tuần qua đã từ chối xem xét bãi bỏ thiết quân luật, tuy nhiên ông lại cho biết sẽ xem xét lại vấn đề này trong một dịp khác gần nhất.
Tình hình chính trị ở Thái Lan hiện nay chưa có gì rõ ràng kể từ sau khi quân đội tiến hành đảo chính hồi tháng 5.2014, ngoài việc ra mắt chính phủ quân sự và cơ quan lập pháp quốc gia được quân đội dựng lên và hoạt động như quốc hội.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 8.9 được tờ Matichon dẫn lời cho biết bà tin tưởng vào tân Thủ tướng Prayuth. “Tôi tin ông ấy sẽ làm những gì ông ấy nói với người dân”, bà Yingluck phát biểu nhưng lại không bình luận gì thêm về việc quốc hội chọn tướng Prayuth làm thủ tướng.
Trong một diễn biến khác, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck sẽ nhóm gặp các cựu nghị sĩ của đảng Puea Thai ở Hồng Kông vào cuối tháng 9 này, theo Bangkok Post.
Chưa rõ nội dung của cuộc gặp này là gì dù trước đó ông Thaksin đã gặp họ nhân sinh nhật của ông hồi tháng 7 ở Paris, Pháp. Lúc đó em gái ông cũng đến Pháp để chúc mừng ông.
Trước đây ông Thaksin từng kêu gọi lãnh đạo phe “áo đỏ”, lực lượng luôn trung thành với gia đình Thaksin ủng hộ quân đội và không gây cản trở chính quyền quân sự thực hiện cải cách đất nước.
---------------------------
EU thông qua các biện pháp mới trừng phạt Nga
Rạng sáng nay 9-9, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua các biện pháp mới để trừng phạt Nga vì khủng hoảng Ukraine.
Theo Reuters, các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào các tập đoàn dầu khí Nga như Rosneft và Transneft. Tuy nhiên công ty khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom không bị cấm vận. Ngoài ra, thêm 24 quan chức, doanh nhân Nga bị đưa vào danh sách cấm thị thực tới châu Âu và đóng băng tài sản.
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới “nhằm mục tiêu buộc Nga phải thay đổi chính sách gây bất ổn tại miền đông Ukraine”. Tuy nhiên vòng cấm vận mới này sẽ không có hiệu lực ngay từ hôm nay như thông báo trước đó.
Ông Van Rompuy cho biết EU sẽ xem xét lại việc thực thi các biện pháp này trong vài ngày tới nếu thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Ukraine và quân ly khai đứng vững. Một số quan chức ngoại giao tiết lộ nhiều thành viên EU ở Đông Âu lo ngại mạnh tay với Nga sẽ dẫn tới việc Matxcơva trả đũa.
Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb mô tả các cuộc đàm phán về việc cấm vận Nga hôm qua diễn ra cực kỳ căng thẳng. “Đúng là một ngày vất vả. Mọi thứ chẳng bao giờ diễn ra theo đúng kế hoạch” - ông Stubb thừa nhận.
Cũng trong hôm qua Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có mặt ở thành phố Mariupol, nơi bị quân ly khai tấn công. Ông thề sẽ “đè bẹp” phe ly khai nếu họ vi phạm lệnh cấm vận và xông vào thành phố. Khi trở về Kiev, ông Poroshenko tiết lộ một số nước NATO đã cam kết sẽ cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine.
Một cố vấn của ông Poroshenko cho biết năm nước NATO sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định ông chưa nghe nói gì về một thỏa thuận như vậy.
---------------------------
Philippines muốn EU giúp đỡ trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc
Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ châu Âu nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhân chuyến thăm các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kéo dài một tuần, bao gồm Pháp và Đức, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 8.9 cho biết.
Tổng thống Aquino cũng sẽ đưa ra đề xuất của ông nhằm ngăn chặn Trung Quốc làm tăng thêm căng thẳng ở biển Đông, AFP dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, bà Zeneida Collinson, ngày 8.9 cho biết.
“Trong trong chuyến thăm các nước EU bắt đầu với Tây Ban Nha, chúng tôi sẽ kêu gọi họ tiếp tục ủng hộ Philippines trong vấn đề biển Đông”, bà Collinson nói với các phóng viên.
“Đây cũng là cơ hội quan trọng để Tổng thống của chúng tôi trình bày cho các lãnh đạo thế giới một cách trực tiếp về những gì đang xảy ra ở biển Đông”, khi Tổng thống đến thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức từ ngày 13-20.9, bà Collinson cho hay.
Theo AFP, Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt gần trọn biển Đông, một ngư trường dồi dào và một tuyến đường hàng hải quan trọng.
Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang khi Bắc Kinh hung hăng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Và Manila cũng đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia phiên phân xử.
Bà Collinson cho biết các nước EU trước đây đã ủng hộ Philippines trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình trong vấn đề biển Đông.
Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nướ EU, ông Aquino cũng sẽ trình bày “kế hoạch ba hành” (từng trình bày ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua), theo đó kêu gọi Trung Quốc và các nước có liên quan ngừng lại những hành động gây hấn trên biển Đông, bà Collinson cho biết thêm.
Khi đến thăm Pháp, Tổng thống Aquino sẽ gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Pháp Manuel Valls để thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng hai nước, theo bà Collinson.
---------------------------
Nhà máy Trung Quốc rò rỉ hóa chất, 33 người ngộ độc
33 người đã bị ngộ độc sau khi khí amôniắc rò rỉ tử một nhà máy hóa chất ở khu tự trị Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc.
Thông tin với báo giới sáng nay 8-9, chính quyền địa phương cho biết vự việc xảy ra tại cơ sở sản xuất hóa chất và năng lượng Ningdong thuộc Nhà máy hóa chất Jiemeifengyou ở Ngân Xuyên.
Đa số nạn nhân có dấu hiệu bị ngộ độc nhẹ và 4 người bị ngộ độc nặng .
Tân Hoa Xã dẫn lời các nhân chứng nói họ nhìn thấy khí amôniắc và amôniắc cô đặc trào ra từ một ống dẫn bị cháy ở góc đông nam của nhà máy vào khoảng 15g45 ngày 8-9.
Công ty sau đó đã liên tục phun nước ở khu vực bị ô nhiễm để làm loãng khí độc trong không khí. Hiện chất lượng không khí ở xung quanh nhà máy được thông báo là an toàn.
Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.
Amôniắc là khí không màu, có mùi hăng, thường dùng trong ngành điện lạnh, phân bón.
Con người hít phải khí này sẽ bị đau rát họng, chảy nước mắt, ho, đau ngực, khó thở và thậm chí tim ngừng đập có thể nguy hiểm đến tính mạng.
---------------------------
Tàu Trung Quốc "khảo sát trái phép" trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật
Một tàu của chính phủ Trung Quốc hôm nay 8/9 đã bị nhìn thấy đang tiến hành hoạt động dường như là khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, lực lượng bảo vệ bờ Nhật cho hay.
Hãng tin Koyodo cho biết, vào khoảng 6h45 phút sáng ngày 8/9 giờ địa phương, một máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phát hiện một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc kéo một thiết bị giống dây cáp trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật cách đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 165 km về phía bắc.
Theo các nguồn tin, phía Nhật nghi ngờ tàu Trung Quốc đang khảo sát thực địa.
Lực lượng bảo vệ bờ biển đã cảnh báo tàu Trung Quốc ngừng hoạt động, nói rằng một hành động như vậy mà chính phủ Nhật không biết trước là không thể chấp nhận được.
Tàu Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động tương tự trong cùng khu vực vào hôm qua, 7/9.
Bộ ngoại giao Nhật Bản ngay lập tức đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về động thái trên.
Bộ ngoại giao Nhật cũng hối thúc Trung Quốc chấm dứt ngay tức thì hành động như vậy trong khu vực.
Vào tháng 4 và 5 năm nay, Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động khảo sát đại dương trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ngoài khơi quần đảo Okinawa.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ lâu đã trở thành điểm tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Đài Loan, dù rằng chuỗi đảo không người ở này từ lâu đã nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản.
Cuộc tranh cãi kéo dài giữa Tokyo và Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã trở nên căng thẳng khi Nhật quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo gần 2 năm trước.
Kể từ đó, khu vực quanh Senkaku/Điếu Ngư đã chứng kiến các cuộc đối đầu ngày càng nguy hiểm giữa 2 nước cả ở trên biển lẫn trên không.
---------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ bỏ tên lửa Trung Quốc, mua tên lửa Pháp?
Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại các cuộc đàm phán với Pháp về việc mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa sau khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận với một công ty Trung Quốc, vốn bị liệt trong “danh sách đen” của Mỹ, gặp trở ngại.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiết lộ thông tin trên với báo giới khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales, đài truyền hình tư nhân NTV đưa tin ngày 7/9.
“Một số bất đồng đã xuất hiện với phía Trung Quốc về việc sản xuất chung và chuyển giao công nghệ trong quá trình đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Erdogan nói.
“Các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục bất chấp điều đó, nhưng Pháp - vốn đứng thứ 2 trong danh sách các nhà cung cấp - đã đưa ra đề nghị mới. Giờ đây, chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán với Pháp”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Ông Erdogan nhấn mạnh rằng việc hợp tác sản xuất trong hệ thống vũ khí này “là điều quan trọng đối với chúng tôi”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ankara đã đạt được thỏa thuận với công ty Công ty cơ khí chính xác xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc (CPMIEC) để chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa HQ-9 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hợp đồng đã khiến nhiều nước lo ngại, trong đó Mỹ.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đó nói rằng thỏa thuận với Trung Quốc chưa được ấn định và rằng Ankara vẫn để ngỏ đối với những đề nghị mới từ các nhà cung cấp khác.
CPMIEC đánh bại một liên minh Raytheon-Lockheed Martin của Mỹ, Rosoboronexport của Nga, tập đoàn Eurosam của Pháp-Ý để giành thỏa thuận, trị giá 4 tỷ USD.
Nhưng CPMIEC lại nằm trong danh sách các công ty bị Mỹ cấm vận vì bán vũ khí và công nghệ tên lửa cho Iran và Syria.
Thỏa thuận ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ với CPMIEC đã khiến các đồng minh trong NATO nổi giận. NATO nói rằng các hệ thống tên lửa trong liên minh quân sự xuyên đại tây dương phải tương thích với nhau.
---------------------------
Thủ tướng Nhật thăm Nam Á, kiềm chế Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua bay tới Bangladesh, bắt đầu chuyến công du hai nước Nam Á nhằm khẳng định sự quan tâm của Tokyo tới khu vực mà Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn.
Theo Reuters, ông Abe là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm Bangladesh trong 14 năm qua và hôm nay, là đến Sri Lanka. Ông mô tả hai quốc gia này là "những nước có ảnh hưởng ngày càng lớn về kinh tế và chính trị".
"Tôi đến đây với 22 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, từ cơ sở hạ tầng đến nước sạch, với hy vọng lớn lao về hoạt động kinh doanh ở Bangladesh", ông Abe nói tại một diễn đàn ở Dhaka với hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp từ hai nước.
Đối với Nhật Bản, nước phải nhập khẩu phần lớn năng lượng, Ấn Độ Dương là một tuyến đường biển quan trọng, cung cấp dầu mỏ và khí hóa lỏng từ Trung Đông. Với Bangladesh và Sri Lanka, sự quan tâm lớn của các nền kinh tế khu vực tạo ra cơ hội để thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từng đến Tokyo hồi tháng 5 và chuyến thăm phúc đáp của ông Abe diễn ra sau cam kết đầu tư 600 tỷ yen (5,7 tỷ USD) của Tokyo cho Dhaka trong 4-5 năm tới. Nhật Bản cũng cung cấp một khoản vay phát triển 450 triệu USD cho việc xây dựng một nhà máy điện chạy bằng than 1.350 megawatt.
Đổi lại, ông Hasina cho biết Bangladesh đã rút lui khỏi cuộc tranh ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an năm 2015-2016 để tạo thuận lợi cho Nhật Bản vào vị trí này.
"Tôi đánh giá cao quyết định này, nó sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước", ông Abe nói.
Ông Abe đến sân sau của Ấn Độ sau khi tiếp đón Thủ tướng nước này Narendra Modi tại Tokyo và nhất trí nâng cấp quan hệ "đối tác toàn cầu chiến lược, đặc biệt" nhằm thắt chặt hợp tác an ninh giữa hai nước. Thủ tướng Nhật Bản đã đi trước một bước so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ có chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka cuối tháng này.
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa hoan nghênh Nhật Bản trong vai trò là một nhà tài trợ, nhà đầu tư và đối trọng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư một hải cảng trị giá 500 triệu USD cho Colombo mở cửa vào năm ngoái.
"Họ (Nhật Bản) nhận thức được rằng chúng tôi đang phụ thuộc vào ảnh hưởng của Trung Quốc theo nhiều cách vì thế họ muốn ngăn cản điều đó", Nanda Godaga, một nhà ngoại giao Sri Lanka nghiên cứu chính sách ngoại giao Nhật Bản nhận định.
---------------------------
Ngày 10-9: 'Chú Sam' chính thức 'lệnh' tấn công IS
Ngoại trưởng John Kerry đang chuẩn bị công du đến các quốc gia Ả Rập để kêu gọi sự hỗ trợ của các nước này trong cuộc chiến chống IS.
Vào ngày 10-9 tới đây, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đưa ra tuyên bố chính thức cho người dân nước này về kế hoạch tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS). Trước đó một ngày, Obama cũng sẽ gặp gỡ với các lãnh đạo tại hai viện để tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch tác chiến mà ông đưa ra.
Tổng thống Obama ngụ ý rằng ông sẽ không cần đến sự cho chép của Hạ viện để triển khai kế hoạch của mình để “bảo vệ người dân Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, ông vẫn có ý định gặp gỡ với các nhà làm luật để tìm kiếm thêm các khoản kinh phí hỗ trợ.
Ông Obama vẫn mong muốn vừa có thể giải quyết vấn đề IS tại Trung Đông, lại vừa không phải đưa quân đội trở lại Iraq, đi ngược lại lời hứa ứng cử tong thống năm 2008 của ông.
Hôm qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC, tổng thống Obama cho biết, chính quyền của ông đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tấn công và tiêu diệt tổ chức IS.
Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xoa dịa nỗi lo của người dân Mỹ về viễn cảnh tiếp tục sa lầy vào một cuộc chiến khác khi cam kết sẽ không đưa quân đội đến Iraq và Syria.
Ông cho biết cuộc chiến này không giống như cuộc chiến tại Iraq, mà là một chiến dịch chống khủng bố như nước Mỹ đã làm suốt bảy năm nay. Đồng thời, nước Mỹ cũng sẽ không đơn độc trong cuộc chiến này, mà cùng 9 quốc gia khác tạo thành một liên minh “cốt lõi” chống lại IS.
Ông Obama cũng tuyên bố các quốc gia Hồi giáo Sunni trong khu vực bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE cùng hỗ trợ cuộc chiến chống lại IS.
Được biết, vào ngày 07-09 vừa qua, ông Obama đã lệnh cho quân đội Mỹ không kích vào lực lượng quân IS đang bao vây đập Haditha tại Iraq. Những đợt không kích tương tự đã được quân đội Mỹ tiến hành trong suốt một tháng qua.
Tuyên bố này đã nhấn mạnh mức độ khẩn cấp của vấn đề IS đối với nước Mỹ.
Theo ông, mặc dù IS chưa phải là mối nguy hại trực tiếp đến nước Mỹ, những chiến binh hồi giáo phương Tây đang chiến đấu dưới ngọn cờ khủng bố của IS cuối cùng cùng sẽ đe dọa an ninh nước này.
Sự bành trướng của IS trên lãnh thổ Iraq và Syria, tuyên bố thành lập nhà nước hồi giáo IS,cùng hai vụ hành quyết man rợ hai phóng viên của Mỹ đã hối thúc cả hai đảng phái chính trị Mỹ thống nhất đưa ra các phản ứng mạnh mẽ và thiết thực hơn.