Úc sẽ đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng với Việt Nam
Chiều 8/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Chuẩn tướng John Mackenzie, Quyền Trợ lý thứ nhất Tổng thư ký Quốc phòng phụ trách Chính sách Quốc tế Úc cùng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chúc mừng đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao kết quả hợp tác của các nhóm công tác gìn giữ hòa bình, hợp tác chống khủng bố, đào tạo cán bộ và hợp tác về an ninh biển giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Úc.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Úc, thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn cán bộ cấp cao; chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đào tạo cán bộ và tăng cường hợp tác trên các diễn đàn song phương, đa phương.
Chuẩn tướng John Mackenzie cảm ơn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dành thời gian tiếp đoàn và chia sẻ Úc sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về quốc phòng với Việt Nam như đào tạo cán bộ, khắc phục hậu quả bom, mìn và những vấn đề cùng quan tâm, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước.
-----------------------
Phó Thủ tướng lệnh làm rõ vụ người nước ngoài tuồn 18 tỷ đồng qua biên giới
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, làm rõ về hoạt động buôn lậu tiền tệ qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh.
Công văn nêu rõ, xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Văn bản số 53 ngày 3/9/2014 và Văn bản số 54 ngày 5/9/2014 về kết quả bắt giữ 8 xe ô tô chở hàng bách hóa nhập lậu và việc bắt giữ 18,2 tỷ đồng chuyển trái phép qua cửa khẩu Xa Mát tỉnh Tây Ninh; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia biểu dương và đánh giá cao thành tích của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Công an và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên trong việc phối hợp, bắt giữ gần 100 tấn hàng nhập lậu; Cục Hải quan và Công an tỉnh Tây Ninh trong việc bắt giữ 18,2 tỷ đồng chuyển trái phép qua cửa khẩu Xa Mát tỉnh Tây Ninh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng mở rộng điều tra, làm rõ các đối tượng bao che, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết quả trong tháng 10/2014.
-----------------------
Lao động Trung Quốc tại Hà Tĩnh lên gần 3.000 người
Theo báo cáo của BQL khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ngày 8.9, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số lao động trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng có 32.240 người, trong đó lao động trong nước là 27.644, lao động nước ngoài 4.596. Trong số 4.596 lao động nước ngoài này, có tới 2.957 lao động Trung Quốc và 1.252 lao động Đài Loan, chủ yếu làm việc tại dự án Formosa.
Trước đó, ngày 5.9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho Formosa bổ sung thêm gần 3.000 lao động nước ngoài vào làm việc, trong đó chủ yếu là lao động Trung Quốc.
Đánh giá về công tác quản lý lao động, BQL khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận công tác quản lý lao động, đặc biệt lao động nước ngoài chưa bao trùm toàn diện, công tác cập nhật thống kê số liệu, nắm bắt thông tin chi tiết về nhà thầu, lao động chưa đạt yêu cầu. Công tác báo cáo số liệu chưa tuyệt đối chính xác.
-----------------------
Hacker nước ngoài đang tấn công mạnh Việt Nam
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 8-9, sau khi nghe báo cáo việc xử lý một số cơ quan báo chí có sai phạm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định việc giải quyết kịp thời, công khai các sai phạm của báo chí là tạo sự bình đẳng cho báo chí.
Theo bộ trưởng, những quyết định xử phạt vừa qua cũng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, trong đó có sự ủng hộ của báo giới. Do đó cần làm tốt hơn nữa, chấn chỉnh kịp thời hơn nữa hoạt động báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động báo chí. Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ cần vào cuộc tích cực như vừa qua.
Cũng tại hội nghị, thông tin về tình hình an ninh thông tin, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết vừa qua sự tấn công của các hacker từ nước ngoài vào Việt Nam khá mạnh và thường xuyên. Qua đó đơn vị này khuyến cáo các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chú ý tới các phương án bảo mật.
-----------------------
Cấp thẻ căn cước miễn phí cho dân
Còn nhiều băn khoăn về quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ ngay sau khi sinh thay giấy khai sinh.
Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 8-9) về dự thảo Luật Căn cước công dân, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, thậm chí không đồng tình với quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em ngay từ khi sinh để thay thế cho giấy khai sinh vốn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ủng hộ.
Khó thay thế?
Báo cáo về một số nội dung của Luật Căn cước công dân, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh là góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.
“Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo ông Khoa, hiện nay, Chính phủ xác định “cần tập trung chỉ đạo sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, trước hết là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ”. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân nhằm thay chứng minh nhân dân, giảm các giấy tờ công dân như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và giấy tờ khác có liên quan…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra chưa an tâm với giải trình trên. “Chúng ta giải thích cấp cho các cháu là phù hợp, có nhiều cái lợi. Nhưng thực tế hiện nay đối với các cháu dưới 14 tuổi trong các hoạt động của mình luôn gắn cùng với cha mẹ nên phải có giấy khai sinh chứng minh là con ông A, bà B. Vì thế, tôi cũng lo lắm, nếu chúng ta không cẩn thận thì vừa tốn nhiều nguồn kinh phí, vừa không đem lại lợi ích” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cũng cho rằng giấy khai sinh cho trẻ em ở Việt Nam từ lâu đã phát huy tác dụng và được quốc tế công nhận. Và với các quy định được đề cập trong luật thì thẻ căn cước công dân sẽ không thể thay thế được giấy khai sinh. “Chúng ta phải giữ giấy khai sinh. Thẻ căn cước không thể thay thế được giấy khai sinh” - ông Long nói.
Không được thu lệ phí của dân
Đề cập về quy định thu phí, lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân, ông Long cho rằng quy định trên là không phù hợp, cần phải đưa ra khỏi dự thảo luật. “Nhà nước phải có nghĩa vụ cấp thẻ căn cước cho công dân chứ sao lại đi thu lệ phí của người dân khi mà người dân đã thực hiện tất cả nghĩa vụ như nộp thuế rồi” - ông Long nói. Đại biểu Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cũng cho rằng không nên thu lệ phí khi cấp thẻ căn cước lần đầu, mà chỉ thu đối với trường hợp xin đổi, cấp lại.
Về đề nghị bổ sung quy định thông tin nhóm máu ngay trong luật và quy định cụ thể thời gian, lộ trình thực hiện, theo ông Khoa, thông tin về nhóm máu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là rất quan trọng, cần thiết, nhất là trong hoạt động cứu nạn nhưng trong điều kiện hiện nay và nhiều năm tới đây, khả năng các cơ sở y tế ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện xác định nhóm máu của trẻ sơ sinh cũng như việc cung cấp dịch vụ xác định nhóm máu cho công dân. Vì vậy, việc quy định bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu của mọi công dân là không khả thi.
Tuy nhiên, ông Khoa cho hay việc cập nhật thông tin về nhóm máu là quyền quan trọng của công dân. Vì vậy, khi người dân tự nguyện cung cấp thì phải bổ sung thông tin về nhóm máu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
-----------------------
Cán bộ ngang nhiên cắt đất của dân
Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận về hàng loạt sai phạm liên quan đến Công ty TNHH MTV U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ).
Hơn chục năm qua, 74 hộ dân ở các ấp 17, 19, 20, 21 (xã Khánh Thuận, H.U Minh) đưa đơn đi khiếu nại về việc Lâm nông trường (LNT) Sông Trẹm (nay là Công ty U Minh Hạ) tự ý cắt diện tích của họ được giao khoán, để cấp lại cho đối tượng khác. Người dân đi khiếu nại, các cấp có thẩm quyền đều bác đơn yêu cầu, xem việc làm của LNT Sông Trẹm là đúng cho đến khi đoàn thanh tra vào cuộc thì mọi việc mới vỡ lẽ.
Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan; đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, Công ty U Minh Hạ tiến hành kiểm điểm xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể, năm 1995 - 1996, LNT Sông Trẹm cắt hậu đất của các hộ dân các ấp trên để liên doanh, liên kết và giao khoán lại cho một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài LNT. Việc cắt hậu đất của dân từ 1.000 m xuống còn 500 m (diện tích đất là 100 m ngang, 1.000 m dọc), LNT cho rằng đã tổ chức họp và được sự đồng thuận của người dân. Nhưng khi làm việc với đoàn thanh tra, đơn vị này không cung cấp được các biên bản họp dân cũng như những chứng cứ người dân đồng thuận.
Điều đáng nói, cắt đất của dân nhưng lại giao khoán cho cán bộ vượt 4 lần so với hạn mức mà UBND tỉnh quy định, bình quân mỗi hộ là 10 ha. Điển hình như hộ ông Phạm Minh Hồng (nguyên Trưởng phòng NN-PTNT H.Thới Bình) nhận 42 ha, ông Trần Công Lộc (nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau) nhận 50 ha... và thời gian hợp đồng liên doanh với ông Lộc đã hết từ năm 2011 nhưng đến nay Công ty U Minh Hạ vẫn chưa thanh lý. Hay như trường hợp Công ty Khánh Linh thuê 200 ha đất rừng để trồng nguyên liệu nhưng không sử dụng đúng mục đích trồng rừng hết diện tích đã nêu, mà dùng trồng lúa một phần, nhưng Công ty U Minh Hạ vẫn làm ngơ.
Chưa hết, qua kiểm tra các sổ hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp giữa LNT Sông Trẹm với các hộ dân, phần lớn bị bôi xóa, chỉnh sửa diện tích nhưng không được sự thống nhất của các hộ dân. Qua xác minh, giai đoạn 1993 - 1996, nhiều hợp đồng giao khoán, liên doanh liên kết do ông Phạm Thành Văn (Phó giám đốc LNT Sông Trẹm) ký nên thanh tra kết luận, những hợp đồng bị bôi xóa, chỉnh sửa số liệu và chữ ký của ông Văn từ năm 1997 trở về trước là những hợp đồng vô giá trị.
Thanh tra cũng đã làm rõ, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Công ty U Minh Hạ, có liên quan đến 4 thửa đất với tổng diện tích 35,9 ha, trong đó ông Phước đứng tên 2 thửa, vợ và em ông Phước đứng tên 2 thửa. Trong 4 thửa trên, thì chỉ có một thửa diện tích 5,5 ha là được LNT Sông Trẹm (khi đó còn lâm ngư trường, chưa sáp nhập thành Công ty U Minh Hạ - PV) chấp thuận cho ông Phước nhận chuyển nhượng hợp đồng; còn lại 3 thửa không có giấy tờ. Đặc biệt, đối với thửa đất 11,7 ha vào năm 1995, ông Phước tự viết hợp đồng cho em ông là Nguyễn Chí Thành đứng tên rồi đưa cho ông Phạm Thành Văn ký nhưng thực tế đến năm 1998 ông Văn mới được bổ nhiệm làm phó giám đốc.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (nguyên Giám đốc LNT Sông Trẹm, hiện là Phó ban Dân vận H.Thới Bình, Cà Mau) có 5 thửa đất, tổng diện tích 51 ha. Hiện ông Tuấn đã chuyển nhượng 2 thửa, còn 3 thửa để 3 con ruột đứng tên. Ông Trần Minh Cảnh (cán bộ phân trường Sông Trẹm) có 7 thửa đất (67 ha), trong đó ông Cảnh đứng tên 2 thửa, vợ ông Cảnh đứng tên 1 thửa, em vợ ông Cảnh đứng tên 4 thửa. Ông Phạm Hoàng Thọ, cán bộ Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, có 3 thửa (28 ha).
-----------------------
Muốn bắt kịp Hàn Quốc, Việt Nam phải tăng trưởng 9% liên tục 20 năm
“Dù 20 năm qua đã duy trì mức tăng trưởng cao thứ hai thế giới (trung bình 5,7%/năm) nhưng muốn bắt kịp Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng 9%/năm trong 20 năm tới” – đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến cáo.
Ngày 9/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2030.
Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Giám đốc WB tại Việt Nam và trên 50 chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.
Báo cáo “Việt Nam 2030” do WB phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm đưa ra những kiến nghị để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Chính phủ phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng báo cáo.
Cuộc họp đã thống nhất những nội dung lớn, lịch trình và phương pháp xây dựng báo cáo.
Báo cáo đề dẫn của WB tại cuộc họp cho thấy 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. Trong trường hợp chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.
Câu hỏi lớn được đặt ra là Việt Nam có thể hay không và cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững và để người dân được thụ hưởng nhiều nhất kết quả phát triển.
Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015.
Đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được giao chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đưa ra những tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cùng trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 đặt mục tiêu về những chỉ số tác động cực kỳ mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh, đó là: Nộp thuế, tiếp cận điện năng và giao dịch qua biên giới (xuất nhập khẩu).
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hàng tỷ USD, hàng nghìn tỷ đồng là những lợi ích kinh tế cụ thể mà Việt Nam sẽ có được nếu làm được như Nghị quyết 19 đề ra. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bước tiến rõ rệt.
Một ví dụ, nếu giảm được 1 ngày trong thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu thì các DN Việt Nam giảm được khoản chi phí giao dịch tương đương 1% giá trị tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1 năm, khoảng 2,7 tỷ USD. Hay nếu số giờ nộp thuế giảm từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm như mục tiêu của Nghị quyết 19, sẽ tiết kiệm chi phí tới 6,6 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết 19 được cộng đồng xã hội, các nhà khoa học, nhân dân đánh giá rất cao. Đồng thời được các bộ, ngành triển khai thực hiện hết sự quyết liệt dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ trưởng.
Và báo cáo Việt Nam 2030, ở tầm rộng hơn, dài hơi hơn, sẽ kế thừa những đánh giá về quá trình phát triển của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới; xác định cơ hội, thách thức mà Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt, từ đó nghiên cứu, định hình một kịch bản phát triển trong giai đoạn tới.
Cuộc họp thống nhất thời gian nghiên cứu Báo cáo khoảng 20 năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo cùng với việc huy động các chuyên gia do WB, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KHĐT giới thiệu, giao nhiệm vụ, cần thiết lập trang web ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có một báo cáo chất lượng, có tính khoa học cao và những kiến nghị hữu ích cho hoạch định chính sách phát triển trong những năm tới đây.