Phê bình ông Nguyễn Thành Rum vì ký 21 quyết định bổ nhiệm trước khi về hưu
Ngày 9-9, UBND TP.HCM đã có báo cáo kết quả xử lý kỷ luật công chức với ông Nguyễn Thành Rum, nguyên giám đốc sở VH-TT&DL TP, hiện đã về hưu.
Liên quan đến vụ Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch-ông Nguyễn Thành Rum- ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ trong vòng hai tuần trước khi về hưu khiến dư luận xôn xao hồi đầu tháng 3-2014, ngày 9-9, UBND TP.HCM đã có báo cáo kết quả xử lý kỷ luật công chức với ông Rum.
Theo đó, ông Rum nhận hình thức kỷ luật phê bình rút kinh nghiệm do có hành vi sai phạm trong việc ký ban hành các quyết định bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền đơn vị sai quy định, quy trình của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, ông Phan Văn Lắm, Chuyên viên cao cấp-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng bị khiển trách do có hành vi sai phạm trong việc trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo ký các quyết định trên, gây ảnh hưởng và dư luận không tốt trong nội bộ cơ quan và ngoài xã hội.
Trước đó, vào ngày 1-3-2014, khoảng hai tuần trước khi chính thức nghỉ hưu, ông Rum đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban và tương đương. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng TP.HCM đã trực tiếp làm việc với Sở này và báo cáo với cấp thẩm quyền. Lãnh đạo TP đã yêu cầu dừng việc triển khai, trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ được cho là không đúng quy trình này.
Tiếp theo, vào tháng 6, Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đã có kết luận về vụ việc, giao UBND TP xử lý. Chủ tịch UBND TP, ông Lê Hoàng Quân đã ra quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức do Phó Chủ tịch UBND TP, ông Hứa Ngọc Thuận làm Chủ tịch hội đồng để xem xét, tham mưu và đề xuất cho TP trong áp dụng hình thức kỷ luật với ông Rum.
Gần đây nhất, ngày 7-8, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê đã ký quyết định thu hồi và hủy bỏ tổng cộng là 21 quyết định bổ nhiệm nói trên.
-----------------------
Việt Nam còn phải đón các siêu bão
Với cường độ bão có thể tăng từ 2 - 11%, các khu vực ven Biển Đông sẽ phải đón siêu bão với sức gió lên tới 70m/s trong thế kỷ 21. Đây là nhận định của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KH KTTV & BĐKH) - Bộ Tài nguyên và Môi trường trong buổi công bố 2 quyết định của “Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai” và “quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai” diễn ra sáng 9.9.
Từ các kết quả nghiên cứu về hoạt động và ảnh hưởng của bão trước đây, Viện KH KTTV & BĐKH đã chia vùng ven biển nước ta thành 5 vùng ven biển khác nhau về ảnh hưởng của bão: Vùng I (Quảng Ninh - Thanh Hóa), vùng II (Nghệ An - Thừa Thiên - Huế), vùng III (Đà Nẵng - Bình Định), vùng IV (Phú Yên - Khánh Hòa), vùng V (Ninh Thuận - Cà Mau), đồng thời đưa ra những nhận định nguy cơ bão.
Theo đó, khu vực bắc và giữa Biển Đông có nguy cơ có bão cấp 16, cấp 17, khu vực nam Biển Đông và các vùng I, II, III có khả năng đón bão cấp 15, cấp 16 với sức gió mạnh nhất lên tới 70m/s, vùng IV có bão cấp 14, cấp 15, còn vùng V có bão mạnh cấp 12, cấp 13 với sức gió bão mạnh nhất có thể lên đến 60 - 65m/s
-----------------------
Sẽ xử lý nghiêm vụ thâu tóm đất rừng U Minh Hạ
Liên quan đến những sai phạm đất đai tại rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), chiều 9-9, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ và Vườn quốc gia (VQG) U Minh Hạ kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm.
Thanh tra tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo VQG U Minh Hạ thanh lý hợp đồng và tính toán thành quả lao động đối với các cá nhân có hợp đồng giao khoán với vườn trước đây, đảm bảo quyền lợi của đôi bên; xem xét hợp đồng lại cho các hộ dân ở địa bàn VQG U Minh Hạ lâu năm không đất sản xuất.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Cà Mau đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy Thới Bình kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó Ban dân vận Huyện ủy Thới Bình (trước đây là giám đốc Lâm ngư trường Sông Trẹm), thông báo kết quả cho UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh.
Ông Lê Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết đã nhận được kết luận của Thanh tra tỉnh tại Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, VQG U Minh Hạ.
“Tôi mới nhận được kết luận của Thanh tra tỉnh nên chưa đọc hết, hiện tôi đang đi công tác nên chưa trả lời được. Quan điểm của tỉnh sẽ xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm mà thanh tra đã kết luận” - ông Dũng nói.
Ngoài ra tại xã Khánh Thuận, người dân bị Lâm ngư trường Sông Trẹm cắt phân nửa diện tích đất, cấp lại cho cán bộ diện tích gấp 10 lần diện tích đất của dân. Điều này gây bức xúc cho người dân dẫn đến khiếu nại gay gắt kéo dài...
Thanh tra tỉnh Cà Mau cho biết đã kết luận việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (hay còn gọi là dự án 661) trên địa bàn Cà Mau.
Theo kết luận thanh tra, dự án 661 được tổ chức, triển khai thực hiện trên địa bàn kéo dài qua 13 năm (1998-2010). Tuy nhiên, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ chỉ cung cấp cho thanh tra được các hồ sơ, tài liệu liên quan có ba năm (2008-2010).
Theo giải trình của công ty, do qua nhiều lần chuyển đổi mô hình và sáp nhập, hiện tại hồ sơ, chứng từ bị thất lạc.
Dù hồ sơ còn lại ba năm nhưng việc triển khai thực hiện dự án 661 Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng có nhiều sai phạm.
Cụ thể, công ty hỗ trợ 257 hộ dân ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn thấp hơn định mức quy định với tổng số tiền trên 71 triệu đồng. Hỗ trợ tràm giống cho 102 hộ dân thiếu 462.200 cây giống so với thực tế thi công.
Ngoài ra, 10 hộ dân ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) đến nay chưa được Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ cấp hỗ trợ tiền công trồng rừng năm 2010 (phần tận thu lâm sản sau cháy, sau khi trừ các khoản chi phí, hộ dân nộp cho công ty 5%).
Theo thanh tra, việc làm này của công ty chưa phù hợp với chính sách hỗ trợ phát triển rừng của Nhà nước.
-----------------------
Lãnh đạo chậm xử lý việc lãng phí sẽ bị kỷ luật hoặc khởi tố
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Nếu không thực hiện, thực hiện không đúng quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chậm ngăn chặn để tiếp tục xảy ra lãng phí gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Cán bộ để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện bồi thường một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại… Nghị định cũng quy định: Người cung cấp thông tin phát hiện có lãng phí và người có thành tích về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được khen thưởng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-11.
-----------------------
Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước hành động của phía Trung Quốc như đánh đập ngư dân và lấy đi tài sản của nhiều tàu cá Việt Nam khi các tàu này đang hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa trong các ngày 1-8, 14-8 và 15-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
Ngày 9-9, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. Theo ông Lê Hải Bình, những việc trên của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Các hành động này đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.
“Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc, đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
-----------------------
Đại tá Nguyễn Viết Lợi làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam
Sáng nay 9.9, Bộ Công an đã tổ chức lễ công bố quyết định của đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an về việc điều động, bổ nhiệm đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 1.9.
Tham dự lễ công bố có trung tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, 55 tuổi, quê quán phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). Đại tá Lợi được bổ nhiệm chức vụ giám đốc, thay cho thiếu tướng Phan Như Thạch (nghỉ hưu).
Cũng trong sáng nay, đại tá Huỳnh Sông Thu (52 tuổi, quê quán xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam cũng được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Công an tỉnh này.
-----------------------
Huy động hàng chục kiểm lâm truy quét lâm tặc vùng biên
Chiều 9.9, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kon Tum cho biết, đơn vị đã huy động hàng chục kiểm lâm cơ động truy quét lâm tặc vùng biên.
Theo đó, đơn vị đã huy động 3 đội với gần 30 kiểm lâm cơ động tham gia truy quét lâm tặc vùng biên giới giáp ranh với Cam Pu Chia, thuộc 3 xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal (khu vực Nam Sa Thầy) và xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy).
Khi truy quét sâu vào các khu rừng, lực lượng kiểm lâm phát hiện 5 bãi gỗ lớn, với 103m3, trong đó: gỗ tròn là 12,3m3 và gỗ xẻ là 90,8m3, thuộc gỗ nhóm 2A, 3 và nhóm 6, có đường kính từ 30 - 50 cm.
“Tất cả số gỗ này đều mới khai thác. Khi thấy lực lượng kiểm lâm truy quét, lâm tặc đã không kịp tẩu tán, còn để nguyên tại hiện trường”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn phát hiện 3 vụ mua bán cất giữ lâm sản trái phép, với trên 18,6m3 gỗ xẻ (nhóm 3 đến nhóm 6) và phát hiện 5 vụ khai thác rừng trái phép, thu giữ 11,7m3 tròn cùng 72,1m3 gỗ xẻ, thuộc nhóm 2A, nhóm 3 đến nhóm 6.
Theo Chi cục kiểm lâm Kon Tum, lợi dụng trời mưa, đi lại khó khăn và các sơ hở trong công tác bảo vệ rừng, lâm tặc lén lút chặt phá gỗ để cất giấu rồi vận chuyển trong mùa khô.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã lập biên bản tịch thu, đề nghị Công an huyện Sa Thầy và Viện KSND huyện Sa Thầy vào cuộc, tiếp tục điều tra mở rộng.