Mỹ bí mật triển khai 2 "gã khổng lồ" tàu ngầm đến châu Á-Thái Bình Dương
Hai trong số 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio đã được Mỹ triển khai đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ một năm trước nhằm thăm thám tình hình tranh chấp vùng biển Hoa Đông, biển Đông và vùng biển Philippines.
Theo đó, Want China Times dẫn nguồn từ trang mạng Jane's Defense Weekly cho hay một trong hai chiếc tàu ngầm này là USS Michigan đang neo đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore từ ngày 10 đến 15-8 năm nay. Tàu USS Michigan là một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình lớp Ohio đang hoạt động tại vùng biển châu Á. Được trang bị tên lửa hành trình 154 Tomahawk và nhiều nhân viên đặc biệt, tàu ngầm USS Michigan được đánh giá là một sứ giả hòa bình “đáng gờm” trong khu vực.
Đại úy Benjamin Pearson - người chỉ huy chiếc USS Michigan – cho biết chiếc tàu ngầm này được triển khai đến Thái Bình Dương từ tháng 12-2013 nhằm tiến hành giám sát, đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ bí mật khác.
“Chúng tôi hoạt động ở khu vực biển Hoa Đông, biển Đông và biển Philippines. Khu vực này giống như sân sau khổng lồ của chúng tôi” – ông Pearson tiết lộ. Chỉ trong vòng 6 phút, tàu ngầm lớp Ohio có khả năng tung ra tất cả các tên lửa hành trình tấn công mặt đất 154 Tomahawk.
Đồng thời, trung úy chỉ huy Aaron Kakiel – phát ngôn viên Tư lệnh nhóm tàu ngầm Hải quân Mỹ - cho biết USS Michigan là thứ vũ khí quan trọng nhất giúp hạm đội trong khu vực hoạt động. Nó cho phép Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương có khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi 1.000 hải lý. Ngoài các loại tàu ngầm như USS Michigan, USS North Carolina, một tàu ngầm tấn công lớp Virginia cũng được triển khai đến khu vực này hồi cuối năm 2013.
Việc triển khai hai tàu ngầm chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương được cho là một phần của kế hoạch tái cân bằng sức mạnh của Washington trong khu vực. Theo chiến lực này , Mỹ có kế hoạch tái phân bổ 60% các loại tàu chiến đến cùng Viễn Đông vào năm 2020 nhằm cân bằng với sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc ở khu vực.
Ngoài Singapore, những đồng minh lớn khác của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương gồm Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines đều đã được những “gã khổng lồ” tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ghé thăm.
---------------------------
Cựu bộ trưởng thân cận Putin cảnh báo nguy cơ khủng hoảng
Cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin hôm 16-9 cảnh báo Moscow có nguy cơ trượt vào khủng hoảng nếu chính phủ không đầu tư đủ cho nền kinh tế nhằm vượt qua trừng phạt của phương Tây.
Theo Reuters, ông Kudrin gần như là tiếng nói duy nhất trong giới chức Nga đặt câu hỏi với chính sách kinh tế nước này kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
Alexei Kudrin
Cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin. Ảnh: RIA Novosti
Đề cập tới những cam kết chi tiêu hào phóng của Tổng thống Vladimir Putin khi trở lại điện Kremlin năm 2012, ông Kudrin nhấn mạnh Moscow không có tiền đầu tư cho nền kinh tế vốn đang chao đảo trước cả khi phương Tây áp đặt trừng phạt vì vấn đề Ukraine.
“Trong những thời khắc khó khăn như thế này, tăng cường đầu tư chính phủ là rất hữu ích. Đó chính xác là điều thị trường cần lúc này. Cắt giảm đầu tư chính phủ và tăng chi tiêu là bất hợp lý” – ông Kudrin tuyên bố tại một cuộc hội thảo kinh doanh nước ngoài.
“Sự trợ giúp của chính phủ đang rất hạn chế do sự ràng buộc của nhiều khoản chi tiêu xã hội” – ông Kudrin nói thêm.
Cảnh báo của vị cựu bộ trưởng thường xuyên được ông chủ điện Kremlin triệu tập để tham vấn về các vấn đề kinh tế này đưa ra trong bối cảnh giới chức Moscow hôm 16-9 đã phải lên tiến trấn an người dân sau khi đồng rúp giảm xuống mức kỉ lục so với đồng USD trong ngày 15-9, ngày giảm thứ 6 liên tiếp. Đồng tiền của Nga chỉ còn trị giá 38,82 rúp/USD sau khi suy yếu nghiêm trọng hôm 15-9 xuống dưới 38 rúp/USD lần đầu tiên.
Đồng rúp trượt dốc trong khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của các biện pháp trừng phạt tăng cường của phương Tây có thể đẩy nền kinh tế tới bờ vực khủng hoảng. Giới giao dịch cho biết đang có tình trạng đông cứng về thanh khoản đồng USD, khiến chi phí các hợp đồng hoán đổi tiền tệ 5 năm tăng lên một cách đáng báo động.
Nhiều người dân lo ngại đồng rúp suy yếu có thể đẩy lạm phát lên cao và khiến những chuyến du lịch nước ngoài cũng như những giao dịch cần ngoại tệ trở thành xa xỉ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Moiseyev vẫn tỏ ra khá tự tin. Ông khẳng định Moscow đang từng bước kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, trả lời câu hỏi của báo giới về biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây cấm các công ty hỗ trợ Nga thăm dò dầu khí ngoài khơi ở Bắc Cực, dầu đá phiến và khoan thăm dò ở vùng nước sâu ảnh hưởng như thế nào tới sản lượng dầu nhẹ, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16-9 vẫn lạc quan khẳng định: "Chúng tôi không thay đổi các dự báo".
---------------------------
Cuộc chiến chống IS của Mỹ tạo thời cơ cho Trung Quốc
Theo AFP, Mỹ đã bắt đầu các cuộc không kích các vị trí đóng quân của IS ở miền bắc Iraq từ đầu tháng nhưng chiến dịch tấn công các phiến quân ở gần thủ đô cho thấy sự leo thang trong quy mô của sứ mệnh chống lại IS. Điểm tấn công chỉ cách Baghdad 25km.
Tuyên bố của Washington nói: “Việc không kích ở tây nam Baghdad là cuộc tấn công đầu tiên được thực hiện trong một phần nỗ lực mở rộng chiến dịch của chúng tôi nhằm bảo vệ dân thường trong khi các lực lượng của Iraq phản công”. Các cuộc không kích đã phá hủy 6 xe của IS gần Sinjar và một vị trí chiến đấu của IS ở tây nam Baghdad, nơi lực lượng này đang bắn vào quân chính phủ Iraq.
Phía Iraq hôm qua tuyên bố hoan nghênh cuộc không kích của Mỹ gần Baghdad, gọi đây là một cuộc tấn công quan trọng nhằm vào kẻ thù.
Trong khi đó, theo phân tích của tạp chí Nikkei Asian Review, sự gia tăng hiện diện tại Trung Đông có thể khiến Mỹ “phân tâm” khỏi một chính sách quan trọng khác là “xoay trục châu Á”.
Trong tình thế phải đổ tài lực cho cuộc chiến mới cộng với yêu cầu phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ càng dính sâu vào Trung Đông. Trung Quốc và Nga càng có không gian thoải mái để tăng cường ảnh hưởng của mình tại hai vùng nóng là Ukraine và Đông Á.
Bên cạnh đó, nhiều người tự hỏi liệu Washington đã có một chiến lược nào để an toàn rút ra khỏi Trung Đông chưa. Quân đội Iraq có thể hợp tác với người Mỹ, nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác trên lãnh thổ Syria. Nếu tiêu diệt IS lại dẫn đến củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al Assad, quyết định của ông Obama có thể gây ra tâm lý bài Mỹ tại Trung Đông.
Cây bút Kori Schake của tạp chí Foreign Policy, chuyên gia thuộc Học viện Hoover (ĐH Stanford), có bài phân tích nhan đề “Tất cả trục xoay của các anh đều thuộc về chúng tôi” - hàm ý chỉ Trung Quốc đang tận hưởng sự bận rộn của Mỹ để rảnh tay trong chính sách khu vực.
Ông Schake nhận xét Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh hơn bất cứ lúc nào, trong khi đó chính sách thể hiện thực quyền toàn cầu của Mỹ lâu nay tạo cho Bắc Kinh những cơ hội chưa từng có.
Cho dù ông Obama có nói gì về “tái cân bằng”, Mỹ vẫn tiếp tục bị cầm chân tại Trung Đông, đó là chưa kể đến mối bận tâm mơ hồ về “an ninh châu Âu”.
Sức mạnh vốn đã yếu đi của Mỹ tiếp tục bị phân tán bởi nhiều yêu cầu cấp thiết khác nhau khiến việc hiện thực hóa chính sách “xoay trục” càng thêm khó khăn. Tạp chí Nikkei nhận xét chính vì điều này trật tự thế giới đang trở nên dần mất ổn định theo từng ngày.
---------------------------
Đại sứ Iraq cảnh báo: IS đe dọa ám sát Giáo hoàng?
Vatican đã được đại sứ Iraq cảnh báo về một âm mưu ám sát nhằm vào Giáo hoàng ngay trước thềm chuyến thăm của ông đến Albania vào ngày 21-9. Và thủ phạm không ai khác chính là tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS).
Đại sứ Iraq tại Vatican, Habeeb Al Sadr nói: “Những gì mà IS tuyên bố là quá rõ ràng – chúng muốn giết Giáo hoàng. Cơ sở để khẳng định có những mối đe dọa đến Giáo hoàng là hoàn toàn đáng tin cậy”.
Ông nói thêm: “Tôi tin rằng IS đang cố gắng thủ tiêu Giáo hoàng trong thời gian diễn ra các công du nước ngoài hay thậm chí là ngay chính tại Rome. Các thành viên của IS không chỉ bao gồm người Ả rập mà còn nhiều thành phần khác đến từ Mỹ, Canada, Pháp và cả Italia.”
Lý giải tại sao IS lại nhắm vào Giáo hoàng Francis, theo đại sứ Habeeb Al Sadr, Giáo hoàng đã chọc giận IS khi tuyên bố chống lại các vụ tấn công người theo đạo Thiên chúa tại Syria và Iraq bởi các lực lượng thánh chiến.
Việc Giáo hoàng bày tỏ sự đồng thuận với các cuộc không kích và kế hoạch chống lại IS chỉ làm tăng thêm khả năng biến thành mục tiêu cần loại bỏ.
Đại sứ Habeeb Al Sadr nói tiếp: “Chúng (IS) đã tấn công và phá hủy một số những địa điểm linh thiêng nhất của những người theo đạo Hồi dòng Shiite. Chúng còn tấn công vào các địa điểm thờ phụng của tín đồ Yazidi và Thiên Chúa giáo. Bất cứ ai không đi theo chúng đều đồng nghĩa với việc chống lại chúng. Cải đạo hoặc là chết. Đó là một tội ác diệt chủng”.
Trong khi đó, nguồn tin từ Vatican cho biết, Tòa thánh sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì trong chuyến thăm của Giáo hoàng đến Tirana (Albani).
Lộ trình sẽ bao gồm cả một buổi thánh lễ diễn ra giữa quảng trường chính của thành phố. Vatican cũng không có ý định siết chặt các biện pháp an ninh bởi cho đến nay vẫn chưa nhận được một mối đe dọa “đáng tin cậy” hoặc có rủi ro cao đối với tính mạng của Giáo hoàng.
Chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến Albania sẽ diễn ra vào ngày chủ nhật tuần này, ngày 21-9.
---------------------------
Nga, Ấn Độ hợp tác chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5
Nga và Ấn Độ cuối cùng đã thống nhất những vấn đề tồn đọng vốn đã cản trở thỏa thuận về chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 5, một nhà ngoại giao Nga tại Ấn Độ cho biết, mở đường cho một chương trình dự kiến sẽ chế tạo 200 máy bay với chi phí khoảng 30 tỷ USD.
Không quan chức nào trong Bộ quốc phòng Ấn Độ xác nhận rằng tất cả các vấn đề đã được dàn xếp, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới công việc chung giữa hai bên.
Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận vấn đề trên tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brazil hồi tháng 7, một nguồn tin từ Bộ các vấn đề đối ngoại (MEA) của Ấn Độ cho hay. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng thỏa thuận máy bay chiến đấu thế hệ 5 (FGFA) nên được tiếp tục.
Vào năm 2010, giới chức đã ký kết một thỏa thuận thiết kế ban đầu giữa Tập đoàn hàng không Hindustan (HAL) thuộc sở hữu của nhà nước Ấn Độ và Cục thiết kế Sukhoi của Nga nhằm cùng phát triển FGFA để cả hai nước cùng sử dụng.
Hiệp ước cuối cùng, vốn sẽ mở đường cho việc sản xuất, đã bị “treo” do không quân Ấn Độ chưa phê chuẩn thiết kế và các nhà sản xuất chưa phân định công việc mà mỗi bên cần làm.
Ấn Độ muốn tăng phần việc của mình từ 18 lên trên 25%. Cả hai nước đều đã đầu tư 295 triệu USD.
Nhà ngoại giao Nga giấu tên tại Ấn Độ cho biết cổ phần của Ấn Độ sẽ tăng đáng kể lên 40% trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng của nước này phát triển, đặc biệt là việc tích hợp công nghệ tinh ti vào máy bay.
Ấn Độ và Nga sẽ ký kết một thỏa thuận cuối cùng về chương trình trước cuối năm nay, theo Bộ các vấn đề đối ngoại (MEA) của Ấn Độ.
Nga được cho là cũng đã nhất trí với yêu cầu của không quân Ấn Độ rằng đó sẽ là một máy bay 2 chỗ ngồi, nhưng nguyên mẫu là loại một chỗ ngồi.
HAL và Cục thiết kế Sukhoi đã lập danh sách các hệ thống và tiểu hệ thống mà mỗi bên cung cấp.
Theo đề xuất của Cục thiết kế Sukhoi và HAL, máy bay sẽ là một biến thể của chiến đấu cơ tàng hình T-50 của Nga, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.
4 nguyên mẫu của máy bay T-50 của Nga đã thực hiện hơn 300 chuyến bay thử nghiệm.
Không quân Ấn Độ dự kiến sẽ nhận nguyên mẫu FGFA đầu tiên vào năm 2016 để thử nghiệm, sau đó là ban giao 2 chiếc khác vào năm 2018 và 2019. FGFA dự kiến sẽ đi vào sản xuất năm 2021.
---------------------------
Lính Trung Quốc, Ấn Độ đụng độ ngay trước chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình
Ấn Độ vào ngày 16.9 tuyên bố sẽ bảo vệ chặt đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc sau khi truyền thông Ấn Độ đưa tin đã có đụng độ giữa binh sĩ hai nước ở biên giới, diễn ra chỉ vài ngày trước khi chủ tịch Trung Quốc đến thăm New Delhi.
Hơn 200 binh sĩ thuộc lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đi vào khu vực mà phía Ấn Độ xem như thuộc lãnh thổ nước mình ở khu vực Ladakh, phía tây dãy Himalaya, hồi tuần trước, rồi dùng cần cẩu, xe ủi đất để xây một con đường dài 2 km tại đây, tờ The Hindustan Times (Ấn Độ) đưa tin.
Binh sĩ Ấn Độ khi đó đã đối đầu với quân Trung Quốc và yêu cầu số binh sĩ nói trên rút đi, theo The Hindustan Times.
Sau đó vào tối 10.9, binh sĩ Ấn Độ đã phá hủy một đoạn đường do phía Trung Quốc xây dựng. Hiện chưa có bình luận gì về thông tin này từ phía Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Cả Bắc Kinh và New Delhi được cho là đang cố tạo ra một chuyển biến tích cực cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ sau khi ông Modi nhậm chức hồi tháng 5, theo Reuters.
Dự kiến ông Tập sẽ có mặt ở Ấn Độ vào ngày 17.9 sau khi sang thăm Maldives và Sri Lanka.
“Đảm bảo với các bạn những người lính biên phòng quả cảm của chúng ta sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề gì phát sinh tại biên giới. Chúng tôi tự tin biên giới của ta đang được bảo vệ tốt”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin khẳng định.
Ông cũng cho biết ông Modi và ông Tập sẽ thảo luận về tranh chấp biên giới trong tuần này.
Quân đội hai nước thường hay có xung đột dọc Giới tuyến kiểm soát thực tế (LAC), đường biên giới không chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Về mặt địa lý, đường LAC dài 4.100 km được chia thành 3 phần. Phần phía tây nằm ở Ladakh, phần giữa nằm dọc biên giới Uttarakhand - Tây Tạng và phần phía đông ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là nam Tây Tạng).
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực dọc giới tuyến này và đầu năm 2009, quân đội Ấn Độ đã triển khai hai sư đoàn tại Arunachal Pradesh để tăng cường phòng thủ.
Chính quyền Ấn Độ cho biết trong hai năm gần đây Trung Quốc gia tăng những vụ xâm phạm biên giới.
Số vụ Trung Quốc xâm phạm biên giới với Ấn Độ tính từ đầu năm đến tháng 8.2014 là 334 vụ, theo báo cáo chính quyền Ấn Độ đệ trình lên Quốc hội hồi tuần rồi. Nhưng Bắc Kinh luôn khẳng định không xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.
---------------------------
Ấn Độ bảo vệ biên giới trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
Ấn Độ ngày 16-9 cho biết sẽ bảo vệ 3.500 km biên giới với Trung Quốc sau khi báo chí nước này liên tục đưa tin về cuộc tranh chấp mới nhất giữa hai nước, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Ấn Độ.
Tuần trước, tờ Hindustan Times đưa tin hơn 200 lính Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vượt biên sang lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực phía Tây dãy Himalaya. Lực lượng này đã dùng cần cẩu, xe ủi đất và một chiếc Hummer để xây dựng đoạn đường bộ dài 2 km tại đây.
Trước tình hình đó, binh sĩ Ấn Độ đã đưa ra lời cảnh báo đối với quân đội Trung Quốc và yêu cầu họ rút khỏi lãnh địa nước này. Đến đêm 10-9, số lính Trung Quốc tự phá bỏ đoạn đường tạm vừa làm xong và rút về. Bộ Quốc phòng Ấn Độ hiện vẫn chưa bình luận gì về tin tức này.
Ngày 16-9, Ấn Độ tuyên bố họ sẽ bảo vệ vững chắc 3.500 km biên giới với Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến nước này.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc đến Ấn Độ kể từ khi ông Narendra Modi nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5-2014.
Dự kiến, cả hai sẽ cố gắng thắt chặt mối quan hệ thương mại và mở đường cho Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, bao gồm công trình đường sắt. Tuy nhiên, việc tranh chấp biên giới đang là mối trở ngại lớn trong mối quan hệ chính trị giữa 2 nước.
Cả hai đều tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh thổ rộng lớn và sau 2 thập kỷ, họ vẫn không tìm được tiến nói chung. Thậm chí, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không chấp nhận đường kiểm soát thực tế mà quân đội 2 nước đã thỏa thuận, dẫn tới việc 2 bên thường xuyên vi phạm biên giới nhau.
“Chúng tôi đảm bảo với các bạn rằng những người lính dũng cảm của chúng tôi sẽ bảo vệ biên giới và họ sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy ra ở đó. Chúng tôi tin rằng biên giới nước tôi đang được kiểm soát an toàn” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng vấn đề biên giới không ảnh hưởng đến sự phát triển mối quan hệ hai chiều giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Chúng tôi hy vọng cả hai bên có thể tiếp tục nỗ lực duy trì hòa bình và sự ổn định ở khu vực biên giới, tạo ra bầu không khí tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mối quan hệ 2 nước” - ông Hồng Lỗi phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo báo cáo của chính phủ Ấn Độ, chỉ riêng tháng 8-2014, Trung Quốc đã có 334 lần xâm phạm biên giới nước này, năm 2013 là 411 lần, năm 2012: 426 lần, năm 2011: 213 lần và năm 2010 là 228 lần.