Mua hàng loạt sim rác nhắn tin vu khống tình địch
Biết người cô yêu cũ đang quen một cảnh sát, Phương mua rất nhiều sim rác gửi tin nhắn nói xấu đến lãnh đạo và đồng nghiệp của anh này.
Ngày 16/9, TAND huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tuyên phạt Lâm Hồng Phương (29 tuổi, nguyên cán bộ xã Long Phú, huyện Long Mỹ) 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vu khống. HĐXX đánh giá hành vi của Phương là nguy hiểm, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Theo cáo trạng, năm 2010, Phương và chị Thúy yêu nhau và đã tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, giữa hai người phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chị Thúy chủ động chia tay vào cuối năm 2013. Chị Thúy sau đó quen với anh Tùng, công tác tại Công an tỉnh Hậu Giang.
Nghĩ anh Tùng là kẻ phá hoại hạnh phúc của mình, hồi tháng 4, Phương soạn nhiều tin nhắn nói xấu anh này gửi đến lãnh đạo Công an tỉnh Hậu Giang để hạ uy tín tình địch.
Xác định Phương là người nhắn tin, cơ quan điều tra đã mời lên làm việc, lập biên bản vi phạm, thu giữ tang vật đồng thời cho viết cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vì còn cay cú nên Phương tiếp tục mua nhiều sim rác, nhắn tin với nội dung xấu kèm theo tên và số điện thoại của anh Tùng gửi cho các cán bộ nữ ở các sở, ban ngành tỉnh Hậu Giang.
-------------------------
Đắc Nông: 65 người có công giả chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng
Ngày 15.9, Sở LĐTBXH Đắc Nông cho biết, qua rà soát hồ sơ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 42 trường hợp giả mạo thương binh, 18 trường hợp giả mạo bệnh binh, 5 trường hợp giả mạo nạn nhân nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, để chiếm hưởng trái phép 2,8 tỉ đồng.
Sau khi chuyển hồ sơ cho cơ quan công an, các trường hợp này mới nộp lại 1,6 tỉ đồng vào ngân sách.
-------------------------
Nguyên thẩm tra viên làm môi giới hối lộ
Cơ quan điều tra viện KSND tối cao vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án “Làm môi giới hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Hương (41 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nguyên Thẩm tra viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê.
Tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra cho biết đã tách hành vi của bà Hà Thị Thanh Nga, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ các dấu hiệu liên quan.
Theo kết luận điều tra, bà Ngô Thị Ngọc Diệp (trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có làm đơn li hôn với ông Lê Văn Thắng tại TAND quận Thanh Khê vào năm 2012.
Bản án dân sự phúc thẩm số 34 của TAND TP Đà Nẵng ban hành ngày 31-12-2012 nêu rõ bà Diệp được nuôi con và các quyền về tài sản.
Theo đó, bà Diệp sẽ được nhận hơn 405 triệu đồng từ bên thứ ba và cũng phải chịu trách nhiệm trích một phần tiền này để chi cho ông Thắng.
Bản án trên được Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê phân công chấp hành viên Hà Thị Thanh Nga thụ lý, giải quyết việc thi hành án.
Người được giao giúp việc cho bà Nga là chuyên viên Trần Quốc Trung và bị can Nguyễn Thị Thanh Hương là thẩm tra viên, được giao làm công tác văn phòng.
Khoảng giữa tháng 1-2014, bà Diệp đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê nộp đơn yêu cầu thi hành án thì gặp bà Hương và có nhờ bà Hương giúp đỡ để thi hành án nhanh chóng.
Bà Hương đồng ý và đã nói lại với bà Nga và được bà Nga đồng ý với điều kiện có tiền mới làm.
Sau nhiều lần gặp nhau, bà Diệp khai đã chi tiền cho bà Nga và bà Hương.
Đến ngày 24-2-2014, bà Hương điện thoại cho bà Diệp yêu cầu chuẩn bị 30 triệu để đưa cho bà Nga và hẹn đến quán cafe Hoàng Uyên trên đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê.
Đến khoảng 18g20, bà Diệp đến gặp bà Hương và đưa 29 triệu đồng. Khi bà Hương nhận tiền thì bị cơ quan điều tra viện KSND tối cao bắt quả tang. Hành vi của bà Hương bị xác định phạm vào tội “làm môi giới hối lộ”.
Đối với chấp hành viên Hà Thị Thanh Nga, quá trình tổ chức thực hiện thi hành bản án của bà Ngô Thị Ngọc Diệp đã nhiều lần điện thoại (thể hiện trên danh sách điện thoại) và gặp bà Diệp bên ngoài cơ quan để nói chuyện về việc thi hành án.
Bà Diệp khai bà Hương đã có nhiều lần đòi và nhận hối lộ gồm 10 triệu đồng ngày 22-1-2014, 10 triệu đồng ngày 20-2-2014 và 29 triệu đồng ngày 24-2-2014.
Tuy nhiên, tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh nên cơ quan điều tra tách hành vi này, tiếp tục điều tra xử lý sau.
Đối với ông Trần Quốc Trung đã 2 lần nhận của bà Diệp 1,5 triệu đồng nhưng đã trả lại. Do đó cơ quan điều tra không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ kiến nghị xử lý hành chính.
Đối với bà Ngô Thị Ngọc Diệp bị cơ quan điều tra bắt quả tang đưa hối lộ 29 triệu đồng nhưng là người bị ép buộc phải đưa tiền để được thi hành án, bà Diệp đã chủ động làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra nên cơ quan điều tra viện KSND tối cao không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Diệp.
-------------------------
Nữ chấp hành viên ỉm 650 triệu đồng thi hành án
Ngày 15/9, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án từ 5 năm xuống 4 năm tù đối với bị cáo Dương Thị Hồng Ánh (50 tuổi, cựu chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. HĐXX cho rằng bà Ánh có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, đã khắc phục một phần thiệt hại.
Bản án sơ thẩm xác định, bà Ánh được giao thu tiền thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B. Tháng 11/2011, bà này được lãnh đạo phân công thu tiền thi hành án của ông Quách Thái Quang để trả cho ngân hàng Phương Nam (chi nhánh Minh Phụng). Tuy nhiên, sau nhiều lần nhận tổng cộng hơn 500 triệu đồng từ ông Quang, bị cáo không nộp vào quỹ của cơ quan để thi thành án mà và giữ lại tiêu xài.
Đến tháng 8/2012, biết việc ông Quang đã nộp tiền thi hành án, ngân hàng Phương Nam gửi khiếu nại đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân. Nhận được công văn này, bị cáo Ánh không báo lên cấp trên.
Hai tháng sau, ngân hàng tiếp tục gửi đơn thì hành vi chiếm đoạt tiền công vụ của bà Ánh mới bị phát hiện. Bà này phải nộp lại 500 triệu đồng đã thu của ông Quang. Tuy nhiên do số tiền thi hành án bị nộp trễ, ông Quang phải chịu thêm khoản lãi suất do chậm trả hơn 57 triệu đồng.
Tương tự, cũng trong thời gian này, bị cáo Ánh còn được giao thu tiền của ông Bình và bà Nghĩa để nộp cho ngân hàng Phương Nam số tiền phải thi hành án là hơn 1,5 tỷ đồng. Sau hai lần nhận 150 triệu đồng của 2 đương sự này, bà ta chiếm đoạt sử dụng vào mục đích riêng. Nhiều tháng sau, nữ chấp hành viên mới chuyển trả số tiền này cho phía ngân hàng Phương Nam. Ông Bình và Nghĩa phải chịu thêm 17 triệu đồng do lãi chậm trả.
Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Ánh mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
-------------------------
Biến tàu 100 triệu thành 130 tỉ: Nguyên Tổng giám đốc ALC II lại hầu toà ở khung hình phạt có án tử
Ngày mai 16-9, TAND TP.HCM sẽ mở phiên toà sơ thẩm vụ biến tàu lặn 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng để rút tiền của Nhà nước cả trăm tỉ đồng xảy ra tại Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II).
Theo đó, 11 bị cáo trong vụ án này đều bị truy tố về tội tham ô tài sản theo khoản 4, điều 278,Bộ luật Hình sự có mức án cao nhất là tử hình.
Cụ thể gồm: Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II); Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II); Phạm Xuân Nghị ( nguyên Trưởng phòng Cho thuê tài chính ALC II ); Đinh Nguyên Tý (nguyên Phó phòng Cho thuê tài chính ALC II); Nguyễn Văn Thọ ( nguyên Phó phòng Cho thuê tài chính ALC II ); Phùng Văn Đồng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh ALC II); Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam); Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam); Phạm Minh Tuấn ( nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải); Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải).
Trước đó, bị cáo Vũ Quốc Hảo đã bị TAND TP.HCM tuyên tử hình về tội tham ô tài sản trong vụ làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước. Nhưng sau đó, Toà Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên huỷ án để điều tra lại.
Và mới đây ngày 30-7, bị cáo này lại bị tuyên phạt 12 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ làm thất thoát 21 tỉ đồng tại ALC II.
Còn vụ án này, cáo trạng xác định với mục đích rút tiền của ALC II , thông qua Công ty Cát Long Hải, Hảo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Tổng giám đốc ALC II bàn bạc với ba bị cáo của Công ty Cát Long Hải (thực chất đây là công ty sân sau của Hảo) trong việc mua thanh lý tàu lặn Tinro 2 của Hải quan Hải Phòng với giá 100 triệu đồng.
Sau đó, Hảo thông đồng với hai giám định viên Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam nâng giá trị tàu lặn Tinro 2 từ 100 triệu đồng thành 130 tỉ đồng. Đồng thời Hảo chỉ đạo cấp dưới của mình thực hiện hợp đồng mua bán thuê tài chính vào ngày 26-12-2007 giữa Công ty ALC II và Công ty Cát Long Hải để giải ngân 130 tỉ đồng.
Trong số tiền này, Hảo sử dụng hơn 78 tỉ đồng để mua hơn 89.000 mét vuông Trạm dừng chân Miền Tây, thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang.
-------------------------
Thi hành án bảo hiểm xã hội: Khó đủ đường!
“Từ năm 2010 đến 2013, các cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã khởi kiện gần 4.000 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với số nợ 1.790 tỉ đồng nhưng tổng số tiền thu được chỉ trên 733 tỉ đồng.
Trong đó, số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỉ đồng, qua xét xử hơn 463 tỉ đồng” - TS Trần Văn Đạt (Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp) cho biết tại hội thảo BHXH Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển do Ban Kinh tế Trung ương và BHXH Việt Nam tổ chức sáng 15-9.
Theo TS Đạt, số bản án được thi hành chỉ đạt 77%, số tiền thu được chỉ đạt 41% trong tổng nợ BHXH đề nghị thu hồi. “Thực tế còn một số lượng lớn các bản án, quyết định của tòa trong lĩnh vực BHXH không được thi hành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” - ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Đạt, sở dĩ công tác thi hành án (THA) trong lĩnh vực BHXH gặp khó là do việc xác minh điều kiện THA không hề dễ dàng. Theo quy định, cơ quan BHXH phải tự xác minh thông tin về điều kiện THA của đơn vị nợ BHXH. Trên thực tế, việc tìm kiếm, thu thập thông tin về tiền, tài sản của các doanh nghiệp nợ BHXH là vô cùng khó khăn, dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện yêu cầu THA.
Hiện BHXH các địa phương đều gặp tình trạng các đơn vị nợ BHXH không hợp tác cung cấp số tài khoản, thông tin về tài sản hiện có theo yêu cầu hoặc cung cấp thông tin không chính xác. Một số đơn vị nợ BHXH bị cưỡng chế THA thì tài khoản đã bị cầm cố, thế chấp hoặc cố tình tẩu tán… Nhiều trường hợp thậm chí còn không có tài sản để cưỡng chế.
TS Đỗ Văn Sinh (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết thêm từ năm 2006 đến nay năm nào cũng có tình trạng nợ chậm đóng BHXH. Tính đến ngày 31-8-2014, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN là hơn 11.651 tỉ đồng, trong đó riêng nợ BHXH là gần 8.000 tỉ đồng.
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, đến năm 2023 số thu BHXH bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư của quỹ BHXH của các năm trước. “Dự kiến đến năm 2037, quỹ BHXH sẽ mất khả năng thanh toán nếu không có chính sách, giải pháp tăng thu hoặc giảm chi” - ông Sinh cảnh báo.
-------------------------
Khởi tố 3 đối tượng trộm đùi bò
Ngày 15/9, Công an huyện Tam Bình đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Ngô Tiến Đạt (23 tuổi), Lê Minh Hoài (24 tuổi) và Tăng Thế Thiên (26 tuổi (cùng ngụ ấp Tổng Hưng B, Loan Mỹ, Tam Bình) về hành vi “trộm cắp tài sản”.
Trước đó, ngày 10/9, những đối tượng này mang theo 1 cây dao yếm, 1 cây búa và 2 bao ni lông đến chuồng bò của ông Bùi Văn Hoàng, 34 tuổi (ngụ ấp Bình Hòa, Loan Mỹ, Tam Bình) để trộm. Đến nơi, Hoài đứng canh ở ngoài, còn Thiên và Đạt vào trong chuồng dùng búa đập đầu 1 con bò, vừa cắt được 1 đùi sau thì bị anh Hoàng đi ra thăm chuồng bò phát hiện, tri hô lên nhưng 3 tên này kịp thời bỏ chạy.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Tam Bình đã khẩn trương xác minh, điều tra và đã tóm gọn băng trộm trên. Vụ trộm gây thiệt hại cho anh Hoàng một con bò có trọng lượng khoảng 800kg, trị giá trên 30 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
-------------------------
Buộc thôi việc phó phòng ngoại vụ trốn đi Mỹ
Tin từ Sở Nội vụ TP Cần Thơ ngày 15-9 cho biết giám đốc sở vừa ký quyết định buộc thôi việc Trần Ngọc Phi Long, phó phòng Hợp tác quốc tế Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ.
Ông Long bị buộc thôi việc vì vô tổ chức, vô kỷ luật, trốn đi Mỹ sau khi đã được giám đốc Sở Ngoại vụ cử đi theo đoàn công tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tối cùng ngày, ông Phạm Thế Vinh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, xác nhận trước đó sở đã ba lần gửi thư về nhà ông Long để mời ông này làm việc theo quy định nhưng ông Long không có mặt.
Dựa trên cơ sở này, Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã thành lập hội đồng kỷ luật cơ quan thống nhất kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Long.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ông Long được cơ quan cử đi công tác tại Mỹ nhưng trục trặc hồ sơ nên không tham gia đoàn. Sau đó ông Long lợi dụng việc mình được cử đi công tác nước ngoài, xuất cảnh đi Mỹ mà không báo lại cho cơ quan chủ quản.
Sau khi đến Mỹ, ông Long gửi đơn xin nghỉ việc về cơ quan với lý do hạn chế sức khỏe và giải quyết các vấn đề gia đình.