Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND TP Hải Phòng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự UBND thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Quận ủy Lê Chân.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng.
Ông Lê Thanh Sơn sinh ngày 9/7/1960 tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông Lê Thanh Sơn trải qua công tác ở các đơn vị: Sở Du lịch, Cục Hải quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng.
Từ tháng 8/2013, ông Lê Thanh Sơn là Bí thư Quận ủy Lê Chân. Ông Lê Thanh Sơn có học vị tiến sỹ.
-----------------------
Nâng kim ngạch giao thương Việt - Ấn lên 15 tỉ USD
Mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt 7 tỉ USD vào năm 2015 và nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỉ USD vào năm 2020.
Ngày 15-9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ấn Độ tới Việt Nam và sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
Nhấn mạnh tại hội đàm, Tổng thống Pranab Mukherjee khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN. Đồng thời, ông mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại hội đàm, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí... Hai bên nhất trí tổ chức họp ủy ban liên chính phủ hai nước vào năm 2015 tại Việt Nam.
Đặc biệt, hai nguyên thủ đã nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Bên cạnh đó, quan hệ thương mại hai nước Việt Nam - Ấn Độ đang có bước phát triển tốt đẹp. Mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt 7 tỉ USD vào năm 2015 và nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỉ USD vào năm 2020.
Mặt khác, hai nước cũng thống nhất xác định du lịch, dệt may, dược và nông nghiệp là những lĩnh vực quan trọng có tiềm năng tăng trưởng trong thương mại song phương.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông, giải quyết tranh chấp ở khu vực này bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ngay sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee đã chứng kiến lễ ký một loạt văn kiện hợp tác quan trọng.
Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Tổng thống Pranab Mukherjee.
-----------------------
Ấn Độ cho Việt Nam vay 100 triệu USD
Ấn Độ ký kết bản ghi nhớ về hạn mức tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam và nhấn mạnh rằng hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước, nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee nhất trí rằng sự kiện này mở ra những cơ hội hợp tác mới, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Tổng thống Mukherjee khẳng định Việt Nam đối tác quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ của Ấn Độ với ASEAN, mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Mukherjee cùng nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai bên cũng hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hợp tác tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Kim ngạch thương mại hai nước được đặt mục tiêu lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Hãng àng không Jet Airways của Ấn Độ hợp tác với Hãng hàng không Vietnam Airlines sắp mở đường bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam, dự kiến vào tháng 11 năm nay.
Đại diện hai nước cũng ký kết Ý định thư hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh, Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng trang trại cá basa tại Ấn Độ.
Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ vào tháng 10.
-----------------------
Tổng Bí thư: Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông
Chiều 15/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật ngài Pranab Mukherjee, Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Tổng thống Pranab Mukherjee thăm Việt Nam; đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm, cho thấy ngài Tổng thống và Chính phủ mới tại Ấn Độ tiếp tục coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược với Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm của ngài Tổng thống sẽ là một dấu mốc quan trọng, góp phần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư chúc mừng những thành tựu to lớn của Ấn Độ thời gian qua, đặc biệt là thành công của cuộc tổng tuyển cử tháng Năm vừa qua; bày tỏ vui mừng và đánh giá cao sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, giao lưu nhân dân; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, quốc tế và khu vực.
Tổng Bí thư kêu gọi Ấn Độ tiếp tục ủng hộ, chia sẻ lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm hoàn thành việc xây dựng COC; khẳng định Việt Nam ủng hộ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Ấn Độ tại Biển Đông.
Tổng Bí thư đề nghị hai chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương của hai nước tích cực triển khai cụ thể hóa nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, trong đó có việc sớm triển khai đường bay thẳng giữa hai nước.
Tổng thống Pranab Mukherjee bày tỏ vui mừng lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam; cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà Tổng Bí thư và các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã dành cho Tổng thống và đoàn; cho rằng nền móng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ do Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng đã và đang phát triển mạnh mẽ; trong những năm gần đây, hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, với sự tin cậy, hiểu biết, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.
Tổng thống khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược của Ấn Độ trong ASEAN cũng như trong khu vực rộng lớn hơn; khẳng định Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ; đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với Ấn Độ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; nhấn mạnh hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2007 và đã bước sang năm thứ tám triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn trên tất cả các lĩnh vực; tin tưởng hai bên có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước bởi vẫn còn tiềm năng to lớn cho sự hợp tác song phương trong tương lai./.
-----------------------
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc
Trong thời gian dự Hội chợ ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư thương mại ASEAN-Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ; tiếp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bành Thanh Hoa.
Ngày 15/9, tại cuộc gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc tổ chức thành công các kỳ Hội chợ ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư thương mại ASEAN-Trung Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc không ngừng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, phía Việt Nam sẵn sàng cùng phía Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước có những bước phát triển mới thực chất và sâu rộng hơn nữa trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, du lịch, giáo dục, văn hóa…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao giữa hai Đảng, hai nước; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, triển khai đúng kế hoạch các cơ chế, chương trình hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước, sớm tổ chức Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2014.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên cần kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ hoan nghênh việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư thương mại ASEAN – Trung Quốc lần thứ 11 tại Quảng Tây; thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với hợp tác ASEAN - Trung Quốc nói chung, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.
Về quan hệ song phương, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững.
Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ cũng phản hồi tích cực đối với những đề xuất của Việt Nam về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới, nhất là trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Cùng ngày, tại buổi tiếp Bí thư khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Bành Thanh Hoa, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Quảng Tây là cửa ngõ quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN với Trung Quốc; là địa phương biên giới có quan hệ hợp tác chặt chẽ, gần gũi với Việt Nam.
Việt Nam luôn ủng hộ Quảng Tây tổ chức thành công CAEXPO; mong muốn phối hợp cùng với Quảng Tây phát huy vai trò cầu nối trong quan hệ kinh tế - thương mại ASEAN-Trung Quốc; đề nghị Quảng Tây tăng cường hơn nữa hợp tác với các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong các lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, y dược, gia công chế biến, kho vận…
* Cũng trong dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Chủ tịch nước Lào Buonnhang Vorachith; gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanasak trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên.
-----------------------
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm, làm việc tại Hoa Kỳ
Ngày 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam đã sang thăm và làm việc tại Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ làm việc từ ngày 15 tới ngày 19/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về những vấn đề quan tâm trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hướng tới sớm kết thúc đàm phán, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Cùng đi với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, chuyến đi này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và khẳng định quyết tâm của Việt Nam gia nhập hiệp định tự do thương mại này.
Trong thời gian làm việc tại Thủ đô Washington DC, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ có các cuộc gặp với các vị: Chủ tịch Ủy ban Tài khóa và Ngân sách Hạ viện Hoa Kỳ David Camp, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ Ron Wyden, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker, Bộ trưởng Bộ Tài chính Jack Lew, đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman và gặp Giáo sư Jeffrey J.Schott - là một chuyên gia về TPP của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng gặp gỡ với nhóm học giả thuộc Mạng lưới chuyên gia Việt Nam tại Hoa Kỳ, dự Hội nghị bàn tròn với Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, làm việc cùng Nhóm doanh nghiệp dệt may, giày dép Hoa Kỳ.
Tại thành phố Boston (tiểu bang Massachusetts), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ dành một ngày để làm việc với Nhóm học giả của Đại học Harvard, gồm các ông Thomas Vallely, David Dapice và Dwight Perkins.
Báo Điện tử Chính phủ sẽ có các bản tin chi tiết thông tin về chuyến đi của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tới độc giả trong nước.
-----------------------
Việt Nam-Ấn Độ ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng
Việt Nam và Ấn Độ đã ký 7 văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực hàng không, tài chính, nông nghiệp, dầu khí... trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tới Việt Nam.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Pranab Mukherjee được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Sau buổi hội đàm sáng nay (15/9), hai bên đã chứng kiến lễ ký kết của nhiều văn kiện hợp tác quan trọng.
Mở đầu buổi lễ, ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam và bà Shanti Sundharam, Chủ Tịch tổng cục Thuế và Hải quan Ấn Độ, đã ký hiệp định về hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong các vấn đề về hải quan.
Tiếp theo, hai nước cũng ký các bản ghi nhớ về hợp tác thú y trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước; bản ghi nhớ về lập trang trại cá Ba Sa tại Ấn Độ; hiệp định tín dụng đô la Mỹ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập Khẩu Ấn Độ.
Nhân dịp này, Việt Nam và Ấn Độ còn ký Ý định thư về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ấn độ (ONGC Videsh Ltd).
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc của Vietnam Airlines và ông Naresh Goyal, Chủ tịch của Jet Airways đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác và cùng thúc đẩy dịch vụ hàng không trực tiếp giữa Vietnam Airlines và Jet Airways.
Hai nước cũng ký thỏa thuận hợp tác thanh niên giữa Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và và Bộ Phát triển Kỹ năng Doanh nghiệp, Thanh nhiên và Thể thao Ấn Độ giai đoạn 2014-2017.
Sau buổi lễ ký kết, Tổng thống Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng trồng cây bồ đề lưu niệm tại Phủ Chủ tịch.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển ngày càng sâu rộng, nhất là trên 5 lĩnh vực trụ cột gồm chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa giáo dục.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương 5 năm qua giữa Việt Nam-Ấn Độ tăng bình quân 16%, riêng 2013 tăng 35% so với năm 2012 đạt 5,23 tỷ USD. Ấn Độ hiện có 8 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 254.5 triệu USD.
-----------------------
TPHCM: Thống nhất thu phí đường bộ xe máy từ đầu năm 2015
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân vừa thông qua Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn thành phố. Gần 6 triệu người có xe gắn máy tại TP sẽ đóng phí đường bộ từ ngày 1/1/2015.
Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, về cơ bản thống nhất Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn thành phố. Theo đó, lãnh đạo TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính hoàn chỉnh đề án để UBND TP trình HĐND TPHCM tại kỳ họp cuối năm 2014.
Theo chủ trương của lãnh đạo TP, tổ dân phố sẽ chịu trách nhiệm thu từng hộ gia đình; nguồn thu của quận – huyện sẽ được sử dụng để đầu tư giao thông, bảo trì đường bộ tại quận. Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu phải có cơ chế kiểm tra, giám sát nguồn thu, hạch toán nguồn thu và mối quan hệ giữa Quỹ bảo trì đường bộ với quận, huyện, xã, thị trấn.
Trước đó, Sở GTVT đã có báo cáo UBND TP về Đề án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố. Theo Sở GTVT, mức phí đề xuất thu là 50.000 đồng/năm (trước đó là 60.000 đồng/năm) đối với xe máy có dung tích dưới 100cm3; 120.000 đồng/năm (trước đó là 150.000 đồng/năm) đối với xe có dung tích từ 100 – 175cm3; 150.000 đồng/năm đối với xe có dung tích trên 175cm3; riêng đối với xe 4 bánh có gắn động cơ 1 xylanh, mức phí đề xuất thu là 2,16 triệu đồng/năm.
Đề án sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2015 nếu được HĐND TP thông qua trong kỳ họp cuối năm nay. Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn thành phố có hơn 5,4 triệu xe mô tô, gắn máy đã đăng ký. Theo ước tính của Sở GTVT, nếu chỉ thu được 60% trong số 5,4 triệu xe máy thì bình quân mỗi năm, TP sẽ có gần 374 tỷ đồng từ việc thu phí bảo trì đường bộ.
Theo thông tư số 197/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy bắt đầu từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, Sở GTVT TP không đề xuất truy thu để khuyến khích, tạo sự nhất trí cao của người dân thành phố.