Hải quân Trung Quốc tụt hậu đến 30 năm so với hải quân Mỹ
Bất chấp năng lực chống tiếp cận/khu vực cấm (A2/AD) của tên lửa DF-21D sẽ được mở rộng lên đến 2.500 km và sẽ có 3 tàu sân bay vào năm 2020, Hải quân Trung Quốc vẫn tụt hậu đến 30 năm so với Hải quân Mỹ, một phó đô đốc về hưu Đài Loan nhận định.
Trang tin WantChinaTimes (Đài Loan) ngày 16.8 dẫn lời binh luận của ông Lan Ning-li đưa ra tại một hội nghị hôm 15.8.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sở hữu tàu chiến được trang bị ngang ngửa với tàu có hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Aegis của Mỹ, theo cựu phó đô đốc Đài Loan.
Và hiện số tàu chiến dạng này của Trung Quốc đã đông hơn Hạm đội 7 của Mỹ, ông Lan cho hay.
Khu trục hạm mang tên lửa thế hệ thứ 4 Type 055C của Trung Quốc sẽ là tàu hộ vệ chính trong đội tàu sân bay của PLA và có năng lực tên lửa tương đương với tàu chiến trang bị Aegis của Mỹ, ông Lan phân tích.
Trung Quốc có thể xây dựng một hạm đội 18 tàu chiến mang tên lửa chống hạm siêu thanh này trong 3 năm, theo cựu phó đô đốc Đài Loan.
Ngoài ra, trong số 52 tàu ngầm của Trung Quốc, 42 chiếc đã được nâng cấp và hạm đội tàu chiến của PLA hiện đang là một mối đe dọa đáng gờm với Hải quân Mỹ tại Chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương.
Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc trải dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia.
Lâu nay, Bắc Kinh vẫn xem đây là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu.
Vì thế, ý định chiếm lĩnh biển Đông và Hoa Đông cũng nhằm một phần để mở đường “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất.
Ông Lan cho rằng Hải quân PLA cũng sẽ sớm có năng lực tấn công hạt nhân, với 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược đã được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, cựu phó đô đốc Đài Loan chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn chưa hiểu hoàn toàn các năng lực của Hải quân Mỹ và các yếu tố chính trị đã cổ súy cho những lời ca ngợi phi thực tế đối với sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Ông Lan kết luận rằng phải mất 30 năm nữa Hải quân Trung Quốc mới có thể đuổi kịp Mỹ và trước mắt Nhật Bản vẫn là mục tiêu gần hơn để Trung Quốc cố gắng vượt qua.
---------------------------
Ông Thaksin kêu gọi phe áo đỏ ủng hộ quân đội
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra kêu gọi những lãnh đạo phe áo đỏ không ngăn cản hay gây khó khăn cho quân đội trong việc điều hành đất nước, theo Bangkok Post.
Hồi cuối tuần qua, ông Thaksin đã gặp gỡ lãnh đạo phe áo đỏ, những người từng làm việc cho chính phủ của ông và em gái Yingluck Shinawatra ở Hồng Kông. Cựu thủ tướng Thái Lan không đưa ra bất kỳ chỉ đạo nào đối với những người thân cận của ông.
“Trong tình hình hiện nay, chúng ta hãy để quân đội làm hết sức của họ. Thời gian sẽ cho thấy tất cả. Mọi người chúng ta có thể hợp tác với quân đội, không gây cản trở vì nếu làm vậy chúng ta sẽ bị chỉ trích nếu thất bại”, ông Thaksin nói.
Kể từ sau đảo chính, quân đội nắm toàn quyền ở Thái Lan. Những tiếng nói chỉ trích không còn xuất hiện trong khi chờ kế hoạch sắp xếp lại chính trường Thái Lan của quân đội.
Cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho rằng quân đội đã làm tốt công việc điều hành đất nước 4 tháng qua. “Tuy nhiên con đường phía trước sẽ không có nhiều hoa hồng”, ông Abhisit nhận định, theo The Nation.
Thái Lan đang chuẩn bị chọn thủ tướng tạm quyền sau khi đã thành lập quốc hội lâm thời được gọi là Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA). Cơ quan lập pháp này sẽ giữ nhiệm vụ của hạ và thượng viện. Cựu Chủ tịch thượng viện Surachai Liangboonlertchai được chọn để làm người điều hành NLA.
Dự kiến ngày 21-22.8, NLA sẽ chọn ra thủ tướng tạm quyền. Tướng Prayuth Chan-ocha được xem là ứng cử viên số 1 cho vị trí này.
Tướng Prayuth, người chỉ huy cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck hồi tháng 5 vừa qua, sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 9.2014. Chưa rõ tướng Prayuth có tiếp tục điều khiển chính trường Thái Lan cho đến khi nước này tổ chức bầu cử hay không.
---------------------------
Triều tiên mua đất ở châu Phi để trồng lúa?
Báo Zimbabwe đưa tin chính phủ Triều Tiên đã mua một lượng lớn đất đai để trồng lúa ở Zimbabwe, nhằm giải quyết vấn nạn lương thực tại Triều Tiên.
Triều tiên mua đất ở châu Phi để trồng lúa?
Dẫn lời một quan chức ngoại giao châu Á ở Brusssels, Bỉ, tờ The Telescope News của Zimbabwe cho biết, Triều Tiên đã mua đất ở các tỉnh Đông Mashonaland và Trung Mashonaland, được miêu tả là những vùng đất trồng màu mỡ nhất Zimbabwe.
“Chúng tôi có thông tin đáng tin cậy về việc Triều Tiên tìm kiếm đất trồng lúa”, nguồn tin được báo Zimbabwe dẫn lời cho hay.
Hiện bộ Nông nghiệp Zimbabwe chưa có bình luận gì về thông tin.
Mặc dù bài báo không nêu tên của nhà ngoại giao, nhưng thông tin phù hợp với những động thái gần đây của Triều Tiên. Tháng trước, một quan chức chính phủ Triều Tiên được biết đã bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào nông nghiệp và công-nông nghiệp tại tỉnh Malanje, bắc Angola.
Triều Tiên cũng tỏ ra quan tâm đến đầu tư nông nghiệp tại Gambia, khi vào tuần trước, tờ Daily Observer của đất nước châu Phi này đưa tin về cuộc gặp giữa đại sứ Triều Tiên ở Gambia Hong Son Phy và Tổng thống Gambia Dr. Yahya Jammeh.
---------------------------
Mỹ, Hàn Quốc tập trận chống tấn công hạt nhân
Ngày 18-8, quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận thường niên Người bảo vệ tự do Ulchi bất chấp lời đe dọa của CHDCND Triều Tiên.
Theo AFP, cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 29-8 với kịch bản là đối phó với một cuộc tấn công xâm lược của CHDCND Triều Tiên. Dù được triển khai chủ yếu trên hệ thống vi tính, cuộc tập trận vẫn có sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết lần đầu tiên cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi thực hiện tình huống mô phỏng là đối phó với một vụ tấn công bằng vũ khí nguyên tử, dựa trên chiến lược phòng thủ chung Seoul và Washington thiết lập năm ngoái.
Chính quyền Seoul cho biết quân đội sẽ được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trong suốt thời gian cuộc tập trận diễn ra. “Nếu CHDCND Triều Tiên thực hiện bất kỳ hành vi khiêu khích nào, chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ” - một quan chức quân sự Hàn Quốc khẳng định.
Trước đó quân đội CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ cuộc tập trận này, đồng thời đe dọa sẽ “tấn công phủ đầu” Washington và Seoul.
---------------------------
Hai tàu thủy văn Trung Quốc lại xâm nhập biển Đông
Tổng thống Philippines cảnh báo hai tàu nghiên cứu thủy văn Trung Quốc xâm nhập gần khu vực Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Kênh truyền hình TV5 của Philippines tối 17-8 dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III cho biết ông nhận được tin từ quân đội Philippines rằng có hai chiếc tàu nghiên cứu thủy văn của Trung Quốc lảng vảng ở khu vực trên.
“Những chiếc tàu này đang làm gì ở đó? Họ đang làm nghiên cứu gì? Tôi mong rằng sự hiện diện của hai chiếc tàu này sẽ không làm căng thẳng leo thang” – Tổng thống Aquino nói.
Tổng thống Philippines không nói rõ quân đội nước ông phát hiện hai tàu Trung Quốc từ khi nào nhưng ông nhấn mạnh sự xâm nhập trên là động thái mang tính “thời vụ” của Trung Quốc trong chiến dịch đòi chủ quyền vô lý ở các vùng biển tranh chấp ở biển Đông.
“Có khi Trung Quốc có thái độ hằn thù, có khi Trung Quốc thân thiện. Có thời khắc họ công kích và có thời điểm họ không làm thế” – Tổng thống Aquino miêu tả “thái độ thời vụ” của Trung Quốc.
Báo Inquer Daily nhận định sự hiện diện của hai chiếc tàu này là động thái khiêu khích đầu tiên của Bắc Kinh kể từ khi nước này bác bỏ đề xuất ngăn chặn những hành động làm leo thang căng thẳng ở biển Đông do Philippines và Mỹ đưa ra ở diễn đàn khu vực các nước ASEAN hồi đầu tháng 8.
---------------------------
Cướp mang súng tấn công hoàng tử Saudi Arabia giữa Paris
Ngày 18-8, cảnh sát Paris thông báo một băng cướp tấn công đoàn xe của một hoàng tử Saudi Arabia ở ngay thủ đô Pháp, cướp đi 250.000 euro (334.000 USD).
Theo AFP, nhà chức trách Paris cho biết vụ cướp xảy ra tại khu vực phía bắc thủ đô Pháp. Bọn cướp với súng AK-47 đã chặn đoàn xe của hoàng tử khi đang đi từ Đại sứ quán Saudi Arabia tới một sân bay ở Le Bourget.
Không ai bị thương trong vụ cướp. Ngoài 250.000 euro, bọn cướp còn lấy đi nhiều tài liệu “nhạy cảm” của phái đoàn Saudi Arabia. Hiện chưa rõ danh tính của hoàng tử này và các tài liệu trên có nội dung mật gì.
Hồi tháng 7-2013, một băng cướp Pháp giả dạng cảnh sát cũng đã chặn xe một nhà ngoại giao Saudi Arabia khi ông này vừa rời sân bay Le Bourget để vào thành phố. Chúng giả bộ kiểm tra xe và cướp đi một chiếc vali chứa 162.000 euro (30.000 USD).
Khi đó, cảnh sát Paris cho biết không thể xác định được bọn cướp “gặp may” hay đã biết trước thông tin quan chức này cầm theo nhiều tiền mặt.
---------------------------
Đột phá trong việc nghiên cứu chế tạo vắc-xin chống HIV
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học y khoa Boston và Đại học y khoa Duke vừa khám phá về một hiện tượng liên quan đến các dòng kháng thể có thể chống lại vi rút HIV, được gọi là “kháng thể trung hòa mở rộng” hay BNAbs. Phát hiện này tạo ra một chuyển biến rất lớn trong việc phát triển vaccin cho căn bệnh thế kỉ này.
Được biết, các kháng thể này phát triển từ một loại tế bào miễn dịch là tế bào B. Khi tế bào B tiếp xúc với các chất lạ thì chúng sẽ biến đổi một amino acid trong kháng thế. Các tế bào B mang kháng thể biến đổi này sẽ gắn được với chất lạ, trong khi các tế bào khác sẽ chết đi. Điều này giúp cơ thể chúng ta thích ứng ngay lập tức với các kích thích từ môi trường.
Barton Haynes, giám đốc Viện nghiên cứu Vaccin Duck lưu ý “Càng hiểu rõ về còn đường hoạt động khác thường của BNAbs, chúng tôi càng có cơ hội để giới thiệu chúng cho mọi người. Nghiên cứu này đã gỡ rối cho con đường BNAbs đầy phức tạp.” Một vaccin dựa vào BNAbs sẽ là mục tiêu cuối cùng, và nghiên cứu này yêu cầu một chiến lược toàn diện hơn trong thời gian sắp tới.
---------------------------
Trung Quốc "nhăm nhe" mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga
Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho hay Bắc Kinh có thể trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga, vốn có thể giúp Trung Quốc hợp nhất các hệ thống chống tên lửa và phòng không, CCTV đưa tin.
Hệ thống S-400 được trang bị radar mạnh và có các khả năng chống nhiễu, có thể thiết lập một hệ thống phòng thủ đa lớp với 3 tên lửa dẫn đường tầm xa khác nhau, theo dõi hàng trăm mục tiêu và tấn công 36 mục tiêu cùng lúc.
Paul Schwartz, một nhà nghiên cứu tại Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Trung tâm nghiên cứu và chiến lược (CSIS) của Mỹ, cho hay S-400 có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực nếu Trung Quốc mua hệ thống và sử dụng nó, với tầm xa có thể bao trọn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp với Nhật Bản.
Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Nga về hệ thống S-400 đang gặp khó khăn do Trung Quốc có những nhu cầu khác nhau về phòng thủ, nhà bình luận sự Trung Quốc Du Wenlong cho hay.
Tầm xa và chiều cao hoạt động của hệ thống, tầm hoạt động của radar và số mục tiêu mà radar có thể theo dõi có thể được điều chỉnh. Ông Du cho hay vụ mua bán sẽ không chỉ là một thỏa thuận thương mại vũ khí đơn giản vì sự chuyển giao công nghệ có thể tăng cường việc tích hợp khả năng chống tên lửa và phòng không của Trung Quốc trong tương lai.
Không giống S-300, hệ thống S-400 có thể được so sánh với các vũ khí hiện đại nhất do các nước khác chế tạo và có hiệu năng vượt trội. Hệ thống có thể tấn công mục tiêu ở độ cao từ 10 mét đến 60 km và đánh chặn một tên lửa đạn đạo ở cách xa 30 km. Tuổi thọ của nó cũng được cải thiện đáng kể tới 20 năm.
Với hệ thống S-400 và các hệ thống tên lửa đất đối không Hongqi-9, S-300 và phiên bản cải tiến của S-300, Trung Quốc sẽ có thể xây dựng một hệ thống phòng thủ tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, ông Du nhận định. Nhờ đó, cơ hội đánh chặn các vũ khí dẫn đường độ chính xác cao như tên lửa dẫn đường nhiều khả năng sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai, đồng thời mở rộng các loại mục tiêu mà Trung Quốc có thể đánh chặn.
Chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ cũng bị ảnh hưởng lớn nếu Trung Quốc mua được S-400. Hệ thống S-400 có thể bao phủ không phận Đài Loan và thậm chí bờ biển ở phía đông hòn đảo, và phản công các máy bay Mỹ xuất kích từ đảo Guam và Okinawa nếu nó được triển khai tại các khu vực ven biển của Trung Quốc ở Hoa Đông.