Kiến nghị buộc thôi việc hơn 30 nhân viên y tế xài bằng giả
Chiều 18-8, ông Lê Văn Minh, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, cho biết Viện đã thống nhất với Công an tỉnh này kiến nghị buộc thôi việc hơn 30 nhân viên y tế học đường, nhân viên các trạm y tế do đã sử dụng bằng giả.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước (Bình Định) đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ba nhân viên y tế thuộc trung tâm này để làm giải trình, tiến hành các thủ tục buộc thôi việc.
Cũng theo ông Lê Văn Minh, liên quan đến vụ việc trên, Viện KSND tỉnh Bình Định đã ra cáo trạng truy tố Phạm Thị Xuân Mai (44 tuổi, nhân viên y tế Trường tiểu học số 2 xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), Trình Thị Ngọc Hậu (38 tuổi, nhân viên y tế Trường THCS Phước Hiệp) cùng tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo hồ sơ, năm 2006 Phạm Thị Xuân Mai, Trình Thị Ngọc Hậu mua hai bằng tốt nghiệp THPT giả với giá 5,5 triệu của một đường dây mua bán bằng giả từ TP.HCM về Bình Định để sử dụng cho mình. Đến năm 2008, khi ngành GD-ĐT Bình Định xét tuyển nhân viên y tế học đường, Mai trực tiếp liên lạc với một người chuyên làm bằng giả ở TP.HCM rồi mua sáu bằng trung cấp điều dưỡng giả với giá gần 60 triệu đồng. Mai và Hậu sử dụng mỗi người một bằng, còn lại giao cho bốn người khác. Sau đó, những người này sử dụng bằng giả đưa vào hồ sơ dự tuyển và được tuyển dụng làm nhân viên y tế tại các trường học. Thấy mua bằng giả dễ dàng và không bị phát hiện, Mai, Hậu tiếp tục mua hàng chục bằng giả từ TP.HCM đưa về Bình Định bán lại để kiếm lãi.
Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Định, từ năm 2006 đến 2010, Mai và Hậu đã mua 32 bằng giả, trong đó có 27 bằng trung cấp điều dưỡng làm giả của Trường Đại học Y- Dược TP.HCM, còn lại là bằng tốt nghiệp THPT làm giả của Sở GD-ĐT TP.HCM với tổng số tiền 330 triệu đồng. Trong đó, Mai trực tiếp nhận của người khác mua 17 bằng giả, hưởng chênh lệch gần 18 triệu đồng; Hậu nhận mua 15 bằng, hưởng chênh lệch 20 triệu đồng.
Ngoài hai bị can trên, trong vụ án này còn có một số người liên quan nhưng tính chất, mức độ hành vi, hậu quả gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Viện KSND Bình Định kiến nghị xử lý hành chính. Ông Lê Văn Minh cho biết thêm, ngoài vụ án trên, Cơ quan An ninh điều tra Công an Bình Định đã tách đối tượng làm bằng giả tại TP.HCM thành một vụ án riêng và hiện đang tiếp tục điều tra.
Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM, trong số hơn 30 người đang sử dụng bằng giả mua từ đường dây của Mai và Hậu, phần lớn hiện là nhân viên y tế các trường học trên địa bàn huyện Tuy Phước, còn lại là nhân viên các trạm y tế xã. Ngoài ba nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước đã bị đình chỉ công tác, hầu hết các nhân viên y tế học đường đều đang công tác bình thường. Chiều 18-8, PV đã liên lạc ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước để trao đổi xung quanh sự việc trên nhưng ông Tường nói đang bận họp.
-----------------------
40 người tử vong vì bệnh dại nửa năm qua
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 người bị chó cắn, nhưng có đến 40% không đi tiêm phòng. Một người khi đã lên cơn dại thì hầu như chắc chắn tử vong.
Phát biểu tại hội thảo truyền thông về bệnh dại sáng 18/8, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện dự án khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do dại, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 2 trường hợp đi tiêm nhưng không sơ cứu vết thương khi bị cắn, tiêm muộn, vết cắn nặng vùng đầu - mặt - cổ, tiêm chưa đủ mũi. Bệnh nhân lên cơn dại sau khi tiêm mũi thứ 3.
Bệnh dại được xếp vào nhóm bệnh mới nổi tại Việt Nam. Năm 1995 cả nước có 410 ca dại, sau đó liên tục giảm, đến năm 2003 chỉ còn 34 ca, nhưng ngay năm sau số ca tăng lên gấp đôi. Những năm gần đây, tình trạng mắc bệnh có giảm nhưng không đáng kể với khoảng 100 ca tử vong mỗi năm.
“Đặc biệt, trong khi bản đồ dịch tại các khu vực khác không thay đổi thì miền Bắc số ca dại tăng đột biến từ miền núi phía Tây Bắc lan ra khu vực Đông Bắc và các tỉnh đồng bằng. Trong 10 tỉnh có số tử vong cao nhất 5 năm trở lại đây thì đến 9 tỉnh thuộc phía Bắc”, bà Hương nhấn mạnh.
Hơn 300.000 trường hợp bị chó cắn một năm nhưng chỉ có 60% đi tiêm, bỏ sót 40%. Thậm chí có người làm nghề mổ thịt chó, tay chân bị xước mà không hề biết. Một tháng sau người đàn ông này lên cơn dại và tử vong. Nguyên nhân chủ yếu khiến người bị cắn không đi tiêm phòng là chủ quan cho rằng chó vốn nhà bình thường. Đặc biệt, có 3% đến tiêm muộn, 6% điều trị bằng thuốc nam, 3% không có tiền để tiêm phòng.
Đại diện Tổ chức Y Thế giới đánh giá đây là vấn đề trầm trọng tại Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, số ca tử vong không ngừng gia tăng. Nhận thức người dân còn kém, nhiều chó thả rông không được quản lý, tỷ lệ tiêm phòng thấp, nhiều người khi bị chó cắn không đi tiêm phòng. Tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, người dân khó tiếp cận với vắcxin.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần đẩy mạnh tiêm phòng cho loài chó. Nếu không có chó dại thì không có tử vong trên người do dại.
Ngày 28/9 hàng năm được chọn là ngày quốc tế phòng chống bệnh dại. Dự kiến năm nay, lễ mít tinh sẽ tổ chức tại Hòa Bình - địa phương gần đây có sự gia tăng ca tử vong do dại. Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây từ động vật sang người qua vết cắn, vết liếm trên da niêm mạc bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh thường 1-3 tháng sau khi bị cắn, hiếm khi dưới 10 ngày hoặc dài tới vài năm.
Khi bị chó cắn, việc quan trọng đầu tiên là xử lý vết thương tại nhà. Mục đích là loại bỏ bớt virus dại dính trong nước dãi tại vết thương. Cần rửa vết thương dưới vòi nước trong 15 phút với xà phòng, sau đó dùng tiếp các chất sát khuẩn như: cồn iốt, rượu, các loại xà phòng, dầu gội, dầu tắm... Chú ý không làm dập nát vết thương, tránh khâu kín, trừ trường hợp bất khả kháng. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được nhân viên y tế tư vấn và tiêm phòng.
-----------------------
50% lao động Việt Nam tại Lào là của Hoàng Anh Gia Lai
Con số này được đưa ra tại Hội nghị thông tin Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Lào do Bộ Lao động-Thương Binh-Xã hội và Bộ Lao động-Phúc lợi xã hội Lào tổ chức ngày 18.8 tại Nghệ An.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào, chủ yếu đi theo các dự án hợp tác đầu tư, dự án nhận thầu công trình, dự án hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới. Phần lớn số lao động này là lao động có kỹ thuật.
Trong đó, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có số lượng lao động đông nhất là 6.900 người, Tập đoàn Cao Su có gần 1.000 lao động, Tổng công ty Sông Đà có khoảng 600 lao động…
Ngoài chế độ tiền lương, lao động Việt Nam làm việc tại Lào còn được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ xa tổ quốc, BHXH, BHYT... Mức thu nhập bình quân đối với lao động phổ thông Việt Nam làm việc tại Lào đạt khoảng 250 USD/tháng; lao động kỹ thuật khoảng 500 USD/tháng.
Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) cho biết, sự có mặt của lao động Việt Nam tại Lào ở nhiều nơi đã giúp giải quyết một phần nhu cầu thiếu lao động, nhất là trong các lĩnh vực: năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ bản, giao thông, thu hoạch mùa màng, dịch vụ, đặc biệt ở những công trình, dự án lớn. Với việc hợp tác đầu tư sang Lào đang phát triển mạnh mẽ, nên nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam tại Lào trong thời gian tới rất lớn. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động Việt Nam sang Lào làm việc sẽ vượt mức 20.000 người.
-----------------------
Thủ tướng bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định bổ nhiệm ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng từ ngày 16-8.
Tân Thứ trưởng Lê Quang Hùng, sinh năm 1962, quê ở tỉnh Phú Thọ. Ông có học vị Tiến sỹ kỹ thuật xây dựng, Cao cấp lý luận chính trị.
Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng từng giữ các chức vụ Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng.
Ông Lê Quang Hùng còn là Chủ tịch Hội công nghiệp bê tông Việt Nam (VCA), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Slovakia.
Ngoài Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng hiện có 6 thứ trưởng: Cao Lại Quang (sinh năm 1955), Nguyễn Trần Nam (sinh năm 1955), Bùi Phạm Khánh (sinh năm 1960), Nguyễn Đình Toàn (sinh năm 1960), Phan Thị Mỹ Linh (sinh năm 1959) và Lê Quang Hùng (sinh năm 1962).
-----------------------
Xếp hạng Đại học thế giới: Việt Nam vẫn "sạch bóng" trong top 500
Bảng xếp hạng học thuật các Đại học thế giới (Academic Ranking of World Universities), bảng xếp hạng uy tín hàng đầu về các trường đại học trên thế giới, vừa công bố danh sách 500 trường tốt nhất của năm 2014. Đông Nam Á góp 4 trường, nhưng không có trường nào của Việt Nam.
Năm thứ 12 liên tiếp, bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất thế giới được công bố bởi Đại học Giao thông Thượng Hải. Bảng xếp hạng này được đánh giá cao về độ uy tín và chính xác dựa trên phương pháp khảo sát kỹ càng, và được đánh giá là một trong 3 bảng đánh giá đại học đáng tin tưởng nhất. Trong suốt 12 năm qua, Đại học Harvard đều đứng đầu danh sách.
Lần lượt xếp sau Havard trong danh sách năm 2014 là các trường Stanford, Học viện kỹ thuật Massachusetts và Đại học California, đều của Mỹ.
Mỹ cũng là nước đóng góp nhiều trường nhất trong top 500 trường tốt nhất thế giới, với 146 trường. Xếp thứ 2 là Trung Quốc với 44 trường. Đức đứng thứ 3 với 39 trường đại học trong top 500.
Đông Nam Á đóng góp 4 trường là Đại học quốc gia Singapore (đứng thứ 101), Học viện kỹ thuật Nanyang (Singapore, thứ 151), Đại học Malaysia (301) và Đại học khoa học Malaysia (401). Không có trường nào của Việt Nam trong danh sách.
Trong các bảng xếp hạng uy tín, thì từ trước tới nay, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ mới xuất hiện ở trong top 300 trường tốt nhất tại châu Á của hãng điều tra Quacquarelli Symonds, chứ chưa bao giờ lọt vào bảng xếp hạng thế giới.
-----------------------
Kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân gây thất thoát tiền nhà nước
Ngày 17-8, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tỉnh này vừa có công văn yêu cầu những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý trực tiếp các khu nhà đất thuộc sở hữu của nhà nước (Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế) nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, chỉ đạo tiến hành ra soát việc quản lý.
Đồng thời, khẩn trương lập hồ sơ quản lý, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý thu hồi công nợ, chấm dứt tình trạng nợ động, dây dưa, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Thời gian qua, công tác quản lý những cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê trên địa bàn tỉnh chưa chủ động trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát thực trạng nhà cho thuê. Hiện tượng một số cơ sở nhà đất chưa được tiếp quản, quản lý theo quy định.
Cụ thể, tình trạng một số tổ chức, cá nhân thuê nhà sử dụng sai mục đích, bố trí cán bộ ở trong khuôn viên nhà thuê, không ký hợp đồng thuê, tự ý sửa chữa, không thanh toán tiền thuê nhà... diễn ra khá phổ biến, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
-----------------------
Bộ GTVT “tước” quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án của ngành đường sắt
Bộ GTVT vừa "tước" quyền chủ đầu tư các dự án vốn ngân sách, vốn ODA đã giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam. Trong đó có dự án đường sắt tai tiếng vì nhận hối lộ của JTC và dự án "đội" vốn 300 triệu USD.
Quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư một số dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) áp dụng đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Cục ĐSVN.
Với Tổng Công ty ĐSVN, Bộ GTVT chuyển chức năng của 7 dự án đang thực hiện mà Tổng Công ty này giữ vai trò là chủ đầu tư. Trong đó có dự án đầy tai tiếng trong vụ nhận hối lộ 80 triệu Yên của nhà thầu JTC Nhật Bản. Đó là Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1, vay vốn Nhật Bản; Dự án xâu dựng đường sắt độ thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 2 (bao gồm dự án 2A và 2B), vốn vay Nhật Bản. Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM (44 cầu), vốn vay Nhật Bản;
Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, vốn vay ADB+AFD+DGTPE; Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TPHCM, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 1), vốn vay Trung Quốc; Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (giai đoạn 1), vốn vay Trung Quốc; Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 2), vốn vay Cộng hòa Pháp.
Có 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư bị Bộ GTVT “tước” vai trò chủ đầu tư với Tổng Công ty này, gồm: Cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân, dự kiến vốn vay Nhật Bản; Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM (giai đoạn 2) với 56 cầu, dự kiến vốn vay Nhật Bản; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TPHCM, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 2), vốn vay Trung Quốc; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (giai đoạn 2), vốn vay Trung Quốc;
Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, dự kiến vốn vay Trung Quốc; Dự án đường sắt Trảng Bom - Hưng Hòa, bao gồm 2 dự án thành phần vận hành độc lập: Đường sắt Trảng Bom - Dĩ An, đường sắt Dĩ An - Hưng Hòa, dự kiến vốn vay Nhật Bản.
Đối với Cục ĐSVN, Bộ GTVT “tước” quyền chủ đầu tư các dự án đã giao cho Cục này, trong đó có 3 dự án đang đầu tư và 2 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, trong số này có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc và đang phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD, cũng liên quan đến Dự án này Cục trưởng Cục ĐSVN từng bị Bộ trưởng Đinh La Thăng đình chỉ công tác vì có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ sớm sáp nhập Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Cục ĐSVN) và Ban quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty ĐSVN) để chuyển ban này về trực thuộc Bộ GTVT.
-----------------------
Chủ tịch Quốc hội Campuchia bắt đầu thăm Việt Nam
Sáng 18/8, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Quốc hội Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG SAMRIN dẫn đầu đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam.
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samrin sang thăm chính thức Việt Nam có: bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Campuchia-Việt Nam; ông Chheang Vun, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội; bà Nin Saphon, Chủ nhiệm Ủy ban dịch vụ công, vận tải, viễn thông, bưu điện, công nghiệp, mỏ, năng lượng, thương mại, quản lý đất, quy hoạch đô thị và xây dựng, Đại biểu Quốc hội.
Ông Suos Yara, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội; bà Un Sokunthea Thư ký của Ủy ban Nội vụ, quốc phòng, điều tra, chống tham nhũng và dịch vụ công, Đại biểu Quốc hội; bà Ban Srey Mom, Thành viên Ủy ban Y tế, hoạt động xã hội, cựu chiến binh, giáo dục thanh thiếu niên, lao động, dạy nghề, phụ nữ, Đại biểu Quốc hội; bà Duong Vanna, Thành viên Ủy ban Kế hoạch, Đầu tư, Nông nghiệp, Phát triển Nông thôn, Môi trường và Tài nguyên nước, Đại biểu Quốc hội, cũng tham gia thành phần đoàn.
Tháp tùng Đoàn còn có: Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Hul Phanny; Tổng Thư ký Quốc hội Leng Peng Long và Chánh Văn phòng của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Keo Piseth.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG SAMRIN sinh năm 1934, tại tỉnh Kom Pong Chàm.
Sau nhiều năm trong hàng ngũ quân đội, từ năm 1978-1981, ông trở thành Chủ tịch Mặt trận đoàn kết Dân tộc cứu nước; Chủ tịch Hội đồng nhân dân Cách mạng nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia.
Tại Đại hội III (1979), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia; Đại hội IV (1981) được bầu vào Bộ Chính trị; rồi trở thành Chủ tịch Hội đồng nhà nước Campuchia.
Từ năm 1981-1991, ông được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Campuchia. Tháng 10/1991, ông là Chủ tịch danh dự Đảng nhân dân Campuchia.
Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin là Đại biểu Quốc hội Vương quốc Campuchia khóa I (năm 1993). Từ năm 1998-2003, ông là Phó Chủ tịch thứ Nhất Quốc hội Campuchia.
Từ năm 2005 đến nay, ông là Chủ tịch danh dự Đảng CPP, Chủ tịch Quốc hội Campuchia; Chủ tịch Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia. Năm 2007, được Quốc vương Norodom Sihanouk bổ nhiệm chức vụ Cố vấn tối cao Nhà vua và phong tước Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei.