4.000 tỷ đồng thay sách giáo khoa tiểu học bằng máy tính bảng
Theo đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng, TPHCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 với tổng kinh phí thực hiện thí điểm dự kiến 4.000 tỷ đồng.
Nội dung đề án với tên gọi “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 - 2015” được đề cập tại thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” diễn ra vào chiều 18.8 tại Sở GD-ĐT TPHCM.
Theo đề án, lớp học sẽ được trang bị Wifi, mỗi học sinh (HS) sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung sách giáo khoa chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D.
Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát các em đang thao tác gì trên máy.
Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng GV và HS từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố sẽ trang bị cho mỗi GV một máy tính bảng, số lượng là 10.389 chiếc và 5.334 chiếc và cho HS thuộc diện đối tượng chính sách.
HS không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh chịu kinh phí hoàn toàn, số lượng là 321.793 chiếc. Nguồn xã hội hóa do phụ huynh đóng góp mua máy tính bảng được thanh toán trong 2 năm kể từ ngày bàn giao thiết bị cho HS.
Đề án cũng đưa ra 5 lựa chọn máy tính bảng từ cỡ 7.85 inches đến 10.1 inches có giá từ 3 đến 5 triệu đồng.
Bên cạnh máy tính bảng trang bị riêng cho GV và HS, dự kiến sẽ trang bị thêm 6.386 bộ thiết bị dạy học dùng chung trong phòng học (488 bộ đã được trang bị từ trước). 3 mô hình bộ trang thiết bị này có mức giá 157,5 triệu, 262 triệu và 566,5 triệu được nhắc đến.
Dự kiến đến cuối năm 2015, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức đánh giá và tổng kết, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất các giải pháp.
Hiện đề án đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.
-----------------------
Quảng Ngãi 'xin' hơn 2.300 tỷ đồng phát triển Lý Sơn
Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ cho phép tham gia chương trình tài trợ vốn ODA (Hàn Quốc) để có hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh kinh tế, vững chắc quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Quảng Ngãi lập 16 danh mục dự án ưu tiên đầu tư gồm: Xây dựng các tuyến đê, cảng bến Đình, tuyến cáp ngầm từ đảo Lớn sang đảo Bé, Bảo tàng lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa; hạ tầng du lịch, trung tâm thông tin nghề cá, khôi phục lại bộ xương cá Ông, đường cơ động xung quanh đảo Bé... Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này là hơn 2.300 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi Chính phủ có cơ chế đặc thù, Lý Sơn sẽ tạo lực hút đầu tư phát triển nhanh chóng về kinh tế và giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Trước mắt, cần làm tốt một số hạ tầng thiết yếu như cầu cảng, giao thông... hay được hưởng chính sách ưu đãi về tài chính, lãi suất cho vay, thuê đất, thuế...
Quảng Ngãi đang tạo điều kiện cho ngư dân Lý Sơn hiện đại hóa đội tàu, tổ chức lại sản xuất và phát triển một số dịch vụ hậu cần nghề cá để vươn khơi đánh bắt. Phát triển kinh tế biển và du lịch làm mũi nhọn phát triển huyện đảo tiền tiêu này trong tương lai gần.
Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh quan trọng trên biển và đất liền của cả khu vực miền Trung. Diện tích tự nhiên hơn 10 km2 gồm có 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình với tổng dân số 21.000 hộ dân với khoảng 22.000 người. Trong đó, 40% dân số Lý Sơn sinh sống chủ yếu nghề đánh bắt thủy sản.
Huyện đảo đã được Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch mở rộng hơn 45.300 ha của khu kinh tế Dung Quất, vị trí trọng yếu trong vai trò bảo vệ lãnh hải quốc gia. Trung ương đã xác định Lý Sơn là một trong 6 đảo của cả nước phải xây dựng mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng.
-----------------------
145 cán bộ y tế bị xử lý từ phản ánh qua đường dây nóng
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu năm, đường dây nóng của Bộ Y tế nhận được gần 10.000 cuộc gọi phản ánh thì chỉ có hơn 3.100 trường hợp đúng phạm vi tiếp nhận. Trong đó, người dân bức xúc nhất về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế (chiếm 38%). Tiếp đó là phản ánh về quy trình chuyên môn (26%) và các hiện tượng tiêu cực (13%)...
Số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở y tế là cách để người dân có thể phản ánh những điều chưa hài lòng để bệnh viện tiếp thu xử lý. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Tất cả các cuộc gọi phản ánh thiếu sót, sai phạm đã được Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện và sở y tế tỉnh thành xử lý. Điển hình như Sở Y tế Bắc Giang, Bạc Liêu, Nam Định, Quảng Ngãi đã cách chức 7 cán bộ lãnh đạo khoa, kỷ luật khiển trách 119 người, cắt thi đua 15 người, điều chuyển vị trí công tác 3 người và một người cho nghỉ việc.
"Bên cạnh những cuộc điện thoại phản ánh đúng vấn đề bức xúc, Bộ Y tế cũng ghi nhận rất nhiều người gọi đến nói chuyện không nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến thời gian của lãnh đạo và nhân viên y tế trực đường dây nóng", một cán bộ Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay.
Để người dân tiện phán ảnh các vụ việc liên quan đến ngành, hạn chế tối đa các cuộc gọi sai nội dung, Bộ Y tế in bảng thông báo số điện thoại đường dây nóng (19009095) bằng giấy đề-can, yêu cầu tất cả các cơ sở dán tại Khoa khám bệnh và Khoa cấp cứu. Vị trí dán số điện thoại phải dễ thấy, trong đó tóm tắt phạm vi tiếp nhận của đường dây nóng. Thông qua số này, Bộ Y tế có thể quản lý được toàn bộ các cuộc gọi của người dân trên toàn quốc.
-----------------------
Thủ tướng bổ nhiệm 4 thứ trưởng mới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định bổ nhiệm các Thứ trưởng Tư pháp, Xây dựng, Khoa học Công nghệ và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quyết định của Thủ tướng, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, giữ chức Thứ trưởng Xây dựng. Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp được bổ nhiệm Thứ trưởng Tư pháp. Ông Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Tư pháp. Ông Phạm Công Tạc, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bổ nhiệm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tân Thứ trưởng Lê Quang Hùng (52 tuổi, quê Phú Thọ) có học vị Tiến sĩ kỹ thuật xây dựng, Cao cấp lý luận chính trị. Ông Hùng từng giữ các chức vụ Phó cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng; Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc (50 tuổi, quê Hà Nội), từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó vụ trưởng Pháp luật quốc tế, Phó vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế và Vụ trưởng Pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp.
Ông Phan Chí Hiếu (45 tuổi, quê Ninh Bình) từng giữ các chức vụ: Phó chánh văn phòng Bộ Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp và Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc (52 tuổi, quê Nam Định) từng giữ các chức vụ: Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ nội bộ, Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi, quê Hà Nội) từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế (Vụ Chính sách tiền tệ), Phó vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các quyết định có hiệu lực từ ngày 16/8.
-----------------------
Tiếp tục nghiên cứu tinh gọn đầu mối cơ quan điều tra
Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 diễn ra ở Hà Nội ngày 18-8.
Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp tinh gọn đầu mối cơ quan điều tra, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; phân định rõ thẩm quyền của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật tố tụng điều tra hình sự; phối hợp xây dựng cơ chế, quy trình, quy chuẩn cho công tác giám định nhằm phục vụ kịp thời công tác điều tra.
Tại cuộc làm việc của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương với Đảng ủy công an trung ương, Phó thủ tướng yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo điều tra viên và cán bộ được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra; khắc phục việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng đã đến thăm, làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân.
-----------------------
Xử nặng trường hợp không thực hiện kết luận thanh tra
Cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện hoặc không tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; trường hợp gây hậu quả thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý bằng hình thức hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nghị định cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và các văn bản nêu trên sẽ bị khiển trách và có hậu quả sẽ bị xử lý từ cảnh cáo đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức không chỉ đạo thực hiện các nội dung trên sẽ bị khiển trách; nếu gây hậu quả cũng sẽ bị cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...
-----------------------
Cảnh báo lũ quét, trượt lở đất ở miền núi phía Bắc
Dự báo đợt mưa lớn này kéo dài đến ngày 21-8 với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-60mm, một số nơi ở khu vực vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa rất to trên 100-130mm.
Ngoài lũ quét và trượt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Đông Bắc, dự báo trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-3m, ở hạ lưu từ 1-2m. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Lô tại Tuyên Quang lên trên mức báo động 1.
Chiều 18-8, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng đã có công điện gửi các tỉnh miền núi phía Bắc và các bộ ngành liên quan thực hiện các biện pháp chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ quét và sạt lở đất...
-----------------------
Chính quyền có lỗi, hậu quả dân chịu
Trong ba ngày từ 14 - 16.8, TAND Q.Cầu Giấy (Hà Nội) liên tiếp mở ba phiên xét xử vụ kiện hành chính của ba hộ dân đối với UBND Q.Cầu Giấy trong việc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Vụ việc đã và đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2009, UBND Q.Cầu Giấy ban hành quyết định 1388 về việc cấp sổ đỏ cho ba hộ dân, gồm các hộ: bà Trần Thị Quyên, bà Nguyễn Thị Liền và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, với tổng diện tích hơn 850 m2 tại P.Nghĩa Đô.
Đến tháng 8.2013, các hộ dân trên nhận được quyết định 744 của UBND Q.Cầu Giấy về việc thu hồi lại các sổ đỏ đã cấp, tiếp đó UBND P.Nghĩa Đô đã ra các quyết định cưỡng chế các công trình trên đất, với lý do căn cứ vào các kết luận thanh tra trước đó cho rằng việc cấp sổ đỏ cho các hộ trên không đúng luật. Không đồng tình, cả ba hộ dân cùng nộp đơn khởi kiện hành chính quyết định 744 và yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý các cán bộ ký, ban hành quyết định 744 và các quyết định có liên quan.
Cả ba vụ án tòa đều tuyên bác đơn kiện của nguyên đơn với lý do việc UBND Q.Cầu Giấy ra quyết định 744 thu hồi các sổ đỏ đã cấp là đúng với thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản.
Theo phán quyết của tòa án, trong quá trình cấp sổ đỏ cho các hộ dân, một số cơ quan chức năng đã làm sai các quy trình thủ tục. Theo đó, trong hồ sơ cấp đất không có tờ trình của UBND P.Nghĩa Đô đề nghị xét cấp sổ đỏ; không có tài liệu thể hiện việc công khai hồ sơ; thửa đất để xét cấp cho các hộ dân có nguồn gốc là đất nông nghiệp chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng UBND P.Nghĩa Đô đã chuyển hồ sơ cho phòng TN-MT Q.Cầu Giấy thẩm định xét cấp…
Phán quyết của tòa lập tức gây bức xúc cho các nguyên đơn. “Trong quá trình làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, chúng tôi tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ nhà nước có thẩm quyền. Nếu chúng tôi thiếu thủ tục hoặc không thực hiện nghĩa vụ thì không bao giờ được cấp”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy phân tích, đồng thời khẳng định thửa đất được giao cho các gia đình có nguồn gốc đất nông nghiệp nhưng không thể sử dụng làm đất canh tác mà chỉ thích hợp cho việc xây dựng nhà ở, các công trình dân sinh, đã giao cho người dân chuyển mục đích sử dụng từ năm 1993.
Ngay tại kết luận thanh tra của UBND Q.Cầu Giấy, căn cứ dẫn đến việc thu hồi các sổ đỏ này cũng khẳng định thửa đất này nằm trong quy hoạch đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự.
“Với phán quyết của tòa thì chính quyền đã có lỗi nhưng mọi hậu quả lại đổ lên đầu dân. Sai sót lớn như vậy nhưng họ nói nhẹ như không, không có trách nhiệm nào được đề cập”, bà Thủy bức xúc.
Bà Trần Thị Quyên thì cho hay, để được cấp sổ đỏ, các hộ dân đã tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và đã nộp thuế gần 10 tỉ đồng, trong đó riêng bà Quyên nộp hơn 4,2 tỉ tiền thuế đất. Từ khi được cấp sổ đỏ, các hộ dân đã thực hiện nhiều giao dịch dân sự như chuyển nhượng lại cho người khác, thế chấp ngân hàng…), nếu thu hồi sẽ xảy ra nhiều hệ quả khó lường.
Sau phán quyết của TAND Q.Cầu Giấy, luật sư đại diện cho nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục kháng án, trong trường hợp tòa phúc thẩm tiếp tục bác đơn sẽ khởi kiện đòi các cơ quan chức năng Q.Cầu Giấy bồi thường thiệt hại theo quy định của luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
-----------------------
Việt Nam cho phép sử dụng ngô biến đổi gene
Bộ Nông nghiệp vừa cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gene có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sản phẩm ngô biến đổi gene đầu tiên ở Việt Nam.
Quyết định do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký nêu rõ, bốn sản phẩm ngô biến đổi gene được phê duyệt lần này gồm giống BT 11, MIR162 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam.
Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gene, theo đúng trình tự được quy định.
Các sản phẩm cây trồng biến đổi gene đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam đây là lần đầu tiên, 4 sản phẩm biến đổi gene được xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và đảm bảo không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.
Đại diện Bộ Nông Nghiệp cho hay, quyết định này là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020. Sự kiện này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm biến đổi gene vào sản xuất trong nông nghiệp.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, sự kiện trên được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu ngô tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, khối lượng nhập khẩu ngô đạt 2,33 triệu tấn và giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị. Nhiều khả năng đến hết năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu trên 4,5 triệu tấn ngô (đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu) và ước tính chi phí sẽ lên đến khoảng hơn một tỷ USD.
Trao đổi với VnExpress trong lần sang Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, tiến sĩ Graham Brookes, đến từ Anh, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm khẳng định: "Không có tác động tiêu cực nào ở cây trồng biến đổi gene đối với môi trường đất hay hệ vi sinh vật trong đất và cũng không có bất kỳ nghiên cứu nào về cây trồng biến đổi gene làm phát sinh bên mới trên quần thể sinh vật".
Theo vị chuyên gia này, công nghệ sinh học trên thực tế đã mang lại rất nhiều lợi ích như giúp nhiều loại cây trồng, sinh vật trong đất được an toàn hơn vì giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, không làm tác động đến các loài thiên địch có lợi, hay các loại giống cây, các loại chất trong đất.
"Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu đánh giá thực vật biến đổi gene là hoàn toàn an toàn. Nếu không chứng minh được là an toàn thì đã không có nhiều quốc gia tiên tiến phát triển phê chuẩn cho phép các sản phẩm công nghệ biến đổi gene được tiêu dùng", tiến sĩ Graham Brook nói.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, tiến sĩ Graham Brook cho rằng, khi tiếp cận công nghệ mới ban đầu mọi người đều luôn thận trọng. "Nhưng đến nay sẽ không có tổ chức hay cá nhân nào có thể công bố được bất kỳ luận cứ khoa học chính xác đầy đủ về tác động tiêu cực của cây trồng biến đổi gene", vị chuyên gia đến từ Anh nhấn mạnh.
Sau xác nhận trên của Bộ Nông nghiệp, để đưa vào sản xuất và cây trồng biến đổi gene chính thức được sử dụng tại Việt Nam thì theo quy trình, người dân vẫn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường.