Trộm viếng nhà nguyên thượng tá công an
Tin thế giới đáng chú ý 21-8-2014
- Cập nhật : 22/08/2014
Trung Quốc-Philipin: ăn miếng trả miếng?
Trung Quốc bác bỏ phản đối của Philippin về việc tàu thăm dò Trung Quốc hoạt động trên vùng biển giàu dầu mỏ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila hôm thứ Tư. Đồng thời, Trung Quốc phản đối ngược Philippin về việc bắt giữ lao động Trung Quốc khiến căng thẳng giữa hai nước tiếp tục tiếp diễn.
Tổng thống Philippin Benigno Aquino phát biểu cuối tuần trước rằng 2 tàu thăm dò Trung Quốc đã bị phát hiện ở khu vực đang tranh chấp thuộc Biển Đông (phía Philippin gọi là Reed Bank – Bãi Cỏ Rong).
Trong một bản tuyên bố được gửi đến Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bãi Cỏ Rong thuộc chủ quyền Trung Quốc và quả quyết rằng: “Việc khảo sát thực hiện bởi tàu thăm dò Trung Quốc là thích đáng, hợp pháp và không thể tranh cãi”.
Trung Quốc tự nhận chủ quyền của mình trên gần như toàn bộ Biển Đông, khu vực được là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn đồng thời là đường hàng hải có lưu lượng hàng hóa lưu thông hàng năm lên đên 5000 tỉ USD. Trong khi Việt Nam, Malaysai, Philippin, Đài Loan và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.
Căng thẳng ở Biển Đông giữa Philippin và Trung Quốc xảy ra từ năm 2011 khi tàu tuần tra Trung Quốc cản trở tàu thăm dò của Diễn đàn Năng lượng Anglo – Filipino PLC vốn được phía Philippin cấp phép khảo sát khu vực Reed Bank.
Tháng trước, Diễn đàn Năng lượng PLC đã được phía Philippin cho phép gia hạn 1 năm dự án khoan thăm dò khí tự nhiên ở khu vực bãi Sậy. Tổ chức này dự đoán sẽ hoàn thành việc khoan để thẩm định trữ lượng của những giếng dầu khí đã được phát hiện, trước tháng 8 năm 2016.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila tiếp tục “căng như dây đàn” sau vụ Philippin giam giữ ngư dân Trung Quốc bị bắt tại vùng nước đang tranh chấp.
Trong một sự việc khác, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã gửi lời phản đối vào thứ Ba về việc hơn 50 người Trung Quốc bị tình nghi lao động bất hợp pháp tại Philippin.
Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu nhà chức trách sở tại phải giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, công bằng và đối xử đúng mực với người bị giam giữ.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Philippin thông báo rằng 55 người Trung Quốc đã bị bắt giữ trong một cuộc truy quét ở Manila vì bị cho là làm việc thiếu giấy phép.
---------------------------
Tướng đảo chính trở thành thủ tướng Thái Lan
Ngày 21-8, Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan đã bầu Tổng tư lệnh lục quân hoàng gia kiêm Chủ tịch Hội đồng Vì hòa bình và trật tự quốc gia Prayuth Chan-ocha (ảnh) làm thủ tướng. Ông là ứng viên duy nhất được đề cử.
Báo The Nation (Thái Lan) cho biết ông nhận được 191 phiếu ủng hộ và ba phiếu trắng trong 194 thành viên Hội đồng Lập pháp Quốc gia có mặt. Ba người bỏ phiếu trắng là chủ tịch và hai phó chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia. Ông Prayuth Chan-ocha cho biết ông sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào đến khi được quốc vương phê chuẩn chức vụ.
Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) cho biết Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok tuyên bố Mỹ hy vọng diễn biến mới nêu trên là bước tiến trong quá trình hướng đến một chính phủ dân sự được bầu cử tự do và công bằng. Tuyên bố kêu gọi chính phủ lâm thời Thái Lan cải cách sâu rộng để phản ánh được nguyện vọng của đông đảo người dân.
Ông Prayuth Chan-ocha 60 tuổi, tốt nghiệp Đại học Quốc phòng Thái Lan và Học viện Quân sự hoàng gia Chulachomklao. Ông bắt đầu binh nghiệp tại Trung đoàn bộ binh 21. Ông giữ chức tổng tham mưu trưởng năm 2008 và hai năm sau nắm quyền tổng tư lệnh lục quân. Ông được xem là theo trường phái cứng rắn. Ông đã kết hôn và có hai con gái sinh đôi.
--------------------------
Máy bay Ấn Độ bốc cháy, 150 hành khách 'đứng tim'
Chiều 20/8, một máy bay nội địa chở 150 hành khách đã bốc cháy khi đang hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không IndiGo
Chiều qua (20/8), ít nhất 28 hành khách đã bị thương sau khi một máy bay nội địa chở khách bốc cháy trong quá trình hạ cánh tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Các quan chức địa phương cho biết, vào thời điểm xảy ra sự cố, trên chiếc máy bay của hãng hàng không IndiGo có khoảng 150 hành khách. Điều tra ban đầu từ phía cảnh sát cho thấy, nguyên nhân của vụ tai nạn là do bộ phận hạ cánh của chiếc máy bay này đã gặp vấn đề về kỹ thuật và gây ra một đám khói dày đặc sau khi máy bay vừa chạm xuống sân bay.
Ngay sau khi Đài kiểm soát không lưu quan sát và phát hiện thấy “khói dày đặc” xuất hiện ở phía dưới bên trái của chiếc máy bay, tất cả các hành khách trên chiếc máy bay Airbus A-320 đi từ Mumbai đến Delhi đã được sơ tán khẩn cấp thông qua máng trượt bởi vậy đã khiến ít nhất 28 người bị thương.
Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ khẳng định họ đang tiếp tục điều tra và làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, vào ngày 8/3 vừa qua, một chiếc máy bay khác của hãng hàng không Indigo bay từ Delhi với 182 người trên máy bay cũng đã bốc cháy ngay sau khi hạ cánh tại sân bay Kathmandu ở Nepal. Tuy nhiên, rất may là không có ai bị thương trong sự cố đó.
Được biết, các sự cố xảy ra đối với ngành hàng không Ấn Độ là rất hiếm. Vụ tai nạn được coi là lớn nhất xảy ra vào năm 2010 khi một máy bay chở khách từ vùng Gulf bị rơi tại một sân bay ở miền Tây bang Karnataka làm hơn 200 hành khách thiệt mạng.
---------------------------
Philippines bắt hơn 50 người Trung Quốc làm việc bất hợp pháp
Tờ South China Morning Post ngày 21.8 đưa tin hơn 50 người Trung Quốc sẽ bị buộc tội làm việc bất hợp pháp ở Philippines, sau khi họ bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp của nhà chức trách.
Phát ngôn viên Cục Di trú Philippines Elaine Tan cho biết các nghi phạm đang làm việc bằng thị thực du lịch.
Những người Trung Quốc bị bắt giữ hôm 19.8 trong 3 cuộc bố ráp riêng lẻ do cơ quan trên thực thiện trong và ngoài thủ đô Manila. 29 người Trung Quốc đang làm việc tại một doanh nghiệp bán lẻ ở Manila, trong khi những người còn lại làm công nhân xây dựng ở các thành phố Quezon và Malabon thuộc Vùng đô thị Manila.
Bà Tan phủ nhận các vụ bắt giữ trên có liên quan đến tình trạng căng thẳng tăng cao giữa Philippines và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Nữ phát ngôn viên khẳng định cuộc điều tra là một phần công việc bình thường của Cục Di trú.
“Nó không có liên quan gì đến căng thẳng với Trung Quốc. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi đang liên hệ với lãnh sự (Trung Quốc) về giấy tờ của các công dân của họ”, bà tuyên bố.
Phát ngôn viên Tan nói rằng nếu một công dân nước ngoài không xuất trình bất kỳ giấy tờ nào bổ trợ cho việc làm của mình, người đó sẽ bị buộc tội và cuối cùng sẽ bị trục xuất. Quy trình này có thể kéo dài ít nhất 1 tháng.
Bà Tan nói Cục Di trú hành động theo tin báo nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 20.8, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết họ đã cử người đến thăm các công dân bị bắt giữ và yêu cầu chính quyền Philippines đối xử công bằng với họ.
----------------------
Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng vì Trung Quốc
Căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông đã thúc đẩy một số nước Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng.
Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) ngày 19-8 nhận định như trên với dẫn chứng số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển). Số liệu cho thấy năm 2013, ngân sách quốc phòng Đông Nam Á đã tăng 5% (lên 35,9 tỉ USD) và dự kiến sẽ tăng đến 40 tỉ USD vào năm 2016.
Đài phát thanh Deutsche Welle đã phỏng vấn ba chuyên gia của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm gồm Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự Sam Perlo-Freeman, Giám đốc chương trình sản xuất và chuyển nhượng vũ khí Aude Fleurant và nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình chuyển nhượng vũ khí Siemon Wezeman.
Ba chuyên gia ghi nhận Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam đã tăng ngân sách quốc phòng khá mạnh trong những năm vừa qua. Thái Lan và Campuchia tăng ngân sách chủ yếu vì căng thẳng biên giới. Indonesia lo ngại bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc còn Việt Nam muốn tăng cường khả năng phòng vệ trước hành động của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn xung đột vũ trang xảy ra. Dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự để tìm cách tạo ra các thực tế mới trên biển Đông và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tranh chấp hơn. Đáp lại, các nước trong khu vực sẽ tiến hành ứng phó như củng cố năng lực quân sự và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Theo các chuyên gia, sẽ là sai lầm nếu các nước Đông Nam Á trông cậy hoàn toàn vào Mỹ đồng thời cũng sẽ rất rủi ro nếu muốn tự lập trong công tác xây dựng năng lực quốc phòng. Đông Nam Á vẫn cần dựa vào cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ để duy trì ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước cũng cần tự phát triển năng lực quân sự.
Một số nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ viện trợ quân sự của Mỹ dưới hình thức bán vũ khí, ví dụ như Mỹ đã hứa bán tàu tuần duyên cũ cho Philippines. Mỹ cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và có thể sẽ bán máy bay trinh sát biển cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mua sắm vũ khí là hoạt động bình thường để củng cố sức mạnh vũ trang nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới. Dù vậy, mua sắm vũ khí hoặc mở rộng hải quân và không quân ở Đông Nam Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khi cơ chế đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế trong khu vực vẫn còn yếu. Các chuyên gia nhận định nguy cơ chiến tranh toàn diện vì tranh chấp biển Đông rất nhỏ nhưng rủi ro về các biến cố không lường trước lại gia tăng.
---------------------------
Âm mưu khủng bố của IS ở Malaysia
Các tay súng ở Malaysia trung thành với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã mua vật liệu chế tạo bom nhằm âm mưu tấn công các quán bar và nhà máy bia Carlsberg gần thủ đô Kuala Lumpur.
Âm mưu này, chỉ mới ở giai đoạn bàn thảo, là lần đầu tiên các tay súng cực đoan Đông Nam Á trung thành với IS gia tăng hoạt động nhằm tiến hành các cuộc tấn công lớn, Reuters dẫn lời ông Ayob Khan Mydin, Phó giám đốc đơn vị Cảnh sát chống khủng bố Malaysia, ngày 20.8 cho biết.
Ông Mydin bày tỏ lo ngại IS sẽ bành trướng ở Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo ông Mydin, một nhóm tay súng 19 người đã mua vật liệu chế tạo bom và bàn thảo âm mưu tấn công các quán bar và nhà máy bia Carlsberg. Trong số 19 người bị bắt giữ trên, có 12 nghi phạm đã được trả tự do vì thiếu chứng cứ.
Rượu bia bị cấm trong luật Hồi giáo, nhưng lại được bày bán rộng rãi ở Malaysia, đất nước tập trung nhiều người theo đạo Hồi, theo Reuters.
Chi nhánh của hãng bia Đan Mạch Carlsberg ở Malaysia cho biết họ sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh các nhà máy và nhân viên.
Được biết, các tay súng IS thời gian qua đã tiến hành hàng loạt vụ khủng bố, giết dân thường, tấn công và chiếm giữ nhiều khu vực ở khắp Iraq, khiến hàng chục ngàn người hoảng loạn di tản, theo AFP.
Mới đây, IS đăng tải một đoạn video man rợ quay lại cảnh cắt đầu nhà báo Mỹ James Foley (40 tuổi) làm chấn động dư luận thế giới, một động thái được cho là nhằm trả đũa các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq nhắm vào IS.
-----------------------------
Ấn Độ và Singapore tăng cường hợp tác quốc phòng
Kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) ngày 20-8 đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ ba ngày, hôm 19-8, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã hội đàm với người đồng cấp Arun Jaitley tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Phát biểu với báo chí sau hội đàm, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết hai bên tiếp tục khẳng định quan hệ quốc phòng song phương lâu dài và nồng hậu. Ông nhận định các thách thức xuyên quốc gia như an ninh hàng hải, mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng gia tăng và đây là các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác. Ngoài ra, hai bên còn có thể hợp tác về công nghệ quốc phòng.
Đối với vấn đề biển Đông, eo biển Malacca hay Ấn Độ Dương, Bộ trưởng Ng Eng Hen cho rằng Singapore và Ấn Độ có thể đóng vai trò tích cực đối với an ninh khu vực. Theo kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ), hai bộ trưởng Quốc phòng Singapore và Ấn Độ đã công nhận vai trò của hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ trong công tác thúc đẩy đối thoại và đồng thuận trong khu vực.
---------------------------
Châu Á nguy cơ thêm 700 triệu người nghèo
Mức sống tối thiểu ở châu Á lẽ ra phải là 1,51 USD một ngày, chứ không phải 1,25 USD. Và nếu áp theo chuẩn này, tỷ lệ nghèo trong khu vực sẽ tăng 9,8 điểm phần trăm.
Thông cáo phát đi hôm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết nghèo đói vẫn là một thách thức chủ yếu đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. Theo các chuẩn mực hiện hành, mức sống tối thiểu trong khu vực là 1,25 USD mỗi người trong một ngày. Châu Á đang kỳ vọng tỷ lệ nghèo sẽ giảm xuống còn 1,4% vào năm 2030 và coi như đã hoàn tất công tác xóa nghèo (tỷ lệ dưới 3%).
Nhưng báo cáo mới có tên gọi Những Chỉ số Chủ yếu của Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương năm 2014 cho rằng mức 1,25 USD ngày chưa phản ánh đầy đủ bức tranh của tình trạng nghèo đói cùng cực. “1,25 USD không đủ duy trì những phúc lợi tối thiểu ở nhiều vùng. Cần phải có những hiểu biết đầy đủ hơn về nghèo đói để giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng những cách tiếp cận hiệu quả nhằm giải quyết thách thức nghiêm trọng này”, ông Shang-Jin Wei, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, phát biểu tại buổi lễ công bố báo cáo.
Ba yếu tố bổ sung cần được tính đến trong bức tranh nghèo đói, theo ADB, là: chi phí tiêu dùng cụ thể của những người nghèo ở Châu Á; chi phí lương thực tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá chung; khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế cũng như những cú sốc khác. Vì vậy, báo cáo cho thấy chuẩn nghèo riêng cho khu vực Châu Á ước tính vào khoảng 1,51 USD. Và nếu áp dụng chuẩn này, tỷ lệ nghèo của Châu Á năm 2010 tăng thêm 9,8 điểm phần trăm, từ 20,7% lên 30,5%. Số lượng những người nghèo, do đó cũng tăng thêm 343 triệu người.
Các tác giả cũng cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực khi giá lương thực tăng nhanh và đề nghị lưu tâm tới vấn đề này khi đánh giá về nghèo đói. Nếu mức độ tăng của giá lương thực lớn hơn mức độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng nói chung, tỷ lệ nghèo ở khu vực Châu Á năm 2010 sẽ tăng thêm 4 điểm phần trăm nữa, tương đương với việc tăng thêm 141 triệu người nghèo.
Nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp đang sống ở mức cận nghèo có thể dễ dàng rơi vào tình trạng nghèo đói nếu như gặp phải thiên tai, khủng hoảng tài chính, bệnh tật hoặc các cú sốc tiêu cực khác. Chuẩn nghèo có điều chỉnh theo mức độ dễ bị ảnh hưởng đó, cộng thêm 11,9 điểm phần trăm vào tỷ lệ nghèo ở khu vực Châu Á năm 2010, tương đương có thêm 418 triệu người nghèo.
Vì những yếu tố này không nhất thiết có tính loại trừ lẫn nhau, báo cáo nhận định tác động tổng thể sẽ làm tăng mức ước tính về tỷ lệ nghèo ở khu vực Châu Á năm 2010 thêm 28,8 điểm phần trăm lên mức 49,5%. Về số tuyệt đối, số lượng người nghèo tăng từ 1,02 tỷ người lên 1,75 tỷ người.
Báo cáo dự đoán nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện tại tiếp tục được duy trì, tỷ lệ nghèo tổng thể sẽ giảm xuống còn 17,1% vào năm 2030 với hầu hết người nghèo sống tại những quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Ông Wei phát biểu: “Để đối phó với thách thức này, báo cáo kêu gọi cần có sự tập trung mạnh hơn vào những nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và giảm mức độ dễ bị ảnh hưởng bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng”