Công ty Nhật Bản phát hiện khí đốt ở ngoài khơi Việt Nam
Công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản ngày 21.8 tuyên bố công ty này đã phát hiện khí đốt và condensate (khí ngưng tụ) ở khu vực giếng thăm dò số 4 trong các lô 05-1b và 05-1c ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam, theo Reuters.
Việc phát hiện khí đốt và condensate được xác nhận sau những đợt khoan thử nghiệm tiến hành vào tháng 5 và 8.2014, công ty Idemitsu Kosan cho hay, theo Reuters.
Khí đốt và condensate cũng được tìm thấy ở các giếng khác trong cùng các lô kể trên, Idemitsu Kosan cho biết.
Idemitsu Kosan nói họ sẽ tiến hành đánh giá chi tiết trữ lượng khí đốt tại khu vực này.
Công ty Idemitsu Kosan và công ty khai thác dầu khí JX Nippon của Nhật Bản mỗi công ty sở hữu 35% cổ phần tại các lô này và công ty Nhật Inpex Corp nắm giữ 30%, Reuters cho biết.
Theo website của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, condensate là hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên, được dùng để pha chế xăng, dung môi pha sơn, dung môi trong công nghiệp…
-----------------------
Nga bắt đầu thử nghiệm tàu ngầm thứ tư cho Việt Nam
Đài Tiếng nói nước Nga cho hay các cuộc thử nghiệm trên biển cấp nhà máy cho chiếc tàu ngầm diesel-điện thứ tư của đề án 636.1 (Varshavyanka) đóng cho Hải quân Việt Nam đã bắt đầu ở biển Baltic.
Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn một nguồn tin trong tổ hợp quân sự-công nghiệp cho biết con tàu ra biển Baltic hôm 21-8 để bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển cấp nhà máy.
Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ thời gian thử nghiệm chiếc tàu ngầm thứ tư sẽ kéo dài trong bao lâu.
Trong khi đó, chiếc thứ ba của loạt tàu này vẫn đang tiếp tục "công tác đào tạo thủy thủ đoàn của nước đặt hàng".
-----------------------
Nhập thuốc kém chất lượng, 5 công ty bị phạt nặng
Ngày 21-8, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký một loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công ty dược phẩm vì có hành vi vi phạm nhập khẩu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng (một số lô thuốc) theo qui định của Bộ Y tế.
Theo quyết định, mỗi công ty bị xử phạt tiền 100 triệu đồng, kèm theo hình thức phạt bổ sung là dừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc trong thời hạn 1 tháng hoặc 6 tháng (tùy công ty) kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.
Cục Quản lý Dược còn yêu cầu các công ty này phải khắc phục hậu quả và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tái xuất hoặc huỷ toàn bộ lô thuốc kém chất lượng theo đúng qui định.
Cụ thể, 5 công ty vi phạm về nhập khẩu thuốc (từ Ấn Độ và Hàn Quốc) không đạt yêu cầu chất lượng (mức độ 2 hoặc mức độ 3) là Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (TP.HCM) vi phạm nhập khẩu 3 loại thuốc; Công ty CP tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco 3 loại thuốc; Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1 - Chi nhánh TP.HCM 6 loại thuốc; Công ty TNHH MTV Dược Trung ương 3 có 4 thuốc vi phạm và Công ty cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng có 4 loại thuốc.
-----------------------
Quảng Nam:Hơn 60.000 căn nhà bị ngập, thiệt hại 1.000 tỷ đồng vì thiên tai
Con số này được UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại “Hội nghị tổng kết công tác phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 - Triển khai nhiệm vụ năm 2014” vào chiều 20-8.
Theo đó, trong năm 2013, tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi 5 cơn bão kèm theo mưa lớn. Hậu quả của mưa bão đã làm 17 người chết, 230 người bị thương.
Chưa hết, bão lũ đã làm 281 nhà bị sập hoàn toàn; 31.496 nhà hư hỏng và 60.243 ngôi nhà bị ngập chìm trong lũ lụt. Trong đó, thiên tai gây thiệt hại lớn nhất đến các lĩnh vực như: nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện… Tổng thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng. Một thiệt hại quá nặng nề đối với một tỉnh nghèo và quanh năm gánh chịu thiên tai như Quảng Nam.
Hội nghị cũng dự báo, năm 2014 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khoảng 10 đến 12 cơn, trong đó 4 - 5 cơn sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Riêng Quảng Nam sẽ hứng chịu 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 5 - 6 đợt mưa lớn, gây ngập lụt trên diện rộng.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở ban ngành, UBND các huyện, TP, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thành lập, củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN. Ngoài ra, thực hiện nghiêm chỉnh Luật Phòng chống thiên tai để chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão đang cận kề.
-----------------------
'Nhiều chính sách thuế của Việt Nam thay đổi chỉ sau một đêm'
Đó là phát biểu của ông Phan Văn Túc, một Việt kiều Nhật, tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, kiều bào với chính quyền TP.HCM vào ngày 21.8.
Ông Túc là đại diện cho một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng máy in có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản). Ông Túc cho hay dường như có những điều khoản thuế ở Việt Nam thay đổi chỉ sau một đêm gây bức xúc và mất niềm tin từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Câu chữ trong điều khoản thuế cũng lấp lửng, không rõ ràng, doanh nghiệp khai thế nào cũng được.
Thêm vào đó, theo ông Túc, có những quy định về nhập khẩu đang hạn chế những thiết bị chất lượng cao, mở đường cho hàng giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc.
Chẳng hạn, theo quy định chỉ cho phép nhập khẩu các loại máy móc đã qua sử dụng không quá 5 năm. Thời hạn này là quá ngắn vì ở một số nước như Nhật Bản, khoảng thời gian 5 năm còn chưa hết thời gian khấu hao (thông thường là 10 năm).
“Do những loại máy móc này giá khá cao, lên tới hàng triệu USD nên nếu thời hạn sử dụng dưới 5 năm giá cũng ở mức nửa triệu đô, rất ít khách hàng tại Việt Nam có thể tiếp cận được. Lúc đó họ sẽ tìm đến nguồn máy mới giá rẻ, chất lượng thấp từ Trung Quốc. Thực tế nhiều đơn vị cung cấp của Trung Quốc lấy hàng cũ từ Nhật về tân trang thành hàng mới bán cho Việt Nam”, ông Túc nói.
Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà từ Công ty TNHH sản xuất, thương mại Dung Phát nêu bức xúc về cách tính thuế. Bà Hà cho biết cùng một lô hàng công ty bà phải chịu thuế 10% trong khi công ty bạn bà chỉ phải chịu thuế 5%. Hay như cùng mặt hàng nhưng chi cục thuế này tính 5% trong khi chi cục thuế khác tính 10%.
“Chưa kể hải quan bảo có đường dây nóng nhưng khi gọi không ai trả lời. Có khi gọi bắt máy nhưng họ bảo không còn làm ở bộ phận ấy nữa dù tôi biết chắc vẫn còn làm. Những điều này khiến doanh nghiệp rất bức xúc”, bà Hà nói.
Giải đáp về bức xúc của bà Hà, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết một mặt hàng chỉ có một mức thuế mà thôi, nếu mức tính này đúng thì chắc chắn mức tính kia sai.
“Trong chiều nay chị đưa hồ sơ lên gặp tôi để tìm hiểu thêm. Tôi sẽ yêu cầu chi cục hải quan khu vực 4 báo cáo tơi nơi tới chốn về vấn đề của công ty chị để coi ai đúng ai sai”, ông Toản nhấn mạnh.
Liên quan đến việc giám định chất lượng hàng để tính thuế, ông Toản cho biết nếu doanh nghiệp chưa hài lòng có thể đề nghị hải quan giám định lại. Trong trường hợp thấy hải quan làm sai, doanh nghiệp có thể khiếu nại hay khởi kiện.
-----------------------
Lên án các hành động tàn bạo nhằm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều nay 21.8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực xác minh thông tin một tàu cá của ngư dân Lý Sơn đi đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị phía Trung Quốc đập phá, cướp tài sản.
Ông Lê Hải Bình nói thêm: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động tàn bạo nhằm vào tàu cá, ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam”.
Về thông tin Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại vùng biển thuộc Vịnh Bắc Bộ sắp tới, ông Bình cho hay, cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra tại vùng biển thuộc bán đảo Lôi Châu của nước này. “Chúng tôi hy vọng, Trung Quốc sẽ có ứng xử mang tính đóng góp vào nền hòa bình, an ninh ổn định của khu vực cũng như thế giới”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Thông tin thêm, ông Bình cho hay, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ này 25.8-26.8 tới, ông Jose Manuel Durao Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và EU, trao đổi các biện pháp về thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại trong thời gian sắp tới, cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên đều quan tâm.
Trong chuyến thăm, ông Jose Manuel Durao Barroso sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và chào xã giao lãnh đạo cao cấp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhận lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ấn Độ sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25.8-26.8.
Ông Bình cũng cho biết thêm, từ ngày 24-26.8 Diễn đàn biển Asean lần 5 và Diễn đàn biển Asean mở rộng lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng. Đoàn Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu.
Ông Bình đánh giá, việc Việt Nam đăng cai tổ chức hai diễn đàn này nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác cũng như ưu tiên của Asean về hợp tác biển và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.
Tại các diễn đàn lần này, các nước sẽ tập trung trao đổi về tình hình trên biển cũng như hợp tác trên biển trong thời gian qua, đánh giá việc triển khai các sáng kiến cũng như xác định, định hướng tương lai của diễn đàn.
-----------------------
Hàng vạn quả trứng vịt Trung Quốc tuồn vào Việt Nam
Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng ở bến tàu Dân Tiến (Móng Cái, Quảng Ninh) đã bắt giữ các vụ vận chuyển trứng có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Rạng sáng ngày 20/8, tại khu vực bờ sông Thín Coóng (cách Trạm khoảng 500 mét về phía Bến tầu Dân Tiến) thuộc địa phận thôn 6, xã Hải Tiến, TP. Móng Cái, Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Trạm phát hiện, bắt giữ 5.460 quả trứng vịt giống (trứng vịt đã qua ấp), xuất xứ Trung Quốc (vô chủ). Tổng trị giá lô hàng vi phạm khoảng 21,8 triệu đồng.
Trước đó, ngày 15/8, cũng tại địa điểm trên lực lượng thuộc Trạm đã tổ chức bắt giữ 6.300 quả trứng vịt giống, xuất xứ Trung Quốc nhập lậu (vô chủ). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng trên 25 triệu đồng. Ngay sau đó, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến phối hợp với Trạm Thú y TP. Móng Cái tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm trên theo quy định.
23h ngày 23/7, tại khu vực bờ sông Thín Coóng, thuộc xã Hải Tiến, TP. Móng Cái (Quảng Ninh), Đội Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Trạm phát hiện một số đối tượng đang tập kết hàng hóa nhập lậu, sau đó thuê đò vận chuyển qua sông đưa về nội địa tiêu thụ.
Phát hiện thấy lực lượng chức năng,các đối tượng bỏ chạy để lại tang vật tại hiện trường. Qua kiểm tra các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 12 thùng carton, chứa tổng số 5.040 quả trứng vịt giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, trị giá trên 20 triệu đồng.
-----------------------
Buôn lậu xăng dầu... chảy ngược
Trước đây, buôn lậu xăng dầu 100% là vận chuyển lậu xăng, dầu từ trong nước sang nước khác do giá xăng dầu ở VN thấp hơn còn nay, bắt đầu có xu hướng ngược lại: các đối tượng buôn lậu đưa ngược xăng dầu trở lại qua VN, chủ yếu bằng đường biển.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Xăng dầu VN (HHXD) tới các cơ quan phòng, chống buôn lậu cho thấy gần đây hoạt động buôn lậu xăng dầu lại bùng phát ở nhiều vùng biển: Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa -Vũng Tàu và các tỉnh vùng ĐBSCL. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa phương đã không thể bán được dầu diesel cho đánh bắt hải sản vì ngư dân chủ yếu mua từ nguồn diesel nhập lậu.
Mức độ buôn lậu ở nhiều tỉnh lớn đến mức, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng/năm nếu tình trạng này tiếp diễn. Ví dụ như tỉnh Kiên Giang, báo cáo từ các công ty kinh doanh xăng dầu cho thấy: tổng lượng dầu diesel cho đánh bắt hải sản khoảng 250.000 m3/năm nhưng hiện nay, theo HHXD, ngư dân hoàn toàn mua từ nguồn nhập lậu trên biển, gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng/năm.
Vì sao tình trạng buôn lậu xăng dầu bỗng nhiên bùng phát như vậy và diễn ra trên diện rộng? Câu trả lời là do giá dầu diesel trong nước đã quá cao so với giá dầu diesel ở các nước xung quanh dẫn đến hành vi nhập lậu ngược trở lại VN để kiếm lời. Chính HHXD cũng phải thừa nhận tình trạng buôn lậu xảy ra do “chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 - 5.000 đồng/lít (dầu diesel)”. Những ngư dân đi biển cũng cần được mua dầu với giá hợp lý nhất để đảm bảo các chuyến đi biển của họ có lãi. Chính lực lượng chống buôn lậu lâu nay cũng phải thừa nhận, nếu để tình trạng chênh lệch giá quá cao thì không có cách nào ngăn chặn được tình trạng buôn lậu, kể cả khi nhà nước tăng cường đáng kể về trang thiết bị, người... cho lực lượng chống buôn lậu. Bởi ở đây là vấn đề thị trường và lợi ích.
Do đó, thay vì làm các kiến nghị khẩn cấp tới cấp này, cấp kia đề nghị tăng cường lực lượng chống buôn lậu, HHXD nên đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước tiếp tục giảm giá dầu diesel và các loại giá xăng, dầu khác nếu còn quá chênh với giá xăng, dầu trong khu vực, giảm bớt lợi nhuận đi thì sẽ đảm bảo không còn tình trạng buôn lậu mà các thành viên của hiệp hội này vẫn bán được hàng. Còn nếu tiếp tục để mức giá quá chênh lệch, thậm chí như Petrolimex còn đề nghị tăng chi phí định mức, nếu được duyệt, giá xăng dầu lại tăng lên... thì không thể trách được tại sao, ở hầu hết các địa phương có biển, người dân đổ xô đi mua hàng lậu.