Mỹ và ASEAN cần quản lý căng thẳng ở biển Đông
Ngày 9-8, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác đối thoại cùng với hội nghị ASEAN+3 đã diễn ra ở thủ đô Naypyitaw (Myanmar) trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47.
Hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (TQ), Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã đề xuất kế hoạch hành động gồm ba giai đoạn để giải quyết vấn đề biển Đông:
Trong giai đoạn hiện nay, ASEAN phải kêu gọi chấm dứt các hoạt động leo thang căng thẳng ở biển Đông theo Điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Về trung hạn, ASEAN và TQ phải tiếp tục hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC đồng thời thúc đẩy hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ở giai đoạn cuối cùng, các tranh chấp cần được giải quyết thông qua phân xử trọng tài quốc tế để mang lại giải pháp bền vững phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển.
Báo Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin phát biểu với báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tuyên bố TQ không chấp nhận kế hoạch hành động ba giai đoạn về vấn đề biển Đông.
Ông cho rằng đề xuất của Philippines gây cản trở cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp đang diễn ra. Ông nói nếu Philippines muốn thực hiện đề xuất thì phải rút lại vụ kiện TQ ra tòa án trọng tài quốc tế vì đây là giai đoạn thứ ba trong đề xuất của Phillippines.
Ông khăng khăng cho rằng biển Đông đang ổn định và Bắc Kinh luôn hành xử kiềm chế.
Tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ghi nhận Mỹ đang hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình và ổn định ở các vùng biển quan trọng trong khu vực.
Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin Ngoại trưởng John Kerry nói: “Chúng ta cần hợp tác cùng nhau để quản lý các căng thẳng ở biển Đông theo phương thức hòa bình và dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế”.
Ông nhấn mạnh những gì xảy ra ở biển Đông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ mà còn với các nước trên thế giới muốn thấy Đông Nam Á tiếp tục phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao Mỹ khuyến khích các bên tranh chấp tự nguyện đồng ý kiềm chế một số hành động gây leo thang và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Ông John Kerry nhấn mạnh Mỹ và ASEAN có trách nhiệm chung để bảo đảm an toàn hàng hải ở các tuyến đường biển và cảng biển quốc tế quan trọng.
Trong khi đó, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Nhật, TQ, Hàn Quốc) đã thảo luận về CHDCND Triều Tiên, căng thẳng ở biển Đông và các biện pháp thúc đẩy trao đổi trong khu vực.
Hãng tin Kyodo (Nhật) cho biết một số bộ trưởng đã đề cập đến đề nghị của TQ về thành lập ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng mới ở châu Á. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhận định châu Á đã có Ngân hàng Phát triển châu Á và không cần ngân hàng nào khác tương tự nữa.
---------------------------
Ngoại trưởng Mỹ và Việt Nam đề cập đến Biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm qua trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về hợp tác song phương và tình hình Biển Đông, bên lề hội nghị ASEAN và các đối tác tại Myanmar.
Ông Phạm Bình Minh và ông John Kerry cho rằng Việt Nam và Mỹ còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm tới, thông cáo từ Bộ Ngoại giao cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại ASEAN và trong khu vực, nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao. Hai bên cũng trao đổi về nhiều vấn đề trong đó có Biển Đông. Việc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân dân sự cũng là nội dung chính của cuộc gặp.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự các hội nghị ASEAN + 1 với các đối tác Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Canada và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3.
Trong các hội nghị này, các nước ASEAN và đối tác cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng vừa qua ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Lãnh đạo các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngoại trưởng các nước nhất trí cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trước hết là thực hiện quy định tại Điều 5 của DOC về thực hiện kiềm chế, không được có hành động gây bất ổn định và làm phức tạp tình hình, yêu cầu cần đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình và ổn định ở khu vực.
Nêu quan điểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của ASEAN và các đối tác về việc cần phải đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Ông Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc gây căng thẳng gần đây, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, nhấn mạnh việc các nước liên quan không để tái diễn những hành động vi phạm tương tự, đề cao các nguyên tắc của ASEAN như đã được nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5 vừa qua, trong đó nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS, Tuyên bố DOC, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. ASEAN và Trung Quốc cần triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, không được có các hành động làm phức tạp tình hình, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc COC.
---------------------------
Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình B-2 tới đảo Guam
Không quân Mỹ đã triển khai 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirits, máy bay chiến lược của Mỹ có thể mang 16 quả bom hạt nhân, tới Guam để tham gia một cuộc tập trận.
Bộ quốc phòng Mỹ ngày 7/8 cho biết, 3 máy bay B-2 Spirit từ đơn vị ném bom 509 (509 BW) Bộ hủy huy tấn công toàn cầu của không quân (AFGSC) đã được triển khai từ căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
220 phi công cũng được điều động tới căn cứ Andersen.
"Việc triển khai máy bay ném bom B-2 được tiến hành trong khuôn khổ một cuộc triển khai huấn luyện thông thường nhằm chứng tỏ khả năng tấn công toàn cầu và sự răn đe mở rộng đối chống lại các đối thủ tiềm tàng".
"Hoạt động triển khai huấn luyện này chứng tỏ cam kết liên tục của Mỹ đối với các hoạt động ném bom chiến lược toàn cầu trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Bộ quốc phòng Mỹ cho biết.
Mặc dù quân đội Mỹ khẳng định việc trển khai B-2 nằm trong khuôn khổ hoạt động huấn luyện thông thường, nhưng động thái này được xem là biện pháp đề phòng Triều Tiên, vốn liên tiếp tiến hành các hoạt động khiêu khích thời gian gần đây.
Mỹ đã triển khai 2 máy bay ném bom B-2 Spirit tới Guam hồi tháng 1, trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3. Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 3, quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc diễn tập ném bom công khai chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên.
Được trang bị khả năng tàng hình để không bị radar phát hiện, máy bay ném bom, B-2 Spirit đã được triển khai trong cuộc chiến tại Afghanistan và sứ mệnh ném bom tại Libya. Nó được mệnh danh là vũ khí mà Triều Tiên sợ nhất.
---------------------------
Đức bất ngờ yêu cầu các đại sứ quán nộp danh sách "điệp viên"
Trước việc Mỹ tiếp tục im lặng về các vụ bê bối nghe lén và đặc biệt là "điệp viên hai mang" gần đây, Chính phủ Đức đã yêu cầu tất cả đại sứ quán nước ngoài ở Đức phải công bố tên các điệp viên hoạt động ở nước này.
Tờ Tấm gương ngày 8/8 cho biết Bộ Ngoại giao Đức đã gia tăng sức ép đối với các cơ quan tình báo nước ngoài khi yêu cầu họ phải công bố các điệp viên hoạt động ở Đức.
Thông qua kênh ngoại giao chính thức, Bộ Ngoại giao Đức ngày 6/8 vừa qua đã gửi công hàm yêu cầu tất cả các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, kể cả các đối tác quốc tế và các tổ chức văn hóa nước ngoài ở Đức, phải nộp danh sách tên của tất cả các điệp viên đang hoạt động ở Đức.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, việc nêu tên điệp viên là nhằm giúp Chính phủ Đức và các đại sứ quán tiến tới một "quan điểm chung" trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc Berlin áp đặt biện pháp bất thường nêu trên được cho là thể hiện sự "không hài lòng" với hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài ở Đức, đặc biệt là quốc gia đồng minh Mỹ.
Song song với các động thái trên, Bộ Nội vụ Đức cũng đã có những biện pháp nhằm giám sát chặt hơn hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài tại nước này, tăng cường công tác phản gián, trong đó có việc trang bị máy điện thoại mã hóa cho các viên chức quan trọng cũng như siết chặt kiểm tra an ninh đối với các viên chức tiếp cận với những tài liệu mật.
Theo báo trên, Mỹ, Nga và Trung Quốc là những nước có nhiều điệp viên nhất hoạt động tại Đức, trong đó riêng Mỹ có khoảng 200 điệp viên mang thẻ ngoại giao hoạt động ở Đức. Bài báo cũng cho rằng nhiều điệp viên nước ngoài đăng ký hoạt động ngoại giao hoặc trong các bộ phận tùy viên quốc phòng, viên chức chính trị hay các cơ sở văn hóa./.
---------------------------
Mỹ, Nhật phối hợp phát triển tàu ngầm không người lái
Mỹ và Nhật Bản sẽ phối hợp phát triển một tàu ngầm không người lái có thể thực hiện hải trình kéo dài 1 tháng trong một lần ra khơi, được cho là để do thám các hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 8.8 cho biết chiếc tàu ngầm dài 10 m này có thể thực hiện hải trình kéo dài 30 ngày trong một lần ra khơi để thực hiện các sự mạng cảnh báo và do thám.
Tàu ngầm này có thể được sử dụng để tuần tra, có khả năng phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng, nhưng nó sẽ không được trang bị ngư lôi hoặc bất kỳ loại vũ khí gì khác, theo Yomiuri Shimbun.
Yomiuri Shimbun đưa ra thông tin này giữa lúc Tokyo và Washington đang tìm cách củng cố liên minh an ninh và thận trọng theo dõi các hoạt động trên biển của Bắc Kinh.
Mỹ, Nhật cũng phối hợp trong dự án phát triển pin nhiên liệu cho tàu ngầm không người lái này.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chi khoảng 2,6 tỉ yen (25 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để phát triển loại pin thân thiện với môi trường, Yomiuri Shimbun cho hay.
Vào tháng 6.2014, Nhật Bản và Úc cũng đã tuyên bố khả năng đạt được một thỏa thuận hợp tác phát triển tàu ngầm giữa lúc hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng, theo AFP.
---------------------------
Tổng thống Mỹ cho phép không kích Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama chấp thuận viện trợ nhân đạo cho hàng nghìn người Iraq bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tấn công và chấp thuận không kích vào một số mục tiêu cụ thể để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Iraq.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình đêm 7.8, Tổng thống Obama nói rằng từ lâu Mỹ đã cảnh báo ISIS không được đe dọa thành phố chiến lược Erbil. Khi các chiến binh ISIS tiến sát Erbil hôm 7.8, ông Obama tuyên bố đã chấp thuận "không kích vào một số mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như những đoàn xe của ISIS nếu họ tiến gần thành phố".
Ông Obama cũng cho biết đã chấp thuận không kích nhằm phá vỡ gọng kìm bao vây của ISIS đối với hơn 40.000 người theo đạo Cơ đốc giáo và những người theo đạo Yazidi ở Núi Sinjar, gần Mosul. "Chúng tôi hành động có trách nhiệm để ngăn chặn hành động diệt chủng. Hôm nay, Mỹ đến để trợ giúp" - ông Obama nói, nhưng nhấn mạnh rằng lính Mỹ sẽ không trở lại Iraq.
Quyết định viện trợ nhân đạo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các quan chức người Kurd tuyên bố, các cuộc không kích vào chiến binh ISIS đã bắt đầu ở khu vực phía bắc Iraq.
Người phát ngôn các lực lượng vũ trang người Kurd cho hay, máy bay Mỹ ném bom vào 2 mục tiêu ở miền bắc Iraq. "Những chiếc F-16 đầu tiên đi vào không phận Iraq làm nhiệm vụ trinh sát và hiện đang nhắm mục tiêu vào Daash ở Gwer và vùng Sinjar" - ông Holgard Hekmat nói.
Tờ New York Times dẫn nguồn từ một bản tin truyền hình của người Kurd nói rằng, quân đội Mỹ ném bom xuống ít nhất 2 mục tiêu ở phía bắc Iraq, nơi quân nổi dậy đã cô lập hàng chục nghìn người tôn giáo thiểu số. Một bản tin cho biết, người dân ở Kalak nhìn thấy máy bay trên đầu và nghe thấy những tiếng nổ lớn từ phía sau đường ranh giới ISIS.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lập tức phủ nhận thông tin này. Chuẩn đô đốc John Kirby nhanh chóng sử dụng trang Twitter để bác bỏ.
Trước đó, Reuters và nhiều hãng tin khác cho biết, Mỹ đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho 40.000 người tôn giáo thiểu số ở miền bắc Iraq đang bị các chiến binh ISIS tấn công.
Hãng tin NBC News trích các nguồn tin nói rằng, nếu Tổng thống Obama ra lệnh tiến hành các cuộc không kích, thì kế hoạch quân sự cho một cuộc tấn công đã bắt đầu ngay lập tức.
Liên Hợp Quốc lên án các cuộc tấn công vào người tôn giáo thiểu số hôm 6.8, trong khi đó trực thăng của Iraq cố gắng cung cấp viện trợ cho khoảng 30.000 hộ dân ẩn náu trong khu vực.
Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Obama gặp nhóm cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 7.8, nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest từ chối nói về tin đồn rằng máy bay không người lái của Mỹ sẽ được triển khai để theo dõi lực lượng ISIS trước khi tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào.
---------------------------
Trực thăng quân sự của Philippines bị rơi sau ít giây cất cánh
Một máy bay trực thăng quân sự W-3A Sokol mang số hiệu 921 của Không quân Philippines đã bị rơi ở thành phố Marawi vào hôm thứ qua 7.8, chỉ sau khi cất cánh chưa đến 1 phút. Các thành viên tổ lái may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Chiếc máy bay quân sự trên chở 11 sĩ quan quân đội Philippines, sĩ quan cao cấp nhất là Thiếu tướng Ricardo Visaya, theo tờ Manila Times.
Tờ Manila Times cho biết, chiếc trực thăng bị rơi vừa cất cánh từ doanh trại Ranao và đang trên đường đến thành phố Cagayan de Oro. Máy bay bị trục trặc động cơ và rơi từ độ cao 50m xuống mặt đất.
Rất may, chiếc trực thăng không phát nổ khi rơi xuống đất. Không ai thiệt mạng, chỉ có phi công lái trực thăng bị gãy chân.
Trung tá Ramon Zagala - phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philippines - cho biết chiếc trực thăng quay lảo đảo ngoài tầm kiểm soát sau đó rơi xuống đất.
Đây là một chiếc trực thăng dự phòng phục vụ cho các hoạt động của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin - người đã ở trên một chiếc trực thăng khác và đã đến nơi an toàn.
Chiếc W-3A Sokol này là 1 trong 8 chiếc trực thăng đa năng mà Philippines mua từ hãng PZL Swidnik của Ba Lan vào năm 2008. Ban đầu Philippines dự định mua những chiếc trực thăng này về vừa đóng vai trò vận tải vừa có khả năng tấn công.
Nhưng sau đó, W-3A Sokol bị các lãnh đạo Philippines chỉ trích về một số vấn đề kỹ thuật vì không có khả năng tấn công, không thể đưa súng máy lên lắp thêm trên trực thăng do cửa trực thăng quá hẹp. Sau đó, Philippines đã bỏ đi chức năng tấn công và hiện nay W-3A Sokol chỉ có khả năng vận tải và cứu nạn.