Thu phí nước thải thông qua hóa đơn tiền nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Theo đó, từ 1-1-2015, các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung sẽ được thu tiền dịch vụ thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước. Khối lượng nước thải sinh hoạt và các loại nước thải khác được tính lần lượt bằng 100% và 80% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước.
Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, tiền dịch vụ thoát nước sẽ được thu trực tiếp. Lượng nước thải được xác định căn cứ theo lượng nước sạch tiêu thụ bình quân đầu người tại địa phương do UBND cấp tỉnh quy định (đối với nước thải sinh hoạt) hoặc thông qua đồng hồ đo lưu lượng nước thải (đối với các loại nước thải khác). Đặc biệt, các hộ đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định 80 cũng quy định các chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư đối với các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng: Được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định hiện hành.
-----------------------
Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 47 hôm nay khai mạc tại Myanmar, mở đầu cho chuỗi hội nghị lớn sắp diễn ra.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Naypitaw, Myanmar. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Myanmar Thein Sein cho biết, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hoàn thành 80% mục tiêu Kế hoạch của Cộng đồng và ông tin rằng trong vòng 17 tháng tới, tổ chức sẽ đạt được những mục tiêu còn lại.
"Chúng ta không nên quên rằng những mục đích cuối cùng là nhằm đem lại thịnh vượng cho nhân dân, nâng cao tiêu chuẩn sống, đảm bảo hòa bình, ổn định và nâng cao nhân phẩm", Straits Times dẫn lời ông Thein Sein nói.
Tổng thống Myanmar nhấn mạnh, ASEAN hiện là thị trường với 609 triệu dân, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 2.500 tỷ USD, và với các nỗ lực hội nhập, tổ chức sẽ đạt được thành công lớn hơn trong tương lai. Ông cũng hối thúc các nước thành viên hành động, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Ngày khai mạc AMM-47 trùng với ngày kỷ niệm 47 năm thành lập ASEAN. Myanmar, chủ tịch luân phiên của tổ chức, cũng nêu rõ sau 47 năm thành lập và phát triển, hơn bao giờ hết, ASEAN càng cần đề cao tinh thần đoàn kết, nâng cao uy tín và vị thế, tạo nền tảng vững chắc cho Cộng đồng ASEAN bước vào một giai đoạn phát triển mới sau 2015.
Sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã họp Hội nghị thường niên của Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á Không có vũ khí hạt nhân (SEANWF).
Sự kiện khai mạc hôm nay mở đầu chuỗi các Hội nghị lớn giữa ASEAN với các Đối tác, cũng như Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21) sẽ diễn ra trong thời gian này. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các sự kiện.
-----------------------
Việt Nam đề nghị Mỹ giúp nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua đề nghị Mỹ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, khi đón tiếp hai thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon Whitehouse tới Hà Nội.
Việt Nam mong thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là khắc phục hậu quả bon mìn, chất độc da cam/dioxin, thông cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay.
Thượng nghị sỹ McCain khẳng định sẽ cùng ông Whitehouse đề nghị Quốc hội Mỹ sớm bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai ông cho biết Mỹ cũng mong tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Ông McCain cho rằng tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, các giao tranh vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang hành xử ngày càng hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế. Vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông luôn là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới.
Hai thượng nghị sĩ đồng tình với ý kiến rằng hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực châu Á, khu vực Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi ý đồ và hành động đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, lấn lướt và uy hiếp các nước nhỏ trong khu vực.
Hai ông cho rằng đây là nhân tố gốc rễ, lớn nhất đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực. Do vậy, để đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các bên, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện nghiêm túc DOC, và sớm tiến tới COC.
Qua hai thượng nghị sĩ, Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), có sự linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP, việc đàm phán thành công và ký kết Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người vì nhân quyền là mục tiêu và cũng là đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam. Thủ tướng cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ về vấn đề này
-----------------------
Việt Nam đề nghị Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán COC
Bên lề hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Nay pyi taw (Myanmar), Đài Tiếng nói Việt Nam (VN) đưa tin ngày 9-8, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước tích cực triển khai quan hệ đối tác toàn diện và cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường quan hệ trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2015 nhân 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Ngoại trưởng John Kerry đã đánh giá cao vai trò của VN tại ASEAN và trong khu vực, nhất trí hai bên cần tiếp tục trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao. AFP đưa tin phát biểu trước cuộc gặp, ông John Kerry hoan nghênh các bước đi tích cực của VN về hợp tác hạt nhân dân sự và không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như cách tiếp cận đối với vấn đề biển Đông.
Theo TTXVN, trước đó, vào tối 8-8, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị. Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh VN coi trọng quan hệ láng giềng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với TQ. Tuy nhiên, quan hệ này đã bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trên biển do TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN. Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình và quan trọng nhất là không để tái diễn vụ việc tương tự như vừa qua.
Phó Thủ tướng mong muốn hai bên thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết ổn thỏa tranh chấp bất đồng tại biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và những nhận thức chung giữa hai nước như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Phó Thủ tướng đề nghị TQ tích cực thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
-----------------------
Xông vào phòng họp báo đòi nợ công ty vàng
Biết tin Tập đoàn Besra tổ chức họp báo, anh Thục đã xông vào phòng họp và đòi chủ tịch tập đoàn này trả khoản nợ hơn 6 tỷ đồng.
Ngày 7-8, trong cuộc họp báo tổ chức tại Tam Kỳ (Quảng Nam) liên quan đến vấn đề nợ thuế của 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, bất ngờ một chủ doanh nghiệp đã xông vào phòng đòi nợ chủ tịch tập đoàn Besra, ông David Seton.
doino1-7076-1407409082.jpg
Người đòi nợ là anh Lê Đình Thục, Giám đốc công ty xăng dầu Trường Xuân. Anh Thục cho biết, công ty anh từng là đối tác phục vụ xăng dầu cho 2 công ty vàng thuộc Tập đoàn Besra và họ đang nợ công ty anh khoảng 6,6 tỷ đồng, trong đó Công ty vàng Bồng Miêu nợ hơn 1,1 tỷ đồng và công ty vàng Phước Sơn nợ đến 5,5 tỷ đồng.
Trước việc đòi nợ của anh Thục, ông David Seton, chủ tịch Tập đoàn Besra cho hay, ông đang có những bằng chứng chứng minh người của công ty Trường Xuân gian lận trong việc cung cấp xăng dầu cho công ty của ông. “Một số công nhân của công ty Trường Xuân đã trộm cắp xăng dầu và đặt những thiết bị để gian dối đo lường lên xe chở xăng dầu. Chính những người này đã góp phần làm công ty chúng tôi trở nên khó khăn. Việc này sẽ được giải quyết ở Tòa”. Ông David Seton nói. Ngay sau đó, chủ trì cuộc họp báo đã mời anh Thục ra ngoài.
Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu là 2 nhà máy sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn Besra quản lý, nhưng đang nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Cục thuế Quảng Nam đã cưỡng chế thuế với hình thức phong tỏa tài khoản và vô hiệu hóa hóa đơn khiến 2 công ty này phải ngừng hoạt động từ tháng 7 tới nay.
-----------------------
Thành lập Hải đội Cảnh sát biển vùng biển Nam Trung Bộ
Chiều nay (7-8), Vùng Cảnh sát biển 3 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam công bố quyết định thành lập Hải đội 302 đóng tại vịnh Vân Phong, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Phát biểu giao nhiệm vụ cho Hải đội 302, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nhấn mạnh: việc thành lập Hải đội 302 nằm trong lộ trình phát triển của lực lượng Cảnh sát biển Viêt Nam. Lực lượng này sẽ quản lý về an ninh trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành luật pháp Việt Nam cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trên các vùng biển nước ta.
Hải đội 302 được giao quản lý vùng biển Nam Trung Bộ, là vùng biển rộng, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, có đường hàng hải quốc tế đi qua. Đây cũng là vùng biển nhạy cảm, phức tạp như có tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, đánh bắt trộm hải sản, tội phạm trên biển…
Trước mắt, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hải đội 302 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh, an toàn, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng địa bàn an toàn.
Theo Đại tá Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 3, đơn vị Cảnh sát biển mới được thành lập này được Cục Cảnh sát biển Việt Nam trang bị nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại như các tàu tuần tra, tàu cứu hộ cứu nạn công suất lớn có khả năng cứu hộ, cứu nạn ở các vùng biển xa.
Trong số này có tàu CSB 8001 là tàu lớn nhất, hiện đại nhất, từng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
“Việc thành lập Hải đội 302 nhằm bảo đảm cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi quán triệt sâu sắc phương châm kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khôn khéo, linh hoạt, kiên quyết”- Đại tá Đỗ Hồng Đó nói.
-----------------------
Đột nhập hộp thư điện tử của doanh nghiệp để lừa đảo
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, tình trạng tội phạm công nghệ thông tin (CNTT) đột nhập vào hộp thư điện tử của các doanh nghiệp (DN) để lừa đảo đang diễn ra trầm trọng dù cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo. Ngay trong tháng 7 vừa qua, kẻ lừa đảo đã đột nhập hộp thư điện tử của một DN ở Hà Nội để liên lạc với một đối tác của DN này ở Nam Phi, yêu cầu thanh toán tiền nhập khẩu qua Western Union với tên người nhận tiền là Xiang Yuang, địa chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thấy sự việc bất thường, DN tại Nam Phi từ chối thanh toán, nhưng sau đó họ liên tiếp nhận được các email thuyết phục chuyển tiền thanh toán sang Thổ Nhĩ Kỳ. DN này trả lời chỉ đồng ý chuyển tiền thanh toán sang một ngân hàng ở Việt Nam. Ngay lập tức, DN Nam Phi nhận được email yêu cầu thanh toán cho ngân hàng sau tại Việt Nam: Account name: Pyo Keun Sung; Account no: 700-003-005873; Bank name: Shinhan Bank Vietnam; Address: 2F.Daeha Business Centre. 360 Kim Ma Str.; Ba Dinh Dist. Hanoi City, Vietnam Swift Code: SHBKVNVX.
Kèm theo đề nghị chuyển tiền, kẻ lừa đảo còn dùng hộp thư của DN ở Hà Nội yêu cầu DN Nam Phi thanh toán thêm số tiền hàng sẽ giao trong tháng sau, với lời đe dọa nếu không thanh toán sẽ nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp. Trong khi vì trục trặc trong việc thanh toán mà lô hàng thảm cói nhập khẩu từ Việt Nam bị lỡ, DN Nam Phi còn nhận những lời lẽ xúc phạm và đe dọa. Vì thế, họ quyết định tố cáo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, trước khi cắt đứt quan hệ với DN Việt Nam vì mất lòng tin. Đến lúc này, với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, sự việc được làm sáng tỏ và hai DN chuyển sang sử dụng hộp thư điện tử dự phòng. DN Việt Nam cam kết khắc phục hậu quả, tăng cường công tác an ninh mạng để ngăn chặn thiệt hại, phiền hà đến khách hàng.
Trước đó, trong tháng 6-2014, sau gần một tháng giao dịch, đàm phán, thống nhất yêu cầu về chất lượng, giá cả, thẩm tra tư cách pháp nhân, một DN Nam Phi đã quyết định đặt hàng nhập khẩu tinh bột sắn từ một DN tại Tây Ninh, Việt Nam. Ngay sau đó, từ hộp thư điện tử của DN Tây Ninh, DN Nam Phi nhận được đề nghị thanh toán tiền hàng nhập khẩu vào một tài khoản mở tại một ngân hàng Vương quốc Anh. Thủ tục chuyển tiền được DN Nam Phi đáp ứng ngay sau đó. Sau khi chuyển tiền thành công, DN Nam Phi thông báo việc thanh toán cho DN Tây Ninh và đề nghị giao hàng, nhưng DN Tây Ninh chờ mãi không thấy tiền về ngân hàng Việt Nam. Sau nhiều lần lời qua tiếng lại vì nghi kỵ lẫn nhau, DN Nam Phi đã trình báo sự việc đến Sở Cảnh sát chống lừa đảo Vương quốc Anh và thông báo sự việc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Qua tìm hiểu, cơ quan chức năng khẳng định cả hai DN đều là nạn nhân của một nhóm tội phạm CNTT.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm CNTT, Thương vụ Nam Phi đề nghị các DN áp dụng các biện pháp an ninh bảo vệ hộp thư điện tử, thường xuyên thay đổi mật khẩu; lựa chọn hình thức văn bản giao dịch có độ an toàn cao, khó tẩy xóa, sửa chữa. Cơ quan này cũng yêu cầu các DN áp dụng các biện pháp xác nhận văn bản khác nhau, kiểm tra chéo, đề cao cảnh giác, phát hiện bất thường trong giao dịch với khách hàng. Nếu thấy có sự thay đổi trong ngôn ngữ giao dịch, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán, cần nghĩ ngay đến khả năng hộp thư điện tử mất an toàn.