Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bị “tấn công khủng bố”
Một người đàn ông nổ súng và ném lựu đạn vào cảnh sát bên ngoài văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở TP Istanbul nhưng lựu đạn không phát nổ, phương tiện truyền thông bản địa đưa tin hôm 1-1.
Cảnh sát cho biết nghi phạm bị bắt giữ ngay lập tức bên ngoài Điện Ottoman, nơi đặt văn phòng của Tổng thống Erdogan. Giám đốc cảnh sát Istanbul Selami Altiok nói với nhật báo Hurriyet: “Chúng tôi biết danh tính tay súng và các mối quan hệ của hắn. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn chia sẻ vào thời điểm này. Trước đó, hắn từng ở tù”.
Người đàn ông mang theo 1 khẩu súng máy “cũ rích”, 2 quả lựu đạn và 1 quả bom tự chế. Nghi phạm, bị nghi ngờ là “thành viên của một tổ chức khủng bố”, ném 2 quả lựu đạn vào cảnh sát nhưng chúng không phát nổ. Hắn nhanh chóng bị cảnh sát tiếp cận và khống chế.
Theo truyền thông địa phương, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không có mặt trong văn phòng của ông lúc xảy ra vụ tấn công.
Lực lượng an ninh đã phong tỏa hiện trường và dẫn giải nghi phạm tới đồn cảnh sát thẩm vấn. Một đội phá bom mìn cũng được triển khai tới khu vực. Kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “thiết bị nổ được kích hoạt dưới sự kiểm soát của lực lượng an ninh”.
Gần đây, ngày càng nhiều người biểu tình ủng hộ người Kurd, phản đối chính quyền Ankara vì chần chừ trong việc giúp đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thị trấn Kobane – Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để trấn áp. Các cuộc bạo lực từ tháng 10 năm ngoái đến nay khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.
-------------------------
Thái Lan điều 200 binh sĩ tới biên giới với Campuchia
200 binh sĩ Thái Lan vừa được triển khai tới biên giới với Campuchia, gần ngôi đền tranh chấp Preah Vihear, đe dọa dẫn đến các cuộc đối đầu mới giữa 2 nước vào đầu năm 2015.
Ông Chea Kimseng, người đứng đầu chính quyền huyện Choam Ksan, nơi quân đội Campuchia đặt trạm kiểm soát, hôm 1-1 cho biết 200 binh sĩ Thái Lan xuất hiện ở biên giới sau khi Phnom Penh từ chối yêu cầu ngừng xây dựng một con đường trong khu vực tranh chấp do Bangkok đưa ra.
Sau khi nói chuyện với các binh sĩ Thái Lan đang đóng quân ở biên giới, ông Kimseng cho hay nhóm binh sĩ này chưa nhận được lệnh từ chỉ huy và tạm thời vẫn án binh bất động. Hiện nhà chức trách Thái Lan vẫn chưa mở lại cửa khẩu An Ses.
Chỉ huy cảnh sát quân sự huyện Choam Ksan, ông Chour Bunsong, cũng thị sát biên giới hôm 1-1 và khẳng định Campuchia không tăng cường binh sĩ đến khu vực này. “Quân đội của chúng tôi đang giữ vị trí và không mang vũ khí. Chỉ có binh lính Thái Lan mặc áo chống đạn, đội mũ và cầm vũ khí hiện đại, trông như chuẩn bị chiến đấu” – ông Bunsong cho biết thêm.
Theo nguồn tin từ một sĩ quan không quân Campuchia, binh sĩ Thái Lan đầu tuần này cố gắng xâm nhập vào khu vực phía Campuchia đang làm đường và nổ súng, khiến binh sĩ Campuchia phải tự vệ. Hậu quả, một số binh sĩ Thái Lan trúng đạn nhưng không thiệt mạng. Phnom Penh sau đó phủ nhận vụ nổ súng diễn ra.
Un Chinda, Phó tỉnh trưởng Preah Vihear, tuyên bố “Campuchia sẵn sàng bảo vệ khu vực nếu Thái Lan tiếp tục di chuyển vào sâu lãnh thổ của mình”. Quân đội 2 phía tại biên giới đang lên kế hoạch cho cuộc gặp mặt ngày 7-1 sắp tới.
-------------------------
Tàu chiến Trung Quốc áp sát Senkaku chưa từng có
Hai tàu chiến Trung Quốc đã tiến vào khu vực chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 70 km, một vị trí gần nhất từ trước đến nay.
Vụ việc xảy ra hồi giữa tháng 12-2014 nhưng mới được tiết lộ gần đây. 2 chiếc tàu Trung Quốc nói trên thuộc Hạm đội Đông Hải, một chiếc là khu trục hạm lớp Sovremennyy-class có lượng giãn nước 7.940 tấn và một hộ tống hạm nhỏ hơn lớp Giang Vệ (Jiangwei), có lượng giãn nước 2.392 tấn.
Hải quân Nhật Bản xem việc tàu chiến của Hải quân Trung Quốc áp sát hơn vùng hải phận Nhật Bản là một hành vi phô trương và khiêu khích. Hải quân Nhật đã lập tức phái tàu ra giám sát.
Vùng biển mà tàu Trung Quốc tiến vào vẫn thuộc phạm vi hải phận quốc tế nên hoàn toàn hợp pháp, song khu vực đó chỉ cách vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản 27 km.
Động thái tiến gần đến vùng lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của tàu chiến Trung Quốc làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang. “Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra những tình huống căng thẳng cho đến khi Nhật Bản thừa nhận tranh chấp lãnh thổ đang tồn tại” – một nguồn tin cho biết.
Căng thẳng trong khu vực biển Hoa Đông tăng nhiệt sau khi Tokyo quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điều Ngư vào tháng 9- 2012. Từ đó trở đi, các tàu phi quân sự của Trung Quốc liên tục tiến vào bên trong vùng lãnh hải 22 km Senkaku/Điếu Ngư.
-------------------------
Bí mật không ngờ về Kinh tế thị trường ở Triều Tiên
Dù nhiều người tỏ ra nghi ngờ nhưng các dấu hiệu cho thấy, ở Triều Tiên có một nền kinh tế thị trường đang tồn tại khá “khỏe mạnh”. Nhưng, nền kinh tế thị trường này mang “màu sắc Triều Tiên” đậm nét.
Theo bản báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle của Đức cùng với chuyên gia Kim Bo Min từ Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế của Hàn Quốc soạn thảo thì có thể nói nền kinh tế thị trường đang phát triển tích cực và khá thành công dưới sự quản lý của chính quyền Bình Nhưỡng.
Có những đánh giá rất khác nhau về quy mô nền kinh tế thị trường của Triều Tiên và điều này không đáng ngạc nhiên vì Triều Tiên gần như không thu thập số liệu thống kê.
Nếu có thì các thống kê như vậy cũng sẽ được giữ bí mật, vì theo quan điểm chính thức của Triều Tiên, cơ sở sản xuất tư nhân không thể tồn tại ở nước này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle, trên thực tế, đã từ lâu Chính phủ Triều Tiên đã "ngầm" chấp nhận sự tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều khả năng, nền kinh tế thị trường tồn tại không chính thức là động lực chính đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ở Triều Tiên trong mấy thập kỷ qua.
Dẫu vậy, mối quan hệ giữa các doanh nhân và nhà nước Triều Tiên gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, doanh nghiệp tư nhân sau khi đạt được kết quả nhất định trong hoạt động sản xuất thì lại vấp phải khó khăn trong việc gia tăng khối lượng kinh doanh.
Vì vậy, một trong những giải pháp phổ biến nhất là thành lập doanh nghiệp nhà nước. Trong 15 năm qua ở Triều Tiên đã có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập như vậy. Sau khi nhà đầu tư đạt được thỏa thuận về việc thành lập doanh nghiệp với nhà nước, các doanh nghiệp sẽ được đăng ký và trở thành xí nghiệp nhà nước. Khi đó, nhà đầu tư thường được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Giám đốc là chủ sở hữu, là người thuê công nhân, mua sắm thiết bị và bán hàng.
Về mặt chính thức, các cơ sở này phải nộp thu nhập vào ngân sách nhà nước, nhưng trên thực tế các nhà đầu tư sẽ chỉ trả 30 - 70% thu nhập, phần còn lại thì “bỏ túi”.
Ngành ngoại thương của Triều Tiên có đặc biệt nhiều doanh nghiệp như vậy.
Trong 10 - 15 năm qua, ở Triều Tiên đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân khá lớn. Nguồn vốn tư nhân đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới xe buýt đường dài và vận tải hàng hóa, nhưng được đăng ký dưới dạng tài sản của nhà nước.
Tất cả những điều này cho thấy, ở Triều Tiên không chỉ có giai cấp tư sản mà còn đang hình thành giai cấp tiểu tư sản. Dù vị thế của các nhà tư bản Triều Tiên có vẻ khá “lung lay”, nhưng trên thực tế, chính các công ty của họ mới là một trong những thành phần quan trọng nhất đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế Triều Tiên.
-------------------------