Trung - Nhật nối lại đàm phán xử lý khủng hoảng
Trung Quốc và Nhật Bản vừa đồng ý tuần sau sẽ nối lại đàm phán về thiết lập một cơ chế trong năm nay nhằm xử lý các khủng hoảng trên biển. Bên cạnh đó, Trung Quốc nói họ đang theo dõi chính phủ Nhật Bản sẽ thể hiện quan điểm như thế nào về các vấn đề lịch sử.
Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn lời nguồn tin chính phủ nước này nói rằng, các cuộc đối thoại cấp chuyên gia sẽ diễn ra tại Tokyo, có thể vào thứ Ba tới. Dự kiến, cuộc đàm phán sẽ có sự tham dự của các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Cả hai nước đều hy vọng ngăn chặn đụng độ trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc Hoa Đông. Nhóm đảo nhỏ không người ở này hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc tuyên bố thuộc về họ.
Năm 2012, giới chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cơ bản về việc lập đường dây nóng và tần số radio chung cho tàu và máy bay khi hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo đề nghị Bắc Kinh nối lại đàm phán vào cuối tháng 1 về việc tìm ra phương thức để quân đội hai nước liên lạc với nhau trong trường hợp khẩn cấp. Bắc Kinh trả lời rằng, các cuộc đối thoại có thể được tổ chức vào giữa tháng.
Tokyo sẽ có thông báo mới về vấn đề lịch sử
Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại rằng, trong bài phát biểu hồi tháng 8/2014 kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông cam kết Nhật Bản sẽ đóng góp lớn hơn vào hòa bình khu vực và thế giới.
Trước đó, ông Abe nói sẽ bày tỏ sự ăn năn trước những hành động của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Các nguồn tin nói rằng, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị một thông báo mới về vấn đề này và thông báo mới chắc chắn sẽ được chú ý nhiều vì tác động của nó đối với quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bắc Kinh và Seoul đặc biệt quan tâm việc ông Abe sẽ duy trì tuyên bố Murayama 1995 (lời xin lỗi về sự hiếu chiến của quân đội Nhật Bản ở châu Á do Thủ tướng Tomiichi Murayama đưa ra) hay không.
Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, hôm 15/8/1995, ông Murayama nói rằng, Nhật Bản gây ra “thiệt hại và đau khổ to lớn” đối với người dân châu Á và các nước khác trong thời kỳ thực dân và xâm lược, đồng thời bày tỏ “sự hối hận sâu sắc” và “lời xin lỗi chân thành”. Tuyên bố này được coi là quan điểm chính thức của chính phủ Nhật Bản về Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Khi được hỏi có tiếp tục duy trì tuyên bố Murayama hay không, ông Abe nói chính phủ của ông “đã và sẽ tiếp tục duy trì những thông báo của các chính phủ trước đây”. Thủ tướng Abe cũng nói, tuyên bố của ông thể hiện quyết tâm của Nhật Bản rằng, sẽ là một bên đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới, báo Nhật Bản Japan Times đưa tin.
Trung Quốc hôm qua thúc giục Nhật Bản thực hiện lời hứa của mình về các vấn đề lịch sử và theo đuổi con đường phát triển hòa bình bằng các hành động cụ thể. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi quan điểm của chính phủ và lãnh đạo Nhật bản về lịch sử và những thông điệp họ gửi ra thế giới.
-------------------------
Thái Lan bắt giữ tội phạm khủng bố lẩn trốn 10 năm
Cảnh sát và quân đội Thái Lan đã bắt giữ một trùm khủng bố người Pakistan đang ẩn náu ở Pattaya sau khi tên này bị truy nã vì cáo buộc đánh bom giết chết 18 người hồi năm 1995.
Theo Bangkok Post, quân đội và cảnh sát tỉnh Chon Buri đã bắt giữ Jagtar "Tara" Singh, kẻ khủng bố bị truy nã trong vụ đánh bom ở Ấn Độ năm 1995 khiến 18 người chết và bị kết án tù chung thân sau đó.
Jagtar "Tara" Singh đã lẩn trốn ở Thái Lan với hộ chiếu của người đàn ông Pakistan tên Gurmeet Singh, đồng phạm của tên này trong vụ đánh bom trên.
Gurmeet Singh năm nay 42 tuổi đã được ân xá vào tháng 12/2013 sau khi thụ án 18 năm tù với tội danh khủng bố.
Theo thông tin do giới chức Ấn Độ cung cấp, cảnh sát và quân đội Thái Lan đã đột kích ngôi nhà của Jagtar “Tara” Singh ở quận Bang Lamung, Pattaya vào 19h30' ngày 5/1.
Cảnh sát cũng bắt một người Pakistan khác là Ali Alat, 48 tuổi, là chủ căn nhà kể trên.
Alat được biết đến với tên khác “Khalat Bari”, bị cáo buộc đã giúp che giấu Singh, lãnh đạo của lực lượng Con hổ Khalistan. Người này phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng, không hề biết quá khứ tội phạm của Singh.
“Chúng tôi tốn khá nhiều thời gian để bắt Singh. Nhiều lần theo dõi, sắp bắt được nhưng vào giờ chót hắn lại bất ngờ biến mất”, sĩ quan cảnh sát Prawut Thawornsiri cho biết.
Singh là một trong những nghi phạm chủ mưu trong vụ đánh bom giết chết ông Beant Singh, cựu thống đốc bang Pubjab, Ấn Độ cùng 17 người khác ngày 31/8/1995.
Singh đã bị bắt và bị kết án tù chung thân vào năm 1996. Tuy nhiên, tên này và 3 tù nhân khác vượt ngục Burail Model ở Chandigarh hồi năm 2004.
Hai trong số 3 tù nhân đã bị bắt lại, một tên đang lẩn trốn ở Pakistan, trong khi Singh được xác định là ẩn náu ở Thái Lan từ giữa năm ngoái.
-------------------------
Tấn công khủng bố ở Paris, 12 người chết
Ngày 7-1, ít nhất 12 người thiệt mạng khi một số tay súng nã đạn vào văn phòng tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại thủ đô nước Pháp.
Nhà chức trách Pháp cho biết đã có 12 người thiệt mạng, trong đó có hai cảnh sát. Tổng thống Francois Hollande tuyên bố: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một vụ tấn công khủng bố". Từ London, Thủ tướng Anh David Cameron lên án vụ tấn công là "hèn hạ". Một số nhân chứng cho biết hai tay súng khi xả đạn đã hét to lên rằng: "Chúng ta đã báo thù cho đấng tiên tri".
Sau Anh, chính phủ các nước cũng đã lên án vụ tấn công. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker mô tả cuộc thảm sát tại Paris là “hành vi man rợ”. “Tôi bị sốc nặng vì vụ tấn công phi nhân tính này” - ông Juncker mô tả.
Chính quyền Mỹ khẳng định lên án vụ tấn công “một cách mạnh mẽ nhất”. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: “Đức chung lòng chung sức với Pháp trong thời khắc khó khăn này”.
Theo hãng tin AFP, Văn phòng công tố Paris xác nhận 10 người đã thiệt mạng và 4 người đang trong tình trạng nguy kịch. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có mặt ở hiện trường vụ thảm sát. Chính quyền Pháp cũng nâng cảnh báo khủng bố ở Paris lên mức cao nhất.
Nguồn tin điều tra cho biết hai gã đàn ông cầm súng AK-47 và súng phóng lựu xông vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Chúng đã đọ súng với các nhân viên bảo vệ tòa nhà. Một tay súng cướp xe ô tô của người đi đường để tẩu thoát.
Tạp chí Charlie Hebdo trở nên nổi tiếng hồi tháng 2-2006 khi đăng hình biếm họa nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed, trước đó do báo Đan Mạch Jyllands-Posten đăng tải. Vụ việc này đã gây làn sóng phẫn nộ tại thế giới Hồi giáo.
Tháng 11-2011, văn phòng Charlie Hebdo bị ném bom xăng sau khi tạp chí này tiếp tục đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Tháng 9-2012, tạp chí này đăng hình Mohammed cởi trần. Tổng biên tập Stephane Charbonnier khi đó đã bị dọa giết và được cảnh sát bảo vệ.
-------------------------
Đánh bom bên ngoài trường cảnh sát Yemen, 30 người chết
Ít nhất 30 người chết và hơn 50 người bị thương trong vụ đánh bom bên ngoài một trường cao đẳng cảnh sát ở thủ đô Sanaa, Yemen ngày 7-1.
RT dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết đây là một vụ đánh bom xe, mục tiêu dường như là một nhóm sinh viên đang xếp hàng chờ được tuyển làm cảnh sát.
Các nhân chứng cho biết vụ nổ rất lớn, cả thành phố có thể nghe thấy. Vụ nổ cũng tạo ra cột khói đen được nhìn thấy từ rất xa.
Ảnh chụp từ hiện trường cho thấy một chiếc xe bị cháy trơ khung, trong khi thi thể các nạn nhân nằm la liệt trên mặt đất.
Một nhân chứng kể với AP họ đang tập trung thì chiếc xe bom phát nổ, hất tung các sinh viên, ném họ lên không.
Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm, tuy nhiên các tay súng thánh chiến thuộc al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) gần đây đã gây ra nhiều vụ đánh bom và nổ súng khắp Yemen.
Theo RT, sự hoạt động ngày càng tăng của AQAP đã khiến các nước láng giềng lo ngại nhóm này có thể trở nên hùng mạnh và thực hiện các vụ tấn công bên ngoài Yemen.
Tuần trước, ít nhất 33 người cũng đã thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết gần một trung tâm văn hóa ở tây nam Yemen.
-------------------------