Philippines mua tàu chiến và máy bay đề phòng Trung Quốc
Ngày 17-12, hải quân Philippines cho biết đang đặt mua hai tàu khu trục nhỏ, hai máy bay trực thăng và ba pháo hạm để triển khai trên biển Đông nhằm đối phó nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý.
“Các diễn biến trên biển Tây Philippines (cách Philippines gọi biển Đông) khiến chúng tôi phải đẩy nhanh việc mua sắm khí tài” - chuẩn đô đốc Caesar Taccad, người đứng đầu các hệ thống vũ khí của hải quân Philippines, tuyên bố.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang kể từ khi Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Manila đã đâm đơn kiện “đường chín đoạn” phi pháp của Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Trước đó chính quyền Philippines đã công bố ngân sách 90 tỉ peso (2 tỉ USD) để hiện đại hóa quân đội nhằm bảo vệ các đường biên giới trên biển. Hải quân lấy 39 tỉ peso (872 triệu USD) để mua số vũ khí trên.
Hiện tại các công ty từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Pháp đều đang đấu thầu sản xuất hai tàu khu trục nhỏ được trang bị tên lửa và có khả năng tàng hình cho Philippines. Ước tính hai tàu này trị giá khoảng 402 triệu USD.
Trong khi đó các doanh nghiệp từ Ý và Indonesia đang đấu thầu để sản xuất hai trực thăng chống tàu ngầm cho Manila. Trước đó Indonesia đã ký hợp đồng bán hai tàu vận tải chiến lược cho Philippines và sẽ giao chiếc đầu tiên vào năm 2016.
Ngoài ra, Đài Loan và năm hãng tàu khác đang cạnh tranh để đóng ba tàu chiến tấn công được trang bị tên lửa cho Manila. Mỹ cũng sẽ cung cấp hệ thống radar ven biển cho Philippines.
-------------------------
Mỹ mở đường bãi bỏ cấm vận cho Nga
"Các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ trong một vài tuần hay vài ngày, tùy thuộc vào sự lựa chọn của tổng thống Putin”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cho rằng thái độ của Nga về tình hình Ukraine sẽ đóng vai trò quyết định.
Ông Kerry nhận định Nga đã có những chuyển biến tích cực gần đây trong vấn đề hòa bình ở Ukraine. Theo đó, nếu tiếp tục có hướng đi đúng đắn, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là người giúp nước này thoát khỏi lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu.
"Các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ trong một vài tuần hay vài ngày, tùy thuộc vào sự lựa chọn của Tổng thống Putin”, ông Kerry nói trong chuyến đi đến London hôm 16.12. “Yêu cầu duy nhất của họ ở đây là khôi phục lại các chuẩn mực quốc tế đối với hành vi giữa các quốc gia, để đảm bảo tôn trọng biên giới, chủ quyền...”.
Nga đã và đang chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây sau vụ tranh chấp bán đảo Crimea với Ukraine năm nay, cũng như bị cáo buộc tiếp tục gửi quân tiếp viện cho nhóm ly khai tại miền đông Ukraine.
Trước đó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ ký vào luật mới cuối tuần này xung quanh những lệnh trừng phạt tiếp theo đối với hoạt động của Nga ở Ukraine.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng Washington không mâu thuẫn trong các tuyên bố của mình. Theo đó, việc cấm vận tiếp hay không sẽ tùy thuộc vào cuộc đàm phán mới tại thủ đô Minsk của Belarus về thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Kinh tế Nga hiện tại đang gặp nhiều khó khăn theo ghi nhận của Reuters. Bên cạnh việc giá dầu tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng rúp Nga cũng liên tục rớt giá.
Tính tới hôm 16.12, đồng rúp mất giá 11% so với đồng USD, tức sự sụt giảm lớn nhất của Nga từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, Reuters cho biết.
Khi được hỏi về việc đồng rúp Nga mất giá, ông Kerry cho biết: "Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng các biện pháp trừng phạt đã rõ ràng mời Tổng thống Putin quyết định sự lựa chọn của mình".
-------------------------
Phương Tây tìm kiếm thoả thuận mới với Nga về South Stream
Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa thúc giục Bulgaria tìm kiếm một cuộc nói chuyện mới với Nga về đường ống dẫn khí đốt South Stream. Động thái này cho thấy một bộ phận EU vẫn đang muốn duy trì đối tác năng lượng với Nga, theo Reuters.
“Chúng ta cần nghiên cứu mọi vấn đề xung quanh dự án South Stream và dùng chúng để tìm kiếm một cuộc thảo luận mới với Nga”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov sau cuộc hội đàm tại Berlin, Đức hôm qua 15.12.
Một số giao ước đã được đồng thuận và có thể đã tới lúc cả hai bên cần duy trì đối tác đáng tin cậy của mình là Nga, Reuters dẫn lời bà Merkel cho biết thêm.
Ông Borisov cho biết ông tin rằng tồn tại trong dự án South Stream sẽ được giải quyết và hi vọng nhận được xác nhận chính thức về quan điểm của Brussels đối với đường ống này.
“Nga và Bulgaria là đối tác và phải tiếp tục sự hợp tác này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quay lưng với thoả thuận nếu như nó chỉ được kí từ phía chúng tôi chứ không phải là cả EU như trong thoả thuận năm 2006”, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov nói.
Không chỉ có Đức và Bulgaria, cả Hungary và Serbia cũng đang hi vọng cứu được dự án South Stream. Đây đều là những nước hưởng lợi từ dự án này.
Hiện tại, nguồn cung từ Nga vẫn chiếm 30% lượng cầu khí đốt của EU, một nửa số lượng này đến với EU thông qua lãnh thổ Ukraine. South Stream là dự án đường ống dẫn khí đốt được dự kiến sẽ cung cấp cho EU 63 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống này chạy dưới biển Đen và đi qua lãnh thổ Bulgaria.
Liên minh châu Âu (EU) trước đây từng có khuynh hướng hạn chế phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt South Stream trị giá 40 tỉ USD.
Song, một số nước trong khối này vẫn muốn dự án được khôi phục khi cho rằng đường ống đi vòng qua Ukraine, tránh mâu thuẫn Moscow - Kiev như South Stream sẽ là cách tốt nhất để vẹn tròn cả nguồn cầu năng lượng và lợi ích kinh tế của họ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1.12 đã tuyên bố huỷ dự án này, thay thế nó bằng một đường dẫn khác qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trước sự bất ngờ của Cộng đồng chung.
Song song, ông Putin cũng không quên nhắc rằng động thái phản đối South Stream của EU tương tự như việc chối bỏ Bulgaria, nước phụ thuộc phần lớn năng lượng vào Nga. Phản đối dự án này cũng là quay lưng với chính lợi ích kinh tế của EU, ông nói thêm.
Nga từng kêu gọi EU bãi bỏ lệnh trừng phạt lên Moscow và cam kết từ bỏ các biện pháp trả đũa đối với phương Tây vào ngày 30.11. Việc EU phớt lờ thiện chí của Moscow được cho là nguyên nhân dẫn đến quyết định huỷ dự án của ông Putin.
-------------------------
Trung Quốc khó chịu vì chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe
Trung Quốc khó chịu vì chính phủ của ông Shinzo Abe sẽ tại vị lâu hơn sau chiến thắng ở cuộc bầu cử Hạ viện, đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc và những chính sách an ninh cứng rắn tiếp tục lên ngôi ở Nhật Bản, theo Japan Times.
Tân Hoa xã đã bình luận chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do cũng như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14.12 là hết sức “kì lạ” trước nhiều chỉ trích về chính sách kinh tế đang gây suy thoái và căng thẳng trong xã hội Nhật Bản.
Theo Japan Times ngày 15.12, Trung Quốc khó chịu với việc chính phủ của ông Abe được cho là sẽ tại vị lâu hơn hẳn những người tiền nhiệm sau chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử vừa qua. Theo Bắc Kinh, điều này đồng nghĩa với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và chính sách “cứng rắn” của Nhật Bản với Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ, điển hình là tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền ở Nhật Bản hồi cuối năm 2012, quan hệ Trung – Nhật càng trở nên căng thẳng. Đặc biệt, hồi cuối tháng 12.2013, Thủ tướng Abe đã đến thăm đền chiến tranh Yasukuni, công trình mà Bắc Kinh xem là biểu tượng của lịch sử xâm lược và chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản. Động thái này khiến Trung Quốc thời điểm đó chỉ trích và lên án mạnh mẽ.
Một trong những động thái gần đây nhất là việc Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép nước này sử dụng "quyền phòng vệ tập thể". Nghị quyết này được coi là một cách diễn giải mới điều 9 của Hiến pháp, tạo điều kiện để quân đội Nhật Bản có thể triển khai những hoạt động bên ngoài lãnh thổ.
Giới quan sát nhận định Thủ tướng Shinzo Abe cương quyết theo đuổi quyền phòng vệ tập thể nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền ở những vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông và các vấn đề căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ nghị quyết này vì cho rằng sự thay đổi của Nhật Bản đe dọa đến an ninh khu vực. Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản tôn trọng những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề liên quan một cách cẩn trọng.
Theo Japan Times, trong suốt hai năm vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe chỉ tiếp xúc cấp cao một lần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11, và sự cả hai đều không mấy thân mật.
The Global Times trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Yang Bojiang, phó Giám đốc Học viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc rằng quan hệ Trung – Nhật trong tương lai ra sao đang phụ thuộc hết vào động thái của ông Abe.
Máy bay do thám P-3C Nhật Bản tuần tra Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFPMáy bay do thám P-3C Nhật Bản tuần tra Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP
Cũng trong ngày 15.12, tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Chúng tôi “lưu ý” kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản. Bất kỳ sự thay đổi chính sách nào trong lĩnh vực quân sự, an ninh cũng liên quan tới sự phát triển quốc tế cũng như môi trường an ninh khu vực”, theo Yonhap.
“Chúng tôi hi vọng Nhật Bản thực sự học bài học từ lịch sử, đi theo xu hướng hòa bình, hợp tác và tôn trọng các mối quan tâm an ninh hợp pháp và hợp lý, đồng thời đóng vai trò có tính xây dựng cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, Yonhap dẫn lời ông Tần Cương.
Trong khi Trung Quốc có phản ứng không mấy thoải mái, Hàn Quốc lại hy vọng thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ giúp cải thiện quan hệ Nhật – Hàn. Mỹ cũng lên tiếng chúc mừng ông Abe và khẳng định “Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là viên đá đặt nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương”.
-------------------------