Mỹ “răn đe” Nga, áp đặt trừng phạt thương mại với Crưm
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và các dịch vụ sang Crưm-khu vực sáp nhập Nga hồi tháng 3 năm nay.
Sắc lệnh này cũng áp đặt các lệnh trừng phạt mới với 24 cá nhân và công ty của Nga và Ukraina mà được cho là góp phần gây nên tình hình bất ổn ở Ukraina.
Phương Tây đã nhiều lần áp đặt các lệnh trừng phạt khác nhau với Nga kể từ khi bán đảo Crưm sáp nhập vào nước này sau khi cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2.
Tổng thống Obama cho biết, quyết định mới nhất này của ông cho thấy Mỹ không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm.
“Sắc lệnh này nhằm làm rõ với các công ty Mỹ đang kinh doanh tại khu vực này và tái khẳng định, Mỹ sẽ không chấp nhận việc Nga chiếm đóng và sáp nhập Crưm”, trích dẫn tuyên bố của ông Obama.
Trước đó, hôm 18.12, Liên minh Châu Âu (EU) cũng áp đặt lệnh trừng phạt mới với bán đảo Crưm. Nhưng cũng giống như EU, Tổng thống Obama cho biết, ông chưa áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga và một lần nữa thúc đẩy nước này giảm leo thang căng thẳng ở miền đông Ukraina.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, "việc đe dọa trừng phạt mới chống lại nước Nga có thể làm suy yếu khả năng hợp tác bình thường giữa hai nước trong một thời gian dài".
-------------------------
Liên Hợp Quốc muốn đưa Triều Tiên ra tòa
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) chính thức thông qua nghị quyết kêu gọi đưa CHDCND Triều Tiên ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về các cáo buộc phạm các tội ác chống nhân loại.
Theo Yonhap, nghị quyết không mang tính ràng buộc này nhận 116 phiếu thuận, 20 phiếu chống và 52 phiếu trắng vào ngày 19.12.
Nghị quyết yêu cầu HĐBA xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo Bình Nhưỡng do hành động “trấn áp công dân” và chủ yếu dựa vào kết quả điều tra về nhân quyền ở Triều Tiên do LHQ công bố hồi tháng 2.
AFP dẫn lời Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ An Myong-hun chỉ trích nghị quyết là “sản phẩm của một âm mưu chính trị và đối đầu” dựa trên báo cáo “bịa đặt”.
Cùng ngày, Mỹ tuyên bố các vụ tấn công mạng cấp tập khiến hãng phim Sony Pictures hủy ra mắt bộ phim hài The Interview (tạm dịch: Cuộc phỏng vấn) về CHDCND Triều Tiên là một “vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng”, theo AFP. Giới chức Washington cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ tấn công nhưng Bình Nhưỡng đã phủ nhận.
-------------------------
Mỹ cảnh báo đi lại toàn cầu
Ngày 19-12, Mỹ ban hành cảnh báo toàn cầu về nguy cơ khủng bố đối với người dân nước này khi đi du lịch tại các quốc gia khác.
Washington trích dẫn vụ bắt cóc con tin tại TP Sydney - Úc hôm 15-12 làm 3 người thiệt mạng, trong đó có nghi phạm, và yêu cầu người dân Mỹ thận trọng vào thời điểm ngày lễ năm mới sắp cận kề.
Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo nhắc nhở công dân mình ở nước ngoài phải duy trì cảnh giác cao độ và tăng cường an ninh cho bản thân. Một bản phân tích của bộ này cảnh báo những kẻ khủng bố không chỉ nhắm vào các cơ quan chính phủ mà còn tập trung vào các khách sạn, khu mua sắm, địa điểm tôn giáo và trường học.
Cảnh báo bắt đầu có hiệu lực vào sáng 19-12 (giờ địa phương) và hết hạn ngày 19-3-2015. Lần mới đây nhất Mỹ ban hành cảnh báo du lịch toàn cầu là vào tháng 8-2013. Khi đó, Washington lo ngại al-Qaeda và các đồng minh sẽ tấn công khủng bố vào các cơ quan chính phủ cùng cá nhân người Mỹ.
Tiếp diễn kế hoạch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tổng thống Barack Obama hôm 19-12 ký ban hành luật chính sách quốc phòng năm 2015, cho phép Mỹ tập huấn lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Iraq và Syria để chống lại IS, đồng thời áp đặt mức chi tiêu quốc phòng gần 578 tỉ USD, bao gồm 64 tỉ USD cho các cuộc chiến ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, 17,9 tỉ USD sẽ được chi cho Bộ Năng lượng vũ khí hạt nhân. Dự luật mà ông Obama thông qua có một số điểm mới, như kiểm soát chi phí nhân sự trong quân đội, vốn tiêu tốn một nửa ngân sách của Lầu Năm Góc.
Tổng thống Obama còn kêu gọi Quốc hội ủng hộ kế hoạch đóng cửa nhà tù quân sự Mỹ tại Guantanamo - Cuba, nơi giam giữ hàng loạt nghi can khủng bố nhưng bị Đảng Cộng hòa phản đối.
-------------------------
Trung Quốc bí mật thử tên lửa đa đầu đạn
Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa và có thể mang nhiều đầu đạn độc lập đa mục tiêu (MIRV), các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 tiến hành vào ngày 13-12 tại một cơ sở bí mật, giới chức Mỹ nói với trang tin The Washington Free Beacon. Trung Quốc hiện đang thúc đấy phát triển công nghệ mang nhiều đầu đạn, vốn được các công ty Mỹ chuyển giao bất hợp pháp vào những năm 90 của thế kỷ trước dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton.
Theo tình báo Mỹ, việc phóng tên lửa DF-41 vừa qua là một bước tiến đáng kể đối với lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc cũng như có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng lực lượng chiến lược.
Ước tính hiện kho vũ khí hạt nhân của Mỹ gồm 1.642 đầu đạn hạt nhân. Dự kiến, con số này sẽ tăng mạnh khi Trung Quốc triển khai nhiều tên lửa mới, có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau. Tất cả 450 tên lửa liên lục địa Minuteman III được thay đổi để không mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân MIRV. Thế nhưng, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II cỉa Mỹ có thể mang đến 14 đầu đạn MIRV.
Trung tâm tình báo hàng không - không gian Mỹ (NASIC) tiết lộ DF-41 có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, một báo cáo của phía Trung Quốc công bố hồi đầu tháng 12 cũng xác nhận DF-41 có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân, đồng thời dự kiến được triển khai trong năm tới.
Trung tá Jeffrey Pool – người phát ngôn Lầu Năm Góc - từ chối bình luận về cuộc thử nghiệm DF-41. “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc minh bạch về các khoản đầu tư quốc phòng và mục tiêu nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm” – ông Jeffrey Pool nói. Trong khi đó, Bắc Kinh đến nay vẫn chưa lên tiếng về cuộc thử nghiệm. Những lần thử nghiệm DF-41 trước đây được tiến hành tại trung tâm phóng tên lửa Ngũ Trại ở tỉnh Sơn Tây, cách Bắc Kinh khoảng 250 dặm về phía Tây Nam.
Hồi cuối tháng 9, Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên dành cho biến thể mới của tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31, được biết tới với tên gọi DF-31B, có thể cũng được trang bị MIRV. Mới đây, theo bản báo cáo công bố hôm 19-11 của Ủy ban kinh tế - an ninh Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ, “Trung Quốc có thể sử dụng MIRV đe dọa các thành phố lớn, căn cứ và cơ sở quân sự Mỹ để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ”.
-----------------------