Dấu hỏi lớn cho xuất khẩu dầu thô Việt Nam
Giá thế giới xuống dưới 55 USD, trong khi chi phí khai thác bình quân mỗi thùng dầu ở Việt Nam là 50 USD, thậm chí tới 70 USD một thùng.
Theo số liệu từ BP được Bloomberg dẫn lại, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô cao thứ hai ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc với 4,4 tỷ thùng (tương đương gần 630 triệu tấn). Với mỏ "vàng đen" này, mỗi năm xuất khẩu dầu thô đóng góp quan trọng cho thu ngân sách quốc gia. Do đó, giá dầu giảm hơn 40% từ tháng 7 tới nay khiến nhà điều hành không thể "ngồi im".
Đầu tuần này, lần đầu tiên 4 Bộ gồm: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp với nhau để bàn về quy chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó việc theo dõi tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu dầu được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế, ngân sách của quốc gia.
"Khi thị trường thế giới có biến động, Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất để xử lý tình huống sao cho giảm thiểu tác hại tới trong nước và chọn được những giải pháp tối ưu nhất để phát triển", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn VTV sau cuộc họp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30-70 USD. Con số này gần sát với báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) công bố ngày 9/12 khi cho hay điểm hoàn vốn sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) khoảng 50 USD một thùng, so với mức 65 - 75 USD một thùng của các đối tác.
Với giá thành trên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lãi khi bán dầu thô với giá trên 70 USD một thùng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12, cả nước đã xuất khẩu được 8,7 triệu tấn dầu thô, tổng giá trị hơn 6,9 tỷ USD. Tính bình quân, giá xuất khẩu mỗi thùng dầu đạt 113 USD một thùng, cao hơn mức bình quân 50 USD nói trên.
Tuy nhiên, với sự lao dốc của giá dầu thế giới, giá xuất khẩu dầu thô thực tế từ tháng 7 đến nay cũng giảm mạnh và trong nửa đầu tháng 12, mức giá xuất khẩu bình quân chỉ còn 73 USD một thùng. Có thể thấy, biên lợi nhuận từ dầu xuất khẩu thô ngày càng thu hẹp. Nếu giá tiếp tục giảm, khả năng hoạt động xuất khẩu dầu thô sẽ không còn lãi. Lý do là trong nửa đầu tháng 12, giá thế giới dao động từ 56-79 USD một thùng, song đến nay đã rớt về gần 54 USD một thùng.
Mỗi động thái của giá dầu đều đang được các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, như vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư khẳng định giá dầu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách mà còn tác động nhiều mặt. "Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8-1,2 điểm phần trăm", Bộ trưởng Vinh cho biết.
Với ngân sách, năm 2015, nguồn thu được xây dựng trên cơ sở dự toán giá dầu ở mức 100 USD một thùng, cao hơn mức dự toán năm nay là 98 USD một thùng. Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, cứ mỗi USD giá dầu giảm, thu ngân sách nguy cơ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng.
PVN hiện chưa phát ngôn về kế hoạch khai thác dưới ảnh hưởng của diễn biến giá dầu. Tính từ đầu năm, sản lượng khai thác dầu thô giữ ổn định, thậm chí còn tăng vọt trong tháng 11, thời điểm giá dầu thô thế giới xuống dưới 80 USD một thùng. Đến ngày 9/12, PVN cho biết đã cán mốc sản lượng khai thác 16,2 triệu tấn dầu và lên kế hoạch vượt chỉ tiêu trên 1 triệu tấn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đánh giá nếu giá dầu thô về dưới mức 70 USD một thùng, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. "Tuy nhiên, con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp từ các hoạt động sản xuất dầu thô, còn các nguồn khác như nhập khẩu dầu sản phẩm do đang hưởng lợi từ giá thấp nên đảm bảo cân bằng nguồn thu, không đến mức thiếu hụt", ông Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết quan điểm cơ quan này là không phải do giá dầu thô giảm mà kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù đắp, bởi những mỏ có chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà chờ khi giá tăng trở lại. Trong tình huống năm 2015 giá dầu tiếp tục thấp, Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối.
(Theo VNEX)
-------------------------
Vietcombank tài trợ Vietnam Airlines mua 18 máy bay thế hệ mới
Hợp đồng tín dụng trị giá 160 triệu USD tài trợ tiền trả trước mua 8 máy bay Boeing BB787-9 và 10 máy bay Airbus A350-XWB được hai bên ký kết tối 18/12.
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ dùng 160 triệu USD nói trên để thanh toán tiền trả trước của năm 2015, theo hợp đồng mua 8 máy bay B787-9 và hợp đồng mua 10 máy bay A350 - XWB.
Boeing B787-9 Dreamliner và Airbus A350 – 900 XWB là hai dòng máy bay thân rộng hiện đại nhất thế giới hiện nay, được thiết kế và chế tạo bằng các vật liệu tiên tiến nhằm mục đích giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí khai thác và bảo dưỡng, nâng cao hiệu quả khai thác và kinh tế. Khi được đưa vào khai thác từ năm 2015, hai dòng máy bay này sẽ giữ vai trò chiến lược trong kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế tầm xa của Vietnam Airlines.
Ngày 15/11, Vietnam Airlines đã đưa về Nội Bài chiếc Airbus A321 thứ 23 trong dự án đầu tư mới 26 chiếc giai đoạn 2011 – 2015. Đây cũng là chiếc máy bay thứ 3 Vietcombank tài trợ vốn cho Vietnam Airlines. Nhờ công nghệ vượt trội, giảm tiếng ồn, tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng, dòng máy bay A321 đang chiếm tỷ lệ lớn trong đội máy bay của Vietnam Airlines, đảm bảo hiệu quả khai thác và tính kinh tế đối với các đường bay nội địa và đường bay khu vực tầm ngắn.
Vietcombank hiện là ngân hàng trong nước thanh toán lớn nhất của Vietnam Airlines, đồng thời cũng là ngân hàng trong nước tài trợ vốn lớn nhất của Vietnam Airlines đặc biệt là đối với các dự án đầu tư phát triển đội bay như dự án đầu tư mua mới 26 máy bay Airbus A321; dự án đầu tư mua mới 10 máy bay Airbus A350, và dự án đầu tư mua mới 08 máy bay Boeing B787. Ngày 14/11/2014 vừa qua Vietcombank đã đấu giá thành công trong phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Vietnam Airlines và trở thành một trong những cổ đông lớn của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines đang khai thác 94 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế với tổng cộng hơn 300 chuyến bay mỗi ngày. Cùng với đội máy bay trẻ gồm 82 máy bay hiện đại như Boeing 777, Airbus A330, Airbus A321, Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở rộng đội bay với nhiều chủng loại máy bay tân tiến trên thế giới như Airbus A350-XWB, Boeing 787-9.
-------------------------
Việt Nam: đối thủ đáng gờm của ngành xuất khẩu điện tử Philippines
Các nhà xuất khẩu hàng điện tử ở Philippines đánh giá Việt Nam là một đối thủ đáng gờm trong ngành xuất khẩu chất bán dẫn nhờ lợi thế về giá năng lượng và cảng giao thương.
"Chi phí năng lượng của Việt Nam chỉ khoảng 1/2 ở Philippines, cộng thêm lợi thế không xảy ra tình trạng ách tắc tại cảng sẽ là những yếu tố có thể tác động lên quyết định của giới đầu tư", ông Dan Lachica - chủ tịch ngành chất bán dẫn và công nghiệp điện tử tại Philippines Inc - nhận định hôm 18-12.
Nhà cung cấp giải pháp vận chuyển CargoSmart cho biết so với cảng TP.HCM và Nhava Sheva (Ấn Độ), các cảng ở thủ đô Manila có tỉ lệ hoãn tàu cao nhất trong giai đoạn cao điểm tháng 9 đến 11-2014.
Không giống Singapore, hầu hết các nước Đông Nam Á khác lấy doanh thu xuất khẩu điện tử từ hoạt động sản xuất và lắp ráp nội địa. Từ năm 2009-20013, sản xuất điện tử tăng mạnh ở một số nước Đông Nam Á, nhưng ấn tượng nhất là Việt Nam - nước đang chuyển mình thành cỗ máy sản xuất linh kiện điện tử của khu vực chỉ sau vài năm mở rộng.
Theo khảo sát CargoSmart, tỉ lệ trễ tàu trung bình của Manila là 128,8 giờ từ ngày 15-9 đến 14-10, trong khi TP.HCM chỉ trễ 16,7 giờ và Nhava Sheva thấp nhất 16,4 giờ.
Tình trạng tắc nghẽn cảng tồi tệ nhất diễn ra trong khoảng thời gian 15-10 đến 15-11, khi đó Manila trễ tàu trung bình 145,6 giờ, TP.HCM 20,2 giờ và Nhava Sheva 15,6 giờ.
Ngoài điều kiện cảng thuận lợi, các ngành công nghiệp của Việt Nam cũng hưởng lợi từ chi phí điện năng thấp hơn. "Dưới quan điểm hoạt động, thì đó là những yếu tố hàng đầu để các nhà đầu tư chọn địa điểm kinh doanh", ông Lachica nói.
Số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy kim ngạch xuất khẩu thiết bị điện - điện tử của Đông Nam Á trong năm 2013 đạt gần 300 tỉ USD. Điện tử là ngành xuất khẩu lớn nhất của khu vực, đem lại lãi suất đáng kể và là "mũi nhọn" xuất khẩu của Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Trong đó, Singapore vừa là quốc gia dẫn đầu xuất khẩu điện tử ở Đông Nam Á, vừa là trung tâm kinh doanh và vận chuyển toàn cầu.
Khoảng 2/3 hàng điện tử xuất khẩu của Singapore là nhập khẩu rồi "tái xuất" mà không thông qua bất kỳ một quy trình lắp ráp nào khác. Thực tế, khối lượng sản xuất hàng điện tử trong nước của Singapore cũng tương đương với Malaysia và Việt Nam.
-------------------------