Canada áp lệnh trừng phạt mới với Nga bao gồm 10 nghị sĩ
Hôm 19.12, Canada tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga, trong đó có 10 nghị sĩ Nga, theo Ngoại trưởng Canada John Baird.
Theo đó, lệnh trừng phạt mới của Canada nhằm răn đe Nga những hành động ở Ukraina.
“Những biện pháp của chúng tôi được thực hiện cho đến nay có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và các đối tác của chúng tôi, và đặt áp lực kinh tế thực sự với Nga để giảm hoạt động quân sự của nước này ở Ukraina”, ông Baird nói.
Ngoại trưởng Canada cho biết, nước này đã ban hành lệnh cấm đi lại với 11 công dân Nga và 9 người Ukraina. Ngoài ra còn có những hạn chế mới về xuất khẩu công nghệ để sử dụng trong lĩnh vực dầu mỏ của Nga và một số quy định về vay nợ.
Trang web của Bộ Ngoại giao Canada cho biết, danh sách trừng phạt lần này gồm 11 người, trong đó có 10 nghị sĩ quốc hội Nga. Trong số đó có Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, người đứng đầu đảng "Nước Nga thống nhất" Vladimir Vasilyev. Danh sách này cũng bao gồm Phó Chủ Thượng viện Yuri Vorobyov và người đứng đầu văn phòng nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) tại Liên bang Nga Andrei Rodkin.
Như vậy, số lượng cá nhân chịu các lệnh trừng phạt của Canada hiện đã lên tới 77 người. Lần gần đây nhất Canada áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga là hôm 16.9.
-------------------------
Obama dọa đáp trả Triều Tiên sau vụ tấn công hãng phim
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với sự đáp trả vì cho rằng nước này tấn công mạng hãng xuất bộ phim giả tưởng về một vụ ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng với thời gian, địa điểm cùng cách thức do chúng tôi chọn", AFP dẫn lời Tổng thống Obama nói. "Không thể có một xã hội mà một số kẻ độc tài ở đâu đó lại áp đặt kiểm duyệt tại Mỹ".
Trước đó, một nhóm tin tặc tấn công Sony Pictures, hãng sản xuất bộ phim hài "The Interview" có nội dung ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhóm này đe dọa về an ninh nếu hãng công chiếu bộ phim, cảnh báo người Mỹ không được đến các rạp chiếu phim này và nhắc nhở họ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Sony Pictures cuối cùng quyết định hủy buổi công chiếu ngày 25/12.
Tổng thống Obama nhận xét rằng hãng phim đã "sai lầm" khi hủy công chiếu. Trong khi đó, Sony Pictures bảo vệ quyết định của mình bởi lời đe dọa của nhóm tin tặc khiến hệ thống các rạp từ chối chiếu bộ phim.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo "đã có đủ thông tin để kết luận rằng chính phủ Triều Tiên chịu trách nhiệm cho những hành động này". "Những hành động đe dọa như vậy đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được về hành vi của một quốc gia", FBI cho hay.
Những kẻ tấn công đã sử dụng phần mềm độc hại để xâm nhập vào Sony Pictures, khiến hàng nghìn máy tính của hãng không thể hoạt động. Kết quả phân tích phần mềm trên cho thấy nó có mối liên hệ với những phần mềm độc hại khác do "các tác giả người Triều Tiên" phát triển.
"Không có bằng chứng" cho thấy Triều Tiên phối hợp hành động với nước khác, ông Obama nói, sau khi có báo cáo cho rằng Bắc Kinh có thể đã hỗ trợ Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh hôm qua khẳng định không hỗ trợ thực hiện hành động bất hợp pháp trên trong phạm vi lãnh thổ nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kêu gọi Mỹ chia sẻ bằng chứng trong vụ việc, Reuters cho hay.
Kim Song, cố vấn chính trị Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, hôm qua phủ nhận cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng. "Đất nước chúng tôi không có liên hệ với tin tặc", Kim Song nói. "Không có mối liên hệ nào cả. Điều này không đáng bình luận".
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn ca ngợi vụ tấn công mạng là "hành động chân chính". Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên lên án Sony Pictures vì "tiếp tay cho một hành động khủng bố, làm tổn thương phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho hay.
-------------------------
Nga bơm 1.000 tỷ rouble bảo vệ ngân hàng
Hạ viện Nga vừa thông qua luật hỗ trợ vốn lên tới 1.000 tỷ rouble (16,5 tỷ USD) cho các ngân hàng, nhằm bảo vệ họ trước lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Lĩnh vực tài chính của Nga đang quay cuồng trong cơn lốc suy giảm kinh tế, đồng rouble rơi tự do và lệnh cấm vận từ các nước Tây do khủng hoảng Ukraine. Các ngân hàng nước này đang bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn quốc tế, khiến lãi suất đi vay cũng tăng mạnh, Reuters cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov hôm qua cho biết các ngân hàng có thể bắt đầu nhận vốn hỗ trợ từ đầu năm sau. Tuy nhiên, thông qua luật này cũng đồng nghĩa ngân sách sẽ rơi vào thâm hụt, khoảng 0,8% GDP.
"1.000 tỷ rouble này sẽ làm tăng vốn của hệ thống ngân hàng lên thêm 13%", ông cho biết. Đồng rouble mất giá đã khiến các ngân hàng khó gom đủ ngoại tệ cần thiết để trả nợ nước ngoài và không thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Hạ viện Nga đã thông qua dự luật sau ba lần đọc, nhanh hơn nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, nó vẫn cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Vladimir Putin ký duyệt. Đầu năm nay, Nga cũng đã cấp vốn bổ sung cho một số nhà băng, trong đó có VTB - một trong những ngân hàng lớn nhất nước này.
Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã nới lỏng nhiều quy định nhằm ổn định đồng rouble. Từ đầu năm, tiền tệ này đã mất giá 45% so với USD.
Trong cuộc khủng hoảng 2008, hai ngân hàng quốc doanh - VTB, Rosselkhozbank và nhà băng tư nhân - Alfa Bank cũng đã nhận được hỗ trợ tương tự. Hiện cả VTB và Rosselkhozbank đều nằm trong danh sách đen của phương Tây.
Ngân hàng lớn nhất Nga - Sberbank sẽ không được nhận vốn bổ sung theo chương trình hỗ trợ này, người đứng đồng hội đồng quản lý tài chính của Hạ viện cho biết. Tuy nhiên, họ có thể nhận vốn trực tiếp từ ngân hàng trung ương nếu cần.
-------------------------
Nga có thể cạn dự trữ ngoại hối
Theo một số nhà phân tích, dự trữ thực của Nga có thể chỉ bằng nửa con số công bố, và sẽ dùng hết trong 2 năm tới.
Chiến dịch bảo vệ đồng rouble đã tiêu tốn của Nga 80 tỷ USD năm nay. Theo số liệu chính thức hôm qua, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện là 414,6 tỷ USD. Giảm so với 509,6 tỷ USD năm ngoái, số liệu hiện tại đủ cho Nga nhập khẩu hơn một năm nữa và cao hơn nhiều mức an toàn tối thiểu.
Tuy nhiên, từ khi đồng rouble lao dốc tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga chỉ can thiệp vào thị trường với quy mô rất nhỏ. Thay vào đó, họ nâng lãi suất cơ bản thêm 7,5% trong 2 lần gần nhất, bất chấp nền kinh tế đang bị ảnh hưởng từ giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt.
Nhiều người cho rằng động thái này của Nga có thể là để bảo vệ lượng dự trữ khá ít hiện tại. Anders Aslund - nhà phân tích tại Viện Peterson là một trong những người khẳng định số liệu dự trữ quốc tế của Nga là không đúng.
Trên Financial Times, ông cho biết Nga đã tính cả giá trị hai quỹ dự phòng quốc gia, mà nói đúng ra là không được cộng vào dự trữ. Nếu trừ đi số này (khoảng 172 tỷ USD), cộng với 45 tỷ USD vàng và 12 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt tại IMF, dự trữ có thể sử dụng của Nga chỉ còn khoảng 200 tỷ USD.
Kể cả có thặng dư tài khoản vãng lai, nước này sẽ vẫn phải rút tiền từ dự trữ để trả nợ nước ngoài. "Trong mỗi năm 2015 và 2016, nợ nước ngoài ròng của Nga sẽ vào khoảng 100 tỷ USD. Nói cách khác, dự trữ của Nga sẽ hết sạch trong 2 năm tới. Và ngân hàng trung ương có vẻ đang rất vô vọng với việc này", Aslund cho biết.
Chiều qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong buổi họp báo rằng 415 tỷ USD dự trữ là đủ để đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nhưng ông cũng cho biết con số này sẽ không bị tiêu "vô tội vạ". Giới chức Nga đang lo lắng việc chi dự trữ quá nhanh khi nước này được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái năm tới.
Rõ ràng, tình huống hiện tại nghiêm trọng hơn nhiều năm 2008-2009, khi dự trữ của Nga là 600 tỷ USD. Kể từ đó, nợ của các công ty nước này đã tăng mạnh. Còn các nhà băng, vốn đang phải đối mặt với lợi nhuận thấp, tiền gửi co lại và nợ nước ngoài lớn, cũng sẽ cần hỗ trợ của ngân hàng trung ương, BNP Paribas cho biết.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng con số dự trữ của Nga không hề sai. Do bản chất của các quỹ dự phòng này là dành cho trường hợp khẩn cấp như hiện tại, khi giá dầu thấp và các công ty không thể vay vốn nước ngoài. Quan trọng hơn là, giải ngân cho lĩnh vực tư nhân từ một trong 2 quỹ này sẽ không khiến dự trữ bị suy giảm, Ivan Tchakarov - chiến lược gia tại Citi cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nga thường giữ USD trong các quỹ này thay Chính phủ. Nếu Bộ Tài chính muốn dùng chúng để hỗ trợ một ngân hàng, quỹ này có thể bán USD cho Ngân hàng trung ương để đổi lấy rouble.
"Dự trữ tổng sẽ không thay đổi do lượng tiền tại các quỹ này chỉ chuyển sang ngân hàng trung ương mà thôi. Số rouble mà ngân hàng trung ương in ra để mua USD sau đó sẽ được sử dụng bởi Bộ Tài chính để cho các nhà băng vay", Tchakarov giải thích.
Câu hỏi hiện tại chỉ là số dự trữ này có thể duy trì được trong bao lâu, khi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây áp lực lên Nga. Năng lượng đóng góp 70% lợi nhuận xuất khẩu và nửa ngân sách của Nga. Vì vậy, với giá hiện tại, dự trữ của ngân hàng trung ương gần như không thể bổ sung.
-------------------------