Tàu ngầm HQ 185 Khánh Hòa tiếp tục ra biển thử nghiệm
Tàu ngầm HQ 185 Khánh Hòa ở cảng St.Petersburg lại ra biển tiếp tục thử nghiệm. Trong khi đó, tàu hàng Rolldock Star chở tàu ngầm HQ 184 Hải Phòng về Việt Nam đã qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp sáng 20.12.2014.
Diễn đàn quân sự airbase (Nga) cho biết Nhà máy Admiralty đưa tàu ngầm HQ 185 Khánh Hòa tiếp tục thử nghiệm trên biển từ ngày 17.12.
HQ 185 Khánh Hòa là chiếc tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo 636.1 thứ tư nhà máy này đóng cho Hải quân Việt Nam trong lô hàng 6 chiếc. Ba chiếc đã bàn giao, gồm HQ 182 Hà Nội, HQ 183 TP.Hồ Chí Minh, và HQ 184 Hải Phòng (đang trên đường về nước bằng tàu hàng Rolldock Star).
Đến 8 giờ sáng 20.12 (giờ Việt Nam), tàu hàng Rolldock Star chở tàu ngầm Hải Phòng đã đi qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp. Theo lịch trình tàu sẽ đến cảng Tenerife (Tây Ban Nha) lúc 15 giờ ngày 25.12, theo trang tin marinetraffic.
Trước đó hãng tin Nga Interfax cho biết tàu ngầm Khánh Hòa đang trong giai đoạn chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam, rất có thể trong quý 1.2015.
-------------------------
Duyệt phương án mở rộng lọc dầu Dung Quất
Dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận, với phương thức tự đầu tư song song với đàm phán chuyển nhượng cho Gazprom Neft.
Về ưu đãi đầu tư và cơ chế tài chính, Thủ tướng đề nghị các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án tài chính, nguồn vốn, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. Cùng đó, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) và tỉnh Quảng Ngãi thống nhất công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng và phương án vốn để triển khai dự án.
Trước đó, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất được các Bộ ngành liên quan thẩm định xung quanh các vấn đề: công suất chế biến, nguồn nguyên liệu dầu thô, công nghệ, sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường, tiến độ triển khai...
Theo đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được mở rộng với vốn đầu tư khoảng 1,8 - 2 tỷ USD. Công trình mở rộng theo bốn hướng với 108 ha, công suất nâng cấp từ 6,5 lên 10 triệu tấn mỗi năm, hướng đến phát triển lĩnh vực hóa dầu. Dự kiến đầu năm tới, dự án bắt đầu triển khai và hoàn thành năm 2021.
-------------------------
Thành lập trường đại học đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh
Ngày 20.12, tại TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - đã đến chúc mừng và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trường Đại học Hạ Long.
Tại lễ đón nhận quyết định thành lập trường đại học đầu tiên của Quảng Ninh, Tiến sỹ Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long- cho biết: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, có trụ sở chính đặt tại TP.Uông Bí. Theo đó, trường có quy mô đào tạo trong giai đoạn I (2014-2018) trên 4.000 học sinh, sinh viên các hệ đào tạo (giữ nguyên các ngành sẵn có của 2 trường cao đẳng); giai đoạn II (2019 – 2024) sẽ mở thêm các ngành: Quản trị văn phòng, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ sinh học, kinh tế... quy mô đào tạo sau 10 năm thành lập trở đi khoảng 10.000 học sinh,sinh viên.
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc cho hay, để xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành “trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn về nguồn lực đầu tư cũng như các cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài về công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại trường. Cụ thể, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại đại học này giai đoạn 2015-2017 với mức hỗ trợ lớn dành cho chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ mỗi người từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng; hàng tháng mức lương cơ bản tăng gấp 5 lần đến 10 lần trong 3 năm 2015 – 2017 và tiền tạo dựng nhà ở từ 3,5 tỷ đến 4,5 tỷ đồng...
Giai đoạn 1, Trường Đại học Hạ Long sẽ đào tạo trên 4000 học sinh, sinh viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân- phát biểu cho rằng Quảng Ninh cần định hướng nhà trường lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp, gắn với đặc thù thế mạnh của địa phương và khu vực; cần có cơ chế thu hút những người có đủ tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc tại trường, đáp ứng yêu cầu của một trường đại học.
-------------------------
Sớm ban hành Luật phòng, chống mại dâm
Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành pháp lệnh phòng, chống mại dâm được tổ chức sáng 19.12.2014 tại Hà Nội.
Theo Phó Thủ tướng, sau 10 năm thi hành pháp lệnh này, Việt Nam vẫn kiên định coi mại dâm là bất hợp pháp và sẽ sớm ban hành Luật Phòng, chống mại dâm.
Kết quả của 10 năm
Theo Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, 10 năm thi hành pháp lệnh phòng, chống tệ nạn mại dâm, Việt Nam huy động sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, đến nay Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, 6 quyết định, 3 chỉ thị; các bộ, ngành liên quan đã ban hành 29 thông tư, thông tư liên tịch và quyết định hướng dẫn thi hành.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện được triển khai nghiêm túc. Nhờ đó, từ năm 2003 đến nay, các đội kiểm tra liên ngành 178/CP đã kiểm tra 602.891 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 172.323 cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 27.176 lượt cơ sở, phạt tiền 116.516 lượt cơ sở với tổng số tiền hơn 83 tỉ đồng.
Viện kiểm sát các cấp truy tố 7.700 vụ với 10.354 bị can; tòa án các cấp xét xử 8.967 vụ với 12.051 bị cáo. 100% đối tượng bán dâm vào trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội được chữa bệnh, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm và xóa mù,…
Ở các địa phương và nhiều cơ quan chức năng, công tác phòng, chống mại dâm được triển khai với nhiều phương thức cụ thể, thiết thực. Tại TPHCM, ngành chức năng lồng ghép chương trình phòng, chống mại dâm với các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, nhờ đó, huy động được sự vào cuộc của đông đảo quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương.
Thủ đô Hà Nội linh hoạt kết hợp tư vấn dạy nghề với tạo việc làm cho các trường hợp tham gia nhóm đồng đẳng. Tại Khánh Hòa, hàng trăm người bán dâm được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội tìm việc làm, cải thiện đời sống thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng. Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng tiếp cận và hỗ trợ người bán dâm qua các nhóm đồng đẳng và xác định đây là cách làm quan trọng, hiệu quả nhất…
Sớm ban hành Luật Phòng, chống mại dâm
Theo Sở LĐTBXH TP. Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 3.000 người bán dâm không quản lý và 2.579 người bán dâm có hồ sơ. Khó khăn lớn của Hà Nội là từ khi mở rộng địa giới hành chính, ngoài địa bàn rộng lớn, sự phát triển
KT-XH nhanh chóng của thủ đô cũng khiến công tác phòng, chống mại dâm khó càng thêm khó. Ngoài ra, nhiều địa bàn giáp ranh, phức tạp lại chưa có sự phối hợp nhất quán nên việc quản lý người bán dâm gặp nhiều trở ngại. TPHCM lại “nóng” với tình trạng người bán dâm dùng nhiều hình thức mới tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng như mặc cả, “giao dịch” trên mạng; tình trạng bán dâm nam và bán dâm của người chuyển giới cũng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Dù đạt được một số thành công sau 10 năm triển khai pháp lệnh nhưng như đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác phòng, chống mại dâm của Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, dư luận xã hội vẫn chia thành các nhóm quan điểm khác nhau về vấn đề mại dâm như không công nhận, quy hoạch hoặc nhóm lại, chấp nhận. Quan điểm của Chính phủ vẫn kiên định không công nhận mại dâm và coi đây là việc làm bất hợp pháp. Tuy nhiên, song song với phòng, chống mại dâm, chúng ta phải thực thi pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền con người và nhân phẩm của họ. Nhiệm vụ phòng, chống mại dâm cũng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội và chúng ta phải xác định phòng là chính.
“Chính phủ sẽ sớm trình Luật Phòng, chống mại dâm để Quốc hội thông qua trên cơ sở tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành; các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các vấn đề tồn tại đồng thời với lấy ý kiến đông đảo nhân dân tham gia góp ý trước khi hoàn thiện luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
-------------------------