Tin kinh tế trưa 20-12-2014: Giá đất sẽ tăng gần 2 lần - OPEC giảm giá dầu là để dìm Mỹ hay dìm Nga?

  • Cập nhật : 20/12/2014

 Giá đất sẽ tăng gần 2 lần

Ngày 18.12, Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP.HCM (Hội đồng) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND của 24 quận, huyện trên địa bàn TP để thống nhất dự thảo bảng giá đất trước khi trình UBND TP vào ngày 22.12 sau đó sẽ trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp tháng 12.2014 để kịp ban hành vào ngày 1.1.2015. Dự kiến bảng giá đất mới của TP sẽ tăng gần gấp 2 lần so với bảng giá cũ hiện nay. Tuy nhiên mức giá này cũng chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường.
 
Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng phương pháp xây dựng bảng giá đất, bảng giá mới bắt buộc phải theo khung giá của Chính phủ quy định tối đa là 162 triệu đồng/m2, tối thiểu là 120.000 đồng/m2. Theo đó, cao nhất là một số tuyến đường ở Q.1 như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... có giá 162 triệu đồng/m2. Như vậy, bảng giá đất mới của TP không có quận, huyện nào tăng 2 lần, mức tăng cao nhất ở quận 1 cũng chỉ tăng 1,9 lần so với mức hiện hành.
 
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở TN-MT, Phó chủ tịch Hội đồng cho biết thông tin bảng giá đất mới đã gần “chạm” khung nhưng cũng chỉ bằng khoảng từ 25 - 30% giá thị trường. Trong khi đó, giá đất nông nghiệp giữ nguyên vì vẫn nằm trong khung giá đất và giúp những dự án đang giải phóng mặt bằng ít bị tác động. Ông Hồng cũng thông tin, bảng giá đất mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người dân khi nghĩa vụ tài chính sẽ tăng, nhất là khi các hộ gia đình cá nhân hợp thức hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với người dân bị giải tỏa đền bù sẽ được hưởng lợi bởi tiền đền bù theo đó sẽ tăng theo. Theo bà Hương Lan, ngoài việc xây dựng lại bảng giá đất, Sở Tài chính sẽ tiến hành điều chỉnh lại hệ số K để khi bảng giá đất mới ban hành sẽ áp dụng được ngay, tránh xảy ra tình trạng hệ số K quá cao.
-------------------------
Gánh nặng nợ công
Nợ công VN tăng nhanh trong 4 năm qua, lên tới hơn 1,5 triệu tỉ đồng. Vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại nhất là khả năng trả nợ, cả lãi vay lẫn nợ gốc như thế nào trong bối cảnh thâm hụt ngân sách có chiều hướng xấu hơn do giá dầu thô giảm sâu.
 
Theo bản tin nợ công do Bộ Tài chính vừa công bố, tính đến hết năm 2013, nợ công VN đã lên tới 1,5 triệu tỉ đồng, tương đương 60% GDP; dự báo cuối năm nay, nợ công chiếm khoảng 60,3% GDP và đạt đỉnh 64,9% GDP vào năm 2017. Đó là chưa tính khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh trong năm 2013 là 396.113 tỉ đồng. Riêng khoản nợ này cũng liên tục tăng cao trong các năm qua.
 
Chuyển hướng vay trong nước
 
Bản tin nợ công cũng cho biết, trong khi nợ nước ngoài của VN có xu hướng tăng chậm lại (từ 42,2% GDP năm 2010 còn 37,3% GDP năm 2013) thì nợ trong nước lại tăng cao. Cụ thể là từ 359.135 tỉ đồng năm 2010 lên 753.000 tỉ đồng năm 2013. Cũng trong năm 2013, tổng số tiền chi trả nợ của Chính phủ tăng gần gấp đôi so với năm 2010, tới gần 186.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 4 năm qua cũng tăng liên tục từ 158% lên hơn 184%.
 
Về mức tăng nợ nước ngoài chậm lại, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Trong năm qua, VN đã chuyển hướng từ vay nợ nước ngoài sang tăng vay trong nước, thông qua hình thức bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại. Đó là lý do tại sao nợ nước ngoài tăng chậm trong năm 2013, xuống còn 37,3%. Theo ông Phong, vay nước ngoài giảm chủ yếu sau một vài sự cố, đặc biệt là vụ Vinashin, khiến khó vay hơn. “Nhưng nợ nước ngoài hay nợ trong nước không phải là vấn đề quan trọng, vì tính chung nợ công vẫn ở mức quá cao, lên tới 1,5 triệu tỉ đồng và con số trả nợ cũng quá lớn. Càng lo ngại hơn khi trong 3 năm tới là quãng thời gian phải trả nợ lớn nhất”, ông Phong khuyến cáo.
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định nợ nước ngoài “tăng chậm chứ không phải giảm xuống”, vì chúng ta không còn nhiều khả năng để vay. “Không có chuyện vay nợ trong nước an toàn hơn vay nước ngoài, vấn đề là có đủ khả năng trả nợ hay không”, ông Thành bình luận.
 
Lý giải nguyên nhân vì sao VN luôn đưa ra nhiều chính sách giảm vay nợ, nhưng nợ công vẫn tăng mạnh từng năm, như từ năm 2010 đến 2013 tăng 70%, cụ thể từ 889.000 tỉ đồng lên 1,5 triệu tỉ đồng, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Cái chính là vì ngân sách không đủ cho chi tiêu, đầu tư, trả nợ nên thiếu hụt. Thiếu hụt thì phải đi vay, nợ mới chồng nợ cũ; lãi vay chồng lên nợ gốc... nên nợ công ngày càng cao. Có người thậm chí còn thẳng thắn cảnh báo ngân sách không đủ để trả lãi nợ công, chứ chưa tính tới nợ gốc. Điều này VN cần phải làm rõ. Một vấn đề khác nguy hiểm là chúng ta vay nợ để phục vụ cho đầu tư công, cho đầu tư phát triển nhưng lại để một phần bị mất mát và ngân sách phải gánh chịu phần mất mát đó”, ông Thành nhấn mạnh.
 
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, lưu ý: “Thực tế, thời gian qua VN có giảm phần nào vay vốn ODA và việc vay nước ngoài cũng có cân nhắc, không phải vay ồ ạt. Còn nợ trong nước tăng gấp đôi là vì thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục. Trái phiếu chính phủ bán ra rất dễ tiêu thụ bởi là món quà cho các ngân hàng thương mại, do lãi suất cao”.
 
Kiểm soát chặt chi tiêu
 
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách có nguy cơ giảm sâu do giá dầu thô thế giới giảm mạnh, TS Nguyễn Minh Phong tỏ ra lo lắng về nguồn tiền trả nợ. “Cần tăng thu thuế để không hụt thu ngân sách và có tiền trả nợ. Trong đó, như nhiều người đề cập, sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt hàng như thuốc lá, rượu. Ngoài ra, cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc thu thuế, hạn chế tối đa vấn đề trốn thuế, lách thuế...”, ông Phong nói.
 
TS Lê Đăng Doanh thì kêu gọi tích cực tái cơ cấu ngân sách, bởi thực tế vẫn chi thường xuyên quá cao, đồng thời giảm mạnh lãng phí trong chi tiêu công và đầu tư công. “Ngân sách hiện nay là hết sức khó khăn. Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP đã rất cao. Ở các nước trong khu vực, tỷ lệ này là 17% GDP trong khi VN là hơn 21%. Đó là lý do cần điều chỉnh thu chi ngân sách”, ông Doanh nói và nhấn mạnh: “Chúng ta đang chi vượt quá thu và sống trên vay nợ. Đó là một bối cảnh hết sức nguy hiểm”.
 
Chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt vấn đề: Sức khỏe của nền kinh tế hiện nay không tốt, không sáng sủa, doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước “chết” hàng loạt, xuất khẩu lại phụ thuộc quá mức vào DN có vốn đầu tư nước ngoài khi chiếm tới 68% tổng kim ngạch xuất khẩu... Trong điều kiện như vậy thì ngân sách lấy nguồn nào để đảm bảo chi tiêu, đầu tư, trả nợ? “Đủ khả năng trả nợ hay không là vấn đề quan trọng. Vì thế, cần kiểm soát chi tiêu một cách nghiêm túc để tránh nguy hiểm cho nền kinh tế; có chính sách phục hồi kinh tế phù hợp để có nguồn thu ngân sách bền vững. Một DN, nếu chi nhiều hơn thu, là phá sản, cho nên chủ DN nếu rơi vào trường hợp này sẽ bằng mọi cách không để DN mất khả năng thanh toán”, ông Thành nói.
 
Doanh nghiệp nợ quá lớn
 
Theo TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính cần cho biết lãi suất phải trả của mỗi khoản nợ công ra sao và nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là bao nhiêu.
 
Ông Trinh dẫn công bố của Tổng cục Thống kê trong tài liệu Sự phát triển của DN VN giai đoạn 2006 - 2011 và các số liệu cập nhật cho thấy đến cuối 2012, nợ của khối DNNN vào khoảng 192 tỉ USD, chiếm khoảng 124% GDP. Còn DN ngoài nhà nước (DN nội) thì tổng nợ phải trả là 415 tỉ USD, bằng 269% GDP. Tính chung nợ của hai khối DN này lên tới 607 tỉ USD. Nếu lãi suất bình quân 3 - 4% thì khối DN nội phải trả lãi hằng năm từ 12 - 16 tỉ USD. Nhưng vấn đề nguy hiểm hiện nay là DN làm ăn khó khăn, tỷ suất lợi nhuận của DNNN chỉ khoảng 3%, DN ngoài nhà nước chỉ 1% thì lấy tiền đâu để trả nợ? Một khi DN không ăn nên làm ra sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và khả năng trả nợ.
----------------------
 OPEC giảm giá dầu là để dìm Mỹ hay dìm Nga?
Thế giới đang trải qua những ngày sóng gió và kịch tính hơn bao giờ hết. Cuộc bầu cử sớm quyết định tương lai nước Nhật vừa kết thúc thì đến lượt Nga nâng lãi suất lên mức khó có thể tưởng tượng để giữ giá đồng Rup, và giờ đây đến lượt OPEC trở thành nhân vật chính trong tâm bão với chuyện dìm giá dầu. 
 
Giá dầu sau khi chạm đáy ở mức 58 USD/thùng đã lại một lần nữa vượt ra ngoài khả năng của dự đoán của tất cả, khi đã giảm thêm một lần nữa xuống mức 54 USD/thùng vào ngày hôm qua. Đã đến lúc cả thế giới phải đặt ra câu hỏi: mục đích thực sự của OPEC và Arab Saudi trong chuyện dìm giá dầu là gì?
 
Trên thực tế, việc giá dầu tiếp tục giảm sau khi đã chạm mốc 58 USD/thùng đã được giới phân tích dự đoán trước, nhưng việc có thêm một pha giảm sâu đến 54 USD/thùng thì lại vượt ra ngoài dự tính. Việc IEA đưa ra dự báo khá bi quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2015 ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trên toàn thế giới vốn là nguyên nhân chính khiến giá dầu chạm mốc 58 USD/thùng được cho là vẫn chưa phát huy hết hậu quả. Khi mà giá dầu cách đây chưa đầy một tuần vẫn còn trên 65 USD/thùng thì việc giảm xuống chỉ còn 58 USD đồng nghĩa với việc nó sẽ tiếp tục giảm.
 
Nhưng giảm đến 54 USD/thùng thì là việc không ai ngờ đến. Khi mà hầu hết giới phân tích đã tính đến khả năng giá dầu sẽ được cải thiện, dù không nhích dần lên thì cũng sẽ không tụt thêm, thì chiều hướng tụt giá vẫn tiếp diễn. Ngoài việc một số hãng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang tỏ ra bền bỉ hơn dự đoán để tiếp tục hoạt động khai thác, thì một nguyên nhân chủ đạo đang khiến hầu hết các chuyên gia quan tâm là những phản ứng và ý đồ thực sự của OPEC – tổ chức vẫn đang nắm giữ quyền lực số một trên thị trường dầu.
 
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đã tụt ở mức vượt khá xa ngưỡng giới hạn mà chính OPEC tuyên bố là giới hạn chót. Bộ trưởng dầu khí Kuwait, trong một phát biểu trước báo giới, đã tuyên bố OPEC chỉ có ý định giữ giá dầu ở mức 65 USD/thùng và có thể sẽ có biện pháp can thiệp nếu giá dầu tụt xuống dưới mức này. 65 USD vì thế được coi là cái mốc cuối cùng cho giới hạn chịu đựng của OPEC, khi rất nhiều các quốc gia thành viên của tổ chức này đang vô cùng khốn đốn vì giá dầu tụt quá sâu ảnh hưởng đến ngân sách và những vấn đề trong nước của họ.
 
Nhưng giờ đây, khi giá dầu đã xuống đến mức chỉ còn 54 USD/thùng, OPEC với người đứng đầu Ả Rập Saudi vẫn đang bình chân như vại. Không hề có dấu hiệu can thiệp nào từ phía tổ chức xuất khẩu dầu mỏ quyền lực nhất thế giới liên quan đến giá dầu. Cũng lạ lùng không kém khi hầu hết các thành viên khác của OPEC như Iraq hay Venezuela đều không tỏ thái độ trước việc giá dầu xuống thấp đến mức kỷ lục trong khi hầu hết các nước này đã là những người hoảng hốt nhất khi mà giá dầu còn ở mức gần 70 USD/thùng cách đây gần 2 tuần.
 
Thái độ bình thản một cách điềm nhiên của OPEC đang khiến giới phân tích nghiêng về phương án tổ chức này đang chủ động duy trì cơn sốt giảm giá dầu hiện nay để giành tối đa thị phần trên thị trường dầu thế giới. Chỉ loại Mỹ không thôi là chưa đủ, mà còn phải hạ cả Nga nữa. Một số hãng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã giảm sản lượng, nhưng như thế vẫn là chưa đủ để triệt hạ ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến đang lên của Mỹ. 
 
Và quan trọng không kém là đến giờ Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm sản lượng khai thác. Nếu OPEC chỉ triệt hạ được Mỹ thì tình hình sẽ không khác gì trước đây, khi vẫn còn Nga đối đầu trên thị trường dầu. Dễ hiểu rằng một khi OPEC đã chấp nhận những thiệt hại cho bản thân khi dìm giá để loại trừ Mỹ, thì họ sẽ không bỏ lỡ thời cơ để loại trừ thêm Nga.
 
Thực vậy, nếu có một cơ hội nào để triệt hạ Nga trên thị trường dầu thế giới, thì không lúc nào thích hợp hơn thời điểm hiện tại. Kinh tế Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 và giá dầu giảm mạnh đang là một đòn mạnh giáng vào quốc gia có lượng xuất khẩu dầu thô lớn hàng đầu thế giới này. Dễ dàng nhận ra dù đang rất khốn đốn với tình hình kinh tế khó khăn, nhưng Nga vẫn không giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu dù chính phủ của tổng thống Putin đang phải bơm USD từ dự trữ ngoại tệ và dùng đến công cụ kiểm soát tài chính để ngăn đồng Rup mất giá quá sâu.
 
Giới phân tích cho rằng, OPEC sẽ tiếp tục duy trì tình trạng giá dầu giảm, hoặc ít nhất cũng giữ ở mức thấp như hiện tại, đến khi Mỹ và Nga buộc phải chấp nhận lùi bước với việc giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu. Chỉ đến khi hai đối thủ sừng sỏ này chịu thua, OPEC và Saudi mới quyết định tung ra những chính sách để nâng giá dầu lên trở lại, khi mà tổ chức này đã nuốt trọn một phần lớn thị phần trên thế giới do Mỹ và Nga buộc phải để lại.
-----------------------
 Putin thở phào khi rúp ngừng giảm
 Ngay trước cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống Nga Putin, giá dầu tăng cao hơn và hàng loạt biện pháp mạnh tay của Kremlin để vực dậy các ngân hàng đã chặn đứng được đà giảm giá của đồng rúp.
 
Người Nga hy vọng hơn vào việc có thể vượt qua cơn khủng hoảng tồi tệ nhất về tiền tệ.
 
Hàng loạt nỗ lực tập trung và thống nhất của Kremlin, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính đã giúp đồng bản tệ tăng trở lại ở mức đầu tuần. Theo giới phân tích, Putin có thể "thở phào" khi bước vào cuộc họp báo thường niên hôm nay giữa lúc Nga phải đối mặt với những thách thức kinh tế và tài chính.
Đầu tháng này, Putin nói rằng, sự sụt giảm của đồng rúp là điều tốt lành cho kinh tế Nga. Tuy nhiên, vào đêm thứ tư, các nhà hoạch định chính sách cấp cao ở Moscow đã cho thấy họ đánh giá thế nào về nguy cơ rơi tự do của đồng bản tệ.
 
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã khẳng định, Nga có những công cụ để đối phó với đồng tiền đã đã giảm dưới mức thông thường trong khi Bộ Tài chính tuyên bố đang mua đồng rúp tại các sàn giao dịch nước ngoài bằng nguồn dự trữ 7 tỉ USD của mình.
 
Sau đó, Ngân hàng Trung ương cho biết sẽ nới lỏng quy định thanh khoản, cho phép các ngân hàng định giá giá trị tài sản trong quý ba năm 2014 trước khi cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt đầu. Họ cũng có kế hoạch bơm thêm vốn vào hệ thống ngân hàng trong năm 2015.
 
Đà giảm của đồng rúp chững lại còn là do giá dầu thô tăng 3 USD lên mức 63USD/thùng.
 
Mặc dù vậy, đồng rúp đã mất khoảng một nửa giá trị so với đồng đô la kể từ đầu năm nay, và lời hứa ổn định kinh tế của ông Putin đang bị đe dọa. Theo giới phân tích, giá dầu sụt giảm, cùng với các vấn đề về cấu trúc kinh tế và tác động của các biện pháp cấm vận phương Tây đã tạo nên "cơn bão hoàn hảo" dập vùi đồng rúp. Quyết định tăng mạnh lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% vào cuối ngày thứ hai đã không chặn được đà giảm đồng rúp. Ngân hàng Trung ương Nga đã huy động dự trữ ngoại tệ trong nỗ lực vực dậy đồng bản tệ.
 
Nhiều cửa hàng ở Moscow đã tăng giá chóng mặt để theo kịp đà giảm của đồng rúp. Apple đóng gian hàng trực tuyến tại Nga còn người dân vội vã mua hàng hóa nhập khẩu.
 
Các nhà quan sát Kremlin đang dõi theo chặt chẽ động thái của Putin trong cuộc họp báo hôm nay. Trong thông điệp liên bang hồi đầu tháng, ông đã đổ lỗi cho phương Tây nỗ lực phá hủy nước Nga. Người phát ngôn của Putin, Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga sẽ không bình luận gì về đồng rúp trước cuộc họp báo.
 
Cuộc họp báo thường niên của Putin có sự tham dự của hơn 1.000 nhà báo và thường kéo dài hơn 4 giờ.
-------------------------------
 

Tin Phap Luat Tin Phap Luattổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo