Trong lúc quét dọn khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), em Lê Thị Phương Ly đã nhặt được một số tiền lớn.
Ngày 19/12, Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đóng tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) cho biết, vừa tiếp nhận số tiền 18 triệu đồng từ một học sinh nhặt được trong quá trình quét dọn khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trước đó, vào ngày 14/12, Chi đoàn Đồn Biên phòng Roòn phối hợp với Đoàn Trường THPT Quang Trung đóng trên địa bàn huyện Quảng Trạch tổ chức làm vệ sinh tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – Đảo Yến. Trong quá trình làm vệ sinh, em Lê Thị Phương Ly (SN 1999, trú thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông) học sinh lớp 10A12 Trường THPT Quang Trung, đã nhặt được số tiền 18 triệu đồng của ai đó đánh rơi.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình em Ly rất khó khăn, hành động đẹp của em Ly khiến mọi người rất cảm phục.
Qua các trận lũ lớn như năm 2011 nhiều nơi mức ngập cao hơn mức ngập của trận lũ năm 1961 và năm 2000 là những năm xảy ra các trận lũ lớn lịch sử, hầu hết các cụm tuyến dân cư trong chương trình nhà ở cho vùng ngập lũ vẫn đảm bảo an toàn…
Ngày 18/12, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến khảo sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang liên quan đến chương trình nhà ở cho cụm/tuyến, khu dân cư vùng ngập lũ trên địa bàn.
Tại các cụm/tuyến dân cư xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước) và ấp Mỹ Trung (xã Hậu Mỹ B, huyện Cái Bè), đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã trực tiếp thị sát, kiểm tra về thực trạng xây dựng nhà ở, cũng như thăm hỏi đời sống của các hộ dân trước thềm năm mới.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tìm hiểu cặn kẽ các vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ tại địa phương. Trao đổi với lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng đặt câu hỏi, trong 4 cụm/tuyến dân cư vượt lũ, có hộ dân nào đã bàn giao đất nền nhưng không đến xây ở không?
Ông Nguyễn Thanh Quý (Chủ tịch UBND huyện Tân Phước) cho biết, trên địa bàn huyện chưa xuất hiện trường hợp nào bàn giao đất nền mà không vào ở. Hiện nay nhu cầu về nhà ở của bà con rất nhiều và dân xin đất nền địa phương còn chưa đáp ứng hết.
Đoàn công tác của Bộ cũng đến thăm hỏi đời sống của đại diện một số hộ dân tại các cụm/tuyến dân cư vượt lũ của xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước); ấp Mỹ Trung (xã Hậu Mỹ B, huyện Cái Bè) và khu bờ bao Hậu Phú 1 (xã Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè).
Tại các nhà dân đến thăm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng động viên bà con tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ tại địa phương, trong đó có tỉnh Tiền Giang.
“Qua đợt thị sát, kiểm tra lần này, trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng sẽ tích cực tham mưu với Chính phủ để tạo những cơ chế, chính sách cho một số địa phương đề nghị được tiếp tục tiến hành giai đoạn 3 của chương trình. Trong đó, chúng tôi nhìn nhận, vấn đề kinh phí, hỗ trợ vốn vay cho các hộ dân xây nhà tại các cụm/tuyến dân cư vượt lũ vẫn là vấn đề còn khó khăn của địa phương” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng khái quát.
Cũng trong ngày 18/12, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã có các buổi làm việc với Tỉnh ủy và Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang xung quanh Chương trình nhà ở cho cụm/tuyến, khu dân cư vùng ngập lũ trên địa bàn.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Phương Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn 2 của chương trình xây dựng cụm/tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ nhằm bảo vệ cho trên 13.000 hộ dân sống an toàn trong mùa lụt, đưa những người dân này vào 3 dự án cụm dân cư và 43 dự án tuyến bờ bao khu dân cư có sẵn. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận, hiện nay 3 dự án cụm dân cư đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường giao thông, cấp thoát nước, điện sinh hoạt) nhưng mới đạt 79% các hộ dân vào định cư (403/514 căn nhà).
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét để tỉnh thực hiện giai đoạn 3 của chương trình vì theo kết quả khảo sát của các địa phương thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 vùng ngập lũ cần được đầu tư xây dựng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chương trình xây dựng các cụm/tuyến dân cư vượt lũ được Thủ tướng phê duyệt với yêu cầu phải xây dựng cụm, tuyến dân cư để bảo đảm chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng trên 202.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ thuộc 8 tỉnh, trong đó có Tiền Giang. Ngoài ra, phương án hướng tới việc tôn nền để giải quyết diện tích đất cho nhân dân xây dựng nhà ở, chương trình trong các giai đoạn tiếp theo phải đảm bảo điều kiện để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên các cụm tuyến dân cư như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, y tế, giáo dục…
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá chung chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL đã và đang mang lại hiệu quả rất cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo Tiền Giang cần quan tâm đến các vấn đề còn tồn đọng, bất cập trong triển khai chương trình, như tiến độ thực hiện còn chậm; chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống cấp điện, cấp nước, bãi chôn lấp rác thải; nhiều hộ dân vẫn chưa vào ở trong các cụm tuyến, trong khi một số hộ gia đình rời khỏi nơi ở trong cụm tuyến đi nơi khác...
Trong ngày 19/12, đoàn công tác của Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đến khảo sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp liên quan đến chương trình nhà ở cho cụm/tuyến, khu dân cư vùng ngập lũ tại địa phương này.
Tổng kết giai đoạn 1 của chương trình nhà ở vùng ngập lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao kết quả đạt được của các địa phương. Qua các trận lũ lớn (đặc biệt trong năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn, nhiều nơi mức ngập cao hơn mức ngập của trận lũ năm 1961 và năm 2000 là những năm xảy ra các trận lũ lớn lịch sử), hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư vẫn đảm bảo an toàn. Chương trinfhd được nhận định là đạt mục tiêu tổng quát: đảm bảo cho các hộ dân trong vùng có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững, “bảo đảm điều kiện để chung sống với lũ”. Số người thiệt hại trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng 1/20 so với năm 2000.
------------------------
Đô đốc Mỹ đánh giá cao quan hệ với Việt Nam
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông Harry B. Harris Jr, đề cao mối quan hệ với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, và muốn tiếp tăng cường quan hệ quân sự các nước trong khu vực, bất chấp các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 18/12 cho hay ông sẽ tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, bất chấp các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Đô đốc Harry B. Harris Jr, người hiện chỉ huy các lực lượng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và hồi tuần trước đã được phê chuẩn làm Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay Trung Quốc đã đẩy căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong những năm gần đây, khiến một số quốc gia trong khu vực phải coi Mỹ làm đồng minh an ninh.
“Tôi cho rằng các hành động của Trung Quốc đang khiến các quốc gia xem Mỹ như đối tác an ninh, chứ không phải Trung Quốc”, ông Harris nói trong cuộc phỏng với tờ Wall Street Journal.
Ông Harris nói thêm rằng các đường hướng của ông “sẽ không khác người tiền nhiệm - Đô đốc Samuel Locklear. Tôi ủng hộ hoàn toàn những gì ông ấy đã và đang làm và sẽ không có gì thay đổi”.
Đô đốc Harris, sinh tại Nhật Bản, người Mỹ gốc Á đầu tiên đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay sự ổn định tại khu vực tranh chấp là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Washington cũng đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong khu vực vốn không bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đô đốc Harris cho biết ông đã thực hiện 19 chuyến thăm tới các quốc gia Thái Bình Dương trong năm nay.
“Tôi không thể xem nhẹ giá trị các mối quan hệ sâu sắc và các nỗ lực xây dựng năng lực với các đối tác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam”.
Căng thẳng đã gia tăng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu vào lãnh hải Việt Nam hồi tháng 5 năm nay. Các hành động của Bắc Kinh cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Washington.
Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, yêu cầu các máy bay phải cung cấp chi tiết kế hoạch bay khi đi ngang qua. Bắc Kinh cũng tiếp tục công tác cải tạo đất và xây dựng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Đô đốc Harris cho hay, động thái của Trung Quốc nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không “không phải là hành động của một nước lớn”. Ông Harris ủng hộ Phillipines về đưa các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông ra phân xử tại tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, ông Harris nhấn mạnh rằng Mỹ muốn xây dựng mối quan hệ quân sự hợp tác với Trung Quốc. “Không phải là sự Mỹ đối đầu với Trung Quốc. Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực cần hợp tác cùng nhau để cải thiện sự ổn định và thịnh vượng trong toàn bộ khu vực”, ông nói.
----------------------------