Khoảng 10.000 người ngày 18/12 đã phải sơ tán sau khi một quả bom nặng tới 250 kg còn sót lại từ Thế chiến II được phát hiện tại thành phố Postdam (Đức).
Hãng AFP đưa tin, một quả bom từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai đã được tìm thấy ở một công trường xây dựng gần nhà ga trung tâm thành phố Postdam (chỉ cách thủ đô Berlin khoảng 24 km) vào sáng 18/12.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, chính quyền thành phố Berlin và Postdam đã đình chỉ toàn bộ hoạt động của các phương tiện giao thông như xe buýt, xe điện, tàu hỏa và sơ tán 10.000 dân cùng toàn bộ các tòa nhà chính phủ tại Berlin.
Một đội xử lý bom đã được cử tới hiện trường để tháo ngòi nổ của quả bom này. Có thông tin cho rằng đây là một quả bom còn sót lại từ trận ném bom Không quân hoàng gia Anh xuống khu trung tâm thành phố Postdam vào ngày 14-15/4/1945.
Tại các thành phố của Đức, hiện vẫn còn nhiều bom mìn do Hồng quân Liên Xô và các nước thuộc phe Đồng minh thả xuống trong Thế chiến II. May mắn là phần lớn các quả bom này đều đã được vô hiệu hóa an toàn ngay khi tìm thấy chúng.
Chính quyền Berlin cho hay chỉ tính riêng ở thủ đô, hiện vẫn còn khoảng 3.000 quả bom nằm trong lòng đất. Các chuyên gia cũng đã cảnh báo rằng các quả bom này đang ngày càng nguy hiểm bởi chúng đang bị hoen gỉ dần, khiến ngòi nổ cũng dễ vỡ hơn.
Hàng rào bảo vệ quanh Nhà Trắng cần được gia cố và tăng chiều cao thêm từ 1,2-1,5 m để ngăn chặn người lạ đột nhập vào bên trong, theo một báo cáo an ninh độc lập vừa được công bố ngày 18/12.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 18/12 đã đưa ra bản báo cáo cho rằng Cơ quan Mật vụ, đơn vị phụ trách an ninh cho các đời Tổng thống nước này, cần phải bổ nhiệm một giám đốc mới có trách nhiệm và từ cơ quan khác, tránh để xảy ra tình trạng cục bộ tại đơn vị này.
Bản báo cáo nêu trên cũng cho rằng Cơ quan Mật vụ Mỹ cần tăng cường các giải pháp bảo vệ an ninh bằng những nhân viên mặc thường phục, cũng như cần sớm bổ nhiệm giám đốc mới.
Báo cáo nêu rõ: "Dựa trên kết quả cuộc một cuộc điều tra độc lập, chúng tôi nhận thấy giám đốc mới của Cơ quan Mật vụ phải là người có thể đưa ra những quyết định đúng lúc, cần phải đánh gía được đâu là những ưu tiên hàng đầu cho tổ chức và có khả năng quản lý cũng như chịu trách nhiệm trước bất cứ phương án nào nhằm để đạt được mục tiêu đề ra".
"Chỉ có một giám đốc từ bên ngoài Cơ quan Mật vụ mới là người đủ khả năng đảm nhận cương vị nêu trên. Việc bổ nhiệm như thế này cũng giúp hạn chế các mối quan hệ cá nhân trong đơn vị", báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ khẳng định.
Bản báo cáo cũng cho rằng cần phải xây dựng hàng rào xung quanh Nhà Trắng cao hơn trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, bản báo cáo nhận thấy Cơ quan Mật vụ Mỹ cần phải tăng thêm nhân sự, khoảng 85 mật vụ và 200 nhân viên, để giảm tải khối lượng công việc hiện nay và cho phép các nhân viên của đơn vị này có thời gian tham gia các lớp đào tạo huấn luyện khác.
Được biết, một ủy ban gồm bốn người của Bộ An ninh Nội địa đã tiến hành phỏng vấn 50 nhân viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ trước khi hoàn tất bảo báo cáo nêu trên.
Thời gian qua, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã gặp nhiều vụ việc tai tiếng. Mới đây nhất, một cựu quân nhân có tên Omar Gonzalez đã mang theo hung khí, nhảy qua hàng rào và tiến sâu vào trong khuôn viên Nhà Trắng hơn so với suy tính của các nhân viên.
Trong một vụ khác hồi tháng 9, Tổng thống Barack Obama đã đi cùng thang máy với một đối tượng mang theo vũ khí và từng có 3 tiền án.
----------------------
EU đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Đông
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh mùa Đông diễn ra trong hai ngày 18-19/12 ở thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch đầu tư vì châu Âu và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimia Putin thay đổi lập trường đối với vấn đề Ukraine.
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh mùa Đông diễn ra trong hai ngày 18-19/12 ở thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch đầu tư vì châu Âu và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimia Putin thay đổi lập trường đối với vấn đề Ukraine.
Đây là hai nội dung chính trong chương trình nghị sự cuộc họp. Ngoài ra, lãnh đạo 28 nước thành viên EU cũng nhất trí thúc đẩy việc ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ mang tên Hiệp định Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây dương (TTIP) vào cuối năm 2015.
Liên quan Kế hoạch đầu tư vì châu Âu do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất ngày 26/11 vừa qua, thông báo của Hội đồng châu Âu cho biết các lãnh đạo EU nhất trí ủng hộ thành lập Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu (EFSI) trị giá 315 tỷ euro (387 tỷ USD) để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong EU vốn đang ở mức gần 0%.
Các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi Nghị viện châu Âu (EP) sớm thông qua kế hoạch này để có thể triển khai vào giữa năm 2015; đồng thời kêu gọi các nước thành viên đóng góp trực tiếp cho EFSI hoặc thông qua các ngân hàng tư nhân.
Đề xuất mới của ông Juncker dựa trên cơ sở 21 tỷ euro vốn "cứng" lấy từ ngân sách của EU và Ngân hàng Đâu tư châu Âu (EIB) trực thuộc tổ chức này. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn tỏ ý sẽ chỉ "mở hầu bao" đóng góp sau các cuộc đàm phán về chi tiết của kế hoạch này dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Về cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU Federica Mogherini khẳng định sự tụt giá mạnh của đồng ruble Nga không phải là tin tốt lành đối với nước này, mà EU cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bà Mogherini cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ tiếp tục cho đến khi Moskva ngừng các hoạt động mà tổ chức này coi là hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.
Bà Mogherini nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và ban lãnh đạo Nga cần "thay đổi mạnh mẽ" lập trường hiện nay để có thể cùng hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng cho rằng EU cần một chiến lược lâu dài đối với Nga. Ông nhấn mạnh: "Cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và tình hình phức tạp hiện nay giữa Nga và Ukraine, cũng như các nước láng giềng phía Đông châu Âu, đòi hỏi một kế sách đối ứng tính bằng năm thay vì chỉ vài tuần hay vài tháng".
Liên quan các cuộc đàm phán kéo dài 18 tháng qua về TTIP, Chủ tịch EC Juncker cho biết các nhà lãnh đạo EU muốn cùng Mỹ thực hiện mọi nỗ lực để kết thúc tiền trình này vào cuối năm 2015, song khẳng định EU sẽ không nhân nhượng một số vấn đề nòng cốt như lĩnh vực dịch vụ công.
Các cuộc đàm phán về TTIP đã bắt đầu từ cách đây 18 tháng và hiện vẫn đang được tiến hành. Dự kiến, vòng đám phán TTIP tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 2/2015. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường phục vụ cho 1 tỷ người tiêu dùng trải từ bang Alaska (Mỹ) tới vùng biển Baltic.
-------------------------
Trung Quốc: Thêm một “con hổ” bị sờ gáy
Tối ngày 18/12, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Trung Quốc (CCDI) đưa ra thông báo tiến hành điều tra thêm một “con hổ” trong chính trường nước này. Lần này, CCDI sờ gáy ông Vương Mẫn, một quan chức cấp cao của tỉnh Sơn Đông.
Theo thông báo của CCDI, Bí thư thành ủy Thành phố Tế Nam, Ủy viên ban thường vụ tỉnh Sơn Đông Vương Mẫn hiện đang nằm trong diện điều tra vì bị tình nghi đã "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Tờ China News cho biết Vương Mẫn sinh năm 1956, là người huyện Tế Dương, tỉnh Sơn Đông. Ông đã hoạt động chính trị khoảng gần 40 năm.
Kể từ sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông Vương Mẫn là quan chức cấp cao (từ cấp tỉnh trở lên) thứ 58 bị điều tra. Tại tỉnh Sơn Đông, ông này là lãnh đạo cấp cao đầu tiên bị CCDI "sờ gáy".
Trong số 58 quan chức cấp cao bị điều tra, 4 người thuộc cơ quan trung ương, 3 người trong quân đội, 4 người trong hệ thống doanh nghiệp trung ương, và 41 người thuộc cấp tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 9 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chưa có “con hổ lớn” nào bị sờ gáy, đó là: Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, Cam Túc, Ninh Hạ, Tây Tạng, Tân Cương và Cát Lâm.
-----------------------