Chi tiết vụ cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc bóp cổ chết
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (ĐSQ), cô dâu Việt Nambị người chồng Hàn Quốc bóp cổ cho đến chết tên là Nguyễn Thị Phượng (27 tuổi).
Trước đó ngày 17-12, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (ĐSQ) nhận được thông báo của Cảnh sát huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc về việc phát hiện cô dâu người Việt Nam bị sát hại.
ĐSQ đã liên hệ, phối hợp với Cảnh sát huyện Cheongdo, các Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, cử đại diện đến địa phương nắm tình hình.
Chị Nguyễn Thị Phượng đã bị chồng là ông Lee Cheong Su (42 tuổi) bóp cổ chết lúc 21g (giờ địa phương) ngày 16-12-2014 tại nhà riêng ở xã Geumjeon, huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.
Chị Phượng kết hôn với ông Lee Cheong Su từ ngày 25-01-2006 cho đến nay và sinh sống tại Hàn Quốc cùng gia đình gồm bố mẹ chồng, con riêng của chồng nhưng chưa có con chung.
Cảnh sát địa phương cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Phượng là do gia đình bất hòa, xảy ra cãi vã, sau đó người chồng đã bóp cổ vợ cho đến chết.
Gia đình chị Phượng có bốn chị em gái và một em trai, trong bốn chị em gái thì có ba người lấy chồng và hiện đang cư trú tại Hàn Quốc. Chị Phượng là con gái thứ ba trong gia đình, hiện tại mẹ ruột của chị cũng đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Bố chị Phượng là ông Nguyễn Đức Khoa, cư trú tại Hải Phòng dự kiến cũng sẽ sớm sang Hàn Quốc để xử lý công việc hậu sự.
ĐSQ và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện đang hỗ trợ gia đình chị Phượng các thủ tục cần thiết để lo việc hậu sự và tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Phượng.
Ngày 18-12-2014, ĐSQ cũng đã gửi công hàm tới Bộ Phụ nữ và Gia đình (Bộ Bình Đẳng giới) và đồng gửi các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc (Phủ Tổng thống, Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Văn phòng tỉnh Gyeongsangbuk) để thông báo và yêu cầu có các biện pháp cần thiết xử lý vụ việc này cũng như để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra.
-------------------------
Hà Nội: Dừng xe mua hàng vỉa hè sẽ bị phạt
Đó là một trong những điểm mới trong chuyên đề xử lý hành vi vi phạm giao thông sẽ được Phòng Cảnh sát giao thông (PC67), Công an Hà Nội, triển khai từ năm 2015.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67, cho biết mục tiêu hàng đầu của lực lượng CSGT là xử lý các vi phạm dẫn tới tai nạn và ùn tắc giao thông.
Trong đó có các hành vi cố tình vi phạm, gây cản trở giao thông, các hành vi không chấp hành luật giao thông, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tai nạn.
“Trong số này, lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện đỗ, dừng sai quy định để mua bán hàng hóa ở lòng đường, vỉa hè sai quy định”, ông Thắng thông tin.
Ngoài ra, từ giữa tháng 12-2014 đến hết Tết Nguyên Đán, PC67 Hà Nội huy động hàng loạt tổ công tác của 13 đơn vị trực thuộc và 15 tổ công tác liên ngành 141 để xử lý các lái xe vi phạm sử dụng nồng độ cồn quá quy định.
Tính đến ngày 18-12, sau ba ngày ra quân xử lý lực lượng chức năng đã xử lý gần 100 trường hợp vi phạm, tạm giữ trên 80 phương tiện, phạt hành chính trên 100 triệu đồng.
-------------------------
Buộc xuất ngũ trung sĩ đánh người vi phạm giao thông
Liên quan đến vụ “Dân vây cảnh sát đánh người vi phạm giao thông” (Tuổi Trẻ ngày 17-8-2014), giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khánh vừa ký quyết định cho xuất ngũ trước thời hạn kể từ ngày 1-12-2014 đối với trung sĩ Hồ Trung Quý.
Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo Công an TP Biên Hòa xử lý hành chính hai cán bộ, chiến sĩ CSGT Nguyễn Bá Vĩnh và Mai Quốc Long theo quy định của ngành vì đã để trung sĩ Quý một mình điều khiển môtô truy đuổi anh Tiến, vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông.
Kết quả xác minh cho thấy theo phân công của Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Biên Hòa, tổ tuần tra kiểm soát giao thông gồm tổ trưởng Nguyễn Bá Vĩnh, hai tổ viên Mai Quốc Long và Hồ Trung Quý (chiến sĩ phục vụ có thời hạn, thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Đồng Nai) được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (xã Hóa An, TP Biên Hòa), thời gian từ 4g sáng đến 11g30 ngày 16-8.
Vào 11g30 cùng ngày, tổ tuần tra kiểm soát giao thông phát hiện anh Đỗ Văn Tiến (22 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) điều khiển xe môtô biển số 60B8-45473 chở bạn gái là chị Võ Thị Tuyết Ngân lưu thông trên cầu vượt Hóa An (hướng Biên Hòa - TP.HCM) rẽ phải đi ngược chiều vào đường một chiều.
Khi gặp tổ công tác trên, anh Tiến đã quay đầu xe bỏ chạy. Nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm, trung sĩ Hồ Trung Quý điều khiển môtô truy đuổi, dừng xe anh Tiến để xử lý.
Tuy nhiên, trung sĩ Quý đã không xử lý theo quy trình tuần tra kiểm soát giao thông mà dùng tay đánh vào đầu anh Tiến (có nón bảo hiểm) và dùng gậy điều khiển giao thông đánh vào chân anh Tiến.
Hành động này đã gây bức xúc cho người bị đánh và một số người dân xung quanh chứng kiến vụ việc.
-------------------------
Được minh oan sau 2 năm bị khởi tố tội giết người
Đó là trường hợp của ông Phạm Văn Lé (41 tuổi, ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), bị khởi tố tội giết người vào ngày 1-10-2012.
Ngày 18-12, nguồn tin cho biết trung tá Trần Minh Đấu, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng vừa ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Phạm Văn Lé (41 tuổi, ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), bị khởi tố tội giết người vào ngày 1-10-2012.
Quyết định nêu rõ sau khi tiến hành điều tra thấy bị can Lé không thực hiện hành vi giết người vào ngày 3-8-2012.
Ngoài ông Lé, vợ ông là bà Thạch Thị Xem và em trai Phạm Văn Lến cũng được đình chỉ điều tra vì trước đó bị khởi tố tội không tố giác tội phạm.
Ông Lến và bà Xem không thực hiện hành vi không tố giác tội phạm.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng, vào tháng ngày 3-8-2012, Lâm Tài Mấu cùng người bạn tên Minh đi nhậu về ngang qua nhà Lé thì dừng lại đập cửa và chửi.
Lé tức giận tát vào mặt Mấu, sau đó có dùng cây gài cửa đánh Mấu bất tỉnh. Mấu được Minh dìu đi nhưng sau đó người dân phát hiện Mấu nằm chết cách nhà Lé trên 1km.
Tại các phiên tòa trước đó, ông Lé một mực cho rằng vì tức giận mình chỉ tát tay Mấu chứ không dùng vật cứng đánh. Không chỉ thế, nhiều chứng cứ khác cho thấy nạn nhân tử vong không liên quan đến ông Lé nhưng đã bị cơ quan chức năng bỏ qua, khiến việc điều tra, bắt tạm giam ông Lé bị oan sai.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết hướng xử lý sắp tới là xem xét bồi thường oan sai cho ba người này theo qui định của pháp luật.
-------------------------