Việt Nam đang chi 30-70 USD khai thác mỗi thùng dầu
4 bộ bàn tính tác động giá dầu đến kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới giảm mạnh...
Ngày 17-12, một thông cáo được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết phiên họp lần thứ nhất nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô” của cơ quan này với ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương đã được tổ chức.
Bản thông cáo nêu khá cụ thể về mục tiêu và nguyên tắc phối hợp giữa bốn cơ quan nói trên, song không đề cập nội dung được bàn thảo tại phiên họp đầu tiên này.
Tuy nhiên, một nguồn tin của báo VnEconomy cho biết một số nội dung phối hợp điều hành vĩ mô trong quý I/2015 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu và đề nghị ba bộ còn lại thảo luận thêm.
Dự báo mới là giả định
Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là vấn đề quan trọng được đề cập trong phiên họp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Việt Nam khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. Chi phí khai thác dầu thô ở Việt Nam dao động từ mức 30 đến 70 USD/thùng.
Câu hỏi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là: mức giá dầu thô nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng khai thác trong thời gian tới và cơ cấu lại các mỏ?
Việc cần bàn và cần làm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là rà soát ảnh hưởng của giá dầu hiện tại đến hiệu quả của các mỏ dầu khí đang khai thác, đề xuất các phương án giảm thiểu rủi ro, lựa chọn phương án hợp lý.
Với cơ cấu về tỉ trọng khai khoáng chiếm khoảng 11% GDP, trong đó dầu thô chiếm khoảng 70-80%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giả định nếu ngành khai thác dầu phải cắt giảm 30% sản lượng thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, tăng trưởng GDP có thể suy giảm từ 0,8 điểm phần trăm đến 1,2%.
Còn theo mô hình dự báo, nếu giá xăng dầu trong nước giảm 10% thì chi phí sản xuất giảm 0,57%, CPI giảm 0,55%, kinh tế tăng thêm 0,91%.
Tuy nhiên, những dự báo trên đều là giả định, cần có sự phối hợp của các bộ ngành để xem xét thêm các yếu tố tác động xung quanh giá dầu lên tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngân sách có thể giảm nhiều
Với tỷ lệ khoảng 11-12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô, giá dầu thô theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là có ảnh hưởng lớn đến ngân sách cả về xuất khẩu và nhập khẩu.
Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 ngàn tỉ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng.
Nêu tính toán sơ bộ: nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 - 1.200 tỉ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn khoảng bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng.
Dĩ nhiên, nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng thì ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Trong vai trò chủ trì phối hợp liên ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ phối hợp tính toán tác động của giá dầu thô đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, và có phương án để bù đắp lại các khoản thiếu hụt nêu trên.
Quan điểm của Bộ là ngoài việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, cần tính toán điều phối lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh xăng dầu…
Bên cạnh giá dầu và tác động của nó, phiên họp còn đề cập một số nội dung quan trọng khác trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Vũ Anh (Vneconomy)
-------------------------
Các đại gia Nga mất 50 tỉ USD trong "chớp mắt"
Các tỉ phú Nga đã mất 50 tỉ USD trong năm nay vì cơn ác mộng kinh tế đang bắt đầu.
Phương Tây trừng phạt, giá dầu xuống thấp cùng sự mất giá của đồng rúp đã khiến hàng tỉ USD của 15 người giàu nhất nước Nga rụng rơi trong chớp mắt. Dưới đây là những con số cụ thể thể hiện sự tổn thất đáng lo ngại này, theo số liệu của Bloomberg.
Leonid Mikhelson
Chủ tịch hãng sản xuất khí đốt Novatek thiệt hại nặng nề nhất. Ước tính các khoản đầu tư của hãng đã thu hẹp khoảng 8,7 tỉ USD, tương đương tổn thất gần 50%.
Novatek là một trong những công ty đầu tiên vị Mỹ trừng phạt do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Vladimir Lisin
Chủ tịch và cũng là cổ động lớn nhất của Công ty thép Novolipetsk Steel này cũng từng là người giàu nhất nước Nga, đã mất 7 tỉ USD, tương đương gần 50% tổng tài sản của ông.
Hiện ông Vladimir Lisin còn giữ vai trò Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Nga và Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng châu Âu.
Alisher Usmanov
Đại gia kim loại này đang sở hữu tờ nhật báo Kommersant của Nga. Năm 2011, ông thẳng tay sa thải vị Tổng biên tập cho phép xuất bản bức ảnh xúc phạm Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong năm nay, ông Usmanov đã thiệt hại 6,4 tỉ USD.
Ông kiểm soát 48% công ty Metalloinvest vốn là công ty sản xuất quặng sắt lớn nhất nước Nga. Ngoài ra ông cũng là một cổ đông của Twitter và Airbnb, đồng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Arsenal (Anh).
Andrey Melnichenko
Tỉ phú than đá và khoáng sản này cũng nằm trong số các đại gia Nga cảm nhận sâu sắc sự lạnh lùng của lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu giảm. Ông đã thiệt hại gần 40% tài sản, tức khoảng 5,8 tỉ USD.
Vợ ông là cựu siêu mẫu Serbia sở hữu một trong những siêu du thuyền được khao khát nhất thế giới mang tên “the A”.
Sergey Galitsky
Ông chủ đồng thời là nhà sáng lập thương hiệu bán lẻ thực phẩm lớn nhất nước Nga Magnit đã mất hơn 5 tỉ USD. Vị đại gia mê bóng đá này nổi tiếng vì hành động đổ hơn 250 triệu USD cho CLB địa phương mang tên Krasnodar và đang xây dựng một học viện thể thao.
Theo Bloomberg, riêng biến động trong ngày 15-12 đã khiến vị tỉ phú đã thiệt hại 855 triệu USD khi đồng rúp lâm vào tình trạng rơi tự do.
Vagit Alekperov
Chủ tịch công ty dầu khí khổng lồ Lukoil của Nga từng là bộ trưởng năng lượng Liên Xô cũ.
Lukoil cũng là một trong những công ty tư nhân đầu tiên bị Mỹ áp đặt trừng phạt liên quan tới khủng hoảng Ukraine.
Tài sản của tỉ phú Vagit Alekperov đã giảm 4,9 tỉ USD, tức giảm 40% so với năm ngoái.
Mikhail Fridman
Tài sản của vị tỉ phú này đã “bốc hơi” 3,5 tỉ USD. Vị đại gia này phất lên nhờ thương vụ bán TNK-BP cho Rosneft. Cùng với đối tác lớn German Khan, Fridman đang kiểm soát Alfa Bank – ngân hàng cho vay tư nhân lớn nhất nước Nga.
Vladimir Potanin
Cựu phó thủ tướng Nga hiện đang là người đứng đầu nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới Norilsk Nickel. Tài sản của ông mất 2,8 tỉ USD qua đợt biến động năm nay, tức giảm khoảng 20%.
Ông Potanin là một trong những người ủng hộ Nga đăng cai Thế vận hội Mùa Đông Sochi 2014 và đầu tư rất đậm vào dự án phát triển làng Olympic.
German Khan
Vị tỉ phú là một cổ đông lớn của Alfa Bank sau khi bán cổ phần tại TNK-BP cho Rosneft lấy 3,3 tỉ USD năm 2013.
German Khan đã thiệt hại 2,5 tỉ USD trong năm 2014, tương đương 22% tài sản.
Mikhail Prokhorov
Tập đoàn Onexim của tỉ phú Prokhorov có cổ phần lớn trong các lĩnh lực ngân hàng, năng lượng và khai thác mỏ của Nga. Ông đã thiệt hại 2,4 tỉ USD.
Ngoài ra, ông Prokhorov còn sở hữu đội bóng rổ Brooklyn Nets (Mỹ). Hồi đầu năm nay, ông đã cân nhắc chuyển công ty sở hữu đội bóng này về Nga để phụ hợp với kêu gọi của Tổng thống Putin đối với những công ty của Nga đặt ở nước ngoài.
-------------------------
Nga lên kế hoạch mới cứu đồng rúp
Nga đang có kế hoạch tiến hành thêm những biên pháp mới để ổn định đồng rúp nhằm ngăn đồng tiền này thêm mất giá.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ cấp thêm vốn cho các ngân hàng, công ty tài chính nếu cần.
“Những biện pháp này nhằm cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối, từ đó giúp ổn định tỉ giá đồng rúp nhanh hơn” – Phó thống đốc thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga Ksenia Yudayeva cho biết hôm 17-12. Bên cạnh đó, Moscow cho biết sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc đấu giá ngoại hối, nếu cần.
Thông báo trên giúp đồng rúp tăng thêm 10% giá trị so với đồng USD. 1 đồng USD đã đổi được 62 rúp, so với mức thấp kỷ lục 79 rúp hôm 16-12. Giá trị đồng rúp đã giảm hơn phân nửa giá trị so với đồng USD trong năm nay trong bối cảnh kinh tế Nga gặp khó bởi giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trước đó, Bộ Tài chính Nga cũng can thiệp vào thị trường vì cho rằng đồng rúp đang bị định giá quá thấp, như chi 2 tỉ USD hôm 15-12 để ngăn đồng rúp trượt giá. Thứ trưởng Tài chính Alexei Moiseyev nói nước này sẽ bán ngoại tệ từ ngân khố với số lượng nhiều và trong thời gian dài khi cần.
Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp hôm 17-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tin rằng Moscow có thể đối phó cuộc khủng hoảng.Theo ông, Nga có đủ dự trữ ngoại tệ và công cụ thị trường để điều chỉnh tình hình kinh tế.
-------------------------