Huyền Như: "Nếu hồ sơ là giả thì do bị cáo làm giả"
Chiều 18-12, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục phần thẩm vấn, xét hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX).
Đại diện viện kiểm sát, các luật sư đã đặt các câu hỏi đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền 718 tỉ đồng của 19 nhân viên ACB được ủy thác.
Tại phiên tòa chiều 18-12, bị cáo Như khai tất cả việc thỏa thuận mở tài khoản cho đến khi chuyển tiền vào chỉ thực hiện trong vòng một ngày.
Như cũng khai việc mở các thẻ tiết kiệm là do các nhân viên ACB thực hiện, nhưng HĐXX cho rằng lời khai của các nhân viên ACB cho thấy họ không ký hồ sơ để chuyển tiền từ hình thức tiền gửi thanh toán sang thẻ tiết kiệm, những chữ ký của các nhân viên này là giả.
Như nói nếu các hợp đồng đó là giả thì do Như làm giả, Như ký chữ ký giả.
HĐXX hỏi ai cho phép bị cáo làm việc đó? Huyền Như cho biết vì các nhân viên không mở nên không biết về các sổ tiết kiệm đó, vậy nên Như tự mở thẻ để chiếm đoạt.
Tòa cho mời chị Huỳnh Thị Bảo Ngọc, bởi Như cho rằng ngoài số tiền chênh lệch được trả trực tiếp vào tài khoản cho các nhân viên thì còn có một khoản riêng trả cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc thông qua tài khoản của chị gái Ngọc.
Tại tòa, Huỳnh Thị Bảo Ngọc nói không nhận tiền nào của Huyền Như từ việc gửi tiền của 19 nhân viên ACB vào VietinBank. Chị Ngọc cũng cho biết việc thỏa thuận lãi suất vượt trần do lãnh đạo ACB đưa ra để Huỳnh Thị Bảo Ngọc thỏa thuận với VietinBank.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Navibank đề nghị Vietinbank phải bồi thường 200 tỷ đồng
Trong phiên xét xử ngày 18-12, Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của Navibank và ACB của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).
Thẩm vấn cho thấy các nhân viên của Navibank đã ký 18 hợp đồng (với số tiền 500 tỷ đồng) cho vay đối với Vietinbank. Trong 18 hợp đồng này đã tất toán được 12 hợp đồng với số tiền là 300 tỷ đồng.
6 hợp đồng còn lại (trị giá 200 tỷ đồng) do 4 nhân viên đứng tên gửi đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Khi trả lời tòa, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận đã trực tiếp trích chuyển các khoản tiền này từ các hợp đồng gửi tiền của nhân viên Navibank hoặc giả chữ ký của các nhân viên này để chuyển tiền từ hợp đồng tiền gửi sang thẻ tiết kiệm.
Sau đó, Như lấy thẻ tiết kiệm này đem thế chấp vay Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng.
Ai chủ trương cho nhân viên Navibank đem tiền đi gửi câu hỏi mà HĐXX, đại diện VKS đã đặt ra với đại diện ngân hàng Navibank nhưng vị đại diện này không trả lời được.
VKS: - Ai chủ trương gửi tiền?
Đại diện NaviBank: - Tôi không trả lời được.
VKS: công bố việc cho nhân viên gửi tiền là theo chủ trương của HĐQT Navibank.
VKS: - Việc Navibank cho nhân viên vay tiền có thực hiện được theo quy định của pháp luật không?
Đại diện NaviBank: - Tôi không đánh giá được sai hay đúng.
Nội dung của bản án sơ thẩm tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải trả 200 tỷ cho Navibank nhưng phía Navibank đã kháng cáo.
Theo người đại diện của Navibank thì người có nghĩa vụ trả tiền cho Navibank là Vietinbank chứ không phải Huyền Như.
Đại diện cho 4 nhân viên đứng tên gửi tiền vào Navibank cũng cho rằng họ làm hợp đồng gửi tiền với Vietinbank và ký với lãnh đạo ngân hàng này và họ không biết Huỳnh Thị Huyền Như là ai, không giao dịch với Huyền Như.
“Tôi thắc mắc là tại sao Như giả chữ ký của tôi mà các hợp đồng thế chấp vẫn được Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng chấp nhận”, đại diện của 4 nhân viên của Navibank nói tại tòa.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Nguyên giám đốc Vietinbank CN TP.HCM không đến tòa như triệu tập
Dù đã được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng trong vụ lừa đảo 4000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như nhưng nguyên giám đốc Vietinbank CN TP.HCM Nguyễn Văn Sẽ vẫn vắng mặt.
Khi luật sư bảo vệ quyền và nghĩa vụ của Navibank có yêu cầu được thẩm vấn ông Nguyễn Văn Sẽ - nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM thì HĐXX cho biết đã có giấy triệu tập ông Sẽ đến tòa nhưng địa phương cho biết ông Sẽ đã rời khỏi địa phương, đi đâu không rõ.
Trước đó, trong ngày khai mạc phiên tòa, HĐXX cho biết sẽ triệu tập ông Sẽ đến tòa với tư cách nhân chứng, nếu ông Sẽ không chấp hành thì sẽ áp dụng các biện pháp triệu tập theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn và xét hỏi liên quan đến hành vi chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Navibank đòi tiền VietinBank với tư cách nào?
Sáng 18/12, phiên xét xử phúc thẩm Huyền Như lừa đảo tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nam Việt (Navibank) về các nội dung kháng cáo.
Tại đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ việc Navibank cho 4 nhân viên vay tiền, rồi sau đó 4 nhân viên này lại mang số tiền đó đi gửi tại VietinBank. Đây chính là mấu chốt để HĐXX đặt câu hỏi: Navibank tư cách gì mà đòi VietinBank?
Navibank cho nhân viên vay tiền để đi… gửi tiền
Bắt đầu phần thẩm vấn, HĐXX cho phép đại diện Navibank gồm ông Nguyễn Ngọc Khánh và Lâm Nguyễn Thiện Nhơn đọc đơn kháng cáo với nội dung chính là Navibank yêu cầu VietinBank trả số tiền gốc 200 tỷ đồng.
Đại diện này cũng cho biết có tổng số 18 hợp đồng tiền gửi, trong đó 12 hợp đồng đã tất toán, tương ứng với 300 tỷ đồng. Còn lại 6 hợp đồng liên quan đến 200 tỷ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Cũng theo đại diện này thì 6 hợp đồng đứng tên 4 cá nhân là nhân viên của Navibank gồm: Huỳnh Linh Chi, Nguyễn Cao Thùy Anh, Lương Thị Thủy Tiên, Lê Thị Thu Hương.
HĐXX cho mời đại diện của 4 nhân viên Navibank và hỏi: kháng cáo yêu cầu đòi lại thế nào? Đại diện 4 nhân viên Navibank cho biết: Yêu cầu VietinBank phải trả số tiền 200 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh cho Navibank hoặc cho 4 nhân viên này.
Đại diện HĐXX nói: Sao thiệt hại lại trả hoặc cho người này hoặc cho người kia, trong này có bao nhiêu mối quan hệ phát sinh? Người đại diện này trả lời: Nhân viên chúng tôi không đánh giá được, nhờ HĐXX đánh giá.
Vậy Navibank có ký hợp đồng với VietinBank không? - Tòa hỏi. Đại diện 4 nhân viên Navibank trả lời: 4 nhân viên ký. Như vậy là chỉ có 4 nhân viên ký, Navibank không hề có giao dịch nào với VietinBank? Vâng
Tòa hỏi: Nếu như sở hữu của riêng anh, sao không đòi cho cá nhân mà lại đòi cho người khác, phải chăng có điều gì mờ ám mà anh không tiện nói ra? Đại diện nhân viên Navibank ấp úng đáp: Theo tôi không có vấn đề gì trái pháp luật.
Navibank đòi VietinBank với tư cách gì?
9h, HĐXX thẩm vấn đại diện Navibank. Đại diện Navibank cho biết hồ sơ 12 hợp đồng đã tất toán là giữa VietinBank với nhân viên của Navibank. Đồng thời 6 hợp đồng tương ứng với 200 tỷ đồng còn lại cũng là của 4 nhân viên Navibank. Đến đây HĐXX hỏi: Vậy Navibank với tư cách gì mà đòi VietinBank trả lại cho mình? Đại diện Navibank đáp: Số tiền nhân viên Navibank gửi tại VietinBank là họ vay tại Navibank.
Đại diện HĐXX đưa ra nhận định: Vay là quan hệ dân sự khác, anh có quyền khởi kiện đòi họ. Đề nghị anh cung cấp hồ sơ vay và hồ sơ tất toán của Navibank với nhân viên Navibank. Cụ thể là vay từ thời gian nào, trả lãi thế nào và bảng sao kê chứng thực.
Đại diện VKS tiếp tục hỏi đại diện Navibank với yêu cầu “Trả lời chính xác vào nội dung câu hỏi”: Cho biết vì sao Navibank lại ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền? Đại diện Navibank một lần nữa thừa nhận: Mục đích để nhân viên dùng số tiền này gửi tại VietinBank.
Đại diện VKS nhấn mạnh: Tức là lý do Navibank ký các hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền là để nhân viên này gửi tiền tại VietinBank? Đại diện Navibank đáp: Đúng ạ.
Liên tiếp các câu hỏi của đại diện VKS đã bị đại diện Navibank không trả lời. Cụ thể trước câu hỏi: Vậy việc ký hợp đồng cho các nhân viên của mình vay tiền đem đi gửi tại VietinBank là theo chủ trương của ai? Đáp: Xin phép không trả lời. Hỏi: Vậy ai đứng ra giải quyết cho các nhân viên này vay tiền, nếu không có chủ trương? Đại diện Navibank… im lặng.
Đến đây đại diện VKS buộc lòng trao đổi rõ: Trong quá trình điều tra, các thành viên HĐQT Navibank đã có văn bản trả lời chính thức việc gửi tiền tại VietinBank là theo chủ trương của HĐQT Navibank. “Sao ông lại né tránh?” - Đại diện VKS nhấn mạnh.
Tiếp sau đó, hàng loạt câu hỏi về hợp đồng gửi tiền; hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng lại thế chấp bằng chính hợp đồng gửi tiền đó, có hay không hợp đồng giả tạo; lãi suất… đều bị đại diện Navibank từ chối trả lời. Điều đó khiến cho đại diện VKS phải thốt ra rằng: Tôi rất ngạc nhiên với phần trả lời hôm nay của ông (đại diện Navibank). “Muốn bảo vệ được quyền lợi của Navibank thì người đại diện phải hiểu vấn đề, nắm rõ quy định về tiền tệ. Nếu ông không nắm được thì đề nghị HĐXX thay đổi không tham gia nữa”, VKS kết thúc thẩm vấn đại diện Navibank.
-------------------------