Tiền gửi vào ngân hàng : tài sản của ai?
Ngày 16/12/2014, tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã xuất hiện một câu hỏi quan trọng từ đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố : “tiền của khách hàng vào tài khoản của VietinBank có phải là tài sản của ngân hàng hay không?”
Đây là một câu hỏi thuộc về kiến thức cơ bản của luật dân sự mà bất cứ sinh viên năm thứ 2 ngành luật nào cũng phải biết. Tuy nhiên, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ ngày 16/2/2014, đột nhiên câu hỏi này trở thành khó tới mức không trả lời nổi.
Đại diện VietinBank cho rằng tài khoản của khách hàng thì do khách hàng quản lý và sử dụng. Điều này cũng giống như gửi xe thì người có xe tự chịu trách nhiệm nếu mất.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng tùy theo quy định của Bộ Luật dân sự (BLDS), nhưng không viện dẫn được điều nào.
Luật sư đại diện VietinBank cho rằng tiền này không phải tài sản của ngân hàng và ngân hàng không sở hữu tài sản của khách hàng mà chỉ tạm thời sử dụng tài sản này phục vụ cho việc cho vay và dùng vào các mục đích tài chính (?).
Trong khi đó, chỉ có đại diện Ngân hàng Navibank và ACB cho rằng đây chính là tiền huy động vốn và tiền huy động vốn là tài sản của ngân hàng, các ngân hàng thương mại sử dụng tiền này để cho vay và dùng vào các mục đích kinh doanh khác của ngân hàng.
Thật ra, câu trả lời đã nắm trong Điều 472 BLDS: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.” Ngoài ra, Điều 166 BLDS còn quy định “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Trong quan hệ tiền gửi, ngân hàng là người đi vay (đó là lý do tại sao họ phải trả lãi) và người gửi tiền là người cho vay. Vậy tiền gửi ngân hàng là thuộc quyền sở hữu của ngân hàng theo Điều 472 BLDS. Nếu tiền đó mất, ngân hàng phải chịu rủi ro, chứ không phải là người gửi tiền, theo Điều 166 BLDS. Các bên không có thỏa thuận gì khác và pháp luật cũng không có quy định gì khác. Như vậy, câu trả lời đúng là câu trả lời của ACB và Navibank.
Thí dụ, tôi vay anh một khoản tiền để xây nhà, thì căn nhà đó vẫn là của tôi chứ không phải của anh, và tiền vay là tiền của tôi (quan hệ sở hữu). Tôi chỉ phải trả anh một khoản tiền tương đương và lãi (quan hệ nghĩa vụ) khi đến hạn trả.
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy vụ án Huyền Như (và những vụ tương tự với những ngân hàng khác) có thể có kết cục hợp lý hơn: Vietinbank là người bị hại.
Một số quan điểm viện dẫn đến khoản 22 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, khoản 8, Điều 3 Nghị định 64/2001/NĐ-CP quy định tài khoản thanh toán là tài khoản do người sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán theo quy định của NHNN, để hiểu rằng tiền gửi là của khách hàng. Quan điểm này nhầm lẫn khái niệm tiền gửi (tài sản) và tài khoản (nơi ghi nợ, có của số tiền gửi). Hay nói cách khác là nhẫm lẫn giữa quan hệ sở hữu và quan hệ nghĩa vụ.
Việc ngân hàng (bên vay) sở hữu tiền nhận của người gửi tiền (bên cho vay) không có gì là mâu thuẫn, bởi lẽ ngân hàng không phải trả lại đúng đồng tiền, số seri mà ngân hàng nhận từ người gửi (như gửi xe đạp), mà chỉ phải trả đúng loại tiền mình đã nhận.
Điều 471 BLDS quy định “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Một số khác lại cho rằng tiền gửi nếu còn “nằm” trong tài khoản của người gửi tiền thì của người gửi tiền, chỉ khi nào ngân hàng rút ra thì mới của ngân hàng. Lập luận này lại càng mâu thuẫn, và trái với quy định của BLDS nêu trên.
Ngay Quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN về mở và sử dụng tài khoản tiền gửi cũng chỉ quy định tại khoản 1 Điều 11 một số trường hợp ngân hàng được phép trích số tiền từ tài khoản của người gửi tiền ra, tuy nhiên điều đó cũng không thay đổi bán chất tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng thì đã thuộc tài sản của ngân hàng rồi.
Tuy nhiên, ngân hàng có trách nhiệm trả đủ cả vốn lẫn lãi cho người gửi tiền khi đến hạn. Hành vi “trích tài khoản” thể hiện quan hệ nợ-có giữa ngân hàng và chủ tài khoản mà thôi.
Nói tóm lại, quan hệ sở hữu và quan hệ nghĩa vụ là hai loại quan hệ khác nhau và không thể nhầm lẫn. Tài khoản thể hiện quản hệ nghĩa vụ (nợ/có), tiền là tài sản, tiền của ai thuộc về khái niệm sở hữu. Thí dụ, tôi vay anh một khoản tiền để xây nhà, thì căn nhà đó vẫn là của tôi chứ không phải của anh, và tiền vay là tiền của tôi (quan hệ sở hữu). Tôi chỉ phải trả anh một khoản tiền tương đương và lãi (quan hệ nghĩa vụ) khi đến hạn trả.
Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy vụ án Huyền Như (và những vụ tương tự với những ngân hàng khác) có thể có kết cục hợp lý hơn: Vietinbank là người bị hại. Huyền Như có trách nhiệm bồi thường cho Vietinbank. Vietinbank có trách nhiệm trả nợ (tiền gửi và lãi) cho người gửi tiền (bên cho vay). Trong quan hệ này không quan trọng Vietinbank có lỗi đối với người gửi tiền hay không.
Luật sư LNT & Partners (TBKTSG Online)
-------------------------
Tiền vào Vietinbank, Huyền Như mới chiếm đoạt
Huyền Như dẫn dụ khách hàng của mình chuyển tiền vào tài khoản của họ ở Ngân hàng Vietinbank rồi mới làm các lệnh chi giả để chiếm đoạt.
Hôm nay, 17-12-2014, ngày thứ ba của phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như, Hội đồng đồng xét xử đã xét hỏi, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như đối với số tiền 210 tỉ đồng của Công ty chứng khoán SaigonBank Berjaya; 170 tỉ đồng của Công ty An Lộc; 380 tỉ đồng của Công ty Phương Đông; 125 tỉ đồng của Công ty bảo hiểm Toàn Cầu; 165 tỉ đồng của Ngân hàng thương mại Quốc tế…
Tại phiên tòa, đại diện của SaigonBank Berjaya, An Lộc và Phương Đông cho biết hồ sơ mở tài khoản của họ tại Vietinbank là hợp lệ. Cụ thể, đại diện An Lộc cho biết, sau khi mở tài khoản tại Vietinbank họ đã chuyển vào tài khoản này tổng cộng 570 tỉ đồng và bị Huyền Như làm lệnh chi giả chiếm đoạt 170 tỉ đồng, 400 tỉ đồng còn lại sau đó Vietinbank đã chuyển trả lại cho An Lộc.
Tương tự, đại diện SaigonBank Berjaya cho biết tổng số tiền họ chuyển vào tài khoản của mình ở Vietinbank là 225 tỉ đồng, họ chỉ mới rút ra 15 tỉ đồng, số tiền còn lại 210 tỉ đồng bị Huyền Như làm lệnh chi giả chiếm đoạt. Trường hợp của Phương Đông và Toàn Cầu cũng vậy. Hai công ty này cũng mở tài khoản tại Vietinbank, sau khi chuyển tiền vào thì bị Huyền Như làm lệnh chi giả để chiếm đoạt.
Tại tòa, Huyền Như cho biết để chiếm đoạt được tiền của những doanh nghiệp, Huyền Như đã bỏ tiền túi chi hàng chục tỉ đồng tiền “huê hồng” để “dẫn dụ” các doanh nghiệp kể trên (khách hàng của mình) gửi tiền vào Vietinbank; sau đó Huyền Như làm giả các lệnh chi để rút tiền của họ chi trả cho các khoản nợ của mình.
Hội đồng xét xử hỏi: “Hồ sơ mở tài khoản có hợp lệ không?” Huyền Như trả lời: “Hợp lệ”. Tại tòa, đại diện Vietinbank cũng thừa nhận tài khoản của các doanh nghiệp mở tại Vietinbank là “đúng quy trình”. Vậy làm thế nào bị cáo Như rút tiền của khách hàng ra được? - Chủ tọa phiên tòa hỏi. Huyền Như cho biết mình đã làm các lệnh chi giả để rút tiền; trong khi đại diện của Vietinbank nói: “không biết các lệnh chi đó là giả”.
Trong phiên xét hỏi hôm nay, Huyền Như cũng thừa nhận mình được ký lệnh chi tối đa 50 tỉ đồng (nhờ chức Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ). Theo Như, việc làm của Như có sự giúp sức của các nhân viên của mình nhưng những nhân viên này hoàn toàn không biết hồ sơ, lệnh chi tiền là giả.
Vì vậy, các công ty bị mất tiền, cho rằng tiền của họ đã vào tài khoản ở Vietinbank mới bị Huyền Như chiếm đoạt nên yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của Vietinbank. Theo quan điểm của họ là Huyền Như đã chiếm đoạt, tham ô tiền của chính Vietinbank, vì nếu Như không có chức vụ trưởng phòng giao dịch thì sẽ không thể chiếm đoạt được.
Riêng trường hợp Ngân hàng Thương mại Quốc tế, đại diện của đơn vị này không kháng cáo đòi Vietinbank phải có trách nhiệm với khoản tiền họ bị chiếm đoạt mà chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét số tiền sung công quỹ trong vụ án, vì số tiền này có nguồn gốc là của các bị hại nên phải trả lại cho bị hại; đồng thời số tiền của họ bị Huyền Như chiếm đoạt được chuyển đi đâu thì làm rõ để thu hồi.
Sở dĩ Ngân hàng Thương mại Quốc tế không yêu cầu tòa xem xét trách nhiệm của Vietinbank là vì tất cả hồ sơ tài khoản của một số cá nhân đồng phạm với Huyền Như tại Vietinbank thế chấp để vay tại Ngân hàng Thương mại Quốc tế đều do Huyền Như làm giả.
Quang Chung (TBKTSG Online)
-------------------------
Huyền Như có quyền, Vietinbank có trách nhiệm
Quan hệ gửi tiền – giữ tiền giữa khách hàng và Ngân hàng Vietinbank cùng quyền hạn của Huyền Như ở Vietinbank mà cụ thể là Phòng giao dịch Điện Biên Phủ chi nhánh TPHCM đã được Hội đồng xét xử làm rõ trong phiên xét hỏi hôm nay, 16-12-2014, ngày thứ hai của phiên phúc thẩm vụ án Huyền Như.
Hôm nay 16-12, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi về hành vi Huyền Như chiếm đoạt tài sản của Công ty Hưng Yên và trách nhiệm của Vietinbank với tiền gửi của khách hàng.
Tại tòa, Huyền Như thừa nhận mình đã lừa Hưng Yên gửi tiền vào Vietinbank rồi ký giả chữ ký, làm ký lệnh chi giả… để chiếm đoạt số tiền hơn 200 tỉ đồng.
Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, Huyền Như khẳng định hồ sơ gửi tiền của Hưng Yên là thật. Tại tòa, đại diện Vietinbank cũng thừa nhận hồ sơ gửi tiền của Hưng Yên là hợp lệ và tất cả các chứng từ hệ thống của Vietinbank có cập nhật, theo dõi.
Vì vậy, Hội đồng xét xử hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước: “Đối với trường hợp chủ tài khoản mở tài khoản và được bộ phận có thẩm quyền của Vietinbank chấp thuận thì tài khoản đó có được coi là hợp lệ không? Và, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm với số tiền trong tài khoản đó hay không?”
Đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời vòng vo “không đủ cơ sở để đánh giá”, “cho kiểm tra bổ sung sau”. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Khi huy động vốn vào ngân hàng thì tiền huy động đó có được coi là tài sản của ngân hàng hay không?” đại diện Ngân hàng Nhà nước nói: “Phải xem xét các quy định mới trả lời được”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Ngân hàng ACB, Navibank đều khẳng định, theo quy định của pháp luật thì khi tiền đã được chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng thì nó được coi là tài sản của ngân hàng và thực tế được thể hiện qua việc ngân hàng sử dụng số tiền này cho vay lại.
Thế nhưng, đại diện Vietinbank khẳng định trước tòa: “Khi huy động vốn, tiền vào ngân hàng thì vẫn thuộc tài sản của khách hàng, ngân hàng quản lý”. Tòa hỏi, “Vậy ngân hàng huy động vốn rồi để đó chờ khách hàng đến nhận lại và trả lãi cho họ, không kinh doanh trên số vốn đó?” Đại diện Vietinbank nói: “Ngân hàng sử dụng vào hoạt động kinh doanh chứ không sở hữu”!
Chủ tọa phiên tòa Quảng Đức Tuyên hỏi: “Khi Hưng Yên đã mở tài khoản thì trách nhiệm của ngân hàng có phát sinh chưa?” Rồi ông tự trả lời: “Dù một giây ngân hàng cũng phải giữ chứ, có đúng không!”.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “trách nhiệm khi đó có phát sinh chưa?”, đại diện Vietinbank cho rằng đối với tài khoản tiết kiện thì “trách nhiệm phát sinh”, nhưng đối với tài khoản thanh toán thì “trách nhiệm chưa phát sinh”.
Chủ tọa phiên tòa hỏi lại đại diện Vietinbank: “Tiền trong tài khoản thanh toán không phát sinh quan hệ gửi – giữ đúng không?” Đại diện Ngân hàng Nhà nước, nói: “Tất cả quan hệ này phải theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, tại tòa, đại diện Viện kiểm sát đã dẫn ra hàng loạt quy định pháp luật cho thấy khi tiền đã chuyển vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng thì đã phát sinh quan hệ gửi – giữ và ngân hàng phải chịu trách nhiệm. “Không phát sinh quan hệ gửi – giữ, vậy ai muốn rút tiền cũng được à?" Đại diện Viện kiểm sát hỏi đại diện Vietinbank.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước Quyết định 1284 quy định về quan hệ gửi – giữ tiền tại ngân hàng (theo quy định tại Quyết định này thì tiền trong tài khoản thanh toán có phát sinh quan hệ gửi – giữ) có còn hiệu lực không? Đại diện Ngân hàng nói: “Theo luật ban hành văn bản thì chưa có văn bản pháp luật nào thay thế Quyết định 1284 nên còn hiệu lực”.
Liên quan đến quyền hạn của Huyền Như, tại tòa, Huyền Như cũng như đại diện của Vietinbank cho biết Như không có quyền hạn gì, chỉ làm việc theo phân công phân nhiệm. “Nhiệm vụ của bị cáo là quản lý nhân sự, trông coi cơ sở vật chất và thực hiện chức năng nghiệp vụ tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ”, Huyền Như nói.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát dẫn quy định của Hội đồng quản trị Vietinbank cho thấy Huyền Như có chức vụ (trưởng phòng giao dịch) và quyền hạn (được phê duyệt lệnh chi đến 50 tỉ đồng).
Trách nhiệm của Huyền Như cũng được Hội đồng xét xử làm rõ, khi hỏi: “Tại sao tất cả các khoản tiền của khách hàng đều gởi vào Phòng giao dịch Điện Biên Phủ?”. Huyền Như không trả lời. Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi: “Nếu tiền của Hưng Yên gởi vào ngân hàng khác hoặc Phòng giao dịch khác của Vietinbank thì bị cáo có chiếm đoạt được không?” Huyền Như trả lời: “Không”.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, nếu Huyền Như không làm trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thì sẽ không qua mặt được bộ phận nghiệp vụ để chiếm đoạt tiền.
Quang Chung (TBKTSG Online)
-------------------------