Dùng “vũ khí giá dầu” chi phối lẫn nhau
Giá dầu có thể tiếp tục sụt giảm trong năm tới khi nguồn cung được dự báo vẫn nhiều hơn nhu cầu thực tế
Người tiêu dùng và doanh nghiệp tại nhiều nước có thể mỉm cười khi được sử dụng nhiên liệu giá rẻ nhưng những nước có kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Iran, Iraq, Nga, Venezuela… lại thất thu ngân sách. Các công ty khai thác dầu cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, buộc họ giảm bớt chi tiêu cho những dự án thăm dò mới. Vấn đề được quan tâm là tại sao giá dầu không ngừng sụt giảm? Hồi tháng 6, giá dầu thô Brent vọt lên đến 115 USD/thùng; đến ngày 18-12, chỉ còn 62 USD/thùng.
Trong thập kỷ qua, giá dầu luôn ở mức cao do nhu cầu tăng mạnh tại những nước như Trung Quốc và xung đột tại những nước sản xuất giá dầu chủ chốt, nhất là Libya. Cung không đủ cầu nên giá dầu tăng cao là không có gì bàn cãi.
Giá cao cũng là yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất dầu ở Canada hoặc Mỹ tìm kiếm nguồn năng lượng mới, như dầu khí đá phiến, dầu cát… Theo thời gian, nhu cầu về dầu tại châu Âu, châu Á và Mỹ bắt đầu sụt giảm do kinh tế suy yếu. Xung đột ở Libya cũng không còn nghiêm trọng như trước. Trong những tháng cuối năm 2014, nguồn cung tăng nhiều hơn so với nhu cầu thực sự. Đến tháng 9, giá dầu bắt đầu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà quan sát chờ xem liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có cắt giảm sản lượng khai thác để ngăn dầu giảm giá hay không. Tuy nhiên, tại hội nghị vào tháng 11, OPEC khiến cả thế giới ngạc nhiên khi quyết định vẫn duy trì sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày khiến giá dầu rơi tự do cho đến giờ. Ả Rập Saudi, thành viên chủ chốt của OPEC, không muốn từ bỏ thị phần, đồng thời hy vọng giá dầu xuống thấp sẽ ngăn chặn ngành công nghiệp dầu khí đá phiến ở Mỹ bùng nổ thêm. Đài Al-Jazeera còn chỉ ra một nguyên nhân khả dĩ mang tính địa - chính trị: Một số nước thành viên OPEC - như Ả Rập Saudi, Qatar - đang hậu thuẫn phe đối lập trong cuộc nội chiến ở Syria và muốn sử dụng giá dầu thấp để “trừng phạt” Iran và Nga vì ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Nhu cầu về dầu dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong năm 2015 nhưng không nhiều. Nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Âu - những nơi tiêu thụ dầu hàng đầu sau Mỹ - đang chững lại hoặc đi xuống. OPEC dự báo thế giới chỉ cần 28,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm tới (thấp hơn 1,1 triệu thùng so với sản lượng khai thác dự kiến của khối). Sự thừa cung này khiến giá dầu khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục tuột dốc, nhất là khi OPEC đánh tiếng sẵn sàng chấp nhận mức giá 40 USD/thùng trước khi xem xét bước đi tiếp theo.
-------------------------
Kiều hối của Việt Nam đang chảy vào sản xuất kinh doanh
Đó là nghiên cứu của TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) - công bố tại lễ kỷ niệm 20 năm Western Union hoạt động tại Việt Nam, ngày 17.12.
Mối quan hệ tích cực giữa dòng tiền kiều hối và sự phát triển kinh tế xã hội, chứng minh kiều hối có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống thường nhật của người Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho biết.
Đề án nghiên cứu này dài 80 trang được thực hiện từ tháng 9-11.2014. Theo đó, Khoảng 16% người tham gia khảo sát cho biết, dòng tiền chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng do các quy định nghiêm ngặt về vay vốn.
Khoảng 17% người tham gia khảo sát cho biết tiền kiều hối chiếm 80% tổng thu nhập gia đình họ.
Đặc biệt, 40% người tham gia khảo sát cho rằng, tiền kiều hối đóng vai trò quan trọng và rất quan trọng trong đời sống của gia đình. Tiền kiều hối chủ yếu được sử dụng chi trả chi phí sinh hoạt hằng ngày; đầu tư vào sản xuất và kinh doanh và trả nợ. Khác những năm trước người Việt Nam dùng kiều hối đầu tư vào sản xuất và kinh doanh ít hơn vào chứng khoán…, TS Võ Trí Thành cho biết.
Hiện 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và Việt Nam là 1 trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới 11 tỉ USD (kiều hối toàn cầu là 511 tỉ USD) vào năm 2013, chiếm 8% GDP cả nước. Dự kiến, năm 2014, lượng kiều hối của Việt Nam cũng đạt ít nhất 11 tỉ USD, theo TS Võ Trí Thành.
-------------------------
Nghịch lý giá điện: Người nghèo đang “bao” người giàu?
Duy trì giá điện thấp như hiện nay không chỉ Nhà nước phải bù lỗ, ngành điện không có tiền để tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ngành điện, mà tệ hại hơn là vẫn tiếp tục “lấy của người nghèo lo cho người giàu”! Bởi, dùng điện nhiều là DN nước ngoài, các công ty xi măng, sắt thép còn tiền bù lỗ là từ ngân sách, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) bày tỏ quan điểm.
Lâu nay, chúng ta luôn muốn giữ giá điện thấp mà không quan tâm rằng Nhà nước phải thường xuyên bù lỗ cho ngành điện. Hậu quả là, ai xài điện nhiều thì được bù nhiều, ai xài ít thì bù ít!
Xài nhiều nhất là hai ngành xi măng và thép. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng tận dụng triệt để lợi thế điện giá rẻ để đầu tư. Đặc biệt là vào ngành xi măng.
Nếu nhà nước bù lỗ, có nghĩa là người nghèo phải “bao” người giàu, “giúp” cả các DN nước ngoài! Đây là hệ lụy ngoài mong muốn.
Để phân tích cấu thành chi phí, tôi cho rằng mức giá hiện nay là giá giả. Chi phí SX điện của Việt Nam và các nước cơ bản như nhau về giá nguyên liệu, nhiên liệu. Nhưng công nghệ của ta kém, quản lý chưa tốt.
Lấy ví dụ trường hợp cụ thể ở hai nhà máy SX điện của ta và nước ngoài tại khu Phú Mỹ. Hai nhà máy có công suất như nhau nhưng nhà máy nước ngoài chỉ có 60 lao động. Còn nhà máy của ta bên cạnh họ là 600 người! Như vậy chi phí lao động và quản lý của ta rất cao.
Không riêng ngành điện mà sản xuất ra một sản phẩm ở nước nghèo bao giờ cũng đắt hơn các nước tiên tiến. Kể cả ở những ngành mà ta có lợi thế. Ví dụ ở Mỹ, một nông dân làm ra sản phẩm đủ nuôi 150 người, còn ở ta một nông dân làm ra chỉ đủ nuôi 4 người! Tương tự, làm ra 1 kw/h điện ở ra phải cao đắt hơn thế giới. Vì vậy giá điện ở ta là giá giả, tồn tại được bằng tiền thuế bù vào.
Kết quả của đợt thanh tra và kiểm toán trước đó cho thấy, cơ cấu giá thành điện “có vấn đề”. Chẳng hạn, xây dựng nhà nghỉ dưỡng, mua xe cộ vượt mức quy định v.v… được hạch toán vào giá thành điện, tức là bắt người tiêu dùng “gánh” những chi tiêu này!
Với những việc sai quy định như vậy, trách nhiệm của ngành điện là phải chấn chỉnh. Song, đặt trong tổng thể lớn của ngành điện hiện nay thì còn vấn đề lớn hơn. Tôi lấy làm tiếc là tại sao kiểm toán, thanh tra không công bố các con số công khai, minh bạch giúp dân hiểu là điện của ta đang bán dưới giá thành SX, đang bán giá thấp.
Trở lại chuyện tăng giá điện, nhiều ý kiến cho rằng giá điện của ta quá rẻ, quá bất hợp lý nhưng cái được khác lớn hơn là giúp các ngành SX – KD bớt áp lực tăng giá, giảm sức cạnh tranh; giúp ổn định đời sống nhân dân! Điện lực “chịu đựng” một chút cho cái chung lớn hơn? Chẳng qua là “lấy túi này bù cho túi kia”, miễn là có lợi hơn cho cái chung là tốt….
Tôi cho rằng, để lo cho dân, còn nhiều thứ khác bù cho họ tốt hơn, công bằng hơn như học tập, khám chữa bệnh v.v… Còn “bù” bằng giá điện thì như đã nói ở trên, rất phi lý, không hiệu quả.
Còn tác động tới SX – KD, nếu cho rằng giá điện tăng giá ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàn khác phải tăng, cạnh tranh kém … là chưa chính xác.
Nhiều mặt hàng khác tăng giá gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Chi phí điện trong giá thành SX không lớn. Chúng ta thử làm bài tính để thấy rõ điều đó. Ví dụ SX một cái kính thì điện chiếm 10% giá thành. Nếu điện tăng giá 5%, thì giá thành cái kính sẽ tăng thêm 5% trong 10% giá điện trong sản phẩm. Không đáng kể.
Hoặc trong SX nông nghiệp, chi phí giá điện trong một kg gạo là khoảng 100 đồng. Giả sử giá điện tăng 22%, tức lên 22 đồng/kg gạo. Lấy giá gạo bình quân hiện nay 10.000 đồng/kg, thì giá điện tăng 22% sẽ đẩy giá gạo lên 10.022 đồng! Khoảng 0,02%. Rất nhỏ.
Như tôi đã nói, tiêu thụ điện lớn nhất hiện nay là xi măng, sắt thép. Phần lớn là lĩnh vực của nước ngoài đầu tư. Tiếp theo là ngành cơ khí. Nhưng ngành này của Việt Nam ta rất kém, chẳng đáng kể. Những “ông” chế tạo lớn vẫn là DN nước ngoài. Tiền thuế của nhân dân ta bù cho giá điện phần nhiều là “bù” cho những DN đó là chính.
Còn nói giữ giá điện thấp để giữ cho cái chung, nhiều ngành SX – KD trong nước bớt áp lực là rất cảm tính. Giá cả tăng do nguyên nhân cung - cầu, do lạm phát và thuế tác động phần lớn.
Như vậy, giá điện tăng có ảnh hưởng nhưng không lớn như ta tưởng!
TS Nguyễn Bách Phúc (Tuần Việt Nam)
-------------------------