Kinh tế Nga "xuống dốc không phanh", Mỹ tiếp tục trừng phạt
Ngày 17-12, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga bất chấp việc nền kinh tế Nga đang khủng hoảng. Giới quan sát cảnh báo kinh tế Nga suy thoái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương Tây.
Theo Reuters, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ ký luật mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó Quốc hội Mỹ đã thông qua luật này, tăng cấm vận các ngành vũ khí và dầu khí Nga.
Các biện pháp cấm vận mới chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Nga lún sâu vào khủng hoảng. Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên tới 17%, giá đồng rúp vẫn tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục 1 USD đổi được 80 rúp trong hôm qua.
Rơi vào thế kẹt
Vấn đề là giá dầu thế giới vẫn đang tiếp tục giảm mạnh. Giá dầu giảm gây áp lực khiến giá đồng rúp rơi tự do bởi nền kinh tế Nga quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.
Các chuyên gia kinh tế cho biết với tỉ lệ lãi suất lên tới 17%, nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ suy thoái mạnh. Bởi các doanh nghiệp Nga khó có thể tìm được cơ hội kinh doanh nào đem lại lợi nhuận lớn hơn là gửi tiền vào ngân hàng. Do đó sẽ không có chuyện đầu tư cho các nhà máy và cửa hàng mới.
Nhưng Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải làm như thế bởi giá đồng rúp tiếp tục giảm đồng nghĩa với thảm họa. Các công ty Nga phải trả nợ bằng đồng USD, do đó cần đồng rúp tăng giá so với đồng USD. Các ngân hàng và công ty Nga hiện nợ nước ngoài khoảng 700 tỉ USD và phải trả ít nhất 125 tỉ USD vào cuối năm 2015.
Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Nga đang mắc kẹt trong một vòng xoáy luẩn quẩn, không có lối thoát. Giới chuyên gia cho rằng Nga chỉ thoát nạn nếu giá dầu sớm tăng vọt trở lại lên ngưỡng 95 USD/thùng. Nhưng mọi dự báo đều cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục suy yếu trong cả năm 2015.
Mới đây Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP Nga sẽ giảm gần 5% trong năm 2015. Theo báo Wall Street Journal, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đánh giá trên thực tế hiện nền kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái và sự khó khăn mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.
Phương Tây cũng sẽ khó thở
Trang CNN Money nhận định việc nền kinh tế Nga khủng hoảng thực tế không phải là tin tốt lành gì với phương Tây. Các đối tác kinh tế của Nga hiện đang hết sức lo ngại. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể là nạn nhân lớn nhất. Thương mại song phương Đức - Nga năm 2013 lên tới 95,4 tỉ USD.
Do cấm vận phương Tây, xuất khẩu từ Đức sang Nga đã giảm sút và các công ty Đức phải hạn chế đầu tư vào Nga. Việc kinh tế Nga khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Đức. Tháng trước Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2014 và 2015 một cách đáng kể.
Phần còn lại của châu Âu cũng thiệt hại do Nga nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa từ châu lục này. Hồi tháng 8 Nga đã cấm nhập trái cây, rau, thịt, cá và sữa từ châu Âu. Đây là cú đòn giáng vào các nhà sản xuất châu Âu. Trong năm 2013, châu Âu xuất khẩu khoảng 15 tỉ USD thực phẩm vào Nga.
Các hãng năng lượng phương Tây như BP, Total và Exxon Mobil đều than thở cấm vận Nga ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Một số nhà sản xuất ôtô như Ford (Mỹ), Volkswagen (Đức) và Renault (Pháp) đều cho biết đồng rúp giảm giá khiến doanh số của họ ở Nga sụt giảm đáng kể.
Các nhãn hiệu lớn khác như McDonald’s, Adidas, Carlsberg, Coca-Cola… cũng đều thông báo tình trạng doanh số ở Nga sụt giảm nghiêm trọng.
-------------------------
Mỹ và đồng minh nhấn chìm IS trong mưa bom
Mỹ và đồng minh đã tiến hành 61 cuộc không kích nhằm mục tiêu vào các cứ điểm của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq trong 3 ngày qua, Lực lượng đặc nhiệm phối hợp chung cho biết trong một tuyên bố hôm 17.12.
Liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng tiến hành 6 cuộc không kích chống lại tổ chức khủng bố IS ở Syria, tuyên bố cho hay.
45 cuộc không kích tại Iraq “được thực hiện với sự hỗ trợ của lực lượng Peshmerga (KSF) và lực lượng an ninh Iraq hoạt động ở khu vực này. Qua đó đã tấn công 50 mục tiêu, bao gồm cả các tay súng IS và các vị trí chiến đấu cùng trang thiết bị của chúng.
Các cuộc không kích khác ở Iraq tấn công mục tiêu IS gần Mosul, Sinjar, Arbil, Rawa, Ramadi và Tal Afar, tiêu diệt các mục tiêu khác nhau như các đơn vị chiến đấu, các tòa nhà, hầm hào và các trang thiết bị chiến đấu của chúng, theo Lực lượng đặc nhiệm.
Ở Syria, 5 cuộc không kích tiến hành gần thị trấn biên giới Kobani, và 1 cuộc không kích khác gần Abu Kamal.
-------------------------
IS thảm sát đẫm máu 230 người ở miền đông Syria
Thi thể của hơn 230 người được cho là bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở miền đông Syria.
Dòng sự kiện Cuộc chiến chống IS
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, những người thiệt mạng là thành viên của một bộ lạc có tên Sheitat chiến đấu cho nhóm thánh chiến ở tỉnh Deir al-Zour mùa hè năm nay.
Ngôi mộ tập thể được tìm thấy sau khi bộ lạc này được các thủ lĩnh IS cho phép hồi hương.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết họ đã nhận được một báo cáo về một vụ thảm sát hồi tháng 8 vừa qua.
Theo các nhà điều tra, có thể vụ thảm sát do IS thực hiện trong một cuộc chiến nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu mỏ gần thị trấn Mohassan.
Một người sống sót mô tả “nhìn thấy rất nhiều cái đầu bị treo trên tường trong khi tôi và gia đình bỏ chạy”. Bên cạnh đó, một số người dân địa phương cho biết, họ nhìn thấy một số ngôi mộ tập thể đã được đào lên.
Một video công bố trực tuyến cũng cho thấy, các tay súng IS đã chặt đầu hàng loạt thành viên của bộ lạc Sheitat.
Phát hiện này nâng số người của bộ lạc Sheitat bị sát hại trong mùa năm nay lên 900 người, trong khi hàng trăm người vẫn mất tích.
-------------------------
Báo chí Trung Quốc công nhận tệ nạn công an tra tấn ép cung
Sau vụ tử hình một thanh niên Nội Mông mà 18 năm sau nạn nhân mới được giải oan gây chấn động dư luận, báo chí Trung Quốc buộc phải nhìn nhận tình trạng công an tra tấn ép cung để ngụy tạo bản án.
Do đâu xảy ra nhiều vụ án oan tại Trung Quốc làm người vô tội chết thay cho kẻ phạm tội?, báo chí Trung Quốc đã phải đặt ra câu hỏi này.
Trong một lời thú nhận hiếm thấy trên báo chí Trung Quốc, tờ Daily China - ấn bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, bài xã luận trên số ra hôm qua (16.12) nhìn nhận: Tại Trung Quốc, không hiếm trường hợp chính quyền cấp trên gây sức ép cho công an điều tra và tòa án địa phương giải quyết nhanh chóng một vụ án mạng. Do vậy, cũng không hiếm trường hợp công an dùng biện pháp tra tấn để bắt nghi can khai theo chỉ đạo mà hệ quả là người bị tình nghi bị kết án nặng nề trong khi không có chứng cứ cụ thể, rõ ràng để buộc tội.
Sở dĩ Báo chí Trung Quốc phải nhìn nhận tệ ạn ép cung vì từ hai ngày nay, hơn 300 triệu người đã bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội sau khi một vụ án oan vừa được phơi bày. Cách đây 18 năm, một thanh niên Mông Cổ 18 tuổi bị tử hình vì một vụ giết người và hiếp dâm. Thanh niên này không phải là thủ phạm mà còn trợ giúp nạn nhân và chạy đi kêu cứu.
Bất chấp kêu oan của gia đình, Hugjiltu bị hành quyết vài tuần sau đó. Mãi đến năm 2005, một người Hán tự khai anh ta là thủ phạm thì vụ án mới được xử lại. Hôm 15.12, chánh án địa phương chấp nhận minh oan, xin lỗi cha mẹ nạn nhân và bội thường với số tiền khoảng 5.000 USD.
Daily China nhân dịp này kêu gọi Tòa án tối cao "chỉ đạo" cho tòa án Sơn Đông xét lại trường hợp một tử tù bị hành quyết năm 1995 nhưng sau đó một người khác đã nhận chính ông ta là thủ phạm giết người.
-------------------------