Tổng thống Nga Putin ban hành học thuyết quân sự mới
Tuyên bố từ Điện Kremlin hôm 26-12 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký ban hành học thuyết quân sự mới.
Trong văn kiện dài 29 trang gồm 58 điều mục này, sự mở rộng năng lực quân sự của NATO được liệt vào danh sách những nguy cơ chủ yếu từ bên ngoài đối với an ninh quốc gia. Phiên bản trước đó phê duyệt năm 2010 cũng coi sự mở rộng của NATO là nguy cơ hàng đầu đối với Moscow, song mức độ của nguy cơ này đang tăng lên rõ rệt trong những năm qua.
Học thuyết còn xác định các đe dọa quân sự bên ngoài khác như “việc triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược toàn cầu gây nguy hại tới sự ổn định đã được thiết lập cũng như sự cân bằng quyền lực trong năng lực tên lửa hạt nhân; việc tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm triển khai vũ khí trong không gian cũng như sự triển khai các vũ khí chính xác chiến lược”.
Việc triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với Nga cũng được cho là hành động đe dọa đối với Moscow.
Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh giống như phiên bản trước, học thuyết mới có bản chất phòng thủ, nghĩa là sức mạnh quân sự của Nga được sử dụng khi hoàn toàn không còn các khả năng sử dụng các biện pháp khác.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 26-12 nhận định kinh tế nước này có thể giảm 4% trong năm 2015 khi giá dầu được dự đoán dao động quanh mức 60 USD/thùng và tỉ giá khoảng 51 ruble/USD. Mức thâm hụt ngân sách vào khoảng 3%, theo lời ông Siluanov. Chính phủ Nga dự đoán kinh tế chỉ giảm 0,8% trong năm 2015.
-------------------------
Ý cứu 1.300 người di cư trên Địa Trung Hải
Truyền thông Ý ngày 26-12 cho biết hải quân nước này đã giải cứu ít nhất 1.300 người di cư, trong đó có 1 em bé sơ sinh trên một chiếc tàu đang lênh đênh trên biển.
Theo nguồn tin hải quân Ý, phần lớn người di cư được phát hiện trên những chiếc tàu ngoài khơi bờ biển Sicily, Ý. Một phụ nữ Nigeria đã sinh con trên một trong số các tàu này, trong khi một người đàn ông khác được tìm thấy đã chết.
Trước đó, hải quân Ý cũng đã phát hiện và cứu hơn 1.000 người di cư ngay trước đêm Giáng sinh. Thi thể của 5 người di cư khác cũng được tìm thấy và chuyển tới tàu tuần tra hải quân.
Các quan chức Ý nói sức khỏe của phần đông người di cư được họ cứu nhìn chung là tốt.
Nước này hiện đang vật lộn để đối phó với "làn sóng" người di cư từ châu Phi và Trung Đông đang ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Ý, từ đầu năm đến nay đã có 167.462 người di cư đến Ý bằng đường biển, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 60.000 người.
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết 3.400 người di cư đã thiệt mạng trong năm nay khi cố vượt qua Địa Trung Hải, khiến nơi này trở thành tuyến đường biển nguy hiểm nhất đối với người di cư.
-------------------------
Năm ‘tử thần” 2014: 60 nhà báo thiệt mạng
Theo báo cáo thường niên vừa được Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) công bố, ít nhất 60 nhà báo đã sinh nghề tử nghiệp trên thế giới trong năm 2014.
Trong đó 39% nhà báo mất mạng trong các trận giao tranh hay giữa các làn đạn ở vùng Trung Đông.
Tổng số nhà báo hi sinh trong năm 2014 có giảm so với 70 người hồi năm 2013. Nhưng lượng nhà báo quốc tế hi sinh trong khi tác nghiệp tăng vọt một cách bất thường.
Con số nhà báo thiệt mạng năm nay có thể còn cao hơn nữa do CJP vẫn đang tiếp tục xác minh xem cái chết của 18 nhà báo khác có liên quan tới nghề nghiệp của mình hay không.
Tổ chức Nhà báo không biên giới (RWB) ghi nhận trong năm 2014 có 66 nhà báo sinh nghề tử nghiệp. Kết quả khác nhau là do phương pháp thống kê của mỗi tổ chức và quá trình xác minh những trường hợp còn lại vẫn chưa kết thúc.
Hình ảnh hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff bị phiến quân thánh chiến Hồi giáo của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" (IS) thảm sát hồi tháng 8 và tháng 9-2014 được coi là đại diện cho tình cảnh tang tóc mà giới báo chí thế giới gánh chịu trong năm 2014.
Hai nhà báo trên bị cắt đầu một cách man rợ trong những video clip mà chúng tung lên mạng Internet. Có lẽ họ là những nhà báo ra đi "một cách kinh khủng" nhất.
Nhà báo cuối cùng trong "bản danh sách đen" (Black List) 2014 của CPJ là phóng viên truyền hình Zubair Hatami của Afghanistan qua đời ngày 20-12 sau khi bị thương nặng trong một cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Taliban.
Phóng viên ảnh người Đức làm việc cho Hãng tin Mỹ AP Anja Niedringhaus cũng hy sinh ở Afghanistan do bị một sĩ quan cảnh sát bắn trong khi chị đang đưa tin về cuộc bầu cử ở nước này.
Có 6 nhà báo quốc tế trong số 5 nhà báo và 2 nhân viên truyền thông bị giết trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2001, CPJ ghi nhận có nhà báo sinh nghề tử nghiệp ở nước Đông Âu này.
Có 4 nhà báo và 3 nhân viên truyền thông bị giết chết trong khi đang đưa tin về cuộc chiến ở Dải Gaza, 5 nhà báo khác chết ở Iraq…
Tổng cộng có khoảng 1/4 số nhà báo hy sinh trong năm 2014 là những phóng viên quốc tế đang tác nghiệp ở các điểm nóng nước ngoài.
CPJ lưu ý rằng con số này tăng gấp đôi so với bình thường trước đây.
Cho dù số nhà báo nước ngoài hi sinh tăng "đột biến", nhưng số nhà báo thiệt mạng đông nhất vẫn là những nhà báo địa phương – nghĩa là chết khi đang hành nghề ngay trên đất nước mình.
CPJ nhấn mạnh tới Syria, "quốc gia chết chóc nhất cho báo giới" trong 3 năm liên tiếp. Năm 2014 có 17 nhà báo hi sinh ở đây, đa số là nhà báo sở tại.
Tổng cộng có khoảng 79 nhà báo thiệt mạng ở Syria kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2011.
Theo CPJ, Syria qua mặt Philippines để trở thành "nước tử thần" thứ nhì thế giới cho báo giới kể từ khi tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí quốc tế này bắt đầu thống kê về số nhà báo hy sinh từ năm 1992.
Cho tới nay Iraq vẫn là nơi có nhiều nhà báo sinh nghề tử nghiệp nhất thế giới.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 20 nhà báo, hầu hết là nhà báo địa phương, đang bị bắt làm con tin trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria.
CPJ thừa nhận 3 năm qua là "thời kỳ tử thần" nhất đối với báo chí thế giới.
-------------------------
Chiến dịch không kích IS: tốn 1 tỉ USD, giết 1.200 người
Chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) của liên minh do Mỹ đứng đầu đã tiêu tốn hơn 1 tỉ USD và khiến gần 1.200 người thiệt mạng, hơn 800 người bị thương.
Con số trên do Cơ quan giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh) công bố, hãng tin RT (Nga) ngày 26-12 đăng tải.
Công bố này cũng tiết lộ trong số người chết do không kích trong 3 tháng qua, phần lớn là các tay súng không phải người Syria. Ngoài ra còn có 52 dân thường, trong đó có 8 phụ nữ và 5 trẻ em.
"Chúng tôi tin rằng con số thương vong thật sự của phía IS còn cao hơn, do nhóm này giữ kín thông tin thương vong của mình và cũng do tình trạng bạo lực khiến chúng tôi không thể đến nhiều khu vực để nắm tình hình", SOHR nói.
Theo RT, trong bối cảnh khó xác minh được các con số thương vong do liên minh quốc tế gây ra thì con số của SOHR được xem là đáng tin cậy nhất "trong rừng thông tin sai lệch" từ cả hai phía tham chiến.
Liên quan đến IS, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin Syria ngày 26-12 cho biết ít nhất 40 tay súng IS đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của liên quân xuống tỉnh al-Raqqa, được xem là "thủ đô" trên thực tế của IS tại Syria.
-------------------------