Nhật Bản, quốc gia vốn luôn cảm thấy xa lạ với những vấn đề địa chính trị, vừa trải qua một cú sốc khi hai công dân của nước này bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giết hại.
Quốc đảo này đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong hai thế kỷ nằm dưới sự cai trị của Samurai. Sau đó, sự nổi lên của chủ nghĩa quân phiệt và việc chiếm đóng các nước láng giềng trước khi xảy ra Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã gây ra những hậu quả thảm khốc, khiến Nhật Bản quay trở lại với chủ nghĩa biệt lập. Trong hai thập kỷ qua, Nhật Bản đã nhiều lần muốn vươn ra bên ngoài, và Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang thúc đẩy việc Nhật Bản đóng một vai trò quốc tế lớn hơn khi tìm cách nới lỏng những hạn chế về quân sự được quy định trong Hiến pháp – một động thái gây ra nhiều tranh cãi.
Như những gì Nhật Bản đã học được từ lịch sử, vươn ra thế giới bên ngoài không tránh khỏi sẽ gặp rủi ro. Câu hỏi đặt ra là liệu những rủi ro đó có khiến Nhật Bản lại rút vào vỏ bọc của mình hay không.
Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo về tác động của vụ khủng hoảng con tin do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng thực hiện tới chính sách của chính phủ và tâm lý của xã hội Nhật Bản. Những gì trong quá khứ cho thấy, mặc dù tỏ ra lo ngại, song Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục dần mở rộng vai trò quân sự của mình. Điều này sẽ được thể hiện rõ trong thời gian tới, khi Quốc hội Nhật Bản được cho là sẽ chấp thuận những đề nghị của ông Abe để cho phép Lực lượng Phòng vệ được quyền hành động nhiều hơn.
Lên nắm quyền trong 2 năm qua, ông Abe đã có nhiều chuyến công du nước ngoài hơn những người tiền nhiệm, gặp gỡ hàng chục người đồng cấp ở khu vực Mỹ Latinh, châu Phi, châu Âu và Đông Nam Á. Chuyến đi gần đây nhất của ông là tới Trung Đông, nơi ông cam kết sẽ cung cấp viện trợ phát triển và viện trợ nhân đạo cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS. Nhật Bản đang tìm cách đóng một vai trò quốc tế lớn hơn bằng việc tham gia nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, cho dù Nhật Bản không thể đóng góp quân vì những quy định trong Hiến pháp của nước này.
Trong bài phát biểu tại Cairo ngày 17/1, ông Abe nói: “Nhật Bản sẽ làm tất cả những điều này nhằm giúp ngăn chặn mối đe dọa từ IS. Tôi sẽ cam kết hỗ trợ 200 triệu USD cho những quốc gia đang chiến đấu chống lại IS, nhằm giúp các nước này tăng cường lực lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng…”. Trong đoạn phim đăng tải trên mạng chỉ ba ngày sau đó, IS đã cáo buộc Nhật Bản đóng góp tiền để “giết hại phụ nữ và trẻ em” và đe dọa sẽ giết hai con tin người Nhật Bản mà chúng đang bắt giữ.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối mặt với một cuộc khủng hoảng như vậy. Năm 2004, Nhật Bản đã cử hàng trăm binh lính tới Iraq nhằm hỗ trợ công cuộc tái thiết của quốc gia này. Mặc dù không tham chiến, song hành động triển khai quân ở nước ngoài này đã phá vỡ chính sách trước đây của Nhật Bản. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có một điều luật đặc biệt và mở rộng giới hạn của quyền tự vệ được quy định trong Hiến pháp – hành động bị một số người cho là đã đi quá xa. Ở trong nước, nhiều người phản đối việc triển khai quân tới Iraq.
Những hành động bạo lực đã gây sốc trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, nơi có tỷ lệ sở hữu súng và tỷ lệ giết người thấp nhất thế giới. So với Mỹ và châu Âu, đối với Nhật Bản, những rắc rối của Trung Đông dường như là vấn đề xa vời. Không giống như New York hay Paris, Tokyo chưa từng bị những phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công. “Mainichi”, một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản, bình luận: “Đây là điều bất thường khi Nhật Bản - quốc gia không tham gia các chiến dịch quân sự (chống lại tổ chức IS) – trở thành mục tiêu bị tấn công”. Báo này kết luận: “Chúng ta không còn sống trong thời đại mà chúng ta cảm thấy được an toàn chỉ vì chúng ta là người Nhật”.
Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản tập trung vào phát triển kinh tế và phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ để tránh khỏi những mối đe dọa toàn cầu. Ngày nay, mọi việc vẫn như vậy, tuy nhiên trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã triển khai quân ở nước ngoài một cách rất thận trọng. Và động thái này đã gây ra nhiều rủi ro. Vượt qua sự phản đối của dư luận, năm 1992, Quốc hội Nhật Bản đã cho thông qua một đạo luật cho phép nước này cử binh lính và các lực lượng khác tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Một năm sau, một cảnh sát Nhật đã bị sát hại tại Campuchia. Kể từ đó, cảnh sát Nhật Bản rút khỏi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tuy nhiên quân đội Nhật Bản vẫn tiếp tục tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình khác.
Năm 2004, việc một con tin Nhật Bản bị giết hại tại Iraq đã làm gia tăng sức ép đòi rút quân về nước lên chính phủ, tuy nhiên sứ mệnh này vẫn được tiếp tục tới năm 2006.
Một thập kỷ sau, ông Abe lại nỗ lực thúc đẩy Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Năm ngoái, ông đã tìm cách diễn giải lại Hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản, trong một số tình huống, được triển khai quân đội để bảo vệ các đồng minh bị tấn công. Ông vẫn cần Quốc hội thông qua những thay đổi pháp lý cần thiết để cho phép quân đội được hành động như vậy và thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chắc chắn cuộc tranh luận sẽ còn nóng lên nữa, tuy nhiên đảng của ông Abe hiện đang chiếm đa số ghế trong Quốc hội và ông có thể sẽ thực hiện được mục tiêu của mình.
-----------------------
NATO: Phương Tây phải sẵn sàng cho căng thẳng dài lâu với Nga
Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow khẳng định phương Tây không tìm cách thay đổi chế độ tại Nga song cần phải sẵn sàng cho tình trạng căng thẳng dài lâu dài liên quan đến tình hình Ukraine, nơi đang chìm trong các cuộc xung đột nghiêm trọng
Trong bài phát biểu tại hội thảo chính sách đối ngoại Leangkollen ở thủ đô Oslo của Na Uy ngày 2/2, Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow khẳng định NATO không muốn đối đầu với Nga song sẽ phải chuẩn bị cho tình huống căng thẳng kéo dài.
“Nga mong đợi chúng ta từ bỏ trừng phạt và đưa quan hệ về mức bình thường mà không phải thay đổi cách hành xử của họ. Về cơ bản, đây là điều chúng ta đã làm sau cuộc chiến tại Gruzia năm 2008. Nhưng lần này, khi đã chọn hướng đi chúng ta cần phải kiên định quan điểm", ông Vershbow khẳng định.
Ông Vershbow từng là Đại sứ Mỹ tại Mátxcơva. Ông nhấn mạnh NATO không muốn đối đầu với Nga mà chỉ muốn Mátxcơva thay đổi cách hành xử (trong vấn đề Ukraine) và nối lại tinh thần hợp tác.
Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh báo chí Anh cảnh báo đài BBC đang chuẩn bị dư luận cho một cuộc chiến tranh với Nga thông qua việc liên tục nhắc nhở về sự gây hấn của Mátxcơva tại quốc gia láng giềng Đông Âu.
Nhà báo Oliver Tickell của tờ The Ecologist đã nêu ra quan ngại trên khi khẳng định đã đến lúc nhân dân Anh phải lên tiếng phản đối chính sách tuyên truyền chống Nga nếu không muốn thế giới đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhà báo này lưu ý cụm từ "xâm lược Nga" gần đây thường xuyên được nhắc đến trên BBC. Ví dụ, ngày 30/1, trong chương trình World at One của Radio 4 thuộc BBC, cụm từ này lặp đi lặp lại vô số lần.
Các chuyên gia được mời đến phòng thu nhiệt tình thảo luận về "mối đe dọa của việc máy bay Nga ném bom khu vực La Manche” và khẳng định rằng đã đến lúc NATO "phải đối phó với mối đe dọa này".
Nhà báo Tickell đặt nghi vấn rằng trong World at One cũng như các chương trình khác của BBC, không có sự tham gia của các nhà phân tích tình hình Nga với quan điểm đúng mực. Do đó, các thính giả của BBC sẽ có cái nhìn một chiều về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đang có nhiều diễn biên tăng nhiệt nhanh chóng những ngày qua, đe dọa đẩy quan hệ Nga - Phương Tây tiếp tục diễn biến xấu hơn.
Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết nước này chưa quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine dù Washington đang cân nhắc các phương án hỗ trợ chính quyền Kiev trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai ủng hộ Nga.
-----------------------
Tranh giành phe phái, IS gửi thông tin lẫn lộn cho chính phủ Nhật
Thông tin tình báo cho biết 2 phe phái trong nội bộ nhóm IS đã tranh giành kiểm soát vụ bắt cóc con tin Nhật để đạt được mục đích riêng của mình. Các phe này đã gửi đi những thông tin lộn xộn khiến chính phủ Nhật gặp khó khăn trong việc giải cứu con tin.
Tờ Japan Times dẫn một nguồn tin giấu tên hôm qua 2/2 cho biết, chính phủ Nhật Bản đã thu thập được tin tình báo nước ngoài về một cuộc tranh giành quyền lãnh đạo vụ việc bắt cóc hai con tin Nhật giữa 2 phe phái trong nội bộ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo thông tin này, phe phiến quân IS tại Syria chịu trách nhiệm bắt 2 con tin người Nhật và đăng tải đoạn video dọa giết 2 con tin Haruna Yukawa và Kenji Goto nếu Tokyo không trả 200 triệu USD tiền chuộc vào hôm 20/1.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Tokyo từ chối yêu sách, phe do các phần tử thánh chiến tại Iraq cầm đầu rõ ràng là đã cướp quyền kiểm soát vụ việc của phe Syria. Bởi giọng nói trong video đăng tải hôm 24/1 đột ngột yêu cầu thả Sajida al-Rishawi, nữ chiến binh đánh bom tự sát người Iraq bị giam giữ tại Jordan, đồng thời không đề cập đến tiền chuộc.
Trong đoạn phim thứ 2 vào hôm 24/1 trên, bên cạnh giọng nói đưa yêu sách bằng tiếng Anh, còn có hình ảnh của phóng viên chiến trường Kenji Goto, tay cầm một bức hình được cho là thi thể đã bị chặt đầu của con tin Yukawa.
Japan Times dẫn lời nguồn tin giấu tên cho biết, chất lượng hình ảnh trong video hôm 24/1 kém hơn video đầu tiên. Chất lượng của hình ảnh trong video sau đó, đưa ra điều kiện về việc trao đổi nữ tù nhân Sajida al-Rishawi lấy Goto, cũng kém hơn.
Cuộc cạnh tranh quyền lực chưa dừng lại ở đây, phe Syria đã giành lại quyền kiểm soát sau khi phe Iraq thất bại trong việc trao đổi con tin Nhật lấy một tù nhân với Jordan.
Chính phe Syria đã quay đoạn video xuất hiện tối hôm 31/1, tuyên bố chúng đã hành quyết con tin Goto và đe đọa “cơn ác mộng dành cho Nhật Bản mới chỉ bắt đầu”.
Lần này phe Syria tiếp nối những lời lẽ đổ lỗi cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vì đã viện trợ cho Trung Đông, đặt nước Nhật vào cuộc chiến chống IS. Thông điệp này tương đồng với đoạn video đầu tiên.
Japan Times cũng cho hay truyền thông Arab tuần trước đưa tin phiến quân IS có thể đồng ý trao đổi nhiều nhất 4 con tin, trong đó có nhà báo Goto, với chính quyền Jordan và Nhật Bản. Có khả năng những thông tin này do phe Iraq tự mình đưa ra bởi chúng muốn giải cứu nữ tù nhân Rishawi.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi nhận được nhiều thông tin khác nhau, nhưng không thể xác thực điều gì". Điều này đã tạo nên nhiều khó khăn cho chính phủ Nhật trong công tác đàm phán nhằm giải cứu hai con tin.
Nhóm phiến quân IS hôm 20/1 tung video đầu tiên dọa giết hai con tin Nhật Kenji Goto và Haruna Yukawa nếu Nhật Bản không trả 200 triệu USD tiền chuộc. Các phần tử cực đoan hôm 24/1 đăng tải video cho thấy chúng đã chặt đầu con tin Yukawa, đòi thả nữ tù nhân người Iraq.
Sau đó, nhóm này tung video dọa giết thêm một phi công người Jordan trong tay chúng nếu yêu sách trên không được đáp ứng. Tối hôm 31/1, trên mạng xuất hiện một đoạn phim cho thấy phóng viên Kenji Goto đã bị chặt đầu trong khi vẫn chưa có thông tin về số phận của phi công Jordan.
------------------------
Cuba công bố ảnh Fidel Castro, xóa tan tin đồn
Truyền thông quốc gia Cuba công bố các bức ảnh đầu tiên về lãnh tụ Fidel Castro trong gần sáu tháng qua, nhằm xóa tan tin đồn sức khỏe của ông đang giảm sút.
Các bức ảnh cho thấy, ông Castro (88 tuổi) đang ở nhà cùng vợ (bà Dalia) trong một buổi gặp gỡ với lãnh đạo liên đoàn sinh viên. Những bức ảnh này được đăng tải trên Granma, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Cuba cùng một số phương tiện truyền thông khác.
Bài báo đăng kèm các bức ảnh này cho biết, cuộc gặp diễn ra vào hôm 23/1.
Những hình ảnh trên được công bố vài tuần sau khi có tin đồn liên quan tới tình trạng sức khỏe của vị lãnh tụ cách mạng Cuba.
Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là vào hôm 8/1/2014, khi tham dự buổi khai trương triển lãm nghệ thuật gần nhà.
Những tin đồn về sức khỏe của lãnh tụ Cuba đã xuất hiện kể từ khi ông từ nhiệm năm 2006. Ông Raul Castro đã thay anh trai lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
-------------------------