Đó là thông tin được ông Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho biết tại buổi tọa đàm với các chuyên gia tư pháp Nhật Bản về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự ngày 3/2.
Theo ông Phạm Quý Tỵ, trong số 7 hình phạt được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định thì có 4 hình phạt không tước quyền tự do của công dân là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.
“Sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, nhóm chuyên gia chúng tôi tập trung vào xem xét sửa đổi các điều luật về phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ; thực tiễn vừa qua cho thấy hình phạt trục xuất không có gì vướng lớn nên không sửa đổi”- ông Tỵ nói.
Theo ông Tỵ, hình phạt bằng tiền rất được quan tâm trong lần sửa đổi bộ luật này. “Để tăng hình phạt tiền, chúng tôi có quy định mấy điểm mới so với quy định hiện hành. Cụ thể sẽ mở rộng loại tội được quy định có hình phạt tiền, không chỉ áp dụng với người phạm tội “ít nghiêm trọng” (cao nhất 3 năm tù) mà sẽ mở rộng cả với tội “nghiêm trọng” (cao nhất 7 năm tù). Ngoài ra, để khắc phục tình trạng tòa án tuyên phạt hình phạt tiền nhưng các bị cáo chây ì không nộp khoản tiền này, trong khi quy định chưa thật chặt chẽ về mặt pháp luật, dự thảo lần này sẽ đưa ra quy định trong một thời gian nhất định nào đó mà bị cáo không nộp tiền thì sẽ chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù”- ông Tỵ cho biết.
Mặc dù việc chuyển hình phạt tiền sang hình phạt tù đã được ban soạn thảo tham khảo pháp luật hình sự của một số nước, nhưng theo ông Phạm Quý Tỵ, đây là điểm mới đang tạo ra những luồng ý kiến khác nhau.
“Tòa án tuyên hình phạt tiền, người ta không chấp hành thì chuyển sang tù như trong dự thảo đang thể hiện thế. Nhưng chuyển từ tiền sang phạt tù thì phương thức chuyển thế nào, chúng tôi đang lúng túng chỗ này. Các nước trên thế giới quy định cách chuyển như thế này: Khi phạt tiền họ tính trên ngày công lao động, ngày thu nhập lao động nên khi chuyển từ tiền sang phạt tù thì thi hành được bao nhiêu, còn lại chuyển sang bấy nhiêu ngày tù. Như thế rất tiện. Nhưng ở Việt Nam thì khác bởi tính ngày công lao động ở Việt Nam thì rất khó khăn, kể cả tính theo lương tối thiểu cũng rất khó”- ông Tỵ phân tích.
Ngoài ra, ông Tỵ cho biết quá trình xây dựng dự thảo bộ luật, nhóm chuyên gia và tổ biên tập đã hướng tới việc tăng cường hình phạt cải tạo không giam giữ để hướng tới chính sách giảm hình phạt tù.
“Chúng tôi đã đề xuất mở rộng loại tội được áp dụng. Lần này mở rộng tới tội “rất nghiêm trọng” có mức án tới 15 năm tù. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì tuyên hình phạt tiếp theo là phạt lao động phục vụ tại cộng đồng; đối với người có việc làm thì phải nộp 5-20% thu nhập. Quy định điều này bởi vừa qua có thực tế người bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ mà không có việc làm thì không chịu bất kỳ một tác động nào, nên lần này phải yêu cầu họ lao động tại cộng đồng. Nếu người được tuyên cải tạo không giam giữ mà không chấp hành thì chuyển sang hình phạt tù, với cách tính là 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày ngồi tù. Đây là điều rất mới nhưng rất dễ thực hiện chứ không khó như hình phạt quy đổi bằng tiền phía trên”- ông Tỵ nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Lộc - nguyên thẩm phán TAND Tối cao (thành viên tổ soạn thảo) - cho biết quan điểm tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù phù hợp với những chỉ đạo xuyên suốt về cải cách tư pháp và giảm bớt áp lực cho hệ thống giam giữ hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lộc chia sẻ, điều này cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Ví dụ như một người đã chấp hành xong 1/2 thời gian ngồi tù rồi thì mới được áp dụng quy định ra tù trước thời hạn hay phải thi hành được 1/3 thời gian? Tại sao mấy loại tội về an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, nhân phẩm sức khỏe con người, cướp bóc, sản xuất mua bán trái phép chất ma túy,… không được xét tha tù trước thời hạn?
Ông Lộc cho rằng những điều này cần được thảo luận rất kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Đại diện cơ quan nghiên cứu phía Nhật Bản cho biết nhiều bản án ở nước này cũng nói rõ nếu số tiền không trả được thì sẽ quy đổi bằng bao nhiêu ngày ngồi tù. Ví dụ, nếu hình phạt tiền là 100 triệu Yen, mỗi ngày là 1 triệu Yen, mà người đó không trả được ngày nào thì phải tính ra 100 ngày lao động. Cách tính này do thẩm phán khi xét xử quyết định.
“Nếu quy định tỷ lệ tiền tương ứng với số tiền cố định trong luật thì luật sẽ dễ phải thay đổi thường xuyên. Ở Nhật Bản có những hình phạt tiền rất lớn, ví dụ như có những hình phạt lên tới 500 triệu Yen. Đây là hình phạt tòa án áp dụng đối với tội vi phạm về chống độc quyền, vi phạm về gian lận chứng khoán, thu lợi trái phép. Ở Nhật Bản tội thu lời bất chính là một tội phạm nghiêm trọng và nếu nghiêm trọng thì mức tiền phạt là rất lớn. Rất ít vụ án chỉ có hình phạt là phạt tiền, mà thường thường thì hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù. Phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung về mặt kinh tế. Vấn đề băn khoăn là có chuyển phạt tiền sang hình phạt tù hay không? Thẩm phán ra bản án bao giờ cũng nói rõ là nếu không trả khoản tiền đó thì sẽ có quy định rõ bao nhiêu tiền tương ứng một ngày tù. Như vậy các quy định này có tác dụng ở chỗ người đó không trả được tiền thì được đưa vào tù bằng vai trò của kiểm sát viên”- vị này cho biết.
----------------------------
Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng lậu dịp cuối năm
Ngày 3/2, lực lượng chức năng tại huyện Hướng Hóa vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn hàng nhập lậu, trị giá hàng trăm triệu đồng do một đối tượng cất giấu trong nhà.
Trước đó, vào khoảng 9h30, qua công tác trinh sát, Đội cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Hướng Hóa đã phát hiện một lượng lớn hàng hóa nhập lậu tại nhà ông Võ Văn Phong (trú tại thôn Long Hợp, xã Tân Long).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 350 gói thuốc lá ngoại các loại; 360 lon nước giải khát hiệu Redbull, 1.500 lon sữa Ensure. Ước tính giá trị số hàng hóa này khoảng trên 150 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phong không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến lô hàng. Ông Phong khai nhận, số hàng hóa trên được một số đối tượng (chưa xác định danh tính) mua từ Lào về Việt Nam, rồi cất giấu tại nhà ông để chờ vận chuyển về TP Đông Hà tiêu thụ.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Hướng Hóa tiếp tục điều tra làm rõ.
Như vậy, trong thời gian chưa đầy 1 tháng, Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Hướng Hóa đã phát hiện 5 vụ buôn lậu với trị giá trên 600 triệu đồng.
Liên quan đến công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng lậu dịp cuối năm, lực lượng Hải quan tỉnh Quảng Trị, cho biết, trong thời gian từ 16/12/2014 đến giữa tháng 1/2015, Hải quan Quảng Trị đã phát hiện 59 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá hàng hóa khoảng gần 700 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là mua bán, cất giấu, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không có chứng từ hợp lệ.
Các mặt hàng trọng điểm được các đối tượng nhập lậu vào nội địa để bán kiếm lời gồm: thuốc lá ngoại, sữa Ensure, nước giải khát hiệu Redbull, bia ngoại, rượu, đồ điện tử, đường do Thái Lan sản xuất và các mặt hàng lâm sản…
Trước thực trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, các lực lượng chống buôn lậu cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên tuyến QL9.
So với dịp Tết năm 2013, tình hình buôn lậu có chiều hướng “hạ nhiệt” và giảm đáng kể về số vụ. Song các lực lượng buôn lậu luôn có nhiều “mánh khóe”, thủ đoạn khác nhau, khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
--------------------
19 xe gỗ quá tải bị bắt, hơn 10 tài xế bỏ trốn
19 xe chở gỗ quá tải lưu hành từ địa bàn Hà Tĩnh qua cầu Bến Thủy 2 thì bị lực lượng Thanh tra Sở GTVT Nghệ An mật phục bắt giữ. Tuy nhiên hầu hết các tài xế đều bỏ trốn, nhiều đối tượng còn buông lời nhục mạ đoàn thanh tra làm nhiệm vụ.
Trưa 3/2/2015, ông Phan Huy Chương - Phó Thanh tra Sở GTVT Nghệ An - cho PV Dân trí biết, vụ việc được phát hiện nhờ vào tin báo của quần chúng nhân dân từ sáng sớm nay. Theo đó, một đoàn xe chở gỗ quá tải lưu thông từ địa bàn tỉnh Hà Tĩnh qua Nghệ An để đổ gỗ. Khi qua cầu Bến Thủy 2, mặc dù nhân viên trạm thu vé tại đây phát hiện loạt xe quá tải nhưng không đủ thẩm quyền nên vẫn bán vé để đoàn xe đi qua.
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, khoảng 8h sáng (3/2) Thanh tra Sở GTVT Nghệ An đã có mặt đúng lúc đoàn xe về đến chỗ tập kết gỗ trên đường tránh Vinh. Qua kiểm tra sơ bộ, hầu hết các lái xe đã bỏ trốn, nhiều người còn chống đối, lăng mạ lực lượng chức năng là nhiệm vụ.
Sau hơn một buổi làm việc của đoàn Thanh tra nhưng không có kết quả, đích thân ông Hoàng Phú Hiền - PGĐ Sở GTVT Nghệ An cũng có mặt để chỉ đạo nhưng đã gặp phải sự ngăn cản của nhóm tài xế cùng một số người ở Công ty cổ phần container Nghệ An.
Trong số 19 xe container chở gỗ có 3 xe đậu trước Công ty cổ phần container Nghệ An. Cách đó 10m tại bãi đỗ bên cạnh có 16 xe khác đang tiến hành bốc dỡ. Qua kiểm tra 3 xe ban đầu phát hiện 3 xe này chở quá tải cầu đường 104%.
Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết: “Hầu hết các tài xế đã bỏ trốn, không hợp tác, thậm chí có một số người tại đây còn chửi bới tôi. Hiện tại đoàn thanh tra phát hiện có hai chiếc máy cẩu đã hết hạn kiểm định".
Ông Chương cho biết thêm: "19 xe chở gỗ quá tải này hiện chúng tôi đang làm việc với trạm cân tại cầu Bến Thủy 2 để xác định thêm quá tải bao nhiêu %; Đoàn xe này chạy từ 1-2h sáng từ địa bàn Hà Tĩnh sang nên khó khăn trong việc bắt giữ mà mãi tới sáng chúng tôi mới tiếp cận được thì hầu hết các xe đã cho vào bãi rồi đóng kín cổng tiến hành cẩu gỗ xuống. Trong đó có cả xe mang biển số Lào, xe mang biển số Hà Tĩnh và Nghệ An".
-------------------------